CN 13 TN – A (2 V 4,8-11.14-16a; Rm 6,3-4.8-11; Mt 10,37-42)

 

“Này họ Triệu, hãy tiếp nhận thánh chỉ!” Tôi tưởng tượng hoạt cảnh một hoạn quan mang lệnh của nhà vua đến cho một viên quan họ Triệu. Nghe thế, ông quan họ Triệu vội vàng quì mọp xuống cung kính lắng nghe, dù đang ghét cay ghét đắng cái tên hoạn quan này. Nghe xong lại còn dập đầu bái tạ “binh binh” mấy cái. Mà cho dù lệnh vua truyền là nhận lấy chén thuộc độc mà uống đi, cũng phải đập đầu bái tạ rồi mới uống. Có sự cung kính đó, là vì người mang ông quan tuyên đọc thánh chỉ được coi như chính đức vua hiện thân. Trong hệ thống các đại sứ cũng thế. Ông đại sứ thay mặt vị nguyên thủ quốc gia, ông phải nói về đường lối chính sách Nhà Nước thế nào để cho người ta hiểu biết và sẵn sàng cộng tác với đất nước mình, ông phải cư xử thế nào để cho người ta nể trọng đất nước mình; ngày lễ Quốc Khánh của nước mình, nhà cầm quyền ngoại quốc đến chúc mừng ông đại sứ là một cách chúc mừng nguyên thủ quốc gia.

Hôm nay Đức Giêsu đang vận dụng những tập tục đó khi nói: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. Nhưng ở đây không chỉ là chuyện đón tiếp người đại diện là như đón tiếp nhân vật chính. Trước tiên chúng ta nhận ra được một lời khẳng định, cũng là một thách đố: Anh em sống và nói năng làm sao để cho khi người ta đón tiếp anh em là đón tiếp được chính Thầy, mà đón tiếp được Thầy là đón tiếp được Chúa Cha. Phải chăng Đức Giêsu đang mỉa mai chúng ta, cũng như khi Ngài nói: Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Không! Đức Giêsu  không mỉa mai chúng ta khi đề nghị với chúng ta những điều chúng ta không thể sống được. Khi nói như vậy, Ngài muốn nói rằng: Cha yêu thương hết mức của Cha, anh em cũng hãy yêu thương hết mức của anh em; khi đó anh em nên hoàn thiện như Cha Trên trời. Vạy, muốn cho khi người ta đón tiếp anh em là đón tiếp chính Thầy, anh em hãy sống như Thầy. Anh em hãy biến sứ điệp Tin Mừng anh em rao giảng thành máu thịt, cốt tủy của anh em. Mỗi ngày anh em cố gắng như thế, thì Đức Giêsu thật sự hiện diện trong gia đình, giữa lòng cộng đoàn, trong giáo họ, trong thế giới. Mà Đức Giêsu thì luôn sống và thực thi ý muốn của Chúa Cha, nên Đức Giêsu hiện diện chính là Chúa Cha hiện diện. Chúng ta mới vỡ lẽ ra là hôm nay Thiên Chúa hiện diện giữa lòng xã hội loài người nhờ chúng ta. Chúng ta trở thành “bí tích” của Chúa Giêsu, của Chúa Cha. Khi đó ai gặp ta là gặp được Thiên Chúa, và người ta nhận được các hoa quả của Thiên Chúa! Như trường hợp bà Sunêm, nhờ đón tiếp ngôn sứ Êlisa thì đã nhận được phần thưởng của vị ngôn sứ.

Thật ra, chúng ta đã nên một với Chúa Giêsu trong bí tích Rửa tội rồi, như thánh Phaolô nói trong đoạn thư Rôma chúng ta vừa nghe. Nhưng tình trạng “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu trong cái chết và sự sống lại của Ngài, đã xảy ra cách mầu nhiệm trong bí tích Rửa tội, có thể bị mai một đi, nếu không có nỗ lực của chúng ta vun đắp từng ngày. Nỗ lực ấy chính là không yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, không yêu con trai con gái hơn Thầy … Anh chị em hẳn là muốn la lên: Làm sao con có thể sống như thế được? Chúa bảo con phải yêu vợ yêu chồng, yêu con cái hết mình; bây giờ lại còn yêu Chúa hơn cha hơn mẹ, hơn chồng hơn vợ … thì làm sao? Thật ra Chúa Giêsu không chơi chữ với chúng ta. Nếu anh em chị em yêu mến những người thân yêu mà vẫn luôn nhớ đến Ngài, nhờ Ngài mà yêu thương họ, sống trong Ngài mà yêu thương họ, thì anh chị em thật sự đang yêu thương người thân mà vẫn đặt được Chúa lên hàng đầu. Chỉ như thế nếu có lúc phải lựa chọn dựa tình yêu Chúa và tình yêu người thân, chúng ta mới có thể chọn được.

Chúng ta lại còn phải chấp nhận vác thập giá mình mà theo Thầy mỗi ngày. Làm sao mà đã phải yêu thương những người này mà lại còn phải chấp nhận thập giá chỗ kia? Nhiều quá, chịu sao nổi? Không phải đâu. Trong cuộc sống thường ngày, có người mà anh chị em thương, có điều anh chị em thích, ta phải yêu thương những người ấy nhờ Chúa; có người mà anh chị em không ưa, có điều anh chị em ngán ngẩm, ta phải chấp nhận như một thập giá, cũng vẫn nhờ Chúa: đó chính là vác thập giá đi theo Ngài. Với lại thập giá đâu có đương nhiên phải là những gì khác với những người, những điều chúng ta thương quí? Con người chúng ta yêu thương và đang làm cho lòng chúng ta đầy tràn niềm an ủi hôm nay, có thể trở thành thập giá nặng nề và đau đớn cho chúng ta ngày mai… Một cuộc sống có vui buồn sướng khổ, nhưng lúc nào cũng sống với Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu, thì trở thành một lời chứng liên tục về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời.

Hôm nay lời Chúa nói với chúng ta về một vinh dự cao cả, và cũng là một trách nhiệm nặng nề; hơn thế nữa, Lời Chúa còn thách thức chúng ta: ông bà, anh chị em có dám sống cho ra người tín hữu chân chính chăng? Sự hiện diện của chúng ta ở đây là một câu trả lời: Thưa, dám! Khi đó cuộc sống thường ngaỳ của chúng ta đã là một hoạt động loan báo Tin Mừng trong gia đình, trong cộng đoàn, trong giáo họ, trong xã hội và Hội Thánh.   

Lm. Fx Vũ Phan Long OFM

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ A