CN 12 TN-A (2017)- dũng cẢm tuyên xưng (Mt10,26-33)

 

Hôm nay người ta nói đến nhiều chứng sợ hãi, sợ hãi đến mức bị ám ảnh, chẳng hạn, sợ hãi khi ở trong bóng tối, sợ hãi, người ta cảm thấy hoảng hốt khi thấy tối; những thứ sợ hãi về tâm lý; sợ hãi khi đứng trước một quảng trường rộng lớn); sợ khi ở trong  một căn phòng đóng kín; khi ở trong một thang máy; cảm thấy mặt đất rung lên, thì người ta hoảng loạn. Nghĩa là có đủ thứ chứng sợ hãi, mà ngày xưa người ta không biết đến.  Và dần dần thì có một nỗi sợ hãi hiện rõ: Người ta sợ cái chết… Khi đó, làm sao mà có thể lý luận như Đức Giêsu : "Đừng có sợ!"Phải là một người nào đó có thế giá lắm, trở thành một điểm tựa rất quan trọng đối với người ta, thì mới giúp người ta thoát khỏi cơn sợ hãi, mà lại cảm nhận được một sự bình an thẳm sâu trong tâm khảm…Như một em bé đang đêm giật mình thấy chung quanh là tối đen, thì hoảng sợ, khóc thét lên, rồi khi nghe được tiếng gọi ấm áp của mẹ "Mẹ đây", khi cảm được bàn tay dịu dàng mẹ vỗ về… thì nó ra khỏi sự sợ hãi, và lại bình an chìm sâu vào trong giấc ngủ. Phải có một điểm tựa nào đó rất lớn, rất quan trọng cho người ta sống bình an. Hôm nay, Đức Giêsu bảo chúng ta phải tìm ra được điểm tựa đó cho mình để suy ngẫm, để tập sống, để khi cần thì có những phản ứng tốt của người môn đệ, khi phải đối diện với cái chết. Đức Giêsu lý luận như thế này: Người ta có thể giết chết thân xác anh em; giết chết thân xác cũng là một điều gì ghê gớm lắm, đau đớn lắm, dường như là khi đó mình mất hết. Nhưng đối với Đức Giêsu thì khi đó ta không mất hết: Chúng ta có thân xác và linh hồn. Nếu chỉ sợ người giết chết thân xác mà không sợ người giết chết được linh hồn, thì đó là suy nghĩ không đến nơi. Nếu chúng ta sợ Đấng có thể tiêu diệt thân xác chúng ta thì phải sợ Đấng có thể tiêu diệt linh hồn, chúng ta nhớ lại phản ứng của các tông đồ trả lời cho Thượng Hội đồng: "Các ngài thử nghĩ xem, nghe lời Thiên Chúa, và nghe lời người phàm, đàng nào hợp lý hơn?" Đức Giêsu đang cho chúng ta một lời khuyên để sống trong lúc bình an, mà suy nghĩ và cân nhắc, và chọn những phản ứng đúng. Khi bình an, thì ai cũng phản ứng hợp lý, cũng nói hay như ai; nhưng khi gặp khó khăn, thì ai thế nào sẽ tỏ lộ ra như vậy. Điểm tựa của chúng ta lâu nay nằm ở đâu, thì lúc này cũng hiện tỏ ra rõ ràng. Đức Giêsu muốn nói rằng Thiên Chúa mới là Đấng chúng ta phải sợ. Và ở đây chính là chỗ người ta phân biệt ra hai nỗi sợ hãi: Sự sợ hãi đối với loài người là bởi vì họ có thể làm hại chúng ta; còn Thiên Chúa là Đấng có thể tiêu diệt và cũng có thể làm cho sống; chúng ta kính sợ Người. Suy nghĩ như thế, thì chúng ta thấy rõ là phải chọn ai. Chúng ta nhớ đến kinh nghiệm của Giêrêmia: là một ngôn sứ trẻ, tính tình hiền lành, thương nước thương nòi, ngài được Thiên Chúa chọn đi thay mặt Thiên Chúa cảnh cáo dân và về lối sống của họ; nếu họ không trở lại với đường lối của Thiên Chúa thì một ngày nào đó sẽ "là tứ phía kinh hoàng", tức là quân ngoại bang sẽ kéo đến tàn phá đất nước. Ngài nói đi nói lại, khiến khi thấy ngài, dân chúng nói với nhau, đã đặt cho ngài một biệt danh. "Lão tứ phía kinh hoàng đã đến" Giêrêmia khẳng định là không bỏ Chúa được, dù có phải chấp nhận thương đau. Dĩ nhiên lúc này chúng ta đang được ổn định, thì làm gì chúng ta bỏ Chúa? Cần phải tự hỏ:Chúng ta đặt Thiên Chúa ở vị trí nào trong đời sống chúng ta? Chúng ta bỏ Chúa thì mất tất cả. Dù sao khi xem xét  lại cách thức chúng ta sống trong một ngày, chúng ta có thấy mình có tư tưởng của các tác giả thánh vịnh chăng: Chúa chính là núi đá, là thành lũy, chốn ta nương thân. Chúa chính là Đấng quan trọng nhất, là Đấng duy nhất yêu thương, đến mức mà thư Rôma đã nói với chúng ta là ngay khi chúng ta là những con người phản bội, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến cứu chúng ta. Những tư tưởng đó nuôi dưỡng chúng ta, để khi hoàn cảnh ngặt nghèo đến mấy, chúng ta vẫn bật trở lại đúng hướng, mà chọn lại đúng đắn…

Lm. Fx Vũ Phan Long, OFM

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ A