CN 1 MV – A

Trông Chờ Đấng Đang Đến

Đức Ki-tô đã đến; một dân mới đã xuất hiện giữa thế gian để sống sự hợp nhất trong tình yêu, đó là Giáo Hội. Thế mà hôm nay, Phụng vụ như đưa chúng ta trở lại khởi điểm, bởi vì Phụng vụ bảo hãy nhen lại trong chúng ta sự chờ đợi, nhen lại khả năng mở ra với điều đang đến. Tất cả Giao Ước đầu tiên đã được bao trùm trong sự chờ đợi lâu dài này.

Thật ra Phụng vụ muốn đáp ứng một điều ở ngay trong chúng ta, mà chúng ta không ý thức: đó là chúng ta không bao giờ bằng lòng với những gì làm nên chúng ta và về những gì chúng ta phải sống. Chính vì thế các nhà quảng cáo cứ không ngừng loan báo về “cái mới”… Bài đọc 1 và bài Tv đều nói về tương lai, nhưng trong một bầu khí vui tươi chứ không khắc khỏai như một số niềm chờ đợi của chúng ta. Sự thiếu thỏa mãn mơ hồ này thật ra đưa tới niềm hy vọng là chúng ta sẽ đạt tới con người mới, như thánh Phaolô nói. Con người mới và cũng là con người cuối cùng: không có gì có thể vượt qua con người này nữa. Tuy nhiên, cần phải chỉnh lại: không phải là chúng ta đang tiến về Con Người chung kết; mà chính là Con Người đang tiến về chúng ta. Phải chăng chúng ta cứ thụ động ? Không! Vai trò của chúng ta là chờ đợi Người và đón tiếp Người. Như thế, chúng ta nhận lấy các thái độ của Đức Maria dịp Truyền Tin làm của chúng ta.

Thời gian chờ đợi

Đức Giê-su bảo: « Anh em hãy sẵn sàng! » Nhưng là chuyện gì? Các bản văn không nói rõ. Danh mục các lối ứng xử được thánh Phaolô thiết lập (Bđ 2) chỉ quy định một lối sống luân lý thông thường. Phần ĐG, Người cho thấy những con người đang bận bịu với các công việc quen thuộc. Người thì ra đồng, kẻ khác đi xay lúa. Tuy vậy, nếu như các cử chỉ đều giống nhau cho những ai cùng làm một nghề, tình trạng tâm trí có thể rất khác nhau : bạn tìm cái gì khi đi cày ruộng, khi đi xay lúa ? Có thể có nhiều động lực: giết thì giờ, nuôi gia đình, kiếm tiền bạc, chứng tỏ mình có uy thế... Có những động lực phù hợp với việc chờ đợi ĐK, có những động lực thì không. Chúng ta phải tự hỏi chúng ta thật sự muốn gì. Nếu ước muốn của chúng ta lành mạnh, nếu nó đi trong chiều hướng của bản tính con người, việc chúng ta chờ đợi Thiên Chúa làm nổi bật những gì chúng ta chọn thực hiện. Nó ở trong chúng ta ngay khi chúng ta không nghĩ tới. Từ đó, chúng ta có thể đạt tới một niềm vui mới; sự không thỏa mãn và sự chờ đợi trở thành niềm vui, với điều kiện chúng dựa trên niềm tin vào lời Thiên Chúa hứa với chúng ta. Ta có thể sống niềm tin này ngay giữa những đảo lộn của thế giới, của mọi trận hồng thủy.

« Anh em hãy sẵn sàng »

Tin Mừng nhấn mạnh trên đặc tính bất ngờ của việc ĐK đến. Thánh Phaolô nêu bật tính gần kề: « Đã đến lúc (...) Đêm sắp tàn, ngày gần đến ». Dù sao, quan trọng là tỉnh thức. Các Kitô hữu đầu tiên, kể cả Phaolô, tin rằng « tận thế » sắp xảy ra. Một cách nghịch lý, ảo tưởng này có thể đưa chúng ta tới chỗ hiểu là « Nước Thiên Chúa » có thể ùa tới bất chợt. Tin Mừng bảo chúng ta rằng việc này không có một dấu nào báo trước cả, còn Phaolô thì bảo là đã gần rồi. Cần hiểu rằng điều chúng ta gọi là « Thiên đàng », Nước Thiên Chúa, sự sống vĩnh cửu, không phải là ở mút cùng thời gian chúng ta, nhưng ở bên trên (hoặc ở bên dưới) mỗi một khoảnh khắc của chúng ta. Có thể nói đây là chiều kích vô hình của những gì chúng ta đang sống. Cũng y như chúng ta vẫn nói Thiên Chúa luôn hiện diện trong mọi cái « bây giờ » của chúng ta. Ngay khi có tình yêu chân chính trong đời sống chúng ta, thì Thiên Chúa hiện diện trong chúng ta và chúng ta hiện diện trong Thiên Chúa. Còn khi chúng ta từ khước tình yêu thì sao? Khi đó, ĐK vẫn còn ở đó, nhưng là chịu đóng đinh. Làm sao có thể thoát khỏi sức mạnh làm nền cho chúng ta, mà chúng ta gọi là Thiên Chúa? Có sự hiện diện của việc đóng đinh, nhưng cũng là hiện diện của Phục Sinh. Và sẽ có Phục Sinh trong thế giới khác mà chúng ta không thể tưởng tượng ra, nhưng luôn luôn có đó, ở ngoài cửa.

 

Lm. Fx Vũ Phan Long, ofm

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ A