Hai mươi năm sau.

 

Vào một ngày xuân nắng ấm, trên một đồi cỏ cạnh biển hồ Ti-bê-ri-a-đê, có một đám đông gồm nhiều đàn ông đàn bà và trẻ con đang chăm chú nghe một vị ngôn sứ thuyết giảng. Danh xưng “ngôn sứ” được đám đông gán cho vị thuyết giảng sau khi đã nghe từ miệng ngài những lời dạy dỗ vừa mới mẻ vừa thiết thực mặc dầu, như ngài khẳng định, giáo lý của ngài không có gì ngược lại với luật Mô-sê hay các sách tiên tri. Họ cũng đã chứng kiến những việc lạ lùng do ngài thực hiện, không phải để tìm vinh quang cho bản thân ngài, nhưng là để phục vụ quần chúng và phục vụ những người đau khổ, như việc ngài đã hóa năm chiếc bánh và hai con cá thành lương thực nuôi nhiều người ăn no, hoặc như việc ngài đặt tay chữa lành những bệnh nhân, làm cho người mù thấy được, người điếc nghe được, người câm nói được, người phong cùi được sạch, thậm chí người chết được sống lại.

Nhưng trong đám đông cũng có những kẻ nhìn con người đang được dân chúng ngưỡng mộ như một vị ngôn sứ kia với cặp mắt không thiện cảm, thậm chí thù nghịch. Họ thuộc nhóm người được mệnh danh là “biệt phái”, hoặc nhóm tư tế hay kinh sư. Họ nói với nhau:

– Có ai biết tên người này và hắn từ đâu đến không?

Mấy người từ miền Bắc xuống tỏ ra am tường về lai lịch của vị ngôn sứ, trả lời:

– Hắn tên là Giê-su và nghe đâu là con một bác thợ mộc ở Na-da-rét, tên là Giu-se hay Giu-đa gì đó.

Bỗng có một cụ già khoảng ngoài bảy mươi, cũng thuộc nhóm kinh sư, lên tiếng hỏi:

– Có thật hắn là người Ga-li-lê ở Na-da-rét không?

Ai đó trả lời:

– Tôi cam đoan là như thế. Nghe giọng hắn nói thì biết là người xứ Ga-li-lê rồi. Còn cha mẹ hắn thì đúng là bà Ma-ri-a và ông Giu-se, Giu-se chứ không phải là Giu-đa.

Có người vừa cười vừa hỏi lại:

– Sao bác biết rõ thế? Đã điều tra về lý lịch của hắn rồi sao?

Người kia đáp lại:

– Chẳng có điều tra (“tra” theo tiếng miền Trung có nghĩa là “già”) điều trẻ gì đâu. Thấy hắn có những lời nói và có những hành động kỳ quặc, tôi đã hỏi mấy người đi theo hắn nên biết vậy thôi.

Cụ già đã lên tiếng lúc nãy lại nói:

– Vậy là đúng rồi.

– Thưa cụ đúng gì ạ?

Trầm ngâm một lát khiến ai nấy thêm sốt ruột, cụ già mới chậm rãi trả lời:

– Cách đây khá lâu, dễ chừng đến vài chục năm...

Cụ già vừa nói đến đó bỗng đám đông la to làm cụ không tiếp tục được. Mọi người sợ hãi hỏi nhau:

– Ngài là ai mà đến quỷ cũng phải vâng lời như vậy? Chúng ta chưa hề thấy chuyện lạ như thế bao giờ!

Số là vị ngôn sứ vừa chữa một người câm bị quỷ ám. Quỷ bị trục xuất và người câm nói được. (Mt. 10, 32-33)

Nhóm người thù nghịch với vị ngôn sứ thì nhìn nhau phân vân. Sau cùng một người trong bọn họ vừa xua tay vừa nói:

– Có gì đâu mà cuống lên thế chứ! Ông ta cậy thế của tướng quỷ Bê-en-dê-bun để trừ lũ quỷ con đấy thôi!

Sau khi trật tự bị xáo động do phép lạ của vị ngôn sứ được ổn định lại, có người nào đó yêu cầu cụ già bị ngắt lời trên đây tiếp tục câu chuyện cụ đã bắt đầu. Cụ lưỡng lự một lát rồi nói:

– Vâng, cách đây khoảng vài chục năm, lúc ấy vào dịp lễ Vượt Qua, có một bé trai đã thật sự làm chúng tôi ngạc nhiên. Khi được hỏi, thằng bé đã khai tên mình là Giê-su, tên cha mẹ là Giu-se và Ma-ri-a, nhà ở thành Na-da-rét, xứ Ga-li-lê. Điều làm chúng tôi thật sự kinh ngạc là nó đã tỏ ra rất thông minh, trong cách đối đáp với chúng tôi lúc đó. Chẳng lẽ người có tên là Giê-su này chính là thằng bé hồi đó?

Mọi người im lặng chờ cụ già kể tiếp. Nhưng thấy cụ trầm ngâm suy nghĩ, một người trong nhóm biệt phái lên tiếng:

– Nếu đúng vậy thì đã sao? Từ Na-da-rét xứ Ga-li-lê thì đời nào có cái gì hay? (Gioan 1, 46)  Và nếu hắn lại là con của một lão thợ mộc thì càng chẳng nên để ý làm gì!

Nghe vậy bọn họ ai nấy cũng gật đầu tỏ ý đồng tình. Riêng cụ già thì xem ra không cùng suy nghĩ như họ. Cụ tự động tách rời khỏi đám đông và lẳng lặng bỏ đi.

***

Dân chúng đến với thầy Giê-su càng ngày càng đông. Họ đã coi ngài như một bậc thầy, say sưa nghe ngài giảng dạy, đến cả quên ăn uống nghỉ ngơi.

Một hôm khi ngài đang nói về mối nguy hiểm của việc tỏ ra thân thiện với ma quỷ, thì có người tới gần báo cho ngài biết mẹ và anh em ngài muốn gặp ngài. Ngài liền nói một điều khiến ai nấy vừa sửng sốt vừa cảm động:

– Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?

Rồi giơ tay chỉ vào các môn đệ, ngài nói tiếp:

– Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi...” (xem Mt. 12, 43-50)

Nhưng cũng có người thắc mắc vì không thấy nói đến cha của ngài trong nhóm những người tự xưng là mẹ và anh em ngài.

Ông Xi-mong, người anh kết nghĩa của gia đình Na-da-rét, cũng có mặt trong đám đông theo thầy Giê-su. Khi nghe mấy người đứng gần thắc mắc về người cha của vị ngôn sứ của họ, ông lên tiếng giải thích:

– Ông ấy đã chết cách đây mấy năm. Nếu còn sống thì nay ông ấy cũng đã gần sáu mươi rồi.

– Bác biết rõ về gia đình thầy Giê-su vậy sao?

Ông Xi-mong nhìn quanh như tìm xem người vừa nêu câu hỏi là ai rồi trả lời:

– Vâng, tôi với gia đình ngài là chỗ quen biết từ khi ông Giu-se và bà Ma-ri-a chưa thành vợ chồng.

Nhiều câu hỏi lập tức được nêu lên vì hầu như ai cũng muốn biết nhiều về thầy Giê-su. Một bà cụ đến gần nắm lấy cánh tay ông Xi-mong và hỏi:

– Anh hãy kể cho chúng tôi về ngài đi.

Ông Xi-mong cười:

– Bà ơi, bà có sức mà nghe cháu kể không đây? Chuyện dài lắm.

– Dài mấy tôi cũng nghe được.

***

Theo lời của ông Xi-mong, thì cha của thầy Giê-su đã ra đi một cách êm ái trước sự chứng kiến của vợ con và của chính ông ta. Ngài ra đi mà không ai biết lý do vì sao. Ông Xi-mong kể:

– Hôm ấy hai cha con vừa giao một món hàng khá đặc biệt: năm cây thập giá do vị chỉ huy đồn lính La-mã ở Ga-li-lê đặt làm. Lúc đầu ông Giu-se nhất quyết không chịu làm vì năm tội nhân sắp bị đóng vào những cây thập giá đó là người Do-thái. Bản thân tôi cũng đồng tình với ông ta. Nhưng Giê-su thì khuyên cha cứ làm. Anh ta không giải thích lý do, chỉ nói là việc phải làm thì không thể không làm. Và có lẽ chính anh ta là người đã làm hầu hết công việc trong khi người cha thì như có cái gì đó làm cho ông đau khổ khiến ông tỏ ra không nhiệt tình trong công việc cho lắm. Sau khi xong việc, viên quan cho xe tới nhận hàng, chính Giê-su vác từng cây thập giá từ nhà ra đặt lên xe. Lúc ấy tình cờ đi qua, thấy cha con Giu-se đang giao hàng, tôi liền ghé vào nhà, định hỏi thăm, thì một cảnh tượng kỳ lạ hiện ra trước mắt tôi và tôi nghĩ rằng suốt đời tôi, tôi không thể nào quên được điều mình thấy lúc đó...

Ai nấy như đang nín thở để chờ nghe tiếp câu chuyện của ông Xi-mong. Và có người để ý thấy như có hai giọt nước mắt đang lăn trên má của ông. Ngừng một lát như thể để khỏi bật khóc, rồi ông kể tiếp:

– Tôi thấy mái tóc của ông Giu-se mới đây còn nhiều mảng đen thì lúc đó gần như bạc trắng hoàn toàn. Ông đưa mắt dõi theo Giê-su đang vác các cây thập giá từ xưởng mộc của gia đình ra đặt lên xe của người đặt hàng, và nước mắt thì hai hàng tuôn ra từ đôi mắt đờ đẫn của ông. Tôi không dám tới hỏi thăm ông như dự định và đã lánh vào bên trong nhà. Mà lúc ấy, đắm chìm trong một nỗi đau nào đó, chắc ông ta chẳng còn chú ý đến sự hiện diện của tôi. Sau khi giao hàng xong, Giê-su đến gần định nói gì đó với cha thì giật mình nhận thấy sự thay đổi nơi cha mình. Không dám hỏi, anh ta tới bên cha rồi dìu ông vào trong nhà. Ông Giu-se bước đi như người mất hồn. Giê-su đặt ông nằm lên giường rồi xuống bếp gọi mẹ. Thấy vẻ lo lắng của con, Ma-ri-a vội vàng chạy lên. Bà không tỏ vẻ gì ngạc nhiên khi thấy tôi có mặt ở đó. Bà đến bên giường, cầm lấy bàn tay của Giu-se. Tôi thấy hai người lặng lẽ nhìn nhau, và hình như họ đã có một sự cảm thông sâu xa nên chỉ nhìn nhau mà không nói một lời nào. Cả Giê-su đứng phía bên kia giường cũng im lặng nhìn cha. Chỉ có tôi muốn nói một cái gì đó để từ giã người mà tôi đã coi như người thân thiết với mình từ mấy chục năm qua, nhưng tôi không dám phá tan sự im lặng thiêng liêng lúc đó. Và rồi con người thánh thiện đó, con người suốt đời chỉ biết trung thành phụng sự Gia-vê Thiên Chúa, chỉ biết tận tụy phục vụ vợ con trong yêu thương, con người đã sống chan hòa thân ái với mọi người, con người khiêm tốn và hiền hòa nhất thiên hạ, con người đó từ từ rời khỏi thế giới của người sống, và tôi có cảm tưởng như ông ta đang vẫy tay chào tạm biệt vợ con để bắt đầu cuộc hành trình vào cõi bất diệt...

HẾT

 

 


Mục Lục: Người Thợ Mộc Thành Na-Da-Rét
Trở Về Trang Nhà