CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN A

VƯỜN NHO CỦA CHÚA

+++

A. DẪN NHẬP.

 

          Ngày xưa Thiên Chúa đã chọn Israel là dân riêng của Ngài và coi dân Ngài như “vườn nho” được Ngài săn sóc cẩn thận. Ngài chỉ mong cho vườn nho đem lại nhiều hoa quả tốt tươi, nhưng vườn nho chỉ đem lại những trái nho dại đắng đót. Cả những người trồng nho cũng phản loạn, bất trung trong việc canh tác ,  nên Thiên Chúa đã trao vườn nho cho người khác.

 

          Ngày nay, chúng ta cũng được coi là vườn nho mới của Chúa. Tất cả những gì Chúa ân cần săn sóc ban cho đều là hồng ân của Chúa. Chúng ta được tự do hành động, sắp xếp công việc theo ý ta, nhưng ta phải chịu trách nhiệm về những việc làm ấy.  Bổn phận của chúng ta là phải cố gắng làm việc cho tốt để đáp lại tình thương của Chúa đối với chúng ta.

 

          Sách có chữ rằng :”Tiền xa ký phúc, hậu xa khả giới” : Xe trước đổ xe sau phải coi chừng. Dân Do thái ngày xưa đã bất trung nên đã bị Thiên Chúa ruồng bỏ. Ngày nay chúng ta là dân Do thái mới được Thiên Chúa săn sóc giữ gìn, chúng ta phải tránh xa vết xe cũ kẻo phải hư đi, nhưng phải trung thành với những hồng ân Chúa ban, bằng cách làm cho ơn Chúa được sinh hoa kết quả dồi dào trong đời sống; đồng thời cũng phải biết chia sẻ cho người khác nữa.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

 

          + Bài đọc 1 : Is 5,1-7.

 

          Tiên tri Isaia đã dùng “bài ca cây nho” để nói lên tình yêu của Thiên Chúa đã yêu dân Chúa như thế nào và dân Chúa đã đáp lại ra sao.  Trong dụ ngôn này, “vườn nho” tượng trưng cho dân Israel. Thiên Chúa đã yêu thương và săn sóc dân Chúa như thế nào, Ngài chỉ muốn cho nó sinh ra  những hoa trái ngon ngọt. Nhưng than ôi ! trước sự yêu thương và săn sóc của Thiên Chúa, dân Chúa vẫn bất trung, bạc tình bạc nghĩa giống như vườn nho  chỉ sinh ra những trái nho đắng đót.

 

          Trước sự bất trung ấy, Thiên Chúa định bỏ mặc dân Israel cho quân thù giấy xéo, phải làm tôi ngoại bang. bị đi lưu đầy.  Thực tế đã chứng minh : những sự việc này đã xẩy ra trong lịch sự dân Israel.

 

          + Bài đọc 2 : Pl 4, 6-9.

 

          Gặp những hoàn cảnh khó khăn, nhiều người tỏ ra xao xuyến ngã lòng, thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Philipphê hãy trút bỏ mọi lo âu và hãy tin tưởng vào Chúa để được bình an trong tâm hồn. Ngài đưa ra cho tín hữu bí quyết để được sự bình an ấy :

 

          a) Hãy cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh :”Anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn mà giãi bầy trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện”.

          b) Hãy sống với lương tâm trong sáng và hãy đem ra thực hành những điều đã được học hỏi nơi thánh Phaolô.

 

 

          + Bài Tin mừng : Mt 21, 33-43.

 

          Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn này để cảnh giác các nhà lãnh đạo Do thái : vua chúa, luật sĩ, biệt phái và những tư  tế. Thiên Chúa đã giao dân Chúa - là cây nho qúi - cho những nhà lãnh đạo Do thái, nhưng những người này lại khai thác cây nho để hưởng lợi riêng, bách hại những tiên tri, những sứ giả của Thiên Chúa và giết cả Con  của Người.

         

          Đồng thời Chúa Giêsu cũng cảnh cáo dân Do thái : đáng lẽ dân Do thái phải biết ơn Chúa khi gọi họ vào Nước Trời, và đáp lại họ phải có một đời sống tốt, như một phần hoa lợi nộp cho Thiên Chúa là chủ vườn nho.  Nhưng chẳng những họ không làm thế mà còn giết luôn cả Chúa Giêsu, Con duy nhất của Thiên Chúa.

 

          Do đó, Chúa Giêsu kết luận :”Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”.

 

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

                                                Hãy sinh hoa trái tốt

I. TÌM HIỂU DỤ NGÔN.

 

          1. Tục lệ trồng nho ở Palestine.

 

          Palestine là một vùng đồi núi thích hợp cho việc trồng nho, nên trồng nho  là một nghề rất quen thuộc.  Chúa Giêsu muốn dùng vườn nho để làm dụ ngôn. Vườn nho thường có hàng rào làm bằng hàng rào gai dầy để ngăn chặn heo rừng vào phá và kẻ trộm có thể vào ăn trộm nho.  Mỗi vườn nho đếu có hầm ép rượu gồm hai cái chậu đục từ đá hay xây bằng gạch, cái này đặt cao hơn cái kia và nối với nhau bằng hai cái rãnh.  Nho được ép từ chậu cao  sẽ chảy xuống chậu thấp.  Cái tháp trong vườn được dùng cho hai mục đích. Nó dùng làm chòi canh kẻ trộm khi mùa nho chín và làm chỗ cho người làm việc trong vườn nho.

 

          Những người có nhiều đất thì thường đem đất đai cho mướn, giống như ở Việt nam xưa cho tá điền phát canh thu tô.  Tiền cho mướn phải trả bằng ba cách : bằng tiền, bằng số trái cây nhất định hoặc bằng số bách phân của hoa mầu.

 

          Hành động của những người trồng nho mướn cũng không phải là việc bất thường. Trong thời Chúa Giêsu, xứ Palestine ở vào thời kinh tế bất ổn, người làm công bất mãn và làm loạn . Hành động của những tá điền tìm giết con chủ vườn không phải là chuyện không xẩy ra.

 

          2. Ý nghĩa dụ ngôn.

 

          Bài Tin mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn  những người làm vườn nho giết người, để trình bầy về sự tương phản giữa tình yêu của Thiên Chúa với sự độc ác của những kẻ bất trung vô ơn bội nghĩa với tình thương yêu ấy.

 

          Theo từng chi tiết, vườn nho ám chỉ Nước Thiên Chúa hay là Nước Trời được trao cho dân Do thái. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. Những người thợ làm vườn  nho là giới lãnh đạo, là những người đứng đầu trong dân. Các đầy tớ là các tiên tri, những sứ giả được Thiên Chúa sai đến đều bị ngược đãi hoặc bị giết chết. Trước thái độ bất nhân bất nghĩa đó, Nước Thiên Chúa được chuyển sang cho một dân tộc khác là Hội thánh, một dân phổ quát và Công giáo,  sẽ lan tràn trên khắp thế giới.

 

          Ý nghĩa câu chuyện thật rõ ràng đối với thính giả Do thái thời Chúa Giêsu.  Thiên Chúa đã chọn người Do thái làm dân riêng của Ngài, đã ban cho họ mọi sự có thể, nhưng họ bác bỏ và giết chết các tiên tri của Thiên Chúa và đóng đinh chính Con của Ngài chết trên thập giá.

 

          Rồi Thiên Chúa kêu mời những người Do thái, là chúng ta đây, làm những tá điền mới trong vườn nho của Ngài, làm công dân mới trong Nước Thiên Chúa. Cũng vậy, chúng ta phải làm sinh hoa lợi, phải nộp một loại “tiền thuế”, một loại “dịch vụ”, một loại “nợ” về ân huệ gia nhập dân Chúa.

 

II. NHỮNG BÀI HỌC CHO CHÚNG TA.

 

          Đọc dụ ngôn này, chúng ta có thể rút ra được mấy bài học để thực hành trong đời sống hằng ngày :

                   - Lòng yêu thương và kiên nhẫn của Thiên Chúa.

                   - Sự tựï do của con người trong cuộc sống.

                   - Phải sinh hoa trái tốt trong đời sống.

 

          1. Lòng yêu thương và kiên nhẫn của Thiên Chúa.

 

          Suy nghĩ về thái độ của ông chủ vườn nho đối với các tá điền,  ta thấy chủ vườn nho đã cố gắng tới ba lần để giúp các tá điền thay đổi đường lối. Ông sai hết người đại diện này đến người đại diện khác đến với họ.  Ông không đến báo thù ngay khi người đại diện ban đầu bị ngược đãi, ông cho những người tá điền hết cơ hội này đến cơ hội khác để đáp ứng đòi hỏi của ông.  Khi ông thấy rằng có kiên nhẫn hơn nữa cũng vô ích, ông ta mới ra tay xét xử  đám này và bắt họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.   Cuối cùng, ông chủ lấy lại vườn nho và trao lại cho người khác.

 

          Thiên Chúa cũng cư xử với chúng ta y như thế.  Cha chúng ta trên trời vô cùng kiên nhẫn.  Nhưng rồi sẽ đến lúc sự kiên nhẫn của Chúa sẽ nhường bước cho sự xét xử.  Và chúng ta cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

 

          2.  Sự tự do của con người.

 

          Ông chủ vườn nho đã sắp xếp mọi thứ : có hàng rào, có hầm ép rượu và tháp canh để giúp cho công việc được dễ dàng. Ông chủ không những giao công việc để làm, mà còn giao phương tiện để làm nữa.  Ông chủ vườn để những người tá điền làm công việc theo sở thích của mình và chỉ đòi họ canh tác để đến mùa thu hoa lợi, chứ không phải là người độc đoán, ông như một vị chỉ huy khôn ngoan trao công tác rồi để cho họ làm.

 

          Điều này nói lên ông chủ tín nhiệm các tá điền. Nhưng có những tá điền không làm đúng công việc của mình, họ đã lạm dụng tự do ông chủ ban cho để tìm lợi lộc riêng. Họ đã phụ lòng tin của ông chủ. Những người tá điền cố tình thực hiện kế hoạch chống lại và không vâng phục chủ mình.

 

          Mỗi người chúng ta là một tá điền mà Thiên Chúa trao phó cho một vườn nho, là những ơn phúc và chúng ta có bổn phận đem hoa lợi về cho Chúa. Ngài để cho chúng ta hoàn toàn tự do sắp xếp công việc theo sáng kiến riêng và chịu trách nhiệm về những việc chúng ta làm.

 

          3. Phải làm nảy sinh ra hoa trái tốt.

 

          a) Những ơn lành đã nhận.

 

          Tất cả mọi cái chúng ta có là do Chúa mà có, ngay cả con người chúng ta, mạng sống chúng ta. Chúng ta phải nói như thánh Phaolô :”Tất cả là hồng ân”.  Trong thư gửi cho tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đặt một câu hỏi khiến mọi người chúng ta phải suy nghĩ :”Bạn có gì mà bạn đã không lãnh nhận” (1Cr 4,7).

 

          Thật vậy, những ân phúc Chúa ban như những tài năng tinh thần, những của cải vật chất, chúng ta phải biết xử dụng để sinh lợi tối đa, tức là chúng ta phải làm việc và làm lợi cho Chúa. Mỗi người Chúa ban cho một vốn liếng khác nhau không ai giống ai : người mười nén, người năm nén, người một nén... nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ là phải cố gắng làm sinh lời tùy theo sức của mình. Chúa chỉ đòi chúng ta cố gắng chứ không đòi kết quả.

 

          Tóm lại, tất cả đều do Chúa ban. Ta đúng là một vườn nho được Chúa chăm sóc ân cần.

          Chúa chờ đợi gì nơi ta ?

          Chúa muốn ta nhận biết tất cả là bởi Chúa. Thế mà chúng ta vô tình coi những thứ đó là của riêng ta. Như thế, chúng ta cũng giống như những tá điền muốn chiếm đoạt vườn nho của chủ.  Nhiều khi chúng ta chỉ biết dùng những thứ ấy cho riêng mình mà không nghĩ tới tha nhân, Giáo hội và xã hội.

 

          Ngoài ra, trong việc làm sinh hoa kết quả trong đời sống, tâm lý thông thường con người ta là muốn làm việc lớn, được nhiều lợi nhuận, được nhiều người biết đến. Nhưng trước mặt Chúa, mọi việc dù lớn dù nhỏ không quan hệ, miễn là chúng ta làm việc cho Chúa, vì Chúa và làm hết khả năng của mình. Trong cuộc sống của chúng ta, chẳng mấy khi có việc lớn mà chỉ là những việc nhỏ, nhưng trung thành  chu toàn được những việc nhỏ lại là việc khó như ngạn ngữ La tinh có câu :”Communia, non communiter” : làm công việc tầm thường nhưng bằng một cách phi thường.  Thánh Têrêsa Hài đồng đã làm gương cho chúng ta về vấn đề này.

 

          Không ai có thể làm việc lớn cho Chúa nếu trước hết không làm những việc nhỏ cho Ngài. Nếu không trung thành trong những việc nhỏ thì không ai tin tưởng mà trao cho chúng ta việc lớn hơn.  Kinh thánh nói :”Ai trung thành trong việc nhỏ mọn cũng sẽ trung thành trong việc lớn”.

 

                                       Truyện : Vị thiên thần dễ tính.

          Ngày kia, có hai người xin vị thiên thần cho họ được tham dự vào quyền năng của Thiên Chúa.  Vị thiên thần đồng ý.  Người thứ nhất xin cho có khả năng làm được những công việc vĩ đại. Vị thiên thần gật đầu ưng thuận, nhưng lại ra điều kiện :”Ngươi sẽ được quyền lực để hoàn thành những kỳ công. Nhưng ngươi lại không có sức làm những việc thông thường”.  Chàng ta đọc được ý nghĩ của kẻ khác, và không ngừng chế tạo ra những phát minh vĩ đại. Ít lâu sau chàng đã trở thành tỉ phú nhờ kinh doanh những phát minh của chàng.  Chàng ta rất hài lòng với những thành công đã đạt được.  Nhưng chẳng bao lâu, từng người một, các bạn bè lần lượt xa lánh chàng mà chàng lại không làm gì được để giữ họ lại. Sau đó cả người vợ cũng thầm giũ áo ra đi. Chàng cũng không làm gì được để nối lại mối tình xưa. Rồi sau cùng sức khỏe cũng giã biệt chàng, thân thể trở nên bạc nhược, đến nỗi chàng không còn đi đứng được nữa, chàng bất lực, chẳng làm gì được để phục hồi sức khỏe ngoài việc ngồi trên xe lăn để đếm từng ngày cô đơn.

 

          Ngược lại, người thứ hai chỉ xin được có khả năng làm tốt những việc bình thường. Vị thiên thần cũng đồng ý và nhắn thêm :”Thiên Chúa sẽ không cho ngươi quyền lực nào đặc biệt để hoàn thành  những việc phi thường đâu”. Chàng bình thản tiếp tục sống cuộc đời mình, hằng ngày chàng vui vẻ chu toàn nghĩa vụ của một công dân lương thiện, một người chồng chung thủy, một người cha hiền tận tụy với con cái, một người bạn, một người láng giềng quảng đại, hào hiệp, vị tha. Chàng cảm thấy đời mình thật ý nghĩa, thật vui tươi và hạnh phúc. Chàng không còn ước muốn gì hơn là được tiếp tục sống trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân trong những gì bình thường nhất với một niềm tri ân sâu thẳm.

 

          Biết nhìn ra những giá trị của những điều bình thường trong cuộc sống, con người mới có khả năng khám phá được sự cao cả phi thường mà Thiên Chúa cất giấu trong đời họ. Từ đó con người cũng sẽ kín múc được sức mạnh dồi dào để phát huy những giá trị của bản thân, của cuộc sống để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.

                   (Phạm văn Phượng, Chia sẻ Tin mừng CN, năm A, tr 212-213)

 

          b)  Lãnh nhận và cho đi.

 

          Ta nhắc lại một lần nữa lời thánh Phaolô :”Bạn có gì mà bạn đã không lãnh nhận”(1Cr 4,7). Phải, tất cả những gì ta đang có là do ta lãnh nhận từ tay Chúa, một cách trực tiếp hay gián tiếp. Nhưng không chỉ nhận, ta còn phải biết cho, bởi vì, trên căn bản, ta nhận không phải chỉ cho riêng mình mà còn cho người khác nữa.

 

          Con sông chỉ nhận nước vào mà không cho nước thoát ra thì không thể nhận thêm nước được, nó sẽ trở thành cái ao tù.  Nó phải phân phối nước đi thì nó mới trở nên trong sạch được bằng cách nhận thêm nước khác. Nước Biển Chết là một thứ nước mặn chát, hôi thối vì chỉ nhận nước tư øcác sông chảy vào mà không có lối thoát ra.

 

          Có một mối tương quan biện chứng giữa nhậncho : đã nhận thì phải cho đi, cho đi thì mới nhận vào được,  nếu chỉ nhận mà không cho đi thì bị tắc nghẽn.  Con người cũng thế, nếu chỉ biết nhận lãnh cho mình mà không biết chia sẻ cho nguời khác thì người đó chỉ biết co cụm lại, thay vì làm giầu thì chỉ làm cho mình nghèo đi. Những người chỉ biết co cụm lại không thông ra cho người khác thì không bao giờ có niềm vui vì người ta chỉ có thể có niềm vui khi mở lòng ra với người khác.

 

                                      Truyện : không biết chia sẻ.

          Một người nghèo nọ được thần tài gõ cửa, nên không mấy chốc căn nhà của anh bỗng rộn lên tiếng cười của vợ con, họ hàng và láng giềng. Một cuộc sống xứng với nhân phẩm hơn đó là điều mà con người may mắm này đã cảm nhận được.

          Tuy nhiên, may mắn nào cũng kéo theo những đòi hỏi, đòi hỏi thách thức nhất của người nghèo  bỗng nhiên trở thành giầu có là : hãy chia sẻ với người khác. Không mấy chốc, bà con họ hàng từ các nơi đổ xô về căn nhà nghèo nàn của anh để xin giúp đỡ, trước là nhận họ sau là nhận hàng, đó là thói thường của người đời.

          Kẻ trúng số hiểu được các tâm lý thông thường ấy, lúc đầu được thúc đẩy bởi lòng quảng đại, ông không ngần ngại chia sớt cho mọi người. Nhưng dần dà con số người đến xin giúp đỡ ngày càng gia tăng, cho đến một lúc cuộc sống riêng tư và êm ấm của gia đình hầu như bị xáo trộn triền miên. Người đàn ông không còn đủ kiên nhẫn nữa.

          Một hôm, ông đề nghị với vợ :

          - Hay là ta dọn đi một nơi khác.

          Người vợ lắc đầu bảo :

          - Mình có đi đâu thì thiên hạ cũng tìm tới.

          Nhưng người chồng giải thích :

          - Mình sẽ đi đến một chỗ không ai biết, mình sẽ đổi tên đổi họ, cũng không cho ai biết mình sẽ đi đâu, và sẽ cố gắng sống một cách đơn giản để không ai để ý đến mình nữa, ngay cả mấy đứa nhỏ cũng không cho biết mình đã trúng số.

          Người vợ thắc mắc :

          - Còn tiền bạc thì mình để ở đâu?

          Chồng trả lời dứt khoát :

          - Mình sẽ đem chôn giấu, mình sẽ sống như thể không hề trúng số, chỉ đem ra dùng  khi nào cần thiết mà thôi.

          Thế là cả gia đình đã dọn đến một nơi khác như dự kiến : họ lén lút ra đi nên không ai biết, tiền bạc đem chôn cất, con cái còn quá nhỏ nên không biết việc gì đã xẩy ra, họ sống nghèo nàn trong một khu ổ chuột.  Ngày qua ngày, chính họ cũng quên rằng mình đã có lần trúng số, và khi họ chết thì tất cả mọi tài sản đều mất hết. Họ quên cả việc viết chúc thư cho con cái để trao lại tài sản cho chúng.

 

          Câu chuyện ngụ ngôn trên đây nhắc cho chúng ta lời khuyên của Chúa Giêsu  :”Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho đi nhưng không”.  Tất cả những gì Chúa ban cho ta, không phải chỉ dành cho riêng mình nhưng còn phải cho kẻ khác nữa.  Chúng ta chỉ có được niềm vui khi chúng ta biết mở lòng ra với người khác. Còn niềm vui nào lớn hơn khi niềm tin được sinh lợi bằng những hoa trái của yêu thương, của phục vụ. Còn niềm vui nào lớn hơn khi chúng ta cảm nhận được Chúa đang đến qua từng cố gắng sống niềm yêu thương chia sẻ của chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục