BÁT  PHỞ

_______________________________________

Vui buồn trong đời vợ chồng

 

I. HUẤN DỤ CỦA THÁNH PHAOlÔ.

 

          Chúng ta biết gia đình là nền tảng của Hội thánh và cũng là nền tảng của xã hội. Nền có vững, ngôi nhà mới có thể đứng vững được. Ý thức được điều đó, thánh Phaolô đã khuyên nhủ những gia đình Kitô giáo đầu tiên phải sống thế nào cho đẹp lòng Chúa và có hạnh phúc. Ngài đã khuyên các tín hữu Colossê bằng những lời này :

 

“Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫb nại. Hãy chịu đựng và tha thứ chi nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13).

 

Những lời khuyên làm nổi bật sắc thái thánh thiện và tốt đẹp của gia đình Kitô giáo.

          Ngài còn ví tình yêu vợ chồng với tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh. Chúa Kitô yêu Hội thánh thế nào thì Hội thánh cũng phải đáp lại bằng tình yêu ấy. Cũng thế, người chồng phải yêu thương vợ như tình yêu của Chúa Giêsu đối với Hội thánh. Đáp lại, người vợ cũng phải yêu chồng như mối tình của Hội thánh đối với Chúa Kitô.

 

II. THỰC TẾ NHƯ THẾ NÀO ?

 

          Tuy thế, không phải lúc nào gia đình cũng êm ấm, trên thuận dưới hòa, êm lặng như mặt nước hồ thu. Mặt hồ đôi lúc cũng gợn sóng. Trời cũng có khi mưa khi nắng, có khi âm u , có khi quang đãng, đôi lúc nổi giông tố nữa như những cơn bão mùa hè vừa qua.  Đấy là bệnh của trời, con người đôi lúc cũng có bệnh, cho nên người ta nói :

 

                                      Nắng mưa là bệnh của trời,

                                   Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

                                                  (Ca dao)

 

          Chồng yêu vợ thật, nhưng cũng không thể tránh được những va chạm nhỏ nhặt thường ngày. Tương tư là bệnh của chàng . Đúng ! Lúc mới yêu, nhất là lúc tương tư thì chàng coi nàng như một “nữ hoàng”, chiều chuộng, săn sóc tỉ mỉ, không dám làm mất lòng nàng.  Đáp lại, nàng gọi chàng là “hoàng tử của lòng em”, nàng coi chàng là một mẫu người lý tưởng đáng ước mơ, cái gì của chàng cũng tốt, cũng đẹp, cũng hay.

 

          Nhưng sống với nhau một thời gian, “nằm trong chăn mới biết chăn có rận” (tục ngữ), qua những chung đụng hằng ngày, hình ảnh “nữ hoàng, nàng tiên hay hoàng tử của lòng em” không còn nữa mà thay vào đó là hình ảnh đen tối “con đĩ kia” hay “thằng qủi này”.  Qua những va chạm hằng ngày, tình yêu thuở ban đầu không còn nữa, những xích mới nảy ra, tuy nhỏ mọn nhưng quan trọng, nếu không biết kiềm chế sẽ đi đến đổ vỡ.

 

          Theo nhận xét của tác giả Hồng Ngọc trong báo Kiến thức gia đình, nhiều cặp trai gái thích hào nhoáng bên ngoài, mà khi “ván đã đóng thuyền” rồi, thì ở nhiều cặp vợ chồng các vụ xung đột thường xẩy ra. Nguyên nhân chủ chốt của vấn nạn này không ngoài việc họ có quan niệm không đúng về gia đình. Ở đây có 3 vấn đề cần quan tâm :

 

          1. Họ chưa ý thức được hôn nhân là một khởi điểm cho một tương lai lâu dài với nhiều bất trắc khó lường. Họ nghĩ nhầm rằng mở ra cánh cửa hôn nhân là đã bước vào cõi thiên đường.

 

          2. Họ quên mất rằng, sau hôn nhân rất cần đến sự chiếm hữu lấy tình yêu  bằng cách cần phải cố gắng để người bạn đời của mình yêu thích mình hơn, qúi trọng mình hơn nữa.

 

          3. Khi giáp mặt với sự nhiêu khê trắc trở, với thực tế phũ phành của đời sống, trong gia đạo, họ giải quyết một cách đơn giản và tai hại  bằng cách tìm niềm vui và sự bình an ở bên ngoài cánh cửa gia đình.

                             (Hồng Ngọc, Kiến thức gia đình, số 59, tr 60)

 

III. GIẢI QUYẾT THẾ NÀO ?

 

          Tôi xin đưa ra một ví dụ : “bát phở”. Ai trong chúng ta cũng đã từng ăn phở, đã có chút ít kinh nghiệm về một bát phở ngon. Một bát phở thơm ngon không chỉ do nước giùng, bánh phở, mấy miếng thịt bò hay gà, mà còn phải có đủ hành tỏi, nước mắm, hồ tiêu, lá húng, lá ngò, chanh và ớt... Nhờ những gia vị lỉnh kỉnh đó mà người ăn mới khoái khẩu, mới thấy mùi vị thơm ngon của bát phở, đặc biệt là vị chua của chanh, vị cay của ớt. Nhiều người khi cắn miếng ớt vào miệng cay chảy nước mắt, toát mồ hôi, nhưng nếu thiếu ớt lại không chịu được. Dường như ăn phở mà thiếu ớt, thiếu lá thơm, thì không còn cái thú của phở nữa. Chưa hết ! Bát phở còn phải nóng, hơi bốc ngùn ngụt, ăn vào là chảy cả mồ hôi mồ kê ra, chảy cả nước mắt nước mũi ra...thế mới là bát phở thơm ngon.

 

          Nói theo quan điểm triết học, thì trong cay đắng vẫn có ngọt bùi ; hoặc ngược lại, trong ngọt bùi vẫn có cay đắng. Và trong cái cay chua hay đắng đót của cuộc đời, vẫn tiềm tàng những yếu tố của hạnh phúc.

         

          Cuộc sống hôn nhân cũng như bát phở. Hương vị thơm ngon của nó là do những gia vị của cuộc đời vui, buồn, cay, đắng và mặn nồng.

                             (Trần mỹ Duyệt, Bí quyết của Hạnh phúc hôn nhân, tr 116)

 

          Cuộc đời là như thế, có tránh cũng không được, chỉ còn cách duy nhất, cho nó một ý nghĩa cao đẹp. Chúng ta hãy bắt chước những đồng bào ở vùng đồng bằng sông Cửu long, năm nào cũng bị lũ lụt tàn phá vì ở vào vùng trũng, không thể tránh được. Cực khổ. Nhưng chịu vậy sao ? Người ta có một giải pháp rất hay là “sống chung với lũ”.

 

          Francois Mauriac nói :”Thiên Chúa đã đến kết hôn với đau khổ của con người để trao cho nó một ý nghĩa đồng thời với một giá trị”. 

          Chấp nhận những đau khổ của cuộc đời là cần thiết và có ích.

          P. Charles cũng nói :”Từ khi Đức Kitô đến, chúng ta được giải thoát không phải là khỏi chịu đau khổ, nhưng khỏi chịu đau khổ một cách vô ích”.

 

          KẾT LUẬN

 

          Chúng ta chưa đạt tới hạnh phúc trong gia đình mà còn đang trên cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc. Được đến đâu hay đến đó, như người ta thường nói :”Được hoa mừng hoa, được nụ mừng nụ”.  Hạnh phúc được đến đâu cũng hãy cảm tạ Chúa, hãy bằng lòng với hoàn cảnh của mình, đừng “đứng núi nọ trông núi kia cao”. Hãy thực hiện câu nói của người xưa :

 

                   Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc,

                   Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thởi nhàn

          Nghĩa là :

                   Biết đủ, coi là đủ; đợi đủ bao giờ mới đủ,

                   Biết nhàn, coi là nhàn; đợi nhàn bao giờ mới nhàn.

 

          Chúng ta hãy trông cậy Chúa vì Ngài không bỏ ai biết trông cậy vào Ngài :”Hãy xin thì sẽ được”. Ta hãy cầu xin cho mọi người và cách riêng cho đôi tân hôn biết chấp nhận mọi “lỉnh kỉnh” của cuộc đời và mặc cho nó một ý nghĩa cao qúi.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 

 


Về trang Mục Lục