Kỳ 6

Người thợ mộc thành Na-da-rét

 

 

“Linh hồn con ngợi khen Chúa,
Thần trí con hớn hở vui mừng
Vì Chúa là Đấng cứu chuộc con.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Chúa đoái thương nhìn tới,
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen con diễm phúc...”

 

Ma-ri-a đang cầu nguyện một mình trong phòng riêng. Nàng lập lại những lời nàng đã xuất thần thốt lên tại nhà bà chị họ Ê-li-da-bét cách đây gần chín tháng. Nhưng lần này, nàng nói trực tiếp với Gia-vê Thiên Chúa. Càng gần đến ngày sinh, khi những cử động dồn dập của thai nhi trong bụng làm cho nàng ngây ngất hạnh phúc, Ma-ri-a dành nhiều thì giờ hơn để cầu nguyện. Giu-se vắng nhà. Lợi dụng lúc rảnh rỗi vì chàng đã hoàn tất các đơn đặt hàng và không nhận thêm công việc nào khác khi thấy Ma-ri- a sắp đến ngày sinh, Giu-se đã ra chợ mua sắm những vật dụng cần thiết cho sự ra đời của hài nhi.

 

Lúc ấy vào khoảng xế chiều. Ma-ri-a mải mê cầu nguyện không nghe tiếng gọi cửa của Xi- mong. Biết rằng có người trong nhà, anh tự mở cổng và đến gõ cửa nhà trên. Anh ngạc nhiên vì không nghe tiếng trả lời. Sau khi gõ thêm một lần nữa mà cũng chẳng có kết quả gì, anh liền ngồi xuống bậc thềm chờ đợi vì anh cũng đã quen với tính khí hơi khác thường của đôi vợ chồng trẻ. Quả như anh nghĩ, ngồi chưa bao lâu anh đã nghe tiếng người đi trong nhà và lát sau Ma-ri-a mở cửa. Xi-mong không tỏ ra khó chịu khi thấy Ma-ri-a chào anh và mời anh vào nhà mà chẳng có vẻ gì ngạc nhiên cũng chẳng nói lời xin lỗi vì sự chậm trễ của mình. Cũng như Giu-se, nàng coi Xi-mong như một người thân của gia đình và sự xuất hiện dầu đột ngột của anh luôn được coi như một điều tự nhiên, không gây thắc mắc. Xi-mong lên tiếng trước:

– Cô ở nhà có một mình thôi sao? Chú ấy đâu?

Ma-ri-a vừa đặt chén nước trước mặt Xi-mong vừa trả lời:

– Dạ, anh ấy đi chợ sắm ít đồ cho cháu bé sắp ra đời.

Như chợt nhớ ra điều gì, Xi-mong nhìn thẳng Ma-ri-a và hỏi:

– Còn bao lâu nữa?

– Khoảng mươi ngày.

– Ồ, có vậy thôi sao?

– Vâng, nhưng sao ạ?

Xi-mong làm như không nghe Ma-ri-a hỏi; anh chỉ cái ghế bên kia bàn, bảo nàng ngồi xuống và nói:

– Lẽ ra tôi phải đợi chú ấy về rồi mới nói chuyện này. Nhưng tôi có việc cần làm nên không đợi được. Vả lại vì không thể chần chờ nên cô hãy ngồi xuống nghe tôi nói đây.

Ma-ri-a ngồi xuống ghế và chăm chú nhìn Xi-mong. Nàng chờ đợi xem anh có sẽ nói với nàng điều mà nàng thoáng nghĩ đến trong đầu không.

– Mấy hôm nay cô có đi chợ không?

– Dạ có.

– Vậy chắc cô có nghe người ta xì xào chuyện gì rồi?

– Dạ không.

– Cái cô này hay thiệt!

Ma-ri-a cười to làm Xi-mong cũng bật cười theo. Nhưng anh vội nghiêm sắc mặt trở lại và nói:

– Có thật là cô không nghe người ta xầm xì chuyện gì không? Cô nên tập biết nghe ngóng một chút chứ cứ vô tư mãi như chú ấy thì không được đâu.

Ma-ri-a đón nhận lời trách móc của Xi-mong một cách lễ phép như đứa em gái ngoan nghe anh trai la rầy. Xi-mong nói tiếp:

– Như vậy là chắc chú ấy cũng chẳng hay biết chuyện gì sắp xảy đến cho gia đình.

Ma-ri-a chăm chú lắng nghe, mắt vẫn không rời khỏi khuôn mặt nghiêm nghị của Xi-mong. Có một chút gì đó ngây thơ trong cái nhìn của nàng khiến Xi-mong cảm thấy thương hại.

– Cô nghe đây. Hoàng đế Xê-da-rê Au-gút-tô đã ra chiếu chỉ truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ, nghĩa là trong dân tộc ta. Điều ác độc là ai nấy phải về nguyên quán của mình mà khai tên tuổi. Chú ấy là người Bê-lem thì phải về đó để người ta kiểm tra. Tất nhiên là cô cũng phải đi theo vì là vợ chú ấy. Mà phải đi gấp không thì trễ hạn. Cô liệu có đi nổi không?

Thoạt nghe Xi-mong nói, Ma-ri-a thấy là nàng đã đoán đúng vì trong buổi chợ sáng, nàng đã nghe mấy người đàn ông to tiếng chửi rủa cái chiếu chỉ mà Xi-mong vừa nói tới. Nàng đã tính trao đổi với Giu-se trong bữa ăn trưa về chuyện đó nhưng khi nghe chàng bảo sẽ đi chợ vào buổi chiều, nàng nghĩ thế nào chàng cũng sẽ được biết hết mọi chuyện nên nàng thôi không đề cập đến nữa.

– Này tôi hỏi vậy cô không nghe sao mà chẳng trả lời?

Ma-ri-a giật mình vì quả thật nàng không biết Xi-mong vừa hỏi điều gì. Nàng nhớ lại cảnh tượng nàng đã chứng kiến buổi sáng và tâm trí nàng đang nghĩ đến cuộc hành trình mà Giu-se và nàng bị bắt buộc phại thực hiện nay mai. Nàng vội đáp:

– Dạ em xin lỗi, em đang...

– Đang nhớ chú ấy chứ gì? Tôi thật ái ngại cho cô chú. Trời đã sang đông, giá buốt sắp kéo đến mà con đường từ đây về Bê-lem đâu phải ngắn ngủi gì! Thật là ác nghiệt!

– Anh đừng lo, em đã đi qua con đường đó hai lần cách đây chín tháng...

– Lúc ấy khác, bây giờ khác. Cô đừng có mà ảo tưởng!

Ma-ri-a vẫn bình tĩnh, thậm chí thích thú, đáp lại sự lo lắng của Xi-mong bằng những câu trả lời đơn sơ pha chút ngây ngô khiến Xi-mong vừa thương vừa giận. Anh nói:

– Cô làm tôi thất vọng lắm đó, cô biết không? Trong lúc bao nhiêu người căm phẫn với cái chiếu chỉ khốn nạn của kẻ áp bức thì cô lại nhẫn nhục, thậm chí vui vẻ, đón nhận và nói đó là ý định của Gia-vê Thiên Chúa. Thiên Chúa nào lại đứng về phe quân ngoại đạo độc ác để gây khốn khổ cho dân Ngài?

Ma-ri-a ngắt lời anh:

– Anh quên mất những năm dài lưu đày của dân tộc ta rồi sao? Em vẫn luôn tin rằng cánh tay Chúa hùng mạnh và Ngài có thể hạ bệ mọi kẻ quyền thế để giải thoát và cứu giúp dân Ngài. Nhưng mà những cảnh khốn cùng, như cảnh lưu đày Ba-bi-lon mà tổ tiên chúng ta đã phải trải qua chẳng phải là lời cảnh cáo, là sự trừng phạt mà Gia-vê Thiên Chúa dành cho sự phản nghịch của chúng ta đối với Ngài hay sao? Ba mẹ em đã dạy em điều đó. Các cụ đã nói với em rằng lịch sử của dân tộc chúng ta, từ ngày thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập đến nay, là một chuỗi dài bóng tối và ánh sáng, đau thương và hy vọng.. tùy theo cách sống của chúng ta, phản bội hay trung thành, đối với Gia- vê Thiên Chúa. Nhưng cho dầu là bóng tối hay ánh sáng, đau thương hay hy vọng, Ngài vẫn luôn là Đấng trung thành và mãi mãi độ trì Ít-ra-en tôi tớ của Ngài như Ngài đã hứa cùng cha ông chúng ta. Vì xác tín như vậy, nên chúng em, nghĩa là Giu-se và em, sẵn sàng đón nhận mọi điều Ngài gửi đến cho chúng em...

Vì chưa bao giờ nghe Ma-ri-a nói nhiều như thế nên Xi-mong không khỏi ngạc nhiên và tự đáy lòng, anh cảm phục người con gái mà từ lâu anh vẫn cho rằng ngoài cái đẹp và nết na, thì chỉ là một kẻ yếu đuối. Nhưng vì tự ái, anh cười to tiếng và nói:

– Cô giỏi thật... Nghe cô nói, tôi cảm thấy yên tâm vì dầu muốn hay không, dầu suy nghĩ thế nào đi nữa, thì cô chú phải lo mà đi ngay nội trong tuần này. À, mà lần trước, cô đi mất mấy ngày mới tới Ain-Karim?

– Để em nhớ xem... Lần ấy đi với đoàn người hành hương về Giê-ru-xa-lem mừng lễ Vượt Qua, em nhớ là chẳng được nghỉ chân lâu trừ ban đêm và mấy bữa ăn trưa, còn thì phải đi gần như liên tục nên mất hai ngày rưỡi thì tới Đền thờ. Riêng em đi Ain-Karim nên đến chiều ngày thứ ba em mới tới nhà ông bà Da-ca-ri-a.

– Như vậy có nghĩa là cô đã phải đi mất gần ba ngày mà như cô nói là đi liên tục trừ những lúc nghỉ đêm và ăn trưa thôi. Nhưng cô đừng quên lúc ấy là mùa xuân và cô thì...

– Dạ em biết anh muốn nói gì rồi. Nhưng anh đừng lo, em còn khỏe lắm. Với lại có anh Giu-se cùng đi thì em đâu phải sợ điều gì. Trời lạnh thì chỉ cần trùm kín vào là được, nhưng mà em nghĩ chỉ cần đi một hồi là ấm lên ngay thôi.

Nghe Ma-ri-a nói, Xi-mong có cảm tưởng như nàng đang nghĩ đến một chuyến du ngoạn với những điều thích thú mới lạ đang chờ đợi đôi vợ chồng trẻ chứ không phải là một cuộc hành trình gian nan vất vả trong trời đông giá buốt với cảnh bụng mang dạ chửa. Anh muốn hỏi Ma-ri-a về đứa con nàng đang mang trong bụng nhưng lại sợ phải tiết lộ với nàng điều anh đã hứa với Giu-se là sẽ giữ kín cho đến sau khi chàng chết.

Trời mùa đông mau tối, Xi-mong thấy không tiện tiếp tục nói chuyện với Ma-ri-a trong cảnh tranh tối tranh sáng nên anh đứng dậy bước ra ngoài. Ngay lúc ấy Giu-se từ chợ về đang bước qua cổng.

 


Mục Lục: Người Thợ Mộc Thành Na-Da-Rét
Trở Về Trang Nhà