CHUNG LƯNG ĐẤU CẬT

________________________________

Vợ chồng cộng tác với nhau

 

I. THIÊN CHÚA MUỐN MỌI NGƯỜI CỘNG TÁC.

 

        Con người vượt trên vạn vật ở chỗ có lý trí và tự do. Đấy là đặc điểm của con người để con người xứng đáng là “linh ư vạn vật”. Thiên Chúa không hành động một mình, nhưng luôn cho con người cộng tác vào mọi công trình của Chúa, trong đời sống tự nhiên cũng như siêu nhiên.

 

1. Quản lý vũ trụ :

        Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ vạn vật, mọi sự đều tốt đẹp (St 1,15), nhưng Ngài còn muốn trao cho con người quản lý tất cả công trình Ngài đã tạo dựng để nhờ bàn tay con người, mọi sự sẽ được hoàn hảo hơn :”Thiên Chúa phán :”Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26 ; x. 2,18-20).

 

2. Tham gia vào việc cứu chuộc.

        Trong công cuộc cứu chuộc loài người, Đức Giêsu đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại, nhưng Ngài còn muốn cho con người được tham gia vào công cuộc đó bằng cách đi rao giảng Tin mừng, làm cho mọi người được trở nên môn đệ của Ngài:”Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (M1 28. 18-20).

 

3. Tinh thần tập thể cần thiết.

        Chúa không muốn  hành động một mình, Ngài còn muốn cho con người cộng tác. Trong phép lạ hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu không muốn làm phép lạ cho bánh có ngay, mà Ngài muốn các tông đồ đem đến cho Ngài 5 cái bánh và 2 con cá để  cho 5000 người ăn no, không kể đàn bà con trẻ, lại còn dư được 12 thúng đầy mảnh vụn (x. Mt 14, 13-21)

 

        Chúa cũng muốn cho loài người chúng ta làm việc chung với nhau đểû làm sáng danh Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Ngài đã hứa ở đâu có hai ba người tụ họp cầu nguyện thì Ngài ngự ở giữa, và Ngài cũng hứa với chúng ta là sẽ ở cùng chúng ta cho đến tận thế. Lời hứa ấy cũng đòi buộc chúng ta phải cộng tác với Chúa và với nhau.

 

II. VỢ CHỒNG CỘNG TÁC XÂY TỔ ẤM.

 

        Trong công cuộc xây dựng gia đình, không thể một mình đàn ông xây dựng, cũng không thể một mình người đàn bà có thể xây dựng nổi, mà đòi buộc cả hai bên cùng nỗ lực xây dựng như người ta nói :

                        Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.

 

1. Tránh đơn thương độc mã.

               

        Đơn thương độc mã là một thành ngữ có ý nói : hễ ai đó chỉ có một mình phải gánh vác, phải đương đầu với công việc nặng nhọc hoặc nguy hiểm mà không được sự hỗ trợ của người khác,

Đó là tình trạng đơn độc lẻ loi.

 

        Đơn thương độc mã là thành ngữ Hán-Việt,  trong đó có đơn đối độc, thương đối mã. Xét về nghĩa đen, đơn là một, là chiếc, trái với kép và đôi, còn độc có nghĩa là một mình. Sự láy nghĩa giữa đơn và độc trong thành ngữ nhấn mạnh sự lẻ loi, đơn độc. Các từ thương với nghĩa là ngọn giáo, mã với nghĩa là ngựa đều chỉ phương tiện võ khí chiến đấu.  Tổ hợp các thành tố với nhau, ta có thành ngữ đơn thương độc mã với nghĩa đen là “một ngọn giáo một con ngựa”.  Đối với một người ra trận thì một ngọn giáo, một con ngựa là đủ, không thiếu thốn gì. Nhưng đối với một trận chiến đấu mà một bên là cả một đạo quân hùng dũng và một bên chỉ có một ngọn giáo, một con ngựa thì tương quan lực lượng thật quá chênh lệch và cái thế đơn độc, lẻ loi càng bộc lộ rõ ràng. Trong cảnh huống này thành ngữ đơn thương dđộc mã không con được hiểu với nghĩa đen là “một giáo, một ngựa” mà biểu thị một con người lẻ loi, đơn độc trong chiến trận. Điều dễ nhận thấy là do chỗ gắn liền với gươm, giáo, gắn liền với giao tranh mà ý nghĩa của thành ngữ đơn thương độc mã chủ yếu được dùng để chỉ sự đơn độc, lẻ loi trong chiến đấu vơi quân thù.

 

        Tuy nhiên, trong sử dụng ngôn ngữ, thành ngữ này cũng được dùng để chỉ các phạm vi hoạt động khác. Cho đến ngày nay, thành ngữ đơn thương độc mã được dùng rộng rãi trong tiếng Việt hàm chỉ tất cả những việc làm thiếu sự hỗ trợ của người khác, phải tự mình đương đầu với khó khăn, vất vả, hiểm nguy, bất kể đó là công việc trong chiến đấu, sản xuất hay hoạt động khoa học.         (Hoàng văn Hành, Kể chuyện, thành ngữ, tục ngữ, 2003, tr 205-207)

 

2. Hãy chung lưng đấu cật.

        Thành ngữ “chung lưng đấu cật” có nghĩa là cùng góp sức và dựa vào nhau trước khó khăn chung (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 1988).

        Chung lưng đấu cật là một cách nói về truyền thống đoàn kết của nhân dân ta. Nó biểu thị sự hợp tác giữa một tập thể để chống chọi và vượt qua, chiến thắng khó khăn, để đi đến một một mục đích chung cao đẹp (Sđd, tr 153).

        Muốn xây dựng được một mái ấm gia đình vợ chồng luôn phải chung sức chung lòng, kề vai sát cánh mới mong đi đến thành công :

 

                        Em về cắt rạ đánh tranh,

                     Chẻ tre, chẻ lạt cho anh lợp nhà.

                        Sớm khuya hoà thuận đôi ta,

                     Hơn ai gác tía, lầu hoa một mình.

 

3. Hãy đồng cam cộng khổ.

        Thành ngữ “đồng cam cộng khổ” là một thành ngữ Hán Việt mà ý nghĩa của nó được hình thành trên cơ sở nghĩa biểu trưng của các thành tố : đồng (cùng), cam (ngọt), cộng (chung), khổ (đắng). Ở thành ngữ này, vị ngọt (cam) biểu trưng cho sự sung sướng, hạnh phúc, vị đắng (khổ) biểu trưng cho sự bất hạnh, hoạn nạn.  Từ ý nghĩa cụ thể cùng hưởng vị ngọt, cùng chung vị đắng, thành ngữ đồng cam cộng khổ hình thành nên ý nghĩa khát quát của nó.  Trong hạnh phúc hay bất hạnh, con người cần phải san sẻ cho nhau, cùng hoà vào cuộc sống chung, coi niềm hạnh phúc hay nỗi bất hạnh của mọi người như của mỗi người và như của riêng mình vậy.

                                 Đàn ông đi biển có đôi,

                                 Đàn bà đi biển mồ côi một mình.

        Câu ca dao trên đây có lẽ cũng đồng nghĩa với câu tục ngữ sau đây  :

                                 Đàn ông vượt bể có chúng có bạn,

                                 Đàn bà vượt cạn chỉ có một mình.

 

                        Truyện : chia ngọt sẻ bùi.

        Câu thành ngữ đồng cam cộng khổ cũng đồng nghĩa với chia ngọt sẻ bùi. Kiểu nói thường được hiểu theo nghĩa bóng là hai người luôn cảm thông và nâng đỡ nhau trong cuộc đời.  Thế nhưng, vào cuối tháng 10/1994, báo chí Mỹ đưa tin về một cặp vợ chồng vừa mới thành hôn, chưa kịp đi hưởng tuần trăng mật thì người chồng 46 tuổi đã phải nhập viện vì thận hư, phải thay gấp mới mong sống nổi !  Người vợ cũng sẵn sàng nhập viện với chồng, chịu giải phẫu để chia cho anh... một trái thận !  Một sự chia sẻ rất cụ thể và rất qúi giá. “Chia ngọt sẻ bùi” ở đây hiểu theo cả nghĩa đen nữa.

 

        Thế là cả hai vợ chồng đều vui vẻ hưởng những ngày đầu đời hôn nhân trong bệnh viện.

 

          KẾT LUẬN

 

        Mái ấm gia đình luôn là công lao xây dựng của vợ chồng, không riêng của ai. Mỗi người xây đắp một phương diện.  Phải biết vun xới cho gia đình, “của chồng công vợ”, đừng sống như chỉ có một mình mà hãy thực hiện lời dạy trong Thánh Kinh :”Tôi muốn trở nên mọi sự cho mọi người”, ít ra hãy thực hiện điều ấy cho người bạn đời.

 

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ  Kim phát

Tháng 2/2004


Về trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà