NHỮNG NGƯỜI TIỀN SỬ TIỂU CHỦNG VIỆN SIMON HÒA

Tại sao lại gọi là "tiền sư" ?

Tục truyền rằng, trước khi có lịch sử Ðịa Phận Ðàlạt ra đời thì Ðàlạt còn thuộc giáo phận SàiGòn. Tuy nhiên ngay tại vùng Bờlao đã hiện hữu một tiểu chủng viện, gọi là Chủng Viện Di Cư Thanh Hóa hay Chủng Viện Tân Thanh, vì nó nằm trong giáo xứ Tân Thanh, Bảo Lộc. Qua tên gọi này thì người ta cũng biết được cội nguồn của nó.

Thế rồi, "đùng-một- cái" Tòa Thánh ban sắc chỉ thành lập Giáo Phận Ðàlạt vào năm 1960. Giáo Phận lúc đó to lắm, gồn hai tỉnh Lâm Ðồng và Phước Long, nhưng điểm đáng nói ở đây là giai đoạn "thai nghén" Tiểu Chủng Viện Simon Hòa của chúng ta, nó "kinh khủng" lắm !

Do các anh lớn kể lại trong dịp Ðại Hội Simon Hòa Ðàlạt Hải Ngoại 2001 vừa qua là như thế này: Khi được bổ nhiệm làm Giám Mục Tiên Khởi của Giáo Phận Ðàlạt, thì Ðức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền đã nghĩ ngay đến việc thành lập Tiểu Chủng Viện để đào tạo linh mục. Việc đó cấp bách đến độ chưa có nơi cự ngụ cho các chủng sinh thì Ðịa phận đã thâu nhận các chú bé từ 10, 11 tuổi vào với hy vọng chúng có nên "giống má" gì chăng. Ðức Cha bèn đem con "gửi tạm hàng xóm" rồi vất vả đi mướn nhàcho con ở. Hàng xóm đó chính là Chủng Viện Tân Thanh (các cha như cha Thược, cha Hậu, cha Duyên hình như xuất thân từ CV Thanh Hóa này . Nhìn trong hình, may ra anh em sẽ nhận ra các ngài chăng). Vì là"ở nhà người ta" nên phải tùy tục, do đó các người "tiền sử" này phải ăn mặc cho giống với người ta. Nên biết rằng kiểu đồng phục này du nhập mãi tận Bắc Việt di cư vào Miền Nam năm 1954 mà tới năm 1961 vẫn giữ nguyên để gọi là "bảo tồn văn hóa" nhà tu..... Ðó là năm thứ nhất Tiểu Chủng Viện, khởi đầu Lịch Sử TCV Giáo Phận Ðàlạt..

Qua đến năm thứ hai: Nhờ tài ngoại giao Ðức cha đã mướn được nơi ăn chốn ở cho các "con cưng" của Giáo Phận, đó là trại chăn nuôi Farreaux (không biết viết như thế có đúng không, vì kẻ viết bài này chưa bao giờ nhìn thấy tên của ông bà ấy, nhưng đã được thấy ông bà ấy 1 hay 2 lần trong suốt 2 năm ở trại chăn nuôi này) của một người Pháp làm chủ. Bây giờ TCV được gọi một cái tên của người thành thị rồi, đó là Tiểu Chủng Viện Chi Lăng vì nó nằm trong thị xã Ðàlạt, nhưng cái tên cúng cơm vẫn là Tiểu Chủng Viện Á Thánh Simon Hòa Ðàlạt.

Nói về cái tên , thì đây là cái tên khá ngộ nghĩnh đối với chú bé 11 tuổi như tôi khi mới bước chân vào TCV năm 1964. Nó dài như dẵy nhà Farreăx ; nó ngộ nghĩnh vì trong khi các chủng viện khác có tên ngắn , rất Tây và là Thánh chính hiệu (cầu chứng) như Giuse, Phaolô , Têrêxa.. Thì cái tên của chủng việc của tôi ở lại là Mít đặc, chưa được là Thánh cơ chứ ! mà mới chỉ là Á Thánh thôi ! Mặc cảm quá !!!! Nhưng sau này sống và tìm hiểu về cái tên này, tôi mới nhận ra tinh thần canh tân tiên phong của Ðức Cha Hiền: Một nền Giáo Dục gắn liền với Dân Tộc. Tôi cảm phục sát đất, cho đến hôm nay đi đâu tôi cũng nghe người ta cũng cổ võ cho hai chữ "về nguồn" , trong khi Ðức Cha của chúng tôi đã đưa chúng tôi về nguồn từõ hơn 40 năm rồi.

Với việc "dọn ổ" về Chi Lăng đã đánh dấu một khúc quanh lịch sử rất quan trọng. Ðó cả là một cuộc cách mạng của Ðức Cha Simon Hòa Hiền. Vì có ở riêng như vậy mới có được một nền Giáo Dục độc lập, phòng ốc tuy không khang trang nhưng phù hợp cho một nơi đào tạo và giáo dục. Chủng Viện được tiếp cận gần gũi Giám Mục vị Chủ Chăn của Giáo Phận, Ban Giám Ðốc được chính Ðức Cha chọn lựa và cắt cử, chương trình học vấn cũng được canh tân và nhất là vứt bỏ chiếc áo "lý tề" kia đi. Và cứ thế qua đến năm thứ 3, rồi thứ 4.5..

Qua đến năm thứ 6 thì Chủng Viện lại dọn tới Ða Thiện, một cơ sở mà Ðịa Phận làm chủ. Từ khi về đây Chủng Viện bắt đầu thành hình một Chủng Viện và đã tạo được một vị thế đáng kể trong các Tiểu Chủng Viện Niền Nam kể từ 1954. Bằng chứng là Bản Nội Qui Tiểu Chủng Viện Thuộc Giáo Tỉnh SàiGòn ( gồm từ Nha Trang vào tận Long Xuyên, Cần Thơ) mà chúng ta thường nghe đọc trong các ngày Tĩnh Tâm Tháng được làm tại TCV Simon Hòa của chúng ta đó. Oai Chưa.!

Viết đến đây, kẻ viết xin thắp một nén hương để tưởng nhớ công lao lớn của Cố Giám Mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền. Người thường vào thăm chủng viện hằng tuần, có khi 3 lần trong một tuần. Ngài muốn gần gủi các con cái mình. Ngài nhìn về tương lai khi đặt nền móng cho những năm đầu của Tiểu Chủng Viện Thánh Simon Hòa, tuy chật vật về vật chất, về chốn ở nhưng chúng tôi cảm thấy chan hòa tình thương. Bây giờ nơi đây, vẫn là một phần trong đời sống của tôi hằng ngày, dù nó đang tiêu điều. Tôi, bạn, chúng ta phải làm gì để đáp lại lời kêu gọi của Ðức Cha Ðương Kim của Giáo Phận Phêrô Nguyễn Văn Nhơn :" Chúng ta hãy luôn gắn bó, yêu mến, biết ơn chủng viện và tùy mỗi người, hãy góp phần vào để xây dựng, làm cho nơi này trở thành một vườn ươm như ý Chúa muốn.".

Phỗng.