CN 17 TN – A (2011)

Kho Báu Và Viên Ngọc Quý

 

Chúa Nhật này tiếp tục tư tưởng của Chúa Nhật trước, thay vì nói tới người lành và kẻ dữ, thì nói tới người khôn và kẻ dại: người khôn biết hy sinh tất cả để đạt được Nước Trời, biết tận dụng cái mới cái cũ trong kho để mưu ích thiêng liêng cho mình. Còn kẻ dại thì gắn bó với những của cải đời này nên không màng chi đến Nước Trời, không biết tận dụng những cái mình có để mưu ích cho linh hồn.

Cựu Ước ca tụng vua Salômôn là người khôn ngoan nhất: Tại Ghíp-ôn, ông không xin Thiên Chúa cho mình giàu sang, quyền thế, sức mạnh như các vị hoàng đế đương thời, nhưng chỉ xin có “một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” (1 V 3,9). Ông chỉ xin sự khôn ngoan. Ai trong chúng ta lại không biết giai thoại ông phân xử việc hai người phụ nữ tranh một đứa con.

Tuy nhiên, ngày nay ta vẫn có thể nói vua Salômôn vẫn chưa khôn ngoan hoàn toàn vì ông xin được ơn cai trị khôn ngoan mà quên nghĩ đến việc sống khôn ngoan. Quả thật lịch sử cho thấy ông đã mù quáng sống theo sắc dục. Lý tưởng khôn ngoan của Cựu Ước là vua Salômôn còn cần phải được bổ khuyết bằng sự khôn ngoan của Nước Trời, mà bài Tin Mừng hôm nay mô tả.

Kẻ khôn ngoan của Nước Trời là người kia gặp thấy một kho báu giấu trong ruộng, liền vui mừng đi bán tất cả những gì anh có mà tậu cho được thửa ruộng đó. Kẻ ấy cũng còn là thương gia nọ rảo khắp nơi tìm ngọc quý, gặp được một viên ngọc đắt giá, liền đi bán sạch mọi thứ anh có mà mua viên ngọc đó. Cuối cùng, kẻ khôn ngoan đó cũng là người gia chủ biết rút từ trong kho của ông ra điều cũ và điều mới. Truyền thống Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu chính là “Nước Trời”. Vậy người khôn ngoan thật là người biết từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.

Người khôn như Chúa dạy, phải biết rút từ trong kho ra điều mới điều cũ. Trong câu đầu của đoạn thư Rôma vừa nghe, thánh Phaolô cũng nói: Cho những ai yêu mến Người, Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích. Người khôn cũng vậy, biết biến mọi hoàn cảnh thuận cũng như nghịch nên lành cho họ, bởi lẽ họ đã nằm trong chương trình Thiên Chúa đã “tiền định”.

“Tiền định” đây không có nghĩa là từ đời đời, Thiên Chúa đã quyết định cho một số người được cứu độ và một số người bị mất linh hồn, tùy ý muốn của Người. Quan niệm đó khiến ta đưa ra những kết luận kỳ quặc như con người không có tự do trong đời sống luân lý, có sống cố gắng hay không thì cũng không thay đổi được số phận phần rỗi của họ vì đã được quy định trước rồi. Thật ra, khi nói Thiên Chúa tiền định cứu vớt chúng ta, thánh Phaolô chỉ có ý nói là từ muôn đời Thiên Chúa vì yêu thương, đã muốn cứu vớt tất cả mọi người không trừ ai, nhưng con người vẫn được tự do chấp nhận hay từ chối lời mời gọi này. Đó là trách nhiệm của con người đối với việc cứu độ chính mình (x. Rm 8,29-30).

Chúng ta đã có được kho báu, viên ngọc quý, là Đức Giêsu. Ai gắn bó với Người sẽ là những cá tốt được giữ lại trong ngày cánh chung; còn ai không đón nhận Nước Trời mà Đức Giêsu là hiện thân, sẽ là cá xấu, bị loại ra ngoài vào ngày sau hết.

 

Lm Fx Vũ Phan Long, OFM

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ A