Chúa Nhật XIV Thường Niên – A

Người Con và những người con

 

Ai có thể biết Chúa Cha? – Là kẻ mà Chúa Con mạc khải cho. Tại sao lại phải là Người Con mạc khải? Bởi vì tất cả những gì có trong Cha thì có trong Con, bởi vì Con là sự biểu lộ chính xác về Cha. Như thánh Irênê đã nói, Đức Kitô là sự khả thị của Chúa Cha. Tất cả những ai chấp nhận mạc khải ấy, khi tiếp đón Đức Kitô, thì sẽ đạt tới đó được. Nhưng như thế, ta ý thức là sự hiểu biết của ta về Thiên Chúa là Cha không do bẩm sinh, cũng không do thủ đắc, mà là do nhận lãnh. Như thế, tư cách chúng ta là con cái Thiên Chúa, ngay từ khởi đầu, được tạo ra nơi Chúa Con. Vì chúng ta được tạo thành trong Người, trong Đức Kitô, nên khi chúng ta đón nhận ơn tạo thành, chúng ta cũng nhận được sự hiểu biết về nguồn gốc này, về tình phụ tử này. Nhưng làm thế nào biết được Chúa Con, ĐK ? Tin Mừng IV nói : « Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy » (Ga 6,44).

Những người bé mọn

Tại sao mạc khải này lại được dành cho những người bé mọn ? Những người bé mọn, những trẻ em, những người nghèo, các quả phụ, những người không nơi nương tựa, ở trong Kinh Thánh, là một hạng người được chiếu cố đặc biệt. Chúng ta sẽ căng thẳng, khi chúng ta chạy theo thần tượng là quyền lực, sự nổi bật, « chỗ nhất ». Những người « bé mọn » là những người không tự mình sống được, nên phải trông chờ nơi người khác. Nếu họ biết được Thiên Chúa là Cha, nghĩa là như tình yêu sáng tạo, là do thấy được Thiên Chúa lo liệu chăm sóc mình (sự « quan phòng »). Bậc « khôn ngoan thông thái » chỉ muốn tự mình xây dựng sự hiểu biết về Thiên Chúa, nghĩa là hiểu biết về chân lý, dựa vào sức riêng, thì chỉ có thể quan niệm về một vị Thiên Chúa quyền lực, thống trị và độc tài. Họ đánh mất sự thật về Thiên Chúa là tình yêu. Họ chỉ biết Thiên Chúa là tình yêu khi lột bỏ sự tự phụ để làm người « bé mọn », trở lại làm em bé và học với Chúa Con.

Gánh nhẹ nhàng

Vì thế, gánh của những người muốn tự mình đạt tới sự thật và sự sống, thì nặng nề. Còn hơn là nặng nề nữa : không thể vác được, bởi lẽ làm như thế có nghĩa là tự làm ra mình, tự làm cha của chính mình, không muốn biết đến Đấng Khác, là nguồn mạch của mình. Khi đó, chúng ta trở thành gánh nặng của chính mình, thì chịu không nổi. Gánh của ĐK thì nhẹ nhàng, bởi vì Người được một Đấng Khác mang vác và nhận chính mình từ Đấng ấy. Nhưng như thế thì vẫn còn một gánh nặng nữa. Bởi vì ký thác vào tay người khác đòi hỏi việc từ bỏ mọi xu hướng tự mãn. Đó chính là gánh nặng và cái ách mà ĐK đã vác, và đó chính là « hiền hậu và khiêm nhường ». Gánh nặng ấy, Người mời chúng ta vác với Người, bởi vì không còn cách nào khác để khám phá ra tư cách con Thiên Chúa của chúng ta và « được nghỉ ngơi ». Chính gánh nặng trở thành nghỉ ngơi. Nhưng chuyển đi từ gánh nặng sang nghỉ ngơi giả thiết là ta phải tước bỏ chính mình, ta phải giải thoát mình khỏi gánh nặng là chính mình. Đối với ĐK, điều này sẽ đưa tới tận Thập giá. Anh em có dám nhận điều này cho mình không ?

 

Lm. Fx Vũ Phan Long, OFM

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ A