Hòa Giải

------

 

I. THIÊN CHÚA DỰNG NÊN CON NGƯỜI (x St 2,18-24).

 

        Kinh Thánh cho biết : sau khi đã dựng nên vũ trụ vạn vật thì Thiên Chúa dựng nên con người và trao cho con người quản lý tất cả.  Nhưng Thiên Chúa nhận thấy con người ở một mình không tốt nên đã quyết định tạo dựng cho nó một người trợ tá tương xứng với nó {x. St 2,18).

 

        Con người đầu tiên đó là Adam. Thiên Chúa đã rút một cái xuơng sườn của Adam ra, lắp thịt thế vào.  Chính từ cái xương sườn rút ra của Adam, làm thành một người nữ là bà Evà, và Ngài đã dẫn bà này đến với ông (x. St 2,21-22). Thiên Chúa đã trao bà Evà cho ông Ađam để họ trở nên một đôi vợ chồng đầu tiên của nhân loại.  Sau này, con cháu của ông bà cứ theo gương ấy mà cưới vợ gả chồng cho con cháu sinh sản ra cho đầy mặt đất.  Và Thiên Chúa chúc phúc cho đôi hôn phối đầu tiên cũng như của con cháu sau này.

 

II. NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG.

 

        Kinh Thánh nói :”Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24).  Cả hai sẽ trở nên một xương một thịt nghĩa là chỉ còn có một người, nhưng như ông Mencken nói :”Khi một người đàn ông và một người đàn bà lấy nhau, họ chỉ con là một người, cái khó đầu tiên là quyết định người nào”.

 

        Trong con người này vừa có vợ, vừa có chồng, mỗi người chỉ có một nửa . Vì thế chồng mới gọi vợ là MÌNH ƠI , và vợ cũng gọi chồng là mình ơi. Thi sĩ Hàn mặc Tử đã nhận ra thực tại này nên mới nói :

                        Người đi một nửa hồn tôi mất,

                        Một nửa hôn tôi bỗng dại khờ.

 

        Ta đã biết trong con người này, mỗi người chỉ còn có một nửa, nhưng trớ trêu thay, nửa nào cũng muốn chiếm phần chủ động, muốn điều khiển tất cả, do đó mới có sự cạnh tranh, tranh chấp và đưa đến sự bất hoà.

 

        Người ta thường nói : bá nhân bá tính, mỗi người có một tính tình riêng, một sở thích riêng, một ước vọng riêng... và ai cũng muốn người khác phải phục vụ cho lợi ích riêng tư của mình. Không được như  thế thì người ta bất mãn.  Nếu không biết nhường nhịn nhau, không biết dung hoà thì có thể đưa đến chiến tranh ngay trong gia đình.

 

        Trên thế giới lúc nào cũng có chiến tranh, không ở nơi này thì nơi khác, không lớn thì nhỏ. Chiến tranh có thể là chiến tranh nóng hay chiến tranh lạnh. Chiến tranh lớn là chiến tranh bùng nổ giữa hai phe với đủ thứ vũ khí giết người, gây chết chóc, đổ vỡ, gây thiệt hại đáng kể về người và của.  Còn chiến tranh lạnh là một cuộc chiến âm thầm, căng thẳng, lạnh lùng, đầy hận thù, người ta tìm đủ mọi cách làm hại nhau nhưng không ra mặt.

 

        Trong gia đình cũng có chiến tranh nóng và chiến tranh lạnh.  Trong cuộc sống hằng ngày, làm sao vợ chồng có thể tránh được những sự va chạm, những bất hòa ?  Bất hòa có thể là ngấm ngầm hoặc bùng nổ.  Bất hoà ngấm ngầm là thời kỳ chiến tranh lạnh, vợ chồng gầm gừ nhau, ăn miếng trả miếng, ít trao đổi chia sẻ cho nhau, bầu khí gia đình trở nên lạnh lẽo nhưng lại căng thẳng khẩn trương.  Nếu hai người không chịu được nhau nữa thì sự bất hoà bùng nổ thành chiến tranh nóng : vợ chồng có thể cãi cọ nhau rùm beng, đập phá và có thể  đánh đấm nhau.

 

        Ông bà tổ tiên chúng ta đã có kinh nghiệm về cảnh sống gia đình nên đã để lại những lời khuyên rất có ý nghĩa và đầy kinh nghiệm trong ca dao tục ngữ, như  :

 

                        Chồng giận thì vợ bớt lời,

                        Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê.

                                (Ca dao)

        Trong một xã hội theo phụ hệ thì vai trò của người đàn ông rất lớn đến nỗi người ta bắt mọi người phải theo chủ trương cứng rắn này là “Phu xướng phụ tùy”,  người chồng nói ra thì người vợ phải nghe, nếu không nghe thì sẽ có biện pháp mạnh như :

 

                        Chồng giận thì vợ phải lùi,

                        Chồng giận vợ giận thì dùi nó quăng.

                                (Ca dao)

        Những lời khuyên bắt buộc trên đây rất có giá trị trong xã hội ta ngày xưa. Nếu người vợ nào theo đúng được lời khuyên ấy thì được thiên hạ ca tụng là “người vợ hiền”.  Nhưng quan niệm ấy không còn phù hợp cho xã hội ta ngày nay nữa.  Chủ trương “Phu xướng phụ tùy” đã trở nên lỗi thời trong xã hội ta và nhất là của Tây phương ngày nay vì không còn cái quan niệm cũ rích là “Nam trọng nữ khinh” nữa, vì nam nữ được bình quyền, người vợ cũng được bình đẳng với chồng, có quyền lợi như chồng.

 

        Trong lời chúc hôn của lễ Hôn phối,  Hội thánh cũng chủ trương là người chồng phải yêu thương và kính trọng người vợ để người vợ được bình đẳng với mình :

”Xin cho anh biết trọn niềm tin tưởng nơi chị, nhìn nhận chị là NGƯỜI BẠN BÌNH ĐẲNG, vã cùng được thùa hưởng sự sống là một hồng ân Chúa ban. Xin cho anh biết luôn luôn kính trọng và yêu thương chị như Đức Kitô yêu thương Hội thánh”.

 

        Thánh Phaolô trong thư gửi cho tín hữu Êphêsô đã khuyên :

“Người làm chồng, hãy yêu thương vợ như chính Đức Kitô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh... Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng”(Ep 5,25.33).

 

        Trong đời sống hằng ngày ta thấy có những người biết thương yêu nhường nhịn vợ như lời thánh Phaolô đã khuyên nhủ như tấm gương sau đây:

 

                        Truyện : Bảng kết tội nhau

        Tạp chí Reader’s Digest số xuất bản tháng 11 năm 1985 có đăng một chuyện ngắn, nhưng đầy ý nghĩa về gia đình : Đôi vợ chồng đã nhiều lần cãi nhau và lần này, đang lúc hai người cãi nhau hăng say thì người chồng đề nghị với vợ :”Này, chúng ta đừng cãi nhau nữa. Mỗi người hãy lấy giấy viết ra tất cả những lỗi lầm, những tật xấu của người kia, rồi trao cho nhau”.  Người vợ đồng ý.  Người chồng cầm lấy tờ giấy, nhìn người vợ và cúi mặt xuống viết một câu. Người vợ thấy chồng mình bắt đầu viết, liền hối hả viết liên hồi, dường như có ý tranh với chồng để kể ra nhiều tật xấu hơn. Người chồng chỉ viết một câu rồi dừng lại nhìn vợ. Sau vài phút, trang giấy của người vợ đầy những dòng chữ kể ra tật xấu của người chồng và người vợ xem ra hả dạ, vì đã viết nhiều hơn.

        Đến lúc không còn gì để viết nữa, họ trao cho nhau bảng kể tội của nhau.  Sau khi nhìn vào tờ giấy của chồng nét mặt người vợ bỗng đổi vì xúc động.  Bà vội vã đòi lại tờ giấy đã đưa cho chồng và có thái độ làm hòa ngay.  Trong tờ giấy của người chồng bà chỉ đọc được có một câu duy nhất : ANH YÊU EM.

                                (R. Veritas, Lẽ sống, tr 280)

 

III. HOÀ GIẢI TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH.

 

        Ở trên chúng ta đã nói : nếu vợ chồng không biết nhường nhịn nhau thì gia đình sẽ trở nên bãi chiến trường đầy máu lửa.  Sau cuộc chiến thì sẽ có hư hỏng, đổ nát, thiệt hại mà có khi không thể có gì bù đắp lại : tình yêu vơi nhạt đi hoặc hôn nhân bị tan vỡ.

 

        Kinh nghiệm cho hay : trên thế giới có biết bao cuộc chiến, nhưng hầu hết được kết thúc bằng thuơng thuyết, bằng hoà đàm.  Hai bên phải ngồi lại với nhau, cùng thảo luận, đưa ra những yêu sách và cùng nhau giải quyết, có khi cuộc hoà đàm phải kéo dài trong nhiều năm.

 

        Trong cuộc chiến gia đình cũng vậy, vợ chồng phải hoà giải với nhau bằng cách ngồi lại để tìm hiểu nhau, tìm ra đâu là sự thật, chia sẻ tâm tình với nhau, và phải luôn luôn nắm giữ nguyên tắc này :

                        Tránh voi chẳng xấu mặt nào (tục ngữ)

 

        Vợ chồng nhường nhịn nhau thì chẳng ai cười vì người ta thường nghĩ “nhịn mày tốt tao”, trái lại nó còn là bông hoa tươi thắm phô sắc cho thiên hạ coi.  Người ta nói : nhịn nhục !  Đúng vậy, đã nhịn thì phải nhục, mà đón nhận cái nhục có ý thức nghĩa là để cho gia dình được êm ấm thì ai dám khinh ?

 

        Theo tôi nghĩ,  cuộc hoà giải giữa vợ chồng để chấm dứt chiến tranh nên được diễn ra trong giờ kinh tối. Lúc này công việc đã được tạm ổn, trong bầu khí yên tĩnh, vợ chồng cùng con cái quây quần bên nhau dâng lên Chúa và Đức Mẹ những lời cầu nguyện sốt sắng, xin các Ngài phù hộ để vợ chồng được thương yêu nhau, bỏ đi tất cả những xích mích, va chạm trong cuộc sống hằng ngày, chắc chắn các Ngài sẽ hoà giải cho vợ chồng

       

        Vợ chồng hãy cầu nguyện trong tin tưởng, vì Chúa đã phán :”Ở đâu có hai ba người họp nhau cầu nguyện nhân danh Ta thì Ta sẽ ở giữa”. Chúa hiện diện đặc biệt trong gia đình và đặc biệt giữa vợ chồng đang cầu nguyện thì chắc chắn cuộc hoà giải sẽ thành công, dựa vào lời Chúa hứa :”Hãy xin thì sẽ được”.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà