Kỳ 5

Người thợ mộc thành Na-da-rét

 

Ma-ri-a đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Cảnh trời hôm nay thật đẹp, nét đẹp dịu dàng và ấm áp của những ngày cuối thu. Trong nắng chiều sắp tắt, bầu trời nhuộm một màu vàng dịu mát. Ma-ri-a vừa nhồi bột, vừa mơ màng nghĩ đến niềm vui sắp được làm mẹ. Bất giác nàng mỉm cười vì nàng vừa cảm thấy có một cử động nhẹ trong bụng như thể đứa con nàng đang mang cũng muốn chia xẻ niềm vui của mẹ mình.

 

Nhưng nụ cười chưa kịp tắt thì Ma-ri-a đã nhớ ngay đến những biến cố lạ lùng mà nàng đã sống trong thời gian qua, từ cuộc gặp gỡ với vị thiên sứ đến sự ra đời của người cháu họ, cả hai biến cố đều nói lên sự can thiệp của Gia-vê Thiên Chúa vào lịch sử loài người. Với lòng khiêm nhường thẳm sâu và lòng vâng phục triệt để, Ma-ri-a tin vững vàng vào những gì nàng đã nghe và đã thấy, vào lời của thiên sứ và vào tiếng nói từ đáy lòng tràn ngập tình yêu của nàng. Nàng cũng sẽ không bao giờ quên hai tiếng “Xin vâng” mà nàng đã thưa với sứ thần. Nhưng làm sao nàng không liên kết sứ mạng cao cả nàng đã được giao phó với hoàn cảnh tầm thường, nghèo nàn của gia đình nàng. Dầu Giu-se có khéo tay đến đâu cũng không thể biến căn nhà nhỏ bé của họ thành một cung điện huy hoàng để đón tiếp vị cứu tinh của dân tộc được. Và nếu Gia-vê Thiên Chúa đã chọn họ, những con người hấp bé yếu đuối, để thực hiện chương trình của Người thì rõ ràng là Người không muốn biểu dương uy lực như xưa kia Người đã làm khi đưa dân Người ra khỏi Ai-cập.

 

Ma-ri-a cũng nhớ như in bài ca chúc tụng mà nàng đã ứng khẩu cất lên tại nhà ông bà Da-ca-ri-a hai tháng trước. Nàng tự hỏi không biết nàng có tỏ ra kiêu ngạo quá không khi nói rằng muôn đời sẽ khen nàng diễm phúc! Nàng cũng đã nói rằng cánh tay Chúa biểu dương uy lực, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Hóa ra nàng vẫn mang trong lòng ý nghĩ về một Thiên Chúa uy hùng khi xuất trận, một Thiên Chúa đầy quyền năng có thể giáng sấm sét xuống đầu những kẻ thù của dân Người. Không, đó là những ý nghĩ mà Xi-mong đã gieo vào đầu nàng chứ không phải của chính nàng. Đúng vậy, gần hai tháng trước đó, một hôm Xi-mong đến nhà nàng và yêu cầu nàng giải thích về chuyến đi Ain-Karim của nàng. Ma-ri-a hiểu rằng đó chỉ là cái cớ, còn điều mà Xi-mong muốn nàng giải thích hình như là những gì anh đã nghe được từ Giu-se. Anh đã úp úp mở mở nói về một sự giải thoát nào đó mà Gia-vê Thiên Chúa sắp thực hiện cho dân Người. Anh nói rằng anh đã đọc lại sách ngôn sứ Mi-kha và anh nghĩ rằng thời gian chờ đợi đã mãn và ngày Thiên Chúa viếng thăm dân Người sắp đến. Anh có biết đâu rằng, trước khi anh đến nhà nàng, thì Giu-se đã đến trước một ngày và đôi vợ chồng trẻ trong khi bàn tính việc đón dâu, cũng đã trao đổi với nhau về sứ mạng quan trọng mà Gia-vê Thiên Chúa đã giao phó cho hai người. Họ cũng đã chia xẻ cho nhau nỗi thắc mắc về điều Thiên Chúa yêu cầu nơi họ nhưng cả hai đã cam kết sẽ một lòng vâng phục lệnh truyền của Thiên Chúa dầu chưa hiểu hết ý định của Người.

 

Xi-mong đã tranh luận lâu giờ với Ma-ri-a về một Gia-vê Thiên Chúa đầy quyền phép mà các tổ phụ của họ đã từng biết và đã truyền lại cho các thế hệ con cháu. Đối với anh, nếu Đấng giải thoát đến, vị Cứu tinh mà dân tộc Israel đã và đang mong đợi, thì Người sẽ đến trong mây mù sấm chớp để tiêu diệt bọn đế quốc Rô-ma tàn ác. Thật ra chính Xi-mong là người đã nói nhiều, còn Ma-ri-a thì chỉ biết lắng nghe, một đàng vì nàng thấy khó mà đối chất được với một người đầy lý sự như Xi-mong, đàng khác nàng chỉ muốn yên lặng suy ngắm trong lòng. Thấy vậy, Xi-mong tỏ ra đắc thắng và trước khi chia tay, anh còn dặn Ma-ri-a cố gắng thuyết phục Giu-se để lôi chàng trở về với thực tại...

 

Những suy nghĩ và hồi ức dồn dập tấn công lòng trí Ma-ri-a khiến nàng quên mất thời gian đã trôi mau mà bữa cơm chiều thì chưa sẵn sàng. Nàng vội vàng đổ dầu vào chảo để chiên bánh, trong khi tai nàng hướng về những tiếng động đã trở nên quen thuộc vọng vào từ xưởng mộc của chồng...

 

Ma-ri-a đã được rước về nhà Giu-se gần hai tháng trước đó. Sau hơn một tuần lễ sống trong khắc khoải nhưng đầy lòng cậy trông, Ma-ri-a vui mừng khi thấy Giu-se đến gặp bố mẹ để bàn về chuyện đón dâu. Như những người luôn đặt niềm tin cậy nơi Chúa, ông bà Gioa-kim thản nhiên đón tiếp chàng rể trẻ và nghe chàng phấn khởi trao đổi với họ về những lễ nghi cần phải thực hiện theo truyền thống dân tộc, cũng như gần mười ngày trước đó họ đã thản nhiên nhìn chàng vừa buồn rầu vừa tức giận rời nhà họ khi khám phá ra Ma-ri-a đã có thai. Trong tinh thần phó thác, hai ông bà đã nhận gả con gái cho người thợ mộc nghèo nhưng họ xét thấy rất đạo đức và có tinh thần trách nhiệm; do đó họ đã không đòi hỏi gì ngoài những cái mà truyền thống buộc phải có. Nay cũng thế, hai ông bà chỉ yêu cầu Giu-se đón vợ về nhà trong một nghi lễ thật đơn sơ. Một bữa tiệc nhẹ tại nhà gái vào lúc sẩm tối, sau đó cô dâu được nhà trai rước đi, có một ít bà con tiễn đưa. Đến nơi, sau nghi thức tôn giáo, sẽ là bữa tiệc chính thức với sự hiện diện của họ hàng chú rể và bạn bè thân quen. Nhưng vì Giu-se chẳng có ai là bà con họ hàng tại Na-da-rét, mà có gửi thiệp mời về Bê-lem, quê quán của chàng, thì cũng chẳng còn ai là ruột thịt thân tình, nên những khách dự tiệc hôm đó, ngoài những người bên họ nhà gái, có gia đình Xi-mong hiện diện gần như đầy đủ; và, thật không ngờ, ba anh em nhà Pê- rét cũng nhận lời mời của Giu-se đến dự tiệc rất vui vẻ và thân mật, chẳng những thế, theo đề nghị của Xi-mong, họ còn nhận làm phù rể và cầm đèn trong đám rước từ nhà ông bà Gioa-kim về đến nhà Giu-se. Ông trưởng hội đường cùng những người hàng xóm, những khách hàng quan trọng của Giu-se cũng được mời đến dự tiệc. Xi-mong là người đã đứng ra lo liệu mọi sự cho Giu-se như một người anh lo cho em trai mình. Anh đã tính toán rất chi li để giảm thiểu mọi chi phí. Do đó, niềm vui của đôi vợ chồng trẻ vẫn trọn vẹn vì tuy mọi sự đã diễn ra tốt đẹp, được mọi người tán thưởng nhưng họ đã không phải mang một khoản nợ nào sau hôn lễ...

 

Một tiếng động nhẹ sau lưng làm đứt quãng dòng suy nghĩ của Ma-ri-a. Nàng quay lại và thấy Giu-se đang đứng nhìn nàng. Nàng không biết Giu-se đã đứng đó tự bao giờ nên cảm thấy có lỗi vì nghĩ rằng nàng đã bị chàng bắt gặp đang mơ mộng lúc làm việc.

 

– Anh xong việc lâu chưa? Nàng hỏi như để chữa thẹn.

– Mới đây thôi, có mấy cái lặt vặt ráng làm cho xong để mai người ta tới lấy.

– Chắc anh đói lắm rồi! Lên nhà chờ em một lát là có ăn ngay.

     Không có gì phải vội, cứ từ từ cũng được.

 

Giu-se chưa biết phải xưng hô với Ma-ri-a như thế nào cho đúng; do đó từ ngày sống chung với nhau đến nay đã gần hai tháng mà mỗi lần nói chuyện với vợ, chàng chỉ nói trống như thế. Thấy Ma-ri-a tự nhiên gọi chàng bằng anh và xưng mình bằng em, Giu-se càng cảm thấy bối rối. Chàng cho rằng với vai trò và vị trí mà chàng được Gia-vê Thiên Chúa giao phó và đặt để, cách hay nhất là gọi vợ bằng mình và tự xưng là tôi, nhưng chàng lại sợ Ma-ri-a buồn vì cách xưng hô đó có vẻ quá nghiêm trang và già quá so với tuổi đời của hai người. Thế là chàng cứ tiếp tục dùng những câu không có chủ vị khiến Ma-ri-a nhiều khi không nhịn cười được...

 

Buổi chiều qua đi thật nhanh, chẳng mấy chốc bóng tối đã bao phủ căn nhà bé nhỏ nhưng đầy ắp hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ.

 

 


Mục Lục: Người Thợ Mộc Thành Na-Da-Rét
Trở Về Trang Nhà