TƯỜNG TRÌNH

ĐẠI HỘI SIMON HÒA HẢI NGOẠI 2004

Santa Ana, California

Ngày 8-5-2004

 

Tạm cho các chú về nhà, chờ thông cáo mới....”.

 

Lời tuyên bố của Cha Giám Đốc G.B Trần Thái Huân ngày 19 tháng 3 năm 1975, tính đến nay đúng 29 năm thế mà vẫn chưa thấy thông cáo mới !

Ngày được trở về Nhà Chúa là niềm mong đợi của các “chú” tiểu chủng sinh ngày càng xa vời... đến nay đã có người đã thành “lão” tiểu chủng sinh, hoặc có anh phải vất vả mới “đỗ cụ”, có anh chờ sốt ruột đã về “chầu Chúa” trước anh em.  Thế nhưng, dù xa Nhà Chúa, anh em sống bôn ba đây đó vẫn giữ một mối giây liên lạc để nâng đỡ ơn gọi trong hoàn cảnh mới. Tinh Thần này là kết qủa của những năm tháng được đào tạo tại Chủng Viện Simon Hòa, nơi đã nhận thánh tử đạo Simon Nguyễn Khắc Hòa làm quan thầy.

 

Tiếp nối tinh thần và truyền thống thánh Bổn Mạng, ngày 8-5-2004 anh em Simon Hòa Hải Ngoại tại Mỹ đã cùng nhau gặp gỡ, hướng về nhà Giáo Phận và Chủng Viện, gọi là ngày Đại Hội.

 

Đại Hội năm nay về sớm hơn thường lệ 2 tháng, nhân có chuyến mục vụ tại Mỹ của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, giám mục giáo phậm Mỹ Tho.  Ngài vốn là cha Tổng Đại Diện giáo phận Đàlạt, là Giám Đốc Đại Chủng Viện Minh Hòa Đàlạt và là giáo sư TCV Simon Hòa.

 

Hiện diện Đại Hội năm nay có tất cả 34 người.  Trẻ nhất 4 tháng tuổi và già nhất 60 cái xuân xanh. Có 4 khuân mặt mới chưa bao giờ tham dự Đại Hội: Cha giuse Nguyễn văn Sinh, lớp Giuse1 từ Thụy Sĩ; Nguyễn văn Năm, tức “Năm Lửa” từ Texas; Nguyễn văn Hoàng, lớp Terêxa 1 từ Virginia và Nguyễn Công Phán, lớp Têrêxa 1 từ California.

 

Đúng 11:30 anh Hoàng Tích Đức ngỏ lời chào mừng Đức Cha và toàn thể anh chị em.  Sau đó anh đọc thư của Đức Cha Phêrô gửi chào mừng Đại Hội.  Anh em lắng nghe rất chăm chú, gợi lại những hình ảnh sự hiện diện của Ngài trong Đại Hội 2003.  Sau đó là đáp từ của Đức Cha Phaolô.  Ngài nói rất sung sướng được hiện diện hôm nay với anh em SMH để sống lại tinh thần huynh đệ.  Vẫn một giọng nói trẻ trung pha lẫn tiếng cười bất hủ, Ngài gợi lại bao kỷ niệm cũng như tâm tình của người Mục Tử trong vai trò mới.  Ngài cũng khuyên nhủ anh em cần có một việc gì làm chung để nối kết anh em, ngoài việc chỉ gặp nhau ngày Đại Hội.  Ngài nói, Ngài đến California là vì anh em Simon Hòa chứ không có một tổ chức giáo dân Mỹ Tho nào mời Ngài.  Tình cảm đó thật đặc biệt làm cho anh em thật cảm động.

 

Sau đó anh Đức tiếp tục đọc các thư gửi ĐH của cha giám đốc DCV Micae Trần Đình Quảng, cha cựu bề trên GB Trần Thái Huân, cha Phêrô Trần Đình...

 

Anh Đào Ngọc Điệp, thay mặt anh Vương văn Chính để báo cáo kết qủa Đầu Tư tài Chánh của Giáo Phận. Sau những lúc “lên voi xuống chó”, kết quả đầu tư tính cho tới tháng trước được kể là lời.  Đây là một kế hoạch đầu tư lâu dài để chuẩn bị cho những dự án của Giáo Phận trong tương lai.

 

Bước sang Chương Trình Khuyến Học là phần báo cáo của anh Lại Kim Toàn.  Đây là một công tác mới, hình thành từ 5-7-2003 tức ngày ĐH năm ngoái do sự khởi xướng của ĐC Phêrô.  Thực ra Chương Trình này đã khởi xướng tại Giáo Phận 5 năm trước, nhưng mãi năm ngoái anh em SMH mới chính thức được Đức Cha ủy nhiệm để phát động tại Hải Ngoại. Đầu tháng 10 năm 2003 qua một trang Web của Simonhoadalat.com Chương Trình đã gửi tới độc giả những thông tin về về Chương Trình và những lợi ích của chương trình này.  Quả thật không một đầu tư nào lâu bền cho bằng giáo dục, vì qua nó hạt giống Phúc Âm mới nảy mầm và vươn lên.  Đó cũng là việc làm đầy ý nghĩa của Năm Truyền Giáo mà Đức Cha Phêrô trong thư gửi ĐH đã nhắc nhở anh em.  Sau 10 tháng vận động ngay trong Giáo Phận tại quê nhà và trên Internet, con số ân nhân tính tới đầu tháng 5, 2004 là 83 ân nhân và tập thể.  Vì có hai nơi nhận đóng góp tài chánh: một TGM Đàlạt và một tại địa chỉ SMH nên chưa thể biết chính xác tiền thu được là bao nhiêu để báo cáo ĐH.

 

Về Internet, cũng do lại Kim Toàn báo cáo.  Nếu năm 2003 có số khách viếng thăm trang Web SMH trung bình là 200 người mỗi ngày thì năm nay con số đã lên tới 500 người một ngày.  Đây là một nỗ lực và quan tâm đặc biệt của Đức Cha Phêrô đối với web SMH kể từ sau chuyến Mục Vụ Hoa Kỳ.  Ngài đã góp ý với ban kỹ thuật trang Web và khuyến khích các cha trong Giáo Phận để gửi bài, nhờ đó Web SMH mỗi ngày phong phú.  Kết quả là con số độc giả ghé thăm từ 85,000 lên tới 184,833 chỉ trong vòng 10 tháng.  Với nhu liệu kỹ thuật điều hành và quản lý Web, cho chúng ta biết độc gỉa 60% là người trong nước.  Các trang được chú ý nhiều nhất là: Suy Niệm,Tin Giáo Phận, Học Hỏi, Thánh Nhạc, Tin Giáo Hội.... Dự phóng tương lai: Trang Home page sẽ được tân trang cho tiện nghi hơn, hợp lý hơn và để độc giả khỏi nhàm chán.

 

Anh Nguyễn Hoàng Quang, trong phần tổng kết quĩ của Hội cho biết: chưa xuống con số âm.  Thật may mắn !

 

Sau đó là phần ăn trưa.  Thôi thì đủ thứ món quốc hồn quốc túy.... nào bê thui, nguyên một con heo sữa quay, chả giò, lòng heo, bánh cuốn, bánh lọt, rau... chỉ thiếu món cầy tơ (vì chính phủ Mỹ cấm bán, chứ nếu được phép thì chắc không thiếu hôm nay).  Các thứ nước giải khát cho con nít cho tới bia cho các “cụ”, nhưng ít ai uống vì phải lái xe về.  Bữa ăn là dịp tốt nhất để mọi người trò truyện, chọc phá nhau hoặc gợi những kỷ niệm xưa.  Đức Cha Phaolô cũng là một cây “chọc cười”, tạo thêm vui nhộn cho bữa ăn.  Chỉ tội nghiệp các “mợ” chẳng hiểu các cụ nói tiếng gì, toàn là những điển ngữ nhà tu, nên đành rút lui để tối về hỏi “anh ấy”.  Chẳng biết “anh ấy” có dám giải thích những điển tích thuộc loại “cấm đàn bà” không.  Đúng là “nhất quỉ nhì ma thứ ba tu xuất”.  Bữa trưa miên man kéo dài qua luôn phần “bầu bán” ban đại diện.

 

Thế mà đã hết nhiệm kỳ 4 năm của anh Hoàng Tích Đức rồi.  Có tên bạo phổi đề nghị anh Đức làm thêm 4 nữa, nhưng anh ấy giẫy lên như xát al-côn.  Thực vậy, đây là chức vụ ngán như ăn cơm nguội với nước lã !  Nhưng cuối cùng anh em cũng bắt cho bằng được một tên lên ngồi trên cái “ghế kiến lửa” này.  Nạn nhân đó là: Phêrô Nguyễn đình Khương.  Đúng là Ý Chúa, vì chính Đức Cha Phêrô cũng muốn anh em Simon Hòa Hải Ngoại nên làm việc gắn bó hơn với Hội Ái Hữu Giáo Dân Đàlạt.  Vì họ chính là gạch nối giữa quê Giáo Phận Quê Nhà và Hải Ngoại, đặc biệt trong chương trình Khuyến Học của Giáo Phận.  Do đó người mà thích hợp để tạo mối liên hệ này tốt nhất chính là Khương. Vì anh chính là người biết rất rõ về Hội Ái Hữu Giáo Phận và cũng là người trong quá khứ thường xuyên liên lạc với Hội này. Ngoài ra anh em cũng chọn anh Trần văn Thông là trưởng ban liên lạc giữa anh em vùng Nam California; anh Nguyễn Văn Hoàng vùng Tây Bắc Hoa Kỳ; anh Đức vùng Bắc Cafifornia.  Nhiệm kỳ của các anh em này là “vĩnh viễn”, nghĩa là cho đến khi trút hơi thở cuối cùng thì thôi!  Một chức vụ mới nữa để phù hợp trong công tác Chương Trình Khuyến Học, đó là trưởng ban Xã Hội và Bác Ái.  Nhiệm vụ của trưởng ban này là chuyên cấp biên nhận cho ân nhân đóng góp Chương Trình Khuyến Học và giữ sổ sách cũng như chuyển ngân của Chương Trình này.  Nhiệm kỳ cũng “vĩnh viễn” !  Toàn thể hội nghị đều nhất trí các anh em được bầu này! Không nhất trí làm sao được, vì hơi có ý kiến ngược lại là sẽ được đề nghị lãnh “chức vụ” này ngay tại chỗ! Thời đại dân chủ định hướng mà !

 

Đúng 3:15 chiều là Thánh Lễ Chủ Nhật đo Đức Cha Phaolô chủ tế và cha Giuse Nguyễn Văn Sinh đồng tế.  Trong bài giảng Chúa Nhật 5 Phục Sinh, Đức Cha Phalô nhắc nhở anh em luôn làm mới lại tình yêu gia đình.  Vì đó chính là cái nôi của Giáo Hội.  Hay nói khác đi, chính trong gia đình là nơi ươm trồng ơn gọi của Giáo Hội để có những người phục vụ đắc lực trong Giáo Hội.  Ngài nói để làm mới lại tình yêu, mỗi người phải tìm nơi nhau một điều gì mới  mỗi ngày.  Việc đổi mới này bắt nguồn từ hai yếu tố chính: (1) tại chính nội tâm mỗi người (2) khám phá điều mới nơi nhau. Vậy anh em có nhận ra điều đó không? ( có tiếng của một anh nói rụt rè ở hàng ghế sau: “con chỉ thấy mỗi ngày trên khuôn mặt vợ con một vết nhăn mới !” Tên này điếc không sợ súng !  Can đảm thật !).  Sau đó tới phiên cha Sinh chia sẻ ý nghĩa Lời Chúa hôm nay qua câu chuyện của ba người đi tìm nơi định cư.  Dù cả 3 đều nghé vào cùng một nơi, nhưng được cùng một nguời dân cư trả lời bằng ba câu trả lời khác nhau, có khi ngược nhau tùy vào tâm trạng của người xin đến định cư với ước vọng thế nào.  Hạnh phúc hay đau khổ là tùy cái nhìn của người ấy vào vấn đề, chứ không hẳn chính tự hoàn cảnh.  Sau đó vài anh em cũng lên chia sẻ Lời Chúa hôm nay trong tâm tình biết ơn và cảm tạ.  Thánh lễ cử hành thật trang nghiêm và đầm âm.  Các bài hát anh em đã thuộc lòng khi còn ở ghế TCV nên mọi người hất hết tâm hồn. Thánh lễ kết thúc lúc 4:30 sau đó Đức Cha Phaolô phải từ gĩa anh em để tới một nơi hẹn khác. 

 

Theo chương trình Đại Hội bế mạc lúc 5 giờ chiều, nhưng anh em người ra về kẻ còn ở lại tiếp tục câu chuyện dở dang và cùng ăn cơm tối lúc 7 giờ.  Đặc biệt năm nay, anh Trần Văn Thăng, lớp Kytô Vua 1, giám đốc Trung Tâm Dạ Lan đã đem tặng mỗi anh em một DVD ca vũ nhạc kich, với chủ đề Cuộc Khổ Nạn của Người VN, do chính Trung Tâm của anh thực hiện và phát hành.  Cuốn DVD này mới tung ra thị trường chỉ mới vài ngày trước ngày Đai Hội.  Cám ơn anh Thăng và Trung Tâm.

 

Đại Hội năm nay, về thành phần tham dự thì ít hơn mọi năm nhưng về nội dung thì có nhiều việc phải bàn cho năm tới.  Có 2 yếu tố chính khiến nhiều người ít tới tham dự được là: thứ nhất thời gian, hơi gấp rút và chưa đúng dịp các con em nghỉ hè.  Nên nhiều anh em ở xa không thể thu xếp gia đình về được mà chỉ anh em vùng Nam California mới có điều kiện.  Yếu tố thứ hai: thiếu sự liên lạc, hoặc liên lạc bị trở ngại, nhất là với những anh em không bao giờ dùng email.  Hoặc có email nhưng không bao giờ mở. Nhưng dù sao Đại Hội cũng là dịp để chúng ta nối lại tình bạn, chia sẽ và nhớ về nơi mình đã được đào tạo.  Dù mỗi người rời Chủng Viện với một lý do hay tâm trạng thế nào đi nữa, những ngày tháng nơi Chủng Viện cũng đã để lại trong mỗi cuộc đời ta một dấu ấn khó phai mờ.  Đẹp hay xấu là tùy thái độ ta nhìn nơi đó với tâm trạng nào, đúng như câu chuyện cha Sinh chia sẻ trong thánh lễ hôm nay.

 

Lại Kim Toàn

14-5-2004

 

 

 

 

 

 

Trở về Trang Tin Tức Nội Bộ