ĐỒNG CAM CỘNG KHỔ

+++

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : Mt 22,34-40 và Pl 2,6-11.

 

          Một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng :”Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất” ? Đức Giê-su đáp :”Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,34-40).         Đó là Lời Chúa.

          Câu hỏi được đặt ra về giới luật trọng nhất trong các Lề Luật, phản ảnh nỗi bận rộn khá thường xuyên nơi các giáo sĩ Do thái thời bấy giờ. Nhưng họ không đồng ý với nhau xem điều răn nào là trọng nhất trong một rừng khoản luật.

          Vì thế, có một người thông luật đến hỏi thử Đức Giê-su rằng :”Trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất” ? Đức Giê-su trả lời ngay :”Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi”.  Và Ngài còn thêm :”Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy là : ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình”.

          Đức Giê-su đặt luật yêu mến tha nhân liên kết với luật mến Chúa là để nhấn mạnh ý nghĩa bất khả phân ly giữa luật mến Chúa và yêu người.  Như vậy, đã có lòng mến Chúa thì phải có đức yêu người, nếu không vậy thì lòng mến Chúa  chỉ là giả dối. Ngược lại, đã có lòng thương yêu anh em thì tất nhiên cũng có lòng yêu Chúa trên hết mọi sự, nếu không thì lòng yêu thương anh em chỉ là ích kỷ, vụ lợi.

          Có người nói : yêu người khó hơn yêu Chúa. Dĩ nhiên, vì con người không dễ thương bằng Chúa. Thế nhưng Đức Giêsu đã có giới răn thứ hai cũng bằng giới răn thứ nhất.

          Vì thế, thánh Gioan tông đồ đã nói :”Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em  mà họ trông thấy  thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Ngài : ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4,20-21).

          Có một tác giả tưởng tượng câu chuyện sau :

          Trên đường đi đến miền đất Chúa hứa, Abraham dựng một cái lều để nghỉ chân. Vừa ra khỏi lều, ngài thấy một người hành khất xin giúp đỡ. Động lòng thương, ngài mời người đó vào và làm tiệc thiết đãi. Trước khi ăn tiệc, ngài mời người hành khất cùng dâng lời chúc tụng cảm tạ Chúa.  Nhưng vừa nghe thấy tiếng “Chúa”, người ăn mày liền nói lộng ngôn xúc phạm đến Chúa. Abraham nổi giận đuổi người đó ra  khỏi lều. Đêm đó, khi Abraham quì cầu nguyện, ngài nghe có tiếng Chúa nói như sau :”Này Abraham, ngươi có biết người ăn mày đó đã nhục mạ Ta 50 năm qua không ? Thế mà mỗi ngày  Ta vẫn ban lương thực cho nó. Ngươi không yêu thương cho nó một bữa ăn sao” ?

          Thiên Chúa mà Đức Giêsu mặc khải là một người cha yêu thương mọi con cái, ngay cả những đứa con bất hiếu ngỗ nghịch.  Đồng thời Ngài mới gọi chúng ta  hãy nên trọn lành như Cha trên trời, nghĩa là yêu thương mọi người không loại trừ người nào. Đó là tất cả giáo huấn của Đức Giêsu : Ngài đến để nói với con người rằng Thiên Chúa yêu thương con người  và con người cũng hãy yêu thương nhau (Mỗi ngày một tin vui).

          Tình yêu đối với Chúa phải được tỏ hiện qua dấu hiệu bên ngoài là tình yêu đối với tha nhân. Và chúng ta phải chứng tỏ tình yêu đối với tha nhân không những bằng lời nói nhưng còn bằng hành động, bằng sự nhẫn nhục, tha thứ và cảm thông.

          Nếu giới răn thứ hai là phải yêu tha nhân, phải yêu thương mọi người thì lại càng phải  được triệt để  thực hiện nơi vợ chồng như câu thành  ngữ  này “ĐỒNG CAM CỘNG KHỔ”.

II. THÀNH NGỮ “ĐỒNG CAM CỘNG KHỔ”.

          1. Giải nghĩa thành ngữ.

          Đồng cam cộng khổ  là một thành ngữ Hán Việt mà ý nghĩa của nó được hình thành trên cơ sở nghĩa biểu trưng của các thành tố : đồng (cùng), cam (ngọt), cộng (chung), khổ (đắng).

          Ở thành ngữ này, vị ngọt (cam) biểu trưng cho sự sung sướng hạnh phúc; vị đắng (khổ) biểu trưng cho sự bất hạnh, hoạn nạn.

          Tự ý nghĩa cụ thể cùng hưởng vị ngọt, cùng chung vị đắng, thành ngữ đồng cam cộng khổ hình thành nên ý nghĩa khái quát của nó.  Trong hạnh phúc hay bất hạnh, con người cần phải san sẻ cho nhau, cùng hòa vào cuộc sống chung, coi niềm hạnh phúc hay bất hạnh của mọi người như của mỗi người và như của riêng mình vậy (Hoàng Văn Hành, Kể chuyện, thành ngữ… tr 214).

          Trong tiếng Việt, chúng ta cũng có những câu gần nghĩa với đồng cam cộng khổ như : “chia ngọt sẻ bùi, chung lưng đấu cật, đồng tử đồng sinh”.

          Tất cả các thành ngữ này đã tạo nên vẻ đẹp của đạo lý luân thường của dân tộc ta  như “thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, chị ngã em nâng” trong cuộc sống khi tắt lửa tối đèn mọi người đều có nhau.

          Trong cuộc sống vợ chồng, thành ngữ này lại càng được thi hành triệt để hơn : vợ chồng luôn khăng khít với nhau, không rời nhau một bước trong lúc bình an cũng như lúc gặp hoạn nạn hay gian lao thử thách :

                                                Đi đâu cho thiếp đi cùng,

                                      Đó no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.

          Có những người vợ thương chồng, khăng khít với chồng, quên hẳn thân mình, chỉ biết lo cho chồng nhất là khi chồng gặp sự khó khăn. Còn hình ảnh nào thân thương và đẹp bằng hình ảnh vợ tiễn chồng trên đường đi bảo vệ đất nước :

                                                Chàng ơi, đưa gói thiếp mang,

                                      Đưa gươm thiếp vác, cho chàng đi không.

          2. Một thắc mắc được đặt ra.

 

          Có người đặt câu hỏi : “Đồng cam” khó hơn hay “cộng khổ” khó hơn ?        Câu hỏi này xem ra không cần thiết vì xưa nay, thường chỉ thấy người ta lên án những ai “đồng cam” nhưng không “cộng khổ”, như vậy, vô hình trung,  mọi người xem vế “cộng khổ” là khó hơn vế “đồng cam”.

          Ai mà không muốn được chia sẻ hạnh phúc vinh quang, chia sẻ ngọt bùi với nhau như hình ảnh được người ta mô tả khi chồng đã dỗ đạt được về làng vinh qui bái tổ, có vợ theo sau :

                                                Hôm nay cô Tú về làng,

                                      Võng anh đi trước, vòng nàng theo sau.

 

          Nhưng cũng có người lại có cái nhìn trái chiều , họ chủ trương : “Đồng cam” khó hơn “cộng khổ”.

          Vì thế, có một bạn chia sẻ trên mạng internet như sau : con người ta những lúc gặp khổ sở, khó khăn, có những người bạn cùng “chung lưng đấu cật”, san sẻ, giúp đỡ vượt qua cái khó. Đó còn gọi là “hoạn nạn mới thấy chân tình” mà ta vẫn thấy nơi bạn bè.

          Tuy niên, cũng có những cái mà ta không tưởng đến phát điên lên được !  Vì khi lợi nhuận quá cao tôi cũng sẵn sàng đạp lên bạn mà đi, khi mà cái ghế hái ra tiền, miếng mồi ngon ngọt thế kia  nó khiến cho lòng ích kỷ tham lam của tôi không còn thấy tình bạn lúc hàn vi nối khố có nhau… Lúc này thì làm sao tôi san sẻ, chia chác cho bạn nữa chứ ?  Bạn có nhớ câu mà chúng ta đùa cửa miệng :”Cục muối chia đôi, cục đường lúm hết” không ?

          Vì hế, anh bạn tạm ví đồng cam là cục đường và cộng khổ là cục muối. Cục muối thì dễ chia đôi, còn cục đường thì thật khó. Do đó anh bạn kết luận :”Hạt muối cắn hai, hạt đường anh nuốt”.

III. ĐỒNG CAM CỘNG KHỔ VỚI ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG.

          Trong cuộc sống hằng ngày, theo tâm lý chung, ai cũng muốn được chia sẻ với nhau trong cuộc sống ấm no hạnh phúc mà chúng ta gọi là “đồng cam”. Còn khi gặp bất hạnh, những khó khăn, những gian nan thử thách thì người ta dễ lìa nhau. Chẳng  vậy mà trong kho ca dao tục ngữ đã có câu :

                            

                                      Bây giờ tiền hết gạo không,

                             Anh ơi, ở lại mà trông lấy hòm.

                                      Bao giờ tiền có gạo còn,

                             Thì tôi trở lại trông hòm cho anh.

 

          Ngày nay người ta chú trọng rất nhiều vào đời sống vật chất. Có khi tiền của là thước đo của tình yêu vợ chồng. Hết tiền hết của, hoặc gặp gian nan khốn khố, người ta sẽ nói một cách trớ trêu không ngượng miệng :

                            

                                      Đi đâu cho thiếp đi cùng

                             No thì thiếp ở, lạnh lùng thiếp bay.

 

Trong nghi thức hôn nhân, vợ chồng đã long trọng nói lên lời cam kết trước mặt Hội thánh, trước mặt cộng đoàn : nhận nhau làm vợ làm chồng và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe để yêu thương và tôn trong nhau suốt đời mình.

Ngoài ra, hai người còn trao cho nhau mộ kỷ vật là chiếc nhẫn cưới mà hai người xỏ vào tay nhau đồng thời nói lên ý nghĩa : hãy nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và trung thành của nhau.

Đây là lời hứa công khai và trọng thể với tất cả danh dự của mình. Qua lời hứa đó đã ngầm nói lên ý muốn “đồng cam cộng khổ” với nhau trong đời sống vợ chồng.

          Từ nay vợ chồng hãy yêu thương nhau thật sự. Một trong những bằng chứng tình yêu chân thật, đó là hy sinh quên mình. Yêu nhau mà không chấp nhận hy sinh, gian khổ vì nhau và với nhau, thì chưa phải là yêu nhau thật sự.

          Trời có lúc mưa lúc nắng. Cuộc đời mỗi ngày cũng vậy, có lúc thịnh lúc suy, có lúc vui lúc buồn, có lúc khỏe lúc đau. Tình yêu luôn đòi hỏi sự thủy chung. Nếu chỉ yêu nhau lúc thịnh vượng, may mắn, mạnh khỏe, còn khi gặp gian nan khốn khó, rủi ro, thì lìa bỏ nhau, thử hỏi như vậy có phải là yêu nhau thành thật hay không ? Khi thành thật yêu nhau người ta phải chấp nhận thực tế đó.

          Ngược lại với sự quên mình là ích kỷ. Kẻ ích kỷ thường độc tài, độc đoán, chỉ nghĩ đến bản thân mình, chỉ biết đến quyền lợi của mình. Kẻ độc tài có thể bắt người khác vâng theo ý mình, nhưng không để làm người khác yêu mình.

          Hy sinh quên mình là hạnh phúc của vợ của chồng, của con cái. HY sinh trong những vấn đề cụ thể. Hạnh phúc gia đình được xây dựng bằng những điều nhỏ mọn, bằng những hy sinh liên lỷ hằng ngày của cả đôi bên, chẳng hạn như trong việc sử dụng tiền bạc, thời giờ, mua sắm, giải trí… Đừng chỉ quyết định theo sở thích riêng của mình, bất chấp sở thíchcủa vợ hoặc chồng.

          Sự hy sinh còn được biểu lộ qua việc quan tâm đến nhau, chăm sóc, lo lắng cho nhau, không quản ngại vất vả, gian khó vì nhau, nhất là khi bạn đời gặp thử thách, bệnh tật, khó khăn. Đây chính là lúc sống lời cam kết trung thành với nhau ngày thành hôn.

 

Truyện : Gương thủy chung

Cuộc sống gia đình của một vị tướng nọ ở Phi-lip-pin đang êm đềm trôi qua trong bầu khí thánh thiện đạo đức thì bác sĩ bỗng cho biết bà mắc bệnh phong cùi, phải cách ly gia đình càng sớm càng tốt.

Thật là tin sét đánh. Từ đây vợ chồng phải xa nhau sao? Quả thế, vài ngày sau, ông tướng buồn bã đưa vợ vào trại phong. Nhưng vì quá yêu vợ, ông nghĩ ra một cách. Ông trao lại nhà cửa cho con cái. Còn ông đi thuê một căn nhà nhỏ ngay trước mặt trại phong và đến sống ở đó. Ngày ngày, trước khi đi làm, ông ghé vào thăm vợ. Chiều về, ông lại ghé vào an ủi vợ. Cả hai chia sẻ tâm tình lo âu, nhọc mệt cũng như vui sướng trong ngày cho nhau, báo tin về con cái, bạn bè, rồi cùng cầu nguyện chung với nhau. Lúc đầu không ai biết, nhưng dần dần người ta để ý, tìm hiểu và bày tỏ lòng cảm phục. Họ bàn tán với nhau: “Làm sao họ trung thành với nhau được như thế. Xem ông tướng ấy quý vợ biết bao!” Mười mấy năm trôi qua, bệnh của bà dần dần thuyên giảm. Vị tướng lái xe đưa vợ về nhà xum họp cùng con cái, bạn bè, để lại cho dân chúng một hình ảnh cao đẹp về mối tình hiệp nhất yêu thương trong Chúa (theo internet).

 

Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô đã khuyên vợ chồng hãy khăng khít với nhau như các chi thể trong một thân thể. Chỉ có sự chết mới có thể chia lìa hai người :

“Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng  và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách thánh có lời chép rằng :”Chính vì thế, người đàn ont6 sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xươg một thịt.

Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng” (Ep 5, 29-33).

 

          Lm Giuse Đinh lập Liễm

          Giáo xứ Kim phát

          Đà lạt


Gợi Ý Giảng Lễ Hôn Phối