VỀ  MÁI  NHÀ  XƯA

 

 

Cánh chim bay xa cũng có lúc tìm về tổ ấm , lữ khách bôn ba xuôi ngược trên đời cũng có lúc trở lại mái nhà xưa. Trong tâm trạng hồi hộp, vui mừng ; tôi trở về thăm chủng viện sau bao năm xa cách, nhớ thương . Khi xe vào tới cổng, lòng tôi bùi ngùi nhớ đến câu thơ của bà huyện Thanh Quan : « Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo » : cổng vào tuy có đổi khác nhưng lối cũ vẫn còn đây, hồn vẫn còn đây với bao luyến nhớ. Lá thông rì rào với gió như reo vui trước cuộc hạnh ngộ của thày trò, anh em, bè bạn đã nhiều năm không gặp, nay hân hoan tay bắt mặt mừng.

 

Sau những phút giây chào hỏi ban đầu, tôi được cha giám đốc và cha Lâm đưa vào phòng hội, cũng là phòng giải trí, phòng thuốc lào của chủng viện năm xưa. Cả một quá khứ hiện lên với bao hình ảnh thân quen : giọng nói, tiếng cười, dáng say thuốc lào của bè bạn… Có phải vì quá khứ còn đây, thời gian như ngừng lại, mà cha giám đốc vẫn như cha giáo Quảng năm xưa : người vẫn trẻ mãi không già, vẫn vui như thế, cởi mở và chân tình như thế ? Những hoài niệm nhắc nhớ chuyện xưa, người cũ ; ký ức như sống lại với từng khuôn mặt, từng biến cố, vang vọng lẫn tiếng cười… Còn cha Lâm, người bạn vong niên cùng lớp, với mái tóc « đẹp lão » làm mọi người cần « kính nể » để thêm tuổi thọ (« kính lão đắc thọ »), lại cứ thản nhiên vui vẻ cười đùa, phải chăng  người đã « cải lão hoàn đồng », vì cao siêu quá hoá nên bình thuờng, thành người linh hướng dẫn dắt những học trò mình đi theo « con đường nhỏ » ?...

 

Và tiếp đó, tôi được các ngài dẫn đi thăm lại hai nhà nguyện lớn và nhỏ của chủng viện. Có sự mới lạ mà nhiều anh em ở xa chưa biết, đó là dưới chân bàn thờ có hòm kính đựng xương thánh của thánh quan thầy chủng viện chúng ta. Đứng trước Thánh tích, tôi dạt dào xúc động khi nghĩ đến tiền nhân anh dũng đã dùng cuộc đời và máu đào của mình để minh chứng đức tin, lòng tôi cũng bồi hồi nhớ lại những anh em đã vĩnh viễn ra đi và bao anh em vẫn noi gương thánh quan thầy, sống tử đạo mỗi ngày trong hi sinh phục vụ dân Chúa. Tôi thấy niềm tin đang thể hiện qua sự hi sinh , Giáo Hội vẫn luôn cần những gương lành, những thánh đức để đáp ứng niềm hi vọng của muôn người. Tôi thầm nguyện xin cho mình và cho anh em mỗi ngày biết cố gắng sống thánh thiện và hạnh phúc hơn với lòng yêu mến Chúa….

 

Rời khỏi nhà nguyện, tôi đi thăm nhà bếp, vườn tược, phòng làm việc, phòng chơi của các thầy. Năm tháng phôi pha tuy có làm nhạt đi mầu tường gỗ, nhưng dấu ấn kỷ niệm đã được ghi khắc để lòng nhớ mãi không quên : đây rồi cây ổi gợi nhớ hình ảnh của bao anh em trèo hái, phòng đánh bóng bàn cho tôi bóng dáng những đấu thủ « nghiệp dư » la hét oang oang, tiếng chân của cha Liên tiến lại đón mừng làm tôi  hình dung tiếng đánh máy của thầy ký siêng năng năm nào ; rồi cả cha Danh nữa, hình ảnh người mang gùi, mang niềm vui đến cho bao anh em Thượng ; còn nhiều…còn nhiều nữa… Đầm ấm quá, vui vẻ quá, tôi cùng các cha bước vào phòng ăn của chủng viện, bữa cơm ấm cúng gợi nhớ tình thân và những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời.

 

Khi viết những dòng chữ này, tôi thầm cám ơn Chúa về dĩ vãng hạnh phúc Ngài đã thương ban cùng với bao người thầy, người anh em, bạn bè yêu quý. Tôi cám ơn Ngài về mái trường đã chở che nuôi dưỡng, để chúng tôi dù có đi hướng khác, vẫn « công thành danh toại » và mãi mến yêu, làm chứng cho Chúa giữa giòng đời. Tôi viết cho những anh em tuy ở xa mà lòng vẫn luôn gần trường xưa, người cũ, cho những hoài bão đã và chưa thực hiện được, cho tình yêu mến khôn nguôi, cho ước muốn gắn bó mãi trường tồn. Cầu mong sao cho các vị thầy cũ, các anh em bạn bè xưa luôn khỏe mạnh, vui tươi trong ơn nghĩa Chúa. Để có lúc những cánh chim xưa dù chỉ nghĩ hay lên đường tìm về tổ ấm, vẫn thấy cuộc đời tươi đẹp vì bao tình thân đang chờ đón, bao kỷ niệm vẫn giang tay, rồi cùng nhau xác tín lời thánh vịnh trong hân hoan :

 

                            « Kìa xem: anh em chung sống một nhà

                               bao là tốt đẹp ,  bao là đềm êm »

 

Hồng Đức

Mùa hè 2005