LTS: Vì có nhiều anh em từ xa email về chúng con để hỏi thăm về sức khẻo cha Hậu, nên hôm nay chúng con xin gửi đến Đức Cha, quí cha và anh em đôi dòng tường trình của anh Điệp.  Anh chị Điệp là người đã ở bên cha Hậu ngay từ những giờ đầu tiên cha ngã bệnh.  Ngoài những giờ bận rộn tại công ty, anh chị không ngày nào không vào thăm và chăm sóc cha.  Những chia sẻ bệnh lý của cha Hậu sau đây nhằm hiệp thông và cũng để thêm lời cầu nguyện cho Cha sớm bình phục hơn là mang tính “thông tin” hay phổ biến rộng rãi.

 

CHA GIÁO GIUSE NGUYỄN ĐỨC HẬU

NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY…

 

-          Điệp ơi, dạo này vợ chồng con có bận rộn gì nhiều không?

-          Tụi con vẫn bình thường như mọi ngày, còn Bố thì sao? Cuộc sống trên ấy có đỡ hơn trước không?

-          Thì vẫn lình xình như vậy? Bố mới xin TGP cho bố đi sabbatical, nhưng TGP chỉ cho đi nghỉ 2 tuần để còn làm việc khác. Bố định sẽ đến nghỉ ngơi ở nhà con từ mùng 7 đến 24. Có gì trở ngại không?

-          Bố con mà trở ngại gì! Bố đến giờ nào cũng được và muốn ở đến bao lâu tùy Bố. Tụi con lúc nào cũng sẵn sàng.

 

LINH MỤC - MỘT TÔI TỚ

“Đức Chúa là Chúa Thượng

Đã cho tôi nói năng như một người môn đệ,

để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.

Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi

để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ…

Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,

Giơ má cho người ta giật râu…

Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,

Vì thế, tôi đã không hổ thẹn…

(Bài ca người tôi trung, Is 50: 4, 6-7)

     Cha Giuse sau khi lãnh nhận thừa tác vụ Linh Mục năm 1969, đã được tuyển chọn về làm cha giáo tại Tiểu Chủng Viện Simon Hoà Dalat. Ban quản lý chủng viện lúc ấy được giao cho một giáo dân phụ trách. Do sự lạm dụng ngân quĩ tài chánh quá đáng của người giáo dân trong chức vụ quản lý, các tu sinh thường bị đói… dài hạn! Cha Giuse là người đầu tiên phát giác và lên tiếng phản đối dữ dội. Sau đó, Cha được bổ nhiệm công tác quản lý. Trong công tác mới, chính cha là người đi chợ, trực tiếp trông coi công việc nấu nướng, và cải thiện việc ăn uống của chủng sinh. Từ năm 1972, việc ăn uống của các tu sinh được tận tình chăm sóc. Vừa dạy học vừa làm thêm công tác quản lý, một công việc mệt nhọc chẳng ai muốn làm, nhưng vì thương học trò, ngài đã nai lưng gánh phần thiệt cho mình. Chúng tôi, không ai không biết ơn ngài về hành động can đảm ấy.

     Sau biến cố 1975, Cha Giáo Giuse được chuyển về làm Quản Xứ tại Kim Phát, một giáo xứ nhỏ và nghèo, chuyên nghề nông. Tại đây, để giúp giáo dân sống còn với những khó khăn do thời cuộc mang lại, Cha Giuse (vốn là một người có nhiều năng khiếu kỹ thuật bẩm sinh) đi tìm xin những xe máy cày và các loại động cơ phế bỏ. Ngài dùng trâu bò kéo về nhà xứ và bắt đầu biến chế và sửa chữa thành những nông cụ hữu hiệu để giúp giáo dân như máy đập lúa, xe máy cày, vv… Ngoài những giờ phụng vụ, mục vụ, và kinh sách, Cha Giuse đã ra ruộng cày cấy, vỡ đất không công cho giáo dân để giúp đỡ họ qua cơn bĩ cực. Bất kể mưa nắng, đêm ngày, hay gần xa, hễ gọi đi Xức Dầu là Ngài có mặt. Hễ nghèo khó cần quan tài chôn cất là cha tìm xin cho miễn phí. Có giáo dân xứ Kim Phát nào không nhớ sự xả thân của Cha Giuse? Cha “nộp mình” và vào trại cải tạo sau đó!!!

     Năm 1979, tôi được Đức Cha Bartôlômêô và Cha Bề Trên Phaolô (nay là Giám Mục Mỹ Tho) cử về giúp xứ Kim Phát sau khi học xong chương trình Triết Học của Đại Chủng Viện Minh Hòa Dalat. Lúc đó, cha xứ là Cha Giuse Đinh Lập Liễm, tức Nhạc Sĩ Tiến Hạnh và cũng là cha Bố của tôi. Trong một lần gặp gỡ giáo dân trên đường đi làm ruộng nhà chung, một bà lão mếu máo bảo tôi:

-          Thầy xứ có biết cha Hậu không?

-          Thưa Cụ, con biết ngài, con là học trò của ngài!

-          Thầy ơi, cha Hậu đi tù thay cho gia đình tôi đấy, thầy có biết không?

-          Thế à, không, con không biết, chuyện gì vậy cụ?

-          Ấy thằng Sơn con tôi đi kháng chiến Fulrô, lúc vỡ quân lẻn về đi trốn, cha Hậu nửa đêm đem xe máy cày chở nó ra đường lớn để nó trốn về Sàigòn. Mấy ông công an đến làm tội làm tình vợ chồng tôi. Chúng nó định nhốt cả họ nhà tôi gồm 30 người. Cha Hậu nhận tội thay để chúng tôi tuổi già khỏi vào tù.

-         

Nhiều người bảo cha Hậu làm chuyện dại dột, nhưng có ai biết nỗi lòng một người mục tử đã hết lòng cho đàn chiên của mình không? Sống thiên chức linh mục là sống cuộc đời một người tôi tớ - người tôi tớ của Gia-vê.

 

DIỄN BIẾN:

     Thứ Hai ngày 7 tháng 4, tôi đón Bố Hậu tại Phi Trường Burbank lúc 10:30 sáng và về đến nhà lúc 12:45 chiều sau khi ăn uống tại một nhà hàng nhỏ ở thành phố nơi chúng tôi cư ngụ. Thứ Ba, tôi lấy ngày nghỉ ở nhà với ngài. Bố con tâm tình và chia sẻ những khó khăn và áp lực cuộc sống ngài vẫn thường âm thầm gánh chịu do đời sống chung tại giáo xứ nơi ngài phục vụ. Chuyện đời vẫn thường chẳng mấy khi như ý… nhất là với một người có tính thẳng thắn và hay phát biểu nếu thấy chướng mắt!

 

     Tối thứ Ba, sau cơm tối, bố con tôi đến thăm Nhạc sĩ Hải Ánh, một bạn già mà Bố Hậu rất quí mến do những tương đồng về sở thích âm nhạc, và viết nhạc với những software mới mẻ. Chuyện trò đến 9:00 tối, chúng tôi ra về. Trên đường về, tôi nói với Bố Hậu:

-          Ngày mai con phải đi thanh tra trên vùng Santa Barbara nên sẽ về hơi muộn. Sáng mai Bố con mình ra tiêm ăn tô phở rồi con đi làm, Bố ở nhà một mình nhé!

-          Thôi Điệp ạ, cậu cứ lo việc của cậu đi. Bố về nghỉ lần này chỉ muốn yên tĩnh. Ăn ngủ tùy nghi cho thoải mái, đừng dự định này nọ mất tự nhiên. Chiều hôm nay là lần đầu tiên từ ngày sang Mỹ, Bố được ngủ một giấc ban ngày 4 tiếng đồng hồ thẳng giấc, không điện thoại, không tiếng la hét nô đùa trẻ con, mà cũng chẳng chuông trống ầm ĩ. Thoải mái lắm! Đã lâu không có buổi ngủ ngày như hôm nay. Từ vài năm nay, Bố bị mất ngủ ban đêm, hễ cứ 1, 2 giờ sáng là thức giấc trằn trọc. Thường thường, Bố hay dậy uống viên một thuốc ta (herbal) cho khỏe người.

    

     Biết ý Bố, tôi dặn các con tôi chơi đùa chừng mc và nhẹ chân nhẹ tay khi đi đứng để khỏi làm phiền cha nghỉ ngơi. Sáng Thứ Tư tôi dậy sớm hơn thường lệ để làm một vài bản báo cáo nhỏ, chuẩn bị cho một ngày làm việc. Tôi thường uống ít là hai cữ café sáng, nên tới lui nhà bếp dăm ba lần. Phòng làm việc của tôi bên cạnh phòng Bố Hậu. Nên để đến nhà bếp, tôi phải đi ngang qua phòng ngài. Tôi thấy cửa phòng đóng, thỉnh thoảng một vài tiếng điện thoại reo hai ba lần rồi cúp. Tôi nghĩ Ngài đang ngủ nên đưa tay tắt điện thoại theo phản xạ tự nhiên. Tôi rời nhà lúc 9:00 sáng và trở về lúc 6:30 chiều. Vừa vào nhà, vợ tôi bảo:

-          Anh vào mời cha ra dùng cơm. Em chuẩn bị cơm nước xong rồi.

-          Ủa, nãy giờ em không gặp cha à?

-          Không, chắc cha đang ngủ?

-         

-          Bố ơi, mời bố dậy dùng cơm.

-          Ờ!

 

Tôi lên phòng ngủ trên lầu để rửa mặt. Lúc xuống, vẫn chưa thấy ngài ra. Tôi đến gõ cửa lần nữa:

-          Bố ơi, bố dậy chưa? Mời bố ra dùng cơm. Are you okay?

-          Ờ.

     Tôi nghĩ bụng “bố Hậu thường ngày nói nhiều, mà sao hôm nay tiết kiệm lời nói thế nhỉ?”. Nghĩ thì nghĩ như thế, nhưng tôi vẫn ra phòng gia đình bật tivi để nghe tin tức. Chắc Bố Hậu lại được thêm một ngày ngủ đã mắt! Khoảng 5, 7 phút sau, tôi vẫn không nghe động tĩnh, tôi tiến lại và gõ cửa lần nữa:

-          Bố ơi, bố dậy chưa? Con vào được không?

-          Ờ!

Tôi mở cửa bước vào thì bố Hậu đang nằm bất động dưới đất. Bên cạnh là viên thuốc ta (herbal) màu đỏ chói. Tôi hoảng hồn:

-          Lạy Chúa! Bố sao vậy? Để con đỡ bố lên giường! Bố bị từ lúc nào vậy? Để con gọi 911!

    

     Khuôn mặt ngài lúc ấy nhợt nhạt nhưng vẫn tươi tỉnh. Đôi mắt vẫn tinh anh như thường ngày. Miệng lắp bắp muốn nói nhưng không nói ra tiếng!       Tôi lập tức chạy ra phòng gia đình chụp vội điện thoại và gọi cấp cứu ngay. Vợ tôi cũng lăng xăng chạy đến phòng khách. Quần áo cha ướt đẫm vì nước tiểu. Chắc chắn, ngài đã nằm dưới đất rất lâu. Tôi đoán là từ 1 hay 2 giờ sáng đêm hôm Thứ Ba rạng ngày thứ Tư, vì ngài mới bảo tôi “bố hay mất ngủ ban đêm vào lúc 1, 2 giờ khuya! Bố dậy uống viên thuốc ta cho khỏe!”. Như vậy ngài đã nằm dưới đất cả 15 hay 16 tiếng đồng hồ rồi.

 

     9: 00 tối, chúng tôi lên phòng cấp cứu bệnh viện Kaiser Permanente gần đó và đem theo tất cả các thứ thuốc linh tinh trên bàn ngủ trong phòng ngài (8 loại khác nhau vừa tây lẫn ta), theo yêu cầu của bác sĩ. Lý do dễ hiểu là các chuyên viên cấp cứu đến nhà, sau khi thực hiện một vài kỹ thuật cần thiết để cấp cứu bệnh nhân, họ đã ghi tên tất cả các loại thuốc họ nhìn thấy bên cạnh người bệnh. Vấn đề thật nhiêu khê vì ngài dùng lọ thuốc của người khác để đựng các thứ thuốc ta (herbal) của ngài, mà những chai lọ lỉnh kỉnh này lại toàn những chai lọ đựng các thứ thuốc trụ sinh bán theo toa của người khác! Khi lên đến bệnh viện, tôi đã phải hết lời chứng minh và giải thích sự lầm lẫn này! Cuối cùng bác sĩ bảo:

-          “Tôi sẽ viết lời khai của ông vào báo cáo và sẽ trình lên ban bác sĩ bệnh viện!” bà cũng nói thêm:

-          “Ông Joseph bị tai biến mạch máu não, chúng tôi cũng tìm thấy nơi ông bệnh cao máu, tiểu đường, cao mỡ, và trong phổi có nước!”

-          Tiểu đường? và trong phổi có nước? Tôi chưa nghe ông ấy nói đến bệnh ấy bao giờ!

-          Chúng tôi thử máu và phát hiện hai bệnh này.

 

     Từ khoảng 9:45 tối hôm ấy đến suốt hai ngày hôm sau, vợ chồng chúng tôi nhận hàng trăm cú điện thoại từ Portland, Orange County, Florida, và San Gabriel… Đủ mọi lời thăm hỏi kể cả lời phân ưu vì nghe nói Cha Hậu đã qua đời lúc 3:00 chiều trong ngày! Chúa ơi, sao tin tức sai lệch thế nhỉ? Vợ tôi chỉ gọi cho Anh Chị Long Hoa, một giáo dân thân cận với cha ở giáo xứ nơi ngài phục vụ và chúng tôi cũng quen biết rất thân tình, để lấy địa chỉ nhà xứ của Cha, và vợ tôi cũng chỉ gọi nhà thuốc tây đã bán thuốc cao máu cho cha để hỏi số điện thoại của bà bác sĩ gia đình thường chăm sóc sức khoẻ của cha mà thôi. Thế thì tin cha Hậu qua đời lan đi từ đâu?

 

     Ngay ngày hôm sau, Thứ Năm 10 tháng Tư, bác sĩ bảo không có bệnh tiểu đường và bệnh phổi nhưng không hiểu sao lần thử máu đầu tiên lại phát hiện hai thứ bệnh này. Lúc 11:30 sáng, hai anh Long và Khương, hai giáo dân thân cận của Cha, từ Portland bay xuống và ngày đêm túc trực bên cạnh cha Hậu. Trong suốt 10 ngày đêm (10 đến 19 tháng Tư) hai anh đã không rời cha nửa bước. Các anh đã lo cho cha mọi điều cần thiết trong cuộc sống về phần xác. Thật cảm động vì tình mục tử và con chiên hai anh dành cho Cha. Chúng tôi, những học trò của ngài xin nghiêng mình cảm tạ các anh.

 

     Sau 3 ngày điều trị tại phòng cấp cứu, bác sĩ nói cha Hậu đã qua cơn nguy kịch và có thể rời bệnh viện vào chiều Thứ Sáu ngày 11 tháng Tư. Nhưng trưa Thứ Sáu, bác sĩ bảo: “Father Joseph will stay here over the weekend! And we’ll release him on Monday” vì không sắp xếp được cho ngài tại Trung Tâm Vật Lý Trị Liệu (Physical Rehabilitation Center) tại Orange County theo yêu cầu của gia đình cha. Qua sáng Thứ Hai, bác sĩ đình việc di chuyển để Thứ Ba nội soi truy tầm lại lần nữa xem có gì tiến triển hơn không. Chiều Thứ Hai, bác sĩ lại bảo: “He might get a problem with the heart beat. We must send him to a cardiologist!”

 

     Thứ Ba ngày 15 tháng Tư, lúc 3:30 chiều, họ chuyển cha sang Encino Regional Hospital. Một bệnh viện nhỏ và cũ nhưng lại có những chuyên gia về tim mạch nổi tiếng (Dr. James Ong là một trong bốn chuyên gia về tim nổi tiếng nhất tại Hoa Kỳ). Tại đây, hôm Thứ Tư ngày 16 tháng 4, ngài được thử nghiệm mọi sự và cuối cùng được phán quyết do bởi ban bác sĩ rằng: “Tim mạch rối loạn tự nhiên từ thuở sơ sinh nên không cần mổ xẻ, chỉ cần uống một lượng thuốc nhỏ để điều hoà!”. Như thế là ổn định!

 

KẾT QUẢ:       

     Chiều Thứ Hai ngày 21 tháng Tư, Cha được chuyển xuống khu Vật Lý Trị Liệu của nhà thương thay vì chuyển về Orange County. Các bác sĩ tại đây cho biết: “Chúng tôi đã chữa rất nhiều bệnh nhân Tai Biến Mạch Máu Não, nhưng chưa thấy ai hồi phục nhanh như ông Joseph, nhờ có ý chí mạnh mẽ, và sự chăm sóc chu đáo của người thân. Tuy nhiên, chúng tôi giữ ông lại đây vì còn muốn theo dõi diễn tiến tim mạch của ông dù là đã có những tiến triển rất tốt”.

 

     Trong suốt tuần lễ từ ngày 20 đến 26 tháng Tư, Chị Hoa (phu nhân của Anh Long) đã ngày đêm chăm sóc cho cha. Bác sĩ bảo, cha rất cần sự hiện diện của những người thân để tinh thần hồi phục mau lẹ. Tinh thần càng hồi phục, thể lực càng tiến triển. Chúng tôi chân thành cám ơn quí vị: Anh Chị Long Hoa, chú Khương, Ông Chúc, chị Tố Hà, phái đoàn từ giáo họ Tigar, Đức Ông, quí  Cha và  giáo dân của ngài từ các giáo xứ, giáo họ tại Portland, những học trò của Cha từ Orange County, Los Angeles, Cha Nguyễn Viết Đinh từ Việt Nam, quí giáo dân cũ của Ngài ở Việt Nam như Bà Kế, Anh Chị Ngọc Trang, các thân hữu của cha từ bên trại tị nạn như anh Đạt, anh Vượng, Cha Quản Nhiệm Bùi Ngọc Tỷ và quí chức trong Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang tại địa phương, vv… đã không ngừng cầu nguyện, đến thăm viếng hoặc gọi điện thoại thăm hỏi và  an ủi cha trong lúc đau yếu. Xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ La Vang và các Thánh Tử Đạo tiền nhân trả công bội hậu cho quí vị.

 

     Sau 18 ngày trực diện với tử thần, hôm nay cha đã đi lại được (dĩ nhiên phải dùng gậy chống - walker) và có người đi kèm để đề phòng té ngã. Cha đã một phần tự chăm sóc cho mình như đánh răng rửa mặt, cạo râu, tự ăn uống bằng muỗng nĩa, và làm những công tác vệ sinh cá nhân cần thiết. Bác sĩ bảo chỉ trong vòng 2 hay 3 tuần nữa là có thể trở về giáo xứ của ngài để tự chữa trị. Việc nói năng của ngài còn hơi trở ngại. Ngài nói ít và thỉnh thoảng phải suy nghĩ để tìm chữ. Tuy nhiên, việc kinh hạt xem ra không quên tí nào vì ngài có thể đọc kinh chung với người khác, đọc lời nguyện và giơ tay phải (vốn bị bại liệt trong những ngày đầu lâm bệnh) ban phép lành cho người đến thăm viếng, vv…

 

     Xin tạ ơn Thiên Chúa và cám ơn mọi người đã thương mến và cầu nguyện cho ngài trong cơn hoạn nạn. Thứ Năm ngày 1 tháng 5, Lễ Thánh Giuse Thợ, lễ Bổn Mạng của Cha Giáo Giuse Nguyễn Đức Hậu, và cũng là ngày kỷ niệm 39 năm thụ phong Linh Mục của Ngài. Xin quí Cha và quí vị chung lời nguyện cầu, để nếu Chúa muốn, Ngài sẽ chóng lành bệnh và trở về phục vụ giáo dân rất thân mến của Ngài.

 

J.B. Đào Ngọc Điệp

Một môn sinh của Cha Giuse

April 27, 2008


Trở về Trang Tin Tức Nội Bộ