CN  MC-A (2014)             

SÁM HỐI VÀ ĐƯỢC BIẾN HÌNH

Để bước theo Đức Giêsu, chúng ta cần có những khoảnh khắc như lúc hiển dung mà, nhờ ơn Chúa, chúng ta cũng có, cho dù không long trọng như khoảnh khắc Phêrô, Giacôbê và Gioan đã sống trên núi cao. Những khoảnh khắc ấy cho hiểu rằng bước theo Đức Giêsu là thực hiện một hành trình trong ánh sáng, vì quả thật, nơi Người, hiện tỏ trọn vẹn vinh quang Thiên Chúa. Chúng ta cần những khoảnh khắc thinh lặng để nghe ra những lời Chúa Cha nói đang vang vọng trong tâm khảm: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5).

1.  Quang cảnh Hiển Dung đảm bảo cho đức tin của các Tông Đồ và giúp các ngài hiểu ý nghĩa của lễ Vượt Qua. Phêrô, Giacôbê và Gioan cảm thấy bị cám dỗ an tọa vào trong kinh nghiệm của cuộc tỏ mình của Chúa. "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay. Nếu Ngài muốn, chúng con xin dựng ba cái lều…". Tuy nhiên, điều này không thể được bởi vì đây là một thị kiến chóng qua. Sứ vụ của các ngài là xuống núi và can đảm bước theo dấu chân của Đức Kitô cho đến thập giá.

Đây cũng là ý nghĩa của ơn gọi Kitô hữu chúng ta: Chúng ta cần thường xuyên buông tay khỏi những sự vật trần gian vì chúng chóng qua. Cuộc sống là một cái cầu trên sông. Không phải là để lên đó mà an tọa, nhưng là để đi sang bờ bên kia. Đặc biệt phải tách ra khỏi những thói quen làm chúng ta trì trệ trong tình trạng tầm thường hoặc đôi khi trong tội lỗi. Nếu không trả giá, thì không có cứu độ.

2.  Cuộc Hiển Dung của Đức Kitô cũng là một tiếng gọi hy vọng vào đời sống vĩnh cửu. Một sự tham dự trước vào cuộc chiến thắng của Đức Kitô. Khi Phêrô viết cho các cộng đoàn tiên khởi, ông nhắc lại kinh nghiệm Hiển Dung:  “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người” (1 Pr 1,8-9). Ta đã và vẫn còn đọc bản văn này hơn hai ngàn năm nay.

Đức Kitô vẫn đang làm phản ánh trên chúng ta một nét của gương mặt Người, đang “biến hình” những gì khiến chúng ta bất an về mình. Chúng ta có thể phó thác mình vào Đức Kitô, và Người sẽ thực hiện trong chúng ta một sự thay đổi không thấy được, một sự “biến hình”, dù ta ở vào bất cứ tuổi nào.

3.  Trong Mùa Chay này, chúng ta phải sám hối và biến hình để ngày càng nên giống Đức Giêsu Kitô hơn. Chúng ta muốn giống với Người, lên trời để ở với Người, nhưng chúng ta có thể trả cái giá là thập giá chăng? Chúng ta có thể ra khỏi những thói quen cố cựu và lối sống tầm thường chăng? Chúng ta có kiên trì trong hành trình đức tin trong đó phải buông các sự vật ra và phó thác vào tay Thiên Chúa để sống trong ơn thánh hóa điều mà chẳng bao lâu sẽ là sự hoàn thiện thiên đàng?

Chúng ta cần có những tâm hồn được biến hình bằng ân sủng, giống như một tia sáng trong trần gian, những tâm hồn có khả năng dùng đời sống thánh thiện cho thấy ánh sáng của Đức Kitô Phục Sinh. Đây không phải là chuyện hiểu bản thân Đức Kitô, nhưng là chấp nhận Người. Đức tin biến hình nhân cách chúng ta theo những mục tiêu không ngờ. Đqây là điều mà hôm nay chúng ta xin cho chúng ta.

Lm. Fx. Vũ Phan Long, OFM

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ A