NHƯ VỢ CHỒNG NGÂU

+++

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Mở đầu Thánh vịnh 133, chúng ta thấy một câu rất có ý nghĩa  về đời sống chung : ca tụng cảnh anh em sống hòa thuận trong một nhà  :

 

                                      Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,

                             Anh em được sống vui vầy bên nhau.

                                                (Tv 133,1)

 

          Anh em sống trong một nhà, sống hòa thuận thương yêu nhau là hình ảnh của đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi. Tuy Ba Ngôi riêng biệt nhưng cũng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất, yêu thương nhau, cùng hành động để đem lại lợi ích cho con người.

 

          Thiên Chúa muốn cho nhiều người hôp lại thành một cộng đoàn nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện của cộng đồng có sức mạnh hơn lời cầu nguyện riêng rẽ. Chúa Giêsu đã xác định rõ điều đó :”Thầy bảo thật các con : Nếu ở dưới đất, hai người trong các con hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ (Mt 18,19-20).

 

          Suy rộng ra, chúng ta thấy loài vật cũng muốn sống tập thể, cũng muốn có cộng đồng để cùng sinh hoạt, ví dụ : loài kiến,  loài ong cũng có cộng đồng và mỗi cộng đồng đều được tổ chức chặt chẽ. Mỗi thành phần trong một cộng đồng biết đoàn kết, yêu thương và chia sẻ với nhau :”Một con ngựa đau, cả tầu chê cỏ”(tục ngữ).

 

          Đối với con người, đời sống cộng đồng lại càng cần thiết, không có không được. Nếu một người sống trong rừng một mình, không tiép xúc với ai thì dần dần cũng sống như con vật, điều này đã được chứng minh khi người ta bắt được một người trong rừng do loài khỉ nuôi.

 

          Tác giả Thomas Merton đã lấy nhan đề cho tập sách suy niệm của mình là “No man is an island” : không ai là hòn đảo.  Điều đó chứng tỏ rằng không ai có thể sống riêng rẽ một mình trong đời sống vật chất, tinh thần và thiêng liêng được.

 

          Thánh Phaolô tông đồ cũng viết thư cho tín hữu Rôma và khẳng định rằng :”Không ai sống cho chính mình” (Rm 14,7).

 

          Nhà hùng biện trứ danh nước Pháp, giám mục Bossuet, đã chứng nghiệm điều đó khi ngài nói :”Chẳng có một người nào mà không có tương quan với người khác”.

 

          Vì thế, con người khi đến tuổi trưởng thành, trai gái đều tìm đến nhau, yêu thương nhau, tìm hiểu nhau và muốn cùng nhau xây dựng tổ ấm.  Xây dựng tổ ấm là một quan tâm hàng đầu của đôi trai gái muốn lập gia đình.  Muốn cho gia đình được hạnh phúc, muốn biến gia đình thành một tổ ấm, vợ chồng phải thương yêu nhau tha thiết, vượt qua mọi sự khác biệt, kiên trì trong mọi khó khăn… để người ta nhìn vào mà phải đánh giá bằng lời khen : họ “như vợ chồng Ngâu”.

 

II. NHƯ VỢ CHỒNG NGÂU.

 

          1. Giải thích thành ngữ.

 

          Đọc những truyện cổ tích Việt nam, chúng ta hay gặp hai tên Ngưu Lang và Chức Nữ, cũng như tháng ngâu. Vậy Ngưu Lang Chứ Nữ là gì ?

 

          Người ta kể rằng : ngày xưa Chức Nữ (nghĩa là cô gái dệt vải) là con gái yêu của Trời. Suốt ngày nàng chăm chỉ dệt vải không kể thời gian. Nàng được Trời cho lấy Ngưu Lang  (nghĩa là chàng chăn trâu) cũng là một người hay lam hay làm.  Chàng chăm nom, săn sóc đàn trâu của Trời rất cẩn thận. Gái siêng ngoan  lấy trai chăm chỉ, ai cũng cho là đẹp đôi và tin rằng họ sẽ luôn luôn được sống hạnh phúc bên nhau. 

 

Nhưng từ khi lấy nhau, suốt ngày đôi vợ chồng trẻ chỉ quấn quít bên nhau, chẻnh mảng công việc quên cả ngày tháng trôi qua. Nhìn thấy khung cửi thì nhện chăng, đàn trâu thì gầy đói.

Trời giận lắm, bèn đầy hai người  ở hai bên bờ sông Ngâu, mỗi năm chỉ cho gặp nhau có một lần  vào ngày 7 tháng 7 âm lịch.  Vì vậy mà hằng năm cứ vào đầu tháng 7 âm lịch trời lại mưa dầm dề, dai dẳng. Đó là nước mắt của hai vợ chồng Ngâu (biến âm của Ngưu) khóc lúc gặp nhau  sau một năm trời đằng đẵng bị buộc phải xa nhau. Những giọt buồn rả rích suốt mấy ngày đêm ấy làm cho người hạ giới cũng phải buồn lây. Dân gian gọi đó là mưa Ngâu.

 

          Và cũng do đó, những cặp vợ chồng trẻ yêu nhau mà luôn luôn xa cách, những cặp vợ chồng “xa mặt” mà chẳng “cách lòng”, đời đời chung thủy với nhau được ví như vợ chồng Ngâu (Hoàng văn Hành, Kể chuyện, thành ngữ… tr 367-368).

 

          2. Ý nghĩa của thành ngữ.

 

          Đọc truyện “Sóng gầm” của nhà văn Nguyên Hồng ta thấy có câu :”Hai vợ chồng từ ngày lấy nhau, ăn ở với nhau tính gộp lại đâu được ba tháng, còn thì bốn năm giời liền cứ “như vợ chồng Ngâu”. Vậy tại sao cặp vợ chồng trong Sóng Gầm lại như họ ?

 

          Chúng ta thấy, ngày nay có nhiều cặp vợ chồng trẻ yêu nhau  mà phải luôn xa cách vì nhiều lý do. Chẳng hạn do công việc làm ăn phải xa nhau, mỗi người một nơi, chỉ có thể gặp nhau qua điện thoại hoặc như bị giam cầm xa cách.. .. những người này vẫn yêu nhau, trung thành với nhau trong đời sống hôn nhân, tuy “cách mặt” nhưng không “cách lòng”, những người này được ví như vợ chồng Ngâu.

 

III. VỢ CHỒNG NGÂU TRONG GIA ĐÌNH.

 

          1. Cách mặt nhưng gần lòng.

 

          Theo tâm lý thông thường, yêu nhau thì muốn ở gần nhau, thậm chí còn muốn kết hợp với nhau cả thân xác lẫn tinh thần.  Tình yêu mà bị chia cách thì đó là sự mất mát lớn lao không gì có thể bù đắp được. Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã nói lên kinh nghiệm đó trong câu thơ :

 

                                      Người đi, một nửa hồn tôi mất,

                                      Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

 

          Có những trường hợp vợ chồng yêu nhau, khắng khít với nhau mà phải xa cách nhau vì những lý do bất khả kháng, họ vẫn còn yêu nhau, vẫn một lòng trung tín với hôn ước. Người ta phải khen họ là những người “cách mặt nhưng gần lòng”.

          Ngày nay vì sinh kế, đôi khi vợ chồng phải đi làm việc mỗi người một nơi, không thể gặp nhau hằng ngày được. Có những người đi làm việc theo diện xuất khẩu lao động, phải đi đến những nước khác, họ chỉ có thể liên hệ với nhau qua điện thoại hay thư tín. Có những cặp vợ chồng xa cách nhau ba bốn năm trời, nhưng họ vẫn giữ được lòng trung tín trong mồi giây hôn phối. Họ dám hãnh diện tuyên bố :

 

                                            Dù ai nói ngả nói nghiêng,

                                      Thì ta vẫn vững như kiềng ba chân.

 

          2. Đừng biến gia đinh thành tháng mưa ngâu.

 

          Mưa ngâu là tên gọi cho những cơn mưa xuất hiện vào tháng 7 âm lịch ở Việt nam hằng năm.  Theo truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ thì mỗi khi Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau, họ đã khóc và nước mắt của họ rơi xuống trần gian hóa thành cơn mưa, đó chính là mưa ngâu.  Truyện còn kể rằng, cứ sau khi hàn huyên tâm sự, họ lại khóc cho nên cơn mưa mới không liên tục, lúc mưa, lúc tạnh.

 

          Cũng vì lý do này ở Việt nam, người ta không tổ chức đám cưới vào tháng 7 âm lịch (tháng mưa ngâu) vì có mưa dầm suốt tháng; đồng thời lại có thể có gió bão và kiêng kị cho cuộc sống vợ chồng trẻ sau này có thể bị chia ly, chỉ gặp nhau một năm một lần giống vợ chồng Ngâu.

 

                                      Tục truyền tháng bảy mưa ngâu,

                                      Con Trời lấy chú chăn trâu cũng phiền.

                                      Nhớ ai như vợ chồng Ngâu,

                                      Một năm mới gặp mặt nhau một lần.

 

          3. Hãy phá đổ bức tường ngăn cách.

 

          Có những đôi vợ chồng sống với nhau, đêm ngày sát cạnh nhau, mặt đối mặt, nhưng lòng lại không đối lòng. Họ chỉ sống với nhau bằng mặt thôi chứ không bằng lòng.  Họ sống gần mặt nhưng lại xa lòng. Họ sống gần nhau nhưng lại có cái cảm giác muôn trùng xa cách vì như có một bức tường vô hình ngăn cách họ. Bức tường đó được dựng lên do những bất hòa nho nhỏ nhưng ngấm ngầm dai dẳng làm cho lòng họ xa rời nhau, mỗi ngày một lớn.

 

          Triết gia người Pháp, ông Jean Paul Sartre trong cuốn tiểu thuyết mang tựa đề “Bức tường” đã đặt vào miệng của anh Pierre, con người cô đơn bệnh hoạn, cảm thấy ngăn cách không thể hiểu được thái độ sống của người tình mình là cô Agatha những lời tâm sự đầy cay đắng như sau :”Có một bức tường ngăn cách giữa chúng tôi, tôi nhìn thấy và nói chuyện hằng ngày với cô, nhưng xem ra như cô đang sống bên kia bức tường. Tôi thắc mắc không biết có cái gì ngăn cách  giữa tình yêu của chúng tôi hay không” (Hạt giống âm thầm, tr 392).

 

          Đôi lúc người ta vô tình xây bức tường bằng cách còn vương vấn hình ảnh người tình cũ, làm cho cuộc sống vợ chồng trở nên tẻ nhạt :

 

                                      Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,

                                      Ái ân lạnh lẽo của chồng tôi.

                                      Mà từng thu chết, từng thu chết,

                                      Vẫn giấu trong tim một bóng người.

                                                          (TTKh)

 

          4. Hãy xây dựng một mái ấm tình thương.

                  

          Trong kho tàng ca dao tụ ngữ Việt nam chúng ta thấy có một câu tục ngữ rất hay nói về việc xây dựng gia đình, biến gia đình thành tổ ấm :

         

                                      Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.

 

          Việc xây dựng ngôi nhà thật là quan trọng và cần thiết cho gia đinh vì người ta thường nói :”An cư lạc nghiệp”. Muốn có công ăn việc làm ổn định thì cần phải có ngôi nhà để ở đã. Phải an cư rồi mới lạc nghiệp được.

 

          Xây dựng được một ngôi nhà đã là khó, mà biến ngôi nhà thành mái ấm lại càng khó hơn. Xây xong ngôi nhà mà để cho ngôi nhà trống hoắc, thiếu mọi tiện nghi thì ai vào đấy mà ở ? Công việc tiếp theo là phải trang trí ngôi nhà cho đẹp, có đầy đủ tiện nghi giúp cho cuộc sống thêm dễ dàng và dễ chịu. Công việc đó đòi hỏi cả vợ chồng phải nỗ lực xây dựng.

 

          Người Malaisia có một câu tục ngữ rất hay nói về việc xây dựng mái ấm gia đình :”Cái gì sưởi ấm trong nhà, không phải là lửa trong lò sưởi mà là sự hòa hợp của vợ chồng”. Đúng như vậy, chính sự hòa hợp giữa vợ chồng sẽ biến gia đình thành một mái ấm tình thương, trong đó mọi người được hưởng một cuộc sống hạnh phúc.  Người Việt nam chúng ta nói không sai :”Thuận vợ thuận chồng tát bêẻ Đông cũng cạn”.

                                      Truyện : Tình sắt son.

          Cuộc sống gia đình của một vị tướng (xin giấu tên) tại Phlippines, đang trôi qua trong bầu khí đầm ấm, thương yêu, và đạo đức. Bỗng một hôm, bác sĩ cho biết, bà nhà mắc bệnh phong cùi, phải đưa vào trại cùi, cách ly mọi người càng sớm càng tốt.

 

          Thực là một tin sét đánh ! Từ nay, vợ chồng phải sống xa nhau. !

 

          Mấy ngày sau, vị tướng buồn khổ đưa vợ vào trại phong.

 

          Nhưng vì quá yêu thương người bạn trăm năm, ông đã nghĩ ra diệu kế : ông giao nhà của cho con cái, chấp nhận hy sinh những tiện nghi sẵn có. Ông thuê một căn nhà nhỏ ngay trước trại cùi, và ngày ngày tới sống tại căn nhà nhỏ này. Ban sáng trước khi đi làm, ông ghé thăm vợ, chiều về, ông ghé vào an ủi, đua tin tức cho vợ biết về con cái, bạn bè, rồi cùng nhau đọc kinh cầu nguyện.

 

          Lúc đầu không ai biết rõ, dần dần người ta mới để ý, tìm hiểu và sau cùng ai cũng cảm phục : Làm sao họ trung thành với nhau như thế !  Không một tai họa nào  có thể chia rẽ mối tình vợ chồng của hai người.

 

          Mười mấy năm trôi qua, bệnh bà tới lúc khỏi hẳn, vị tướng sung sướng lái xe đua vợ về nhà, xum họp lại với con cái bạn bè.  Quả thực đôi vợ chồng này đã thề hứa và đã trung thành với lời thề hứa lúc cử hành nghi lễ hôn phồi.

 

          Chúng tôi sẽ giữ lòng chung thủy với nhau, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời”.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                             Giáo xứ Kim phát

                                                                             Đà lạt


Gợi Ý Giảng Lễ Hôn Phối