CHÚA LÊN TRỜI -

 

Niềm vui và hướng sống của các Tông đồ

 

Ngày hôm nay chúng ta mừng biến cố Chúa chúng ta lên trời. Chúng ta đấ đến cuối thời gian bốn mươi ngày huyền nhiệm, trong đó Đức Giêsu, vừa hiện diện vừa huyền bí, đã chuẩn bị cho các môn đệ biết sống thời gian phải tin mà không được thấy. Trong thực tế, Phục Sinh đã là một bước nhảy vào trong đời sống của Thiên Chúa, và Lên Trời chỉ làm một việc là vén mở cho thấy một thực tại đã có đó rồi. Vậy hôm nay, ước gì con tim chúng ta cũng lên trời với Chúa chúng ta, là Đức Giêsu Kitô Phục Sinh.

Chúng ta được mời gọi là hãy hân hoan vui sướng, nhưng như thế nào ? Trước tiên đó là niêm vui của các Tông đồ. Chúng ta hãy để cho niềm vui của các ngài bùng lên, lan tỏa ra và thấm nhập vào tận đáy thẳm tâm hồn chúng ta. Cùng với các ngài, chúng ta dâng lời chúc tụng Thiên Chúa vì Ngài đã yêu thương chúng ta đến độ ấy : tạo dựng nên chúng ta ; hứa ban ơn cứu độ ; cho chúng ta những dấu chỉ ; ban cho Đức Giêsu cho chúng ta làm Anh, làm Thầy, làm Đấng Cứu độ ; ban Thánh Thần làm « gia sư », lám ánh sáng dẫn đường, làm Đấng Bảo Trợ, làm niềm vui. Rồi hôm nay chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng tôn vinh, vì kể từ nay, có một con người, Đức Giêsu, được chia sẻ vinh quang của Chúa Cha. Đức Giêsu Phục Sinh chính là hoa quả đầu mùa của tất cả những ai được kêu gọi đi từ cái chết đến sự sống chân thật, đi từ bóng tối đến ánh sáng tuyệt vời của Thiên Chúa.

Như thế, lễ Chúa Lên Trời cử hành tương lai của nhân lọai trong Đức Giêsu Kitô ; không phải là một tương lai như một « không tưởng », nhưng là một tương lai mỗi ngày lại nên hiện thực hơn. Sự vắng mặt của Đấng Yêu Dấu biến thành niềm vui bởi vì chính sự vắng bóng của Người  không phải là một trốn chạy, một thất bại, một tránh né. « Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở ; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó » (Ga 14,2-3). Như thế, sự vắng mặt của Đức Giêsu đang chứng thực rằng bất cứ người nào trong nhân loại cũng có chỗ bên cạnh Thiên Chúa. Thư Do thái nói rất rõ : « Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta » (Dt 9,24). Chúng ta vui vì những lý do đó. Niềm vui này càng lớn lao hơn khi ta nghĩ đến các lời hứa đi kèm theo chuyến trở về của Đức Giêsu với Chúa Cha. Các lời hứa đó gồm ba lời. Lời hứa thứ nhất trấn an các Tông đồ. Tuy Thầy ra đi, Thầy không bỏ mặc các ngài với khối công việc mêng mông đang chờ đợi các ngài, nhưng các ngài được « mặc lấy một quyền năng từ trời cao ban xuống », đó là Chúa Thánh Thần. Đó chính là bộ áo làm việc, bộ quân trang để chiến đấu, sẽ làm cho các ngài thành những « chứng nhân » của Đức Kitô khởi đi từ Giêrusalem « cho đến tận cùng trái đất ». Còn đây là đối tượng của lời hứa thứ hai : trong Chúa Thánh Thần, mỗi Tông đồ sẽ thật sự là một chứng nhân của Tin Mừng. Và lời hứa cuối cùng phác ra một đường chân trời cho toàn thể Hội Thánh : « Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời » (Cv 1,11). Lời hứa này là tin mừng. Hội Thánh sẽ gặp lại Chúa của mình, Hiền Thê sẽ gặp lại Hôn Phu của mình.

Chúng ta không còn sống vào thời của các Tông đồ nữa. Tuy nhiên, cũng như các ngài, chúng ta được mời gọi sống thời gian của lời hứa, nghĩa là thời gian của đức tin, thời gian của hoạt động phúc âm hóa, như một cách « mạnh dạn bước vào cung thánh ». « Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín » (Dt 9,19.23).

Lm. Fx Vũ Phan Long OFM


GỢI Ý GIẢNG LỄ A