X Í C H   M Í C H

 

 

I. LỜI  CHÚA.

 

          1.”Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3, 12-13).

 

          2. “Phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa, hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà” (Tv 33, 114-15).

 

II. XÍCH MÍCH TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH.

 

          1. Sự kiện.

 

          Người ta nói : bá nhân bá tính, không ai giống ai vì tính tình khác nhau về nhiềáu phương diện nên mới có sự va chạm. xích mích, xung đột và chiến tranh. Sở dĩ có chiến tranh là vì có sự xích mích giữa hai nuớc đi đến cao điểm mà không giàn hòa được. Sở dĩ có cãi cọ hoặc xung đột giữa hàng xóm láng giềng cũng vì có sự xích mích mà không thu xếp cho êm thắm được.  Trong gia đình tuy ít người, chỉ có vợ chồng và con cái mà cũng không thể tránh được những xích mích xẩy ra hằng ngày đưa đếùn cãi cọ hoặc ẩu đả.

 

          2. Lý do.

 

          Theo giáo lý nhà Phật, có ba nết xấu làm hư hỏng con người, đó là tham, sân, si.

                             Tham vì ích kỷ

                             Sân vì tự ái

                             Si vì ngu muội.

         

          Trong ba nết xấu nói trên thì SÂN là khó diệt hơn cả. Bởi vì tự ái là một thói xấu sống dẻo dai bậc nhất, đến nỗi thánh Phanxicô Salêsiô phải nói :”Nó chỉ ngưng hoạt động 15 phút sau khi chết”.

          Các nhà tâm lý học, các nhà đạo đức học xưa và nay đều đồng ý rằng tính tự ái là cội rễ các cảnh đoạn trường trong thiên hạ.

 

          Trong giáo ly đạo Công giáo, nó đứng hàng đầu trong các nết xấu vì kiêu ngạo và tự ái là chị em sinh đôi chống lại khiêm nhường.

 

          Trong gia đình, nếu vợ chồng không nhất trí với nhau về bất cứ vấn đề gì là có sự xích mích ngấm ngầm hay bùng nổ.

 

          Ta thử đưa ra một thí dụ về con cóc.  Con cóc chỉ là một con vật và con con cóc chỉ là con cóc không hơn không kém, nhưng người ta lại có ý kiến khác nhau về con cóc, có hai chủ trương về con cóc. Một đàng thì quá quí trọng con cóc, cho rằng :

                                      Con cóc là cậu ông trời,

                                      Ai mà đánh nó thì trời đánh cho.

          Đàng khác thì chống lại ký kiên trên và cho rằng :

                                      Con cóc là cậu thầy nho,

                                      Ai mà đánh nó Trời cho quan tiền.

                                                (Ca dao)

          3. Hậu quả.

          Vậy hai ý kiến trên, hai chủ trương trái ngược nhau ấy, bên nào đúng, bên nào sai ?  Thực ra, chẳng bên nào đúng, cũng chẳng bên nào sai vì con cóc làm gì dám làm cậu ông Trời hay là cậu thầy nho, mà con cóc chỉ là con cóc. Nếu bên nào cũng cho mình là đúng, người khác sai và không biết giữ gìn miệng lưỡi và thái độ cho đúng đắn thì sẽ sinh ra xích mích , cãi cọ.  Nếu không biết nhịn nhau thì có thể có những hành động không thể chấp nhận được.   Người ta kể rằng trong một buổi họp Liên hiệp quốc, vì tức giận quá, thủ tướng Krouchef của Liên xô đã tụt giầy ra đập xuống bàn vì không nén được cơn giận...

 

III. PHƯƠNG THẾ CHỮA TRỊ.

. Trong đời sống xã hội và cách riêng trong đời sống gia đình, không ai có thể nắm trọn vẹn được chân lý. Mỗi người chỉ nắm được một phần của chân lý nên không thể bắt được người khác phải hoàn toàn theo ý mình.  Tốt nhất là hãy tỏ ra khiêm nhường, nhường nhịn nhau, thuận hòa thì sẽ không còn tranh chấp, mà đã hoà rồi thì không còn kẻ thắng người thua . Lúc đó người ta có thể nói một cách thoải mái rằng :

                                      Ai nhất thì tôi thứ nhì,

                                      Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba.

                                                (Ca dao)

                             Truyện vui : đóng cửa bảo nhau.

          Bố mẹ hay tin đôi vợ chồng trẻ cãi nhau, nên đến khuyên giải :

          - Bố mẹ đã dặn các con là phải ăn ở thuận hoà. Nếu có truyện gì trái ý thì đóng cửa bảo nhau, chứ sao lại để cho hàng xóm biết ?

          - Dạ... xin lỗi bố mẹ.  Tại vì lúc đó không ai chịu ra... đóng cửa ạ.

 

          KẾT LUẬN

          Muốn cho gia đình được trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm, hãy suy niệm Lời Chúa và quyết tâm đưa vào cuộc sống hằng ngày :

                   Thư thánh Phaolô : Cl 3, 12-13 và Rm 12, 16-18.

                   Tin Mừng : Lc 22,26.

          Hãy đọc và suy niệm kinh Hoà bình của thánh Phanxicô Assisi :

                   Để trở nên dụng cụ bình an.

                   Khi thứ tha thì được tha thứ,

                   Khi cho đi là lúc được nhận lãnh,

                   Lúc quên mình đi là lúc tìm lại bản thân...

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà