CN 7 TN – A

 

“Hãy Nên Thánh Vì Ta Là Đấng Thánh”

 

Khi Môsê nghe tiếng Chúa từ bụi gai gọi ông, ông tiến lại, thì Người bắt ông cởi dép, vì “nơi ông đứng là đất thánh” (Xh 3,5).

Trong cuộc thần hiển trên núi Sinai (Xh 19,3-20), sự thánh thiện của Đức Chúa xuất hiện như một quyền lực vừa khủng khiếp vừa nhiệm mầu, sẵn sàng tiêu diệt tất cả những gì đến gần.

Con cái Israel được đưa ra khỏi ách nô lệ Ai-cập để trở thành đoàn dân của Thiên Chúa, đã hiểu rằng Thiên Chúa là Thánh, nên họ cũng phải nên thánh.

Nhưng “thánh” nghĩa là gì?

Thiên Chúa là thánh nghĩa là tách biệt, khác hẳn mọi loài mọi vật. Nhưng Người lại là “Đấng Thánh của Israel”, Người ở gần, ở sát con cái Israel, là niềm vui, là sức mạnh, nơi nương tựa, ơn cứu độ, cứu chuộc cho họ. Theo bản chất, Người khác lạ, nhưng vì lòng chiếu cố và thương xót Người nên gần gũi.

Là dân của Đấng Thánh, con cái Israel cũng phải “thánh”, nghĩa là khác mọi dân nước để gắn bó mật thiết với Người. Một cách phải theo để nên dân thánh mà sách Lêvi đề ra, đó là: Họ không được thù ghét anh em trong lòng, tức là là không được tự tiện cắt đứt tình đồng bào ruột thịt với anh em. Họ phải ở trong cùng bọc với anh em, chứ không được hất anh em ra khỏi lòng mình.

Đấy cũng là chiều hướng của giáo huấn của ĐG trong bài TM, nhưng Người đẩy xa hơn, vì Người không chỉ đề cập đến cách đối xử với anh em đồng bào, mà còn cả đối với người xấu nữa.

Nhưng phải hiểu cho đúng giáo huấn của ĐG hôm nay. Người nêu bật điểm này: điều thiện phải làm, thì ta hãy làm cho trọn vẹn. Nếu chỉ làm một phần, làm với sự dè dặt, cho đúng với sự đòi buộc bề ngoài, thì chưa làm gì cả đâu!

Để cho người ta chú ý tới đòi hỏi này một cách sâu xa, ĐG dùng lối nói ngoa: trường hợp kẻ làm gương xấu, thì chặt một phần thân thể, để nói rằng phải tuyệt đối loại xa dịp tội, phải yêu thương anh em không những bề ngoài, mà cả trong lòng và trong  mọi tư tưởng. Riêng hôm nay, Người nói phải nhẫn nhục, đừng trả thù. Và đó là con đường để nên thánh vì Cha trên trời là Đấng Thánh.

ĐG không hề muốn triệt hạ hệ thống pháp lý xã hội. Người chỉ muốn vạch ra một đường hướng mới, một lý tưởng mới, để qua các thời đại, dần dần sự thiện vượt thắng sự ác.

Trong một thế giới theo luật “có đi có lại”, giáo huấn của ĐG mở ra những viễn tượng mênh mông. Người cho ta thấy cửa ngõ để có thể thoát khỏi cái vòng tròn tội lỗi của tính ích kỷ, của hành vi vụ lợi, của bạo động đáp trả bạo động. Chỉ tình yêu mới làm phát sinh tình yêu. Chỉ những Kitô hữu đã bị sức mạnh dịu hiền của ĐG chinh phục, mới có thể làm phát khởi một cuộc cách mạng hữu hình trong thế giới này, một cuộc cách mạng có thể bẻ gãy chủ trương bóc lột kẻ yếu và sử dụng vũ lực, bạo động…

Đó chính là sự điên rồ của Thiên Chúa. Nhưng nếu “điên rồ” được như vậy, ta đang tới gần lý tưởng mà chính ĐG mời gọi ta: “Hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh”.


GỢI Ý GIẢNG LỄ A