Từ đức tin đến cuộc đời

 

Nhân Dân - Người mà tôi muốn nói chính là linh mục Dương Công Hồ - quản xứ Ðạ Tẻh, nơi có gần 4.000 giáo dân. Ông cũng là Trưởng Ban Bác ái xã hội của Giáo phận Ðà Lạt "kiêm" Chủ nhiệm Hợp tác xã Hiệp Nhất.

 

Ðây là một mô hình kinh tế độc đáo và vị chủ nhiệm cũng có thể nói là "có một không hai" trên miền núi rừng phía nam Tây Nguyên.

 

Áo phao, quần ka-ki, giày thể thao lúc làm việc hoặc đóng bộ com-plê trong khi giao dịch, và thời gian chạy xe nhiều hơn ngồi ở nhà xứ - đó là phong cách của vị linh mục năng động và trẻ trung này. Linh mục Dương Công Hồ có thể gọi là nhà tu hành say mê "nhập thế", cùng góp phần với địa phương, với cộng đồng giáo dân của mình chăm lo và cải thiện đời sống nhân dân.

 

Sau cái bắt tay, ông khiêm nhường xin lỗi: "Tôi vừa chạy lên xưởng sản xuất, lỡ hẹn các anh mất 30 phút". Ông quá trẻ và hoạt bát so với tuổi đã ngoài năm mươi. Nhập chuyện, ông kể: "Năm 1978, khi mới 22 tuổi và đã là thầy giảng tại Ðại chủng viện Minh Hòa ở thành phố Ðà Lạt, tôi tình nguyện đi thanh niên xung phong theo lời kêu gọi của Tỉnh đoàn Lâm Ðồng".

 

Gần hai năm, ông lăn lộn trong đội quân thanh niên xung phong đi khai hoang, mở đất, chuẩn bị mặt bằng cho các cuộc di dân tại vùng sâu Tà Hine, Tà Năng (huyện Ðức Trọng), Tà Nung (Ðà Lạt) rồi tiếp đó là tham gia công tác thú y phường 8 - Ðà Lạt. Ðó là khoảng thời gian vị linh mục tương lai cảm nhận sâu sắc hơn việc đời trước khi dấn thân xa hơn trong mục vụ phụng sự Thiên Chúa. Sau đó, ông trở lại chủng viện tu nghiệp, năm 1992 được thụ phong linh mục và về vùng sâu Ðạ Huoai, Ðạ Tẻh sống cuộc đời tu hành cho đến hôm nay...

 

Việc một chức sắc tôn giáo tham gia làm kinh tế có điều gì không phù hợp chăng? - Tôi hỏi. Linh mục Hồ nói ngay: Thánh Iréne nói: "Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống. Nghĩa là con người càng sống trọn vẹn và xứng đáng với phẩm giá làm người thì Thiên Chúa càng được vinh quang. Tinh thần Kitô giáo quan niệm rằng, phát triển con người là phát triển toàn diện. Phận sự của người chăn chiên như tôi là vừa chăm lo tâm linh của đạo hữu nhưng cũng không thể thờ ơ với đời sống vật chất của mọi người".

 

Ông nói tiếp: "Khi đưa ra ý tưởng làm kinh tế ở vùng quê này, chúng tôi không nhằm đến mục đích thu lợi nhuận về cho nhà thờ, mà chính là góp phần cùng địa phương ổn định cuộc sống cho người lao động, nhất là những người nghèo trong và ngoài xứ". Linh mục giải thích: "Khi đặt tên cho hợp tác xã Hiệp Nhất, chúng tôi muốn đây là nơi mà tất cả mọi người cần đến việc làm đều có thể tham gia hợp tác cùng nhau, cùng lao động sản xuất, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ở Hiệp Nhất, không phân biệt Kinh - Thượng, có đạo và không theo đạo, mỗi người lao động đều được đối xử bình đẳng, công bằng".

 

Năm 2006, ông cùng bảy xã viên đầu tiên đứng ra thành lập hợp tác xã Hiệp Nhất, chuyên sản xuất và kinh doanh mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ nguyên liệu mây, tre. Vùng Ðạ Tẻh và các huyện phía nam của tỉnh Lâm Ðồng là địa phương rất dồi dào về nguyên liệu sản xuất mặt hàng này, và cũng có khá nhiều người mở cơ sở nhưng chưa ai thành công như "chủ nhiệm" Dương Công Hồ.

 

Sau ba năm đi vào hoạt động, đến nay, HTX Hiệp Nhất đã trở thành đối tác cung cấp hàng thủ công mỹ nghệ cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh... Từ chỗ chỉ có những mặt hàng đơn giản lúc ban đầu, đến nay, Hiệp Nhất đã sản xuất thành công nhiều sản phẩm mỹ nghệ cao cấp làm từ nguyên liệu mây, tre như bàn, ghế xa lông, kệ, tủ, bình hoa và nhất là sản phẩm độc bình khổng lồ làm từ cây lồ ô...

 

Hiện nay, HTX Hiệp Nhất đang giải quyết việc làm trực tiếp cho 150 lao động và hơn 500 người khác gián tiếp gia công sản phẩm với mức thu nhập bình quân mỗi người 1,2 triệu đồng/tháng. Mở rộng mạng lưới sản xuất, HTX đã mở đại lý thu gom hàng gia công ở 6 xã, thị trấn của huyện Ðạ Tẻh.

 

Nói về những thành công bước đầu của HTX Hiệp Nhất, linh mục Dương Công Hồ cho biết: Mục đích chính của HTX không phải là thu lợi nhuận về cho nhà thờ mà hướng đến việc giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người nghèo trong vùng. Xu hướng thanh niên địa phương phải xa nhà đi kiếm việc làm đã phát sinh rất nhiều hệ quả phức tạp, tôi muốn góp phần giải quyết tình trạng này". Tiếp tục mục đích đó, gần đây ông đã mở thêm cơ sở sản xuất áo len xuất khẩu giải quyết việc làm cho gần 100 lao động địa phương, với mức thu nhập hơn 1 triệu đồng/người/tháng.

 

Trong quá trình tiếp chuyện chúng tôi, ông liên tục phải ngắt quãng lời tâm sự vì nhiều cuộc điện thoại gọi tới, đó là thông tin từ các đầu mối công việc và đối tác. Ông bảo: "Trước đây, tôi học chuyên ngành phát triển cộng đồng ở Philippines. Quan niệm của tôi, hành đạo là chọn làm những việc tốt nhất cho xã hội, làm việc gì cho đời sống con người khá lên, xã hội tốt đẹp hơn. Rất may mắn là tôi nhận được sự đồng tình của bề trên và sự ủng hộ nhiệt thành của chính quyền và các ban ngành từ huyện đến tỉnh".

 

Con đường "nhập thế" của linh mục Dương Công Hồ không chỉ dừng lại ở lĩnh vực giải quyết việc làm cho người nghèo, mà còn dấn thân hoạt động cả trong lĩnh vực giáo dục. Ông đã xin phép mở trường mầm non tư thục Bình Minh ở thị trấn Ðạ Tẻh. Ngôi trường dành cho tuổi thơ này hiện là nơi học tập  cho gần 200 cháu nhỏ, trong đó có 50 cháu có hoàn cảnh khó khăn đã được miễn học phí.

 

Linh mục cho biết, mỗi năm HTX Hiệp Nhất phải trích lợi nhuận hơn 100 triệu đồng trả lương cho giáo viên ở đây. Ông còn trăn trở nhiều về việc sắp tới đây sẽ mở trường tiểu học Việt Anh nhằm đặt nền và nâng cao tiếng Anh cho trẻ em ở vùng quê xa xôi này. Trong kế hoạch tương lai gần của mình, linh mục Hồ quyết tâm: "Năm 2009, HTX Hiệp Nhất sẽ phấn đấu xuất khẩu hàng hóa trực tiếp, không qua khâu trung gian để tăng thêm lợi nhuận kinh doanh. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi cũng sẽ mở thêm một xưởng mộc gia dụng, tổ chức vùng nguyên liệu và tìm đầu ra cho cây sắn xuất khẩu".

 

Linh mục Dương Công Hồ phấn khởi thông tin thêm với chúng tôi: "Chính quyền địa phương rất ủng hộ những việc làm hữu ích của giáo xứ và hợp tác xã. Năm 2007, quỹ khuyến công của tỉnh cũng đã hỗ trợ HTX Hiệp Nhất bằng hình thức cho vay với lãi suất ưu đãi 200 triệu đồng để mở rộng sản xuất".

 

Nhận xét về những việc làm của vị linh mục hăng say công việc xã hội này, ông Ðinh Trọng Hà - Chủ tịch MTTQ huyện Ðạ Tẻh, nói: "Linh mục Dương Công Hồ là một nhà tu hành nhiệt tình, năng động trong tổ chức và quản lý kinh tế, tham gia công tác từ thiện và các phong trào ở địa phương hết sức tích cực. Ông đã góp phần mở rộng quy mô sản xuất, mở thêm nhiều ngành nghề phù hợp tiềm năng và trình độ của lao động địa phương. Ðây là một đơn vị kinh tế đang ổn định, phát triển và đã góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở huyện miền núi Ðạ Tẻh".

 

Chị Nguyễn Thị Hiền ở tổ mây tre đan tại xã Hà Ðông, người đã đứng ra nhận hàng từ Hiệp Nhất về cho chị em gia công, tạo việc làm ổn định cho gần 100 gia đình hội viên trong xã với mức thu nhập bình quân từ 70 đến 80 nghìn đồng/người/ngày, nói thêm: "Linh mục đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều, từ việc đào tạo tay nghề đến thu nhận sản phẩm. Nhiều hộ gia đình ở xã Hà Ðông này đã thoát nghèo nhờ hợp tác xã Hiệp Nhất"...

 

Với tư cách là một nhà tu hành, ông đã phụng sự Thiên Chúa, phục vụ con người bằng đức tin và hành động theo tinh thần Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 là: "Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào". Là một công dân, ông đã mang lòng nhân, sức lực và trí tuệ của mình chia sẻ với mọi người, góp phần cùng chính quyền địa phương chăm lo đời sống dân nghèo. Trong cảm xúc ấy, tôi chia tay ông và miền quê sơn cước trong tâm trạng bình yên. Tiếng chuông ngân từ thánh đường cũng nghe thật cảm thông, gần gũi, không chỉ nhắc nhở giáo dân đến với đức tin mà còn gói trọn niềm vui khi vị linh mục quản xứ và những người anh em đang vun xới cho cuộc sống nơi đây mỗi ngày thêm tốt lành.

 

        Bài và ảnh: UÔNG THÁI BIỂU

 

 

Bài viết tại dịa chỉ:  http://www.nhandan.org.vn/tinbai/?top=37&sub=130&article=142348

Cập nhật  ngày 04-03-2009

 

 


Muc Luc