CN Phục Sinh (2017):  Niềm Vui Là Lời Chứng Hùng Hồn Nhất

Chúng ta được tạo dựng để hưởng niềm vui. Bạn chưa bao giờ nghe ai nói, “Anh biết đó, niềm vui không phải là chuyện dành cho tôi. Tôi ước ao đã gặp khốn khổ hơn nữa trong đời tôi”.

Chúng ta được tạo dựng để hưởng niềm vui, nhưng chúng ta nhận ra rằng đây không phải là điều chúng ta có thể mua được ở siêu thị.  Cứ việc nghĩ đến những lúc vui nhất trong đời chúng ta. Không  phải là chuyện đáng ngạc nhiên sao?

Tin Mừng cho chúng ta một ý niệm về sự ngạc nhiên khi khám phá ra mồ trống. Bà Maria Mácđala đã có mặt dưới chân thập giá. Bà đã thấy Đức Giêsu tắt thở.

Bị đóng đinh không phải là một trò đùa. Đó là một cái chết người Rôma dành cho những kẻ ngoài vòng pháp luật. Vì thế bà Maria Mácđala không chờ đợi thấy một ngôi mộ trống. Bà biết Đức Giêsu đã chết thật.  Chính vì thế khi thấy ngôi mộ trống, bà không biết phải nghĩ thế nào. Vì vậy bà chạy đi báo tin cho ông Phêrô và người môn đệ kia. Cả hai ông đều chạy ra mộ, nhưng hẳn là người môn đệ kia còn trẻ, nên chạy nhanh hơn,  đã tới nơi trước; ông dừng lại chờ bậc huynh trưởng là Phêrô. Vừa đến nơi, ông Phêrô đi ngay vào trong, còn người môn đệ kia đi theo.

Những gì các ông đã thấy khiến các ông ngạc nhiên. Đúng hơn, phải nói những gì các ông đã không thấy khiến các ông ngạc nhiên. Thi hài của Đức Giêsu đã biến mất  Khăn liệm còn đó, nhưng thi hài thì biến mất. Bản văn Hy Lạp thì nói là khăn liệm còn được gấp đặt ở đó. Sự kiện “băng vải để ở đó, và khăn che đầu xếp riêng ra một nơi” loại trừ giả thuyết là có một cuộc đánh cắp thi hài, bởi vì không kẻ nào lại còn nghĩ đến việc lột trần thi hài ra. Dường như thi hài của Đức Giêsu đã bốc hơi và để các khăn nằm ở đó. Nhưng không có thi hài nào cả.

Chúng ta cứ tưởng tượng ra sự ngạc nhiên của các ông. Chuyện gì đã xảy ra vậy? Và Tin Mừng nói là người môn đệ kia đã thấy và đã tin. Ông đã tin rằng Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết!  Hẳn là ông kinh ngạc ngất người đi được. Nhưng vì vì ông đã bắt đầu tin, nên lòng ông ngập tràn vui sướng. Niềm vui là câu trả lời tốt nhất cho lễ Phục Sinh. Ai mà lại có thể tưởng tượng ra là cái chết lại có thể bị chinh phục chứ?

Ý nghĩa của lễ Phục Sinh là như thế. Cái chết của bạn và cái chết của tôi không phải là kết thúc. Cũng như Đức Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết, thì chúng ta cũng sẽ trỗi dậy từ cõi chết. Thân xác và linh hồn, chúng ta sẽ sống mãi mãi. Đau khổ không có tiếng nói cuối cùng. Cái chết không có tiếng nói cuối cùng. Tình yêu của Thiên Chúa, được ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, mới có tiếng nói cuối cùng. Chính vì thế, bài Thánh vịnh của ngày hôm nay hô to: “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy VUI MỪNG hoan hỷ!” Vào ngày lễ Phục Sinh, chúng ta cũng ngạc nhiên không kém bởi sự hiện diện của Đức Giêsu Phục Sinh. Và lòng chúng ta cũng chan hòa niềm vui.

Khi chúng ta nhận ra quà tặng của lễ Phục Sinh, niềm vui là lời chứng hùng hồn nhất. 

 

Lm. Fx Vũ Phan Long, ofm

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ A