CHÚA NHẪT 12 THƯỜNG NIÊN A

NGƯỜI TÔNG ĐỒ NHIỆT THÀNH

 

A. DẪN NHẬP.

 

          Các bài đọc của tuần XI mời gọi các Kitô hữu hãy trở nên sứ giả Tin mừng, đem ơn cứu rỗi của Chúa đến cho mọi người. Tuần này, Chúa báo trước cho chúng ta rằng  muốn làm tông đồ của Chúa phải can đảm, vững tâm, đừng sợ trước những gian nan thử thách.  Nếu Chúa là chủ và là Thầy mà người ta còn xử tàn tệ như thế, thì chúng ta, những tôi tớ, những môn đệ của Chúa cũng không tránh khỏi con đường đó.  Nhưng Chúa khuyên chúng ta đừng lo âu sợ hãi vì Thiên Chúa quan phòng luôn nâng đỡ, che chở và hộ phù mọi sứ giả của Chúa. Hãy có một đức tin vững vàng và một đức cậy sáng suốt mà hành động, và phần thưởng của chúng ta đang chờ nếu biết xưng Chúa ra trước mặt thiên hạ.

 

          Người ta thường nói :”Bất nhập hổ huyệt an đắc hổ tử” : không vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp con. Muốn đem Tin mừng đến cho người khác thì người tông đồ phải biết dấn thân và dấn thân cũng gần có nghĩa như liều mạng. Thánh Phaolô là gương mẫu của sự dấn thân. Ngài không nề quản những khó khăn vất vả, những gian nan thử thách, ngay cả đến tính mạng của mình vì ngài luôn tâm niệm :”Khốn cho tôi nếu không rao giảng Tin mừng”.  Các thánh Tông đồ cũng đã dấn thân rao giảng Tin mừng và kết cục là đã nhận lấy cái chết vì Chúa.

 

          Chúa Giêsu luôn nhắc nhở cho cúng ta cái tư tưởng là “Đừng sợ”. Chúng ta có thể tìm thấy từ ngữ  “đừng sợ” 365 lần trong Thánh Kinh. Người Tông đồ chỉ có thể tìm được sự can đảm nếu biết tin cậy phó thác cho Chúa. Chính Ngài sẽ ban ơn đầy đủ để chúng ta có thể hòan thành sứ mạng đã được giao phó. Qua kinh nhgiệm, thánh Phaolô đã khẳng định được tư tưởng trên khi ngài nói :”Omnia possum in eo qui me confortat”.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

 

          +  Bài đọc 1 : Gr 20,10-13.

 

          Tiên tri Giêrêmia là một con người đau khổ triền miên. Ông đã lãnh nhận nhiệm vụ tuyên sấm cho người Do thái, một nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm: Ông phải vạch tội của dân và cảnh cáo rằng Chúa sẽ trừng phạt họ. Vì thế, dân chúng thù ghét ông và nhiều lần tìm cách hãm hại ông.

          Suốt ngày, Giêrêmia bị coi là trò hề cho họ nhạo báng sỉ nhục, đến nỗi ông phải kêu lên : Ôi, hành hung, ức hiếp... nhưng Thiên Chúa đã ở với ông như tướng quân oai hùng (Gr 20,7-8).  Nhờ thế ông càng tin tưởng vững mạnh, cầu nguyện và ca tụng Thiên Chúa... Ông tiếp tục công bố sứ điệp vừa bằng lời nói, vừa bằng đời sống.

 

          +  Bài đọc 2 : Rm 10,226-33.

 

          Bài đọc 2 hôm nay chỉ là chủ đề phụ, không hoàn toàn ăn khớp với bài đọc 1 và bài Tin mừng, theo đó, thánh Phaolô dạy chúng ta rằng nếu vì liên đới với nguyên tổ Ađam mà chúng ta phải mang tội và phải chết, thì nhờ kết hợp với Đức Kitô, chúng ta sẽ được lãnh nhận ân sủng và sự sống.

          Ân sủng của Thiên Chúa thì lớn lao hơn tội lỗi và sự chết là lương bổng của tội lỗi, khiến cho tội của Adam trở nên “Tội hồng phúc” (bài Exultet) vì nhờ đó mà Ngôi Hai Thiên Chúa mới xuống thế làm người và ở cùng chúng ta.

 

          + . Bài Tin mừng : Mt 10,26-33.

 

          Bài Tin mừng hôm nay tiếp nối bài Tin mừng tuần trước : Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin mừng nhưng đồng thời Ngài cũng phải khuyến cáo họ rằng rao giảng Tin mừng không phải là một chuyện dễ dàng, phải dùng đến nội lực , phải can đảm và vững lòng trông cậy trước những khó khăn chồng chất, ngay cả khi bị hãm hại. Đừng sợ ! vì Chúa quan phòng luôn ở bên cạnh để che chở. Đừng sợ vì Cha trên trời đã lưu ý đến cả những con chim chẳng đáng giá gì, cả từng sợi tóc trên đầu từng người. Chúa đã dựng nên tất cả, săn sóc, nuôi dưỡng, bảo tồn  những thứ bé nhỏ như thế, huống chi đối với các tông đồ của Chúa. Ngoài ra, Chúa còn hứa ban thưởng cho những ai dám tuyên xưng Chúa ra trước mặt thiên hạ.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

                                                Chân dung người tông đồ

          Bản chất của Kitô hữu là truyền giáo. Mọi người phải trở thành sứ giả Tin mừng.  Sứ mạng thì cao qúi, nhưng thực thi sứ mạng đó rất cam go, việc rao giảng đòi hỏi nơi người tông đồ một số đức tính mà thiếu nó thì không thành công. Dựa theo bài Tin mừng hôm nay, chúng ta cho rằng muốn thành công trong việc rao giảng, người tông đồ phải có 3 đức tính sau đây :

 

I. NGƯỜI TÔNG ĐỒ PHẢI DẤN THÂN.

 

          Đứng trước những công việc khó  khăn, ai cũng thấy ái ngại. Những khó khăn trong việc rao giảng Tin mừng không phải là tình cờ hay do may rủi, nhưng đã được Chúa Giêsu báo trước : “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói” (Mt 10,16).  Con chiên sẽ là mồi ngon cho bầy sói, nguy cơ bị ăn thịt luôn rình  rập. Người tông đồ phải sống hiền lành như con chiên, sẵn sàng hy sinh tất cả cho Tin mừng.

 

          Chúa Giêsu cũng còn cho biết : số phận của tông đồ là bị bách hại, vì nếu Chúa Giêsu mà còn bị bách hại thì làm sao họ lại tha các môn đệ ? Vì thế, Chúa đã dặn trước :”Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em ; anh em chưa đi hết các thành của Israel, thì Con Người đã đến. Trò không  hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi” (Mt 10,23-24).

 

          Bài đọc hôm nay cũng cho biết tiên tri Giêrêmia phải loan báo cho dân biết những hình phạt mà Thiên Chúa sẽ trút xuống dân. Những lời loan báo này chẳng hay ho gì đối với dân, lại làm cho họ bực mình, nên họ đã chống đối ông, hành hạ ông và muốn giết ông (x. Gr 20,10-11). Các tông đồ nhận trách nhiệm đi rao giảng lời Chúa cho muôn dân, cũng bị người ta chống đối, hành hạ và giết chết.  Các ông đã phải dấn thân vào chỗ nguy hiểm. Số phận các ông cũng giống như Chúa Giêsu.

 

          Những Kitô hữu đầu tiên rất ý thức về sự quan trọng  của việc truyền bá đức tin. Họ mang trong lòng lời dặn dò của Chúa Giêsu trước khi về trời  là hãy rao giảng Tin mừng cho đến tận cùng trái đất. Tuy nhiên, loan báo Tin mừng một cách công khai đã không phải là một chuyện dễ dàng, bởi vì, trong thời gian đó, nhiều cộng đoàn Kitô hữu đã bị bách hại. Giữa những người Do thái, nhiều người xem những người chuyển sang Kitô giáo như là những kẻ phản bội, và tìm cách loại trừ. Làm chứng đức tin trong thời kỳ này, đôi khi là liều mạng sống. Chính vì thế mà một vài người bị cám dỗ sống âm thầm, kín đáo, không dám lên tiếng.

 

          Thánh Phaolô là gương mẫu của sự dấn thân trong việc rao giảng Tin mừng. Ngài nói :”Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng”.. Vì vậy, Ngài đã lên đường truyền giáo bất chấp mọi nguy hiểm đang rình chờ. Trong thư gửi cho tín hữu Côrintô ngài đã cho biết về một số nguy hiểm đã phải trải qua : 5 lần bị đánh 39 trượng, 3 lần bị tra tấn, một lần bị ném đá, 3 lần bị đắm tầu một ngày một đêm (2Cr 12,24-25). Ngài phải được gọi là chiến sĩ của Tin mừng, anh hùng của đức tin, của lòng nhiệt thành, bất chấp mọi gian nan thử thách, bởi vì :

 

                                      Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả,

                                      Anh hùng hào kiệt có hơn ai.

                                                (Nguyễn bá Học)

 

          Chúa muốn cho các tông đồ của Ngài phải yêu mến Ngài và dấn thân trọn vẹn trên con đường rao giảng Tin mừng.  Ta thấy khi cưới nhau thì hai người nam nữ hứa hiến thân cho nhau suốt đời. Khi khấn dòng : con hứa với Chúa sống khó nghèo, vâng lời và khiết tịnh. Khi lãnh chức Linh mục : con có muốn tận hiến toàn thân cho Thiên Chúa vì phần rỗi mọi người không ?

          - Thưa con muốn.

          Một sự dấn thân trọn vẹn : Chúng ta cùng nhau sống mãi tới già. Đó là một trong những điều cao cả của cuộc sống con người.  Những kẻ ngại ngùng dấn thân trọn vẹn sẽ chỉ có một đời sống nghèo nàn  (André Sève, Sương mai, tr 77).

 

II. NGƯỜI TÔNG ĐỒ PHẢI CAN ĐẢM : ĐỪNG SỢ.

 

          Con người không biết sợ được coi là một người can đảm. Nói theo kiểu bình dân, người ta gọi đó là người  có gan cóc tía”. Con người dám liều mạng vì lý tưởng cao cả, không gì có thể lay chuyển được chí khí của họ., không khó khăn nào có thể làm cho họ chùn bước hay bỏ cuộc. Tấm gương sán lạn của thánh Phaolô tông đồ đã chứng tỏ điều đó. Cuộc hành trình truyền giáo của Ngài đã phải trải qua những bước thăng trầm, nhưng không gì làm cho ngài chùn bước :

 

                                      Cũng có lúc mưa dồn sống vỗ,

                                      Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong,

                                      Chí những toan xẻ núi lấp sông,

                                      Làm nên đấng phi thường đâu đấy tỏ.

                                                (Nguyễn công Trứ)

 

          Nhưng bình thường, con người có nhiều nỗi lo sợ : sợ khổ, sợ chết, sợ thất bại, sợ cô đơn, sợ dấn thấn  v.v…   Cái sợ làm tê liệt con người : không có sức làm việc, không suy nghĩ sáng suốt, không giải quyết được tình huống... Ngay cả những người làm việc tông đồ cũng không tránh khỏi nỗi sợ : sợ không đủ khả năng, sợ người ta không nghe mình, sợ bị chống đối bởi những người không có thiện cảm với Tin mừng... Vì sợ như thế nên có người không dám mạnh dạn rao giảng, có người trốn tránh sứ mạng.

 

          Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu cũng bảo cho các tông đồ :”Đừng sợ”. Ngài đã thấy trước bao nhiêu gian nan khốn khó đang chờ đón các ông khiến các ông nản lòng.  Hãy can đảm lên vì đã có Chúa ở bên. Các ông hãy nhớ lại lần vượt biển bị sóng gió đánh tơi bời, tưởng chừng thuyền chìm tới nơi.  Nhưng Chúa Giêsu đã can thiệp, sóng gió phải vâng lời Ngài, biển lại trở nên tĩnh lặng như tờ.  Ngài khuyên bảo các ông một mặt dựa vào Chúa, một mặt cứ vững tay chèo lái con thuyền đời mình :

                                                Chớ thấy sóng cả mà lo,

                                      Sóng cả mặc sóng, chèo cho có chừng.

                                                        (Ca dao)

 

          Chúa Giêsu bảo :”Đừng sợ vì không có gì che giấu mà sẽ không bị tỏ lộ ra, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết”.  Ý nghĩa trong câu này là chân lý sẽ thắng. Châm ngôn La tinh có câu :”Chân lý là vĩ đại và chân lý sẽ thắng”.  Đức thánh Cha Gioan Phaolo II hay nhắc đến đề tài này trong các huấn dụ của ngài.

 

          Khi vua Giacôbêâ VI hăm dọa treo cổ hoặc lưu đầy André Meville, ông khảng khái đáp :”Vua không thể treo cổ hoặc lưu đầy chân lý”.  Khi Kitô hữu chịu khổ và hy sinh, thậm chí chết vì đạo, thì phải nhớ rằng một ngày kia mọi sự được phơi bầy, lúc đó quyền lực của kẻ bách hại và sự anh dũng của người theo Chúa sẽ được minh giải và mỗi người nhận đúng phần công của mình.

 

          Người tông đồ nói điều mình đã nghe Chúa Giêsu và phải nói lại dù phải chuốc lấy oán ghét của người đời, thậm chí có thể toi mạng.  Người đời không ưa chân lý vì “chân lý như ánh sáng chiếu vào mắt đau” (Diogens). Một lần giáo sĩ Latimer đang giảng, có cả vua Henri dự, ngài biết mình sắp nói một điều vua không ưa. Ở trên tòa giảng ngài nói lớn như nói với chính mình :”Latimer, Latimer, Latimer, coi chừng điều ngươi nói, có vua Henri đấy”. Kế đó, ngài ngưng, rồi nói tiếp :”Latimer, Latimer. Latimer, coi chừng điều ngươi nói, có Vua của các vua đang ở đây”.

 

          Người giảng đạo đem một sứ điệp nói cho loài người, nhưng phải nói trong sự hiện diện của Thiên Chúa.   Khi chôn Gioan Knox, người ta nói về ông :”Đây là nơi yên nghỉ của một người kính sợ Thiên Chúa đến nỗi không bao giờ sợ hãi trước mặt loài người”.  Chứng nhân Kitô là người không biết sợ, vì biết sự phán xét đời đời sẽ điều chỉnh sự phán xét tạm thời. Người truyền giảng là người lắng nghe cách cung kính, và nói với lòng can đảm, vì xác tín rằng vô luận nghe nói đều ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa.

 

          Các tín hữu thời sơ khai đã gặp bao nhiêu khó khăn, nhưng họ tỏ ra luôn vững tin, không nao núng trước những thử thách. Sử gia Tertullianô đã viết về họ :

“Những người tin theo Chúa được mệnh danh là Kitô hữu. Kitô hữu (Christianus) nghĩa là thuộc về Chúa Kitô, nên họ đã phải có một tâm tình như Chúa Kitô. Họ không sợ chết. Họ không sợ hình khổ. Họ không sợ bách hại, tại vì họ đã đi cùng một đường với Chúa. . Câu :”Kẻ muốn theo Ta phải từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo” đã thấm nhập vào tâm hồn họ, nên mỗi khi phải đau khổ, cũng như bị bách hại, cũng như bị cấm cách, câu nói ấy lại đến với họ như chính Đấng Kitô hiện hình.  Hèn gì mà trên tín trường họ coi gươm giáo như hoa hồng, coi lý hình như bạn hữu.Họ chỉ sợ một Thiên Chúa – Đấng sẽ phán xét họ, nếu họ đi trệch đường”.

 

          Người làm tông đồ phải được huấn luyện, tập cho mình biết hy sinh chịu đựng mà không kêu ca phàn nàn.  Người làm tông đồ hãy theo cách huấn luyện thanh niên ở thành Spartes : Hằng năm, một số trẻ em thành Spartes cử hành lễ CHỊU ĐỰNG, các em phải chịu đựng cho roi quất vào mình, máu chảy, thịt rách nhưng không được thối chí hay khóc lóc.  Châm ngôn của họ là đau không khóc, đói không than. Ngoài ra, các em phải tự mưu sinh ở trong rừng một thời gian, chiến đấu với thú rừng để sinh tồn .

 

           Chớ gì người tông đồ tỏ ra kiên trung, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để một lòng một dạ theo chân Chúa dù phải đòn vọt, gông cùm hoặc phải nhận lấy cái chết :

 

                                                Chân xiềng cổ lại đeo gông,

                                      Chết anh anh chịu, anh không buông nàng.

                                                          (Ca dao)

 

                                      Truyện : Gương can đảm.

          Các vị Truyền giáo đã kể lại một nhân chứng đức tin như  sau :

          Ghèssèssén là một bé trai Eùthiopie 12 tuổi, tính tình luôn vui ve ûvà sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Em thuộc một gia đình quí tộc  lâu đời trong tỉnh Agamie. Ba em, thủ lãnh và khô khan. Oâng không bao giờ chấp nhận kẻ khác bất tuân lời ông hoặc chống lại ông.

          Lớn lên em được học ở trường Công giáo Gouala. Tâm hồn em đã bị đánh động bởi các nghi lễ, các lời giảng dạy của các vị Truyền giáo, nhất là gương sống đạo của các em Công giáo sáng nào cũng đi dự lễ, rước lễ. Em rất thích đạo Công giáo, ước ao được rước lễ. Nhưng cac Cha Thừa Sai chưa cho em nhập đạo, vì cần chờ ý kiến của ba má em.

 

          Ngày nọ, em bị Ba gọi về. Em hứa với chúng tôi sẽ trở lại ngay ngày hôm sau. Nhưng em đã không xuất hiện lại mấy ngày nay. Chúng tôi đã nghĩ người ta đã dùng vũ lực để giữ em lại. Tệ hơn người ta bắt em  từ chối ý muốn theo đạo. Và đây là câu chuyện mà em đã kể cho chúng tôi :

 

          Con đến gặp Ba con, cùng đi với con có Mẹ con. Ôâng ôm hôn con, và con hôn đầu gối Ba theo như tập tục ở xứ con. Lúc ấy, ông nói với một giọng vuốt ve :

- Ta và Mẹ đã quyết định cưới vợ cho con, ta chỉ yêu cầu con một chữ : “Dạ”.

Con đã trả lời :

- Không.

Cha con nói gằn giọng :

- Mày nói gì ?

- Con nói “Không”, vì con muốn được học ở nơi các Cha Cố.

- Im đi ! Ta muốn mày cưới vợ. Biết đâu mày còn muốn theo đạo Công giáo!

- Thưa cha, con đã là Công giáo trong tâm hồn rồi.

Nghe các lời này, ông nổi cơn tam bành, hét to :

- Đồ bị chúc dữ ! Mày, con của Rèdada, lại muốn trở thành Công giáo ! Ta thích mày chết đi còn hơn !

Ôâng nghiến răng, nắm tay đấm. Ôâng dữ tợn và hung hăng như một con sư tử. Dì con và các binh lính la to :”Phải phạt nó”.

Mẹ con thì im lặng. Ba con lặp lại :

- Hãy bỏ tôn giáo đó đi ! Nếu không, tao giết mày như một con vật.

- Con không thể bỏ đạo thánh được, thà chết còn hơn. Ba là Ba của thân xác con, nhưng chính Chúa là Cha của linh hồn con.

 

Thế là một trận đòn với biết bao lằn roi cây, roi da hà mã bủa lên thân xác con rất đau đớn do Ba con và các lính của ông đánh đập. Cuối cùng, đao phủ của con thấm mệt và dừng tay.

Ba con lại hỏi một lần nữa :

- Có bỏ đạo Công giáo không ?

Con trả lời :

- Không, thà chết…

          Trải qua mấy ngày liền, bị đánh đập, cho ăn thiếu thốn, trói buộc. Ba con vẫn giữ vững lập trường bắt con bỏ đạo. Ôâng hứa hẹn, dụ dỗ, đe dọa… Nhưng tất cả đều vô ích !

         

          Ngày 7/9 vọng lễ Sinh nhật Đức Mẹ, cậu can đảm nói với Ba cậu :

- Cho con đến Gouala, nhà các Cha.

          Vị thủ lãnh Rèdada không còn biết làm gì khác. Ôâng đồng ý. Trời còn chưa sáng, em đã hăm hở lên đường về lại Gouala.

         

          Một niềm vui lớn lao cho em và cho chúng tôi. Chúng tôi băng bó các vết thương cho em. Em thành khẩn lặp lại ý muốn  chịu phép Rửa tội và Rước lễ. Em nói :

-          Các Cha còn sợ con trở thành kẻ chối đạo nữa sao ? Xin đừng sợ ! Con sẽ không phản bội Chúa Giêsu của con đâu ! Vì Ngài, con sẵn sàng  dâng cả mạng sống con.

 

III. NGƯỜI TÔNG ĐỒ LUÔN TRÔNG CẬY VÀO CHÚA.

 

          Trên bước đường truyền giáo, người tông đồ không còn biết trông cậy vào ai, chỉ còn biết trông cậy vào sự quan phòng của Chúa. Tuy không thấy Chúa nhưng phải tin rằng lúc nào cũng có cánh tay của Chúa đang hướng dẫn và hộ phù.

 

          Người phó thác vào Chúa quan phòng tin rằng Chúa luôn hiện diện bên cạnh con người trong mọi tình huống :”Ta hằng ở với con(Gr 1,10) hoặc “Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 26,20).

 

          Người tín thác vào Chúa luôn tin rằng Chúa có kế hoạch của Ngài và không có gì xẩy ra ngoài kế hoạch của Thiên Chúa :”Không con chim sẻ nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi”(bài Tin mừng hôm nay).

 

          Người phó thác cho Chúa xác tín rằng Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con. Một người cha tốt lành lo cho con tất cả, đem đến cho con những gì tốt lành nhất :”Cha chúng con trên trời thừa biết chúng con cần gì”(Mt 6,32).

                                     

                                      Truyện : Mối dây liên lạc với Thiên Chúa.

          Một em bé chơi diều, thả con diều lên cao     đến độ con diều trở nên như một chấm nhỏ khó có thể trông thấy được. Thấy tay em cầm đầu dây và mặt cứ ngước lên trời, một người qua đường hỏi em :

          - Em đang làm gì vậy ?

          Em bé trả lời :

          - Cháu đang chơi thả diều.        

          Người kia ngạc nhiên hỏi tiếp :

          - Diều đâu, tôi không thấy gì ở trên trời cả.

          Em bé thưa lại :

          - Bác không trông thấy, nhưng cháu chắc chắn là con diều của cháu đang ở trên đó, vì cháu còn giữ được đầu dây trong tay cháu đây mà.        

          Thiên Chúa cũng thế, người ta không trông thấy Ngài, nhưng có thể cầm được những mối dây, để cảm được sự hiện diện và tình yêu thương của Ngài.

                             (Hạt giống âm thầm, tr 196)                       

 

          Chúng ta hãy tiếp tục triển khai lòng tin cậy vào Thiên Chúa. Hãy tìm hiểu câu nói đầy ý nghĩa này :

                             Thiên Chúa đóng kín cửa chính thì Ngài mở ra cửa sổ.

          Đây là câu nói diễn đạt kinh nghiệm sống của đạo sâu xa. Thiên Chúa đóng kín cửa chính đó là khi chúng ta gặp thử thách, đau khổ, không còn có thể nhìn thấy ánh sáng, sự hiện diện đầy quan phòng của Thiên Chúa. Đó là khi Thiên Chúa xem ra như bỏ rơi, mặc ta đương đầu với thử thách khó khăn. Lúc đó chúng ta nhớ rằng : Thiên Chúa Ngài sẽ mở ra cửa sổ, mở ra một lối thoát, một giải đáp, một hướng đi mới cho cuộc đời chúng ta.

 

          Thiên Chúa đóng kín cửa chính nhiều lần trong cuộc đời mỗi người, nhưng đồng thời Ngài cũng mở ra những cửa sổ, để hướng chúng ta đến một điều tốt đẹp hơn, và trước đó ta không ngờ những kinh nghiệâm đau thương tiêu cực, mà ta gặp phải trong cuộc đời, đôi khi đó là tiếng nói của Thiên Chúa, để mời gọi ta bước ra một hoàn cảnh không tốt đẹp, để chuẩn bị ta sẵn sàng đón nhận những hồng ân mới.

 

          Nhìn lại cuộc sống, có thể mọi người chúng ta sẽ cảm nghiệm được những giây phút, Thiên Chúa như đóng kín cửa chính, nhưng đồng thời Ngài cũng mở ra những cửa sổ, những viễn tượng mới tốt đẹp hơn cho cuộc đời chúng ta.

 

          Khi Thiên Chúa đóng kín cửa chính, thì Ngài sẽ mở ra cửa sổ, chúng ta hãy nhìn trong những biến cố đau thương, tiêu cực xẩy ra trong cuộc đời, với tinh thần tích cực lạc quan và sự tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa. Chính những lúc ta gặp thử thách đen tối, là lúc ta cần tin tưởng phó thác vào Chúa nhiều hơn nữa. Hãy ngắm nhìn thấy những cánh cửa sổ Thiên Chúa mở ra cho cuộc đời mình.  Mỗi người chúng ta cần sống trong sự hiện diện của Ngài, cần lưu hướng về Ngài trong việc thực hành cầu nguyện đối thoại với Ngài. Khi gặp thử thách đau thương, chúng ta không nên giảm bớt hay bỏ quên việc cầu nguyện, chạy đến tiếp xúc với Thiên Chúa.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

         


Về trang Mục Lục