TÌNH YÊU HIẾN TẾ

***

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

                   Chúng ta đọc : Lc 22, 14-20 . 1Cr 11, 23-27.

 

          Khi giờ đã đến, Chúa Giêsu muốn ăn lễ Vượt qua với các môn đệ lần cuối cùng, Ngài nói:”Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với các con trước khi chịu khổ hình” (Lc 22,15). Chúa Giêsu theo mọi lễ nghi phong tục Do thái, nhưng trong bữa ăn này, ngoài nghi lễ bình thường, Người làm một việc lạ lùng chưa từng nghe, chưa từng thấy và không thể tượng được : Ngài lập Bí tích Thánh Thể. Thánh Luca thuật lại: “Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói :”Đây là Minh Thầy, hiến tế vì các con. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói :”Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì các con”(Lc 22,119-20).

 

          Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, yêu đến tận cùng như Ngài đã nói trước:”Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu”(Ga 15,13). Thân phận chúng ta là những người tội lỗi phải hư đi đời đời, nhưng vì yêu thương Người đã hy sinh đổ máu mình ra  trên cây thập giá để rửa sạch tội lỗi chúng ta, chuộc lại chúng ta làm con Chúa và được thừa hưởng Nước Trời. Người lại còn muốn ở lại với chúng ta cho đến ngày tận thế nên đã biến mình máu Người làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta.

 

          Đây là một tình yêu cao vời không gì có thể sánh ví được. Tình yêu của Chúa không dừng lại ở mức độ ban ơn cho chúng ta , nhưng tình yêu ấy thúc đẩy Người hiến tế cả con người mình để đem hạnh phúc cho con người, như Người đã nói:”Đây là mình Thầy, hiến tế vì các con”, nên chúng ta phải gọi tình yêu này là Tình yêu hiến tế.

 

II. NHÌN VÀO ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN.

         

          1. Hôn nhân và tình yêu.

 

          Tình yêu là nền tảng của hôn nhân. Hôn nhân không có tình yêu thì không bền vững, giống như một ngôi nhà được xây trên cát. Vì thế người ta mới nói:”Hôn nhân không tình yêu là một ngày thiếu rạng đông”(Alphonse Karr). Chính tình yêu đã nối kết hai người lại nên một để làm thành một gia đình :”Họ không còn là hai nhưng là một xương một thịt”(Mc 10,8). Tình yêu và hôn nhân phải liên kết với nhau, không thể chia lìa như hình với bóng.

 

          Công đồng Vatican II định nghĩa rằng:”Tình yêu là một hành vi nhân linh của con người, đến với con người bằng một tình cảm tự  ý, do đó bao gồm hạnh phúc toàn diện của con người” (Gaudium et spes, số 49). Nói thế, công đồng xác định rằng tình yêu là hành vi con người. Hành vi ấy có khả năng đem lại hạnh phúc nhờ chính sự tự do của mỗi người trong đời sống tình cảm của mình. Nói khác đi, tình yêu là một hành vi nhân linh vì nó cho con người có khả năng làm người đúng nghĩa.

          2. Tình yêu hiến tế.

 

          Chúng phải công nhân rằng tình yêu nối kết hai người lại với nhau, kết hợp với nhau để làm thành gia đình. Nhưng tình yêu ấy là tình yêu nào ? Thưa, đó là “Tình yêu hiến tế”.  Nhìn vào Chúa Giêsu, ta thấy Ngài đã có tình yêu ấy đối với chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta một cách vô vị lợi, tình yêu ấy phải được gọi là Tình yêu hiến tế.  Chính vì vậy, Ngài đã hiến tế thân mình bằng cách chịu chết trên cây thập tự để cứu chuộc chúng ta và còn biến mình máu Ngài làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta.

 

          Trong cuộc sống hôn nhân cũng vậy, vợ chồng phải yêu thương nhau bằng một tình yêu hiến tế, nghĩa là vợ chồng biết hy sinh cho nhau, quên đi bản thân mình để mưu cầu hạnh phúc cho bạn mình.  Một tình yêu thiếu hy sinh chưa hẳn là tình yêu thật mà chỉ là một tình cảm nhất thời chóng qua. Tình cảm thì không bền vững, nó có thể trồi sụt, dễ dàng biến mất. Và khi tình cảm đó biến mất thì gia đình cũng sẽ tan vỡ. Tình yêu hiến tế làm cho vợ chồng càng khắn khít với nhau, dám hiến thân cho nhau, quên đi những quyền lợi của mình để chỉ nghĩ đến hạnh phúc người yêu :

                             Sông hồ một giải con con                   

                             Gặp cơn sóng gió chớ non tay chèo.

                             Yêu nhau sinh tử cũng liều,

                             Thương nhau lặn suối qua đèo có nhau.

                                           (Ca dao)

 

          3. Hôn nhân và tử đạo.

 

          Có một danh nhân nói:”Tôi luôn khâm phục những vị anh hùng, kẻ anh hùng nhất là người dám LẬP GIA ĐÌNH”.  Câu nói này có vẻ cường điệu quá chăng ? Vậy hễ lập gia đình là trở thành anh hùng cả sao ?  Tuy nhiên, câu nói trên đứng về một phương diện nào đó cũng có ý nghĩa của nó, vì những người đi lập gia đình không thể nắm vững được tương lai như thế nào, không thể đo lường được con đường phía trước với đầy gian nan, bất trắc có thể xẩy ra bất cứ lúc nào.  Nhất là từ khởi điểm là con số không mà hai người dám tuyên hứa sẽ gắn bó với nhau suốt đời để tạo lập tương lai sự nghiệp...

 

          Mặt khác, nhìn vào thực tế, có rất nhiều gia đình rơi vào những hoành cảnh rất éo le, bi đát hoặc do chính mình tạo ra hoặc do hoàn cảnh gây nên. Những ai sống trong hoàn cảnh đó mà vẫn trung thành với đời sống hôn nhân thì họ xứng đáng được gọi là anh hùng, anh hùng không tên tuổi, đáng mọi người khâm phục. Nếu ta gọi họ là những “Anh hùng tử đạo” thì điều đó có quá đáng không ? Có lẽ không quá đáng ! Phụng vụ Chính thống giáo nói lên khía cạnh ấy qua nghi thức “đội vương miện” trong thánh lễ hôn phối.

 

          Trong nghi lễ đó, mỗi người (chồng và vợ) nhận một Vương miện. Mũ miện trong Giáo hội Chính thống là dấu chỉ của sự vinh quang, vương quyền của Thần Khí và cũng là dấu chỉ của việc tử đạo luôn đi kèm. Khi người nam và người nữ được liên kết với nhau qua bí tích mà Linh mục ban cho họ, nghi thức này đến nhắc nhở cho họ rằng mỗi người phục vụ sự thánh thiện của người kia, và đời họ phải tự dâng hiến, tự trao ban.

 

          Linh mục dọc trong khi đội mũ miện lên đầu người chồng sắp cưới :”Tôi tớ của Thiên Chúa ông X nhận nữ tỳ của Thiên Chúa Y làm mũ miện, nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”.  Linh mục cũng đọc  trong khi đội mũ miện  lên đầu người vợ sắp cưới :”Nữ tỳ của Thiên Chúa Y nhận tôi tớ X của Thiên Chúa làm mũ miện, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

 

          Mỗi người nhận mũ miện nhân danh người kia, với ý nghĩa là mỗi người sẽ là triều thiên tử đạo của người kia và không được tách sự đau khổ với vinh quang.

 

          Sau đó đôi vợ chồng đầu đội mũ miện theo sau Linh mục, đi vòng quanh sách Tin mừng ba lần để chỉ là từ nay cuộc sống chung của họ sẽ đặt Đức Kitô và Tin mừng của Ngài làm trung tâm. Đôi tân hôn uống cùng một chén của cuộc sống chung và cộng đoàn hát :”Ôi ! Lạy các thánh Tử đạo, những vị đã chiến đấu anh dũng mà nay đã được đội mũ triều thiên trên trời, xin cầu Thiên Chúa đến cứu linh hồn chúng tôi”.

 

          Đôi vợ chồng bây giờ đã trở thành một “Giáo hội vi mô” theo lời thánh Gioan Kim khẩu, được dành riêng để biểu lộ – cũng như Thánh Thể – “mối tình quá lớn” của Thiên Chúa cứu nhân độ thế.

          Chúng ta khó lòng hiểu được những lời trên đây vì chúng ta sợ khổ và tệ hơn nữa, chúng ta sợ mất mạng khi hiến dâng không dè xẻn. Vậy mà Đức Giêsu đã báo trước:”Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống vì bạn mình”(Ga 15,13)

 

          Và nhiều người trong chúng ta có thể làm chứng rằng điều khiến họ “hy sinh” nhiều nhất vì yêu lại là điều đem lại cho họ niềm vui lớn nhất và sự triển nở hoàn toàn nhất.

                             (G. Blaquìere, Dám sống tình yêu, tr 94-95)

 

          Hôn nhân là một nhu cầu cần thiết của con người mà đã đi vào đời sống hôn nhân là phải đau khổ giống như hoa hồng thì phải có gai. Mà nếu không lập gia đình thì cũng khổ vì người ta cảm thấy cuộc đời luôn trống vắng, luôn thiếu nhu cầu tình cảm để chia sẻ :

 

                             Tròng trành như nón không quai

                             Như thuyền không lái, như ai không chồng.

                             Gái có chồng như gông đeo cổ,

                             Trai không vợ như phản gỗ long đinh.

                                             (Ca dao)

 

          Có một thanh niên hỏi nhà hiền triết Socrate rằng :

          - Thưa thầy, con có nên lấy vợ không ?

          Nhà hiền triết trả lời :

          - Dù muốn hay không, đàng nào anh cũng sẽ hối hận.

 

          Nhà hiền triết trông thấy trước cái thế giằng co của những người chuẩn bị lập gia đình : lập gia đình thì khổ mà không lập gia đình thì cũng khổ, điều đó làm cho người ta tiến thoái lưỡng nan. Tuy thế, tuyệt đại đa số con người đều lập gia đình giống như trường hợp hai anh chị đây, chỉ có một số người có ơn gọi đặc biệt vì Nước Trời mới sống độc thân. Vậy chỉ còn có một cách là cứ lập gia đình và sẵn sàng chịu mọi rủi ro, chấp nhận hiện trạng của gia đình và phấn đấu tìm mọi cách làm thăng tiến gia đình qua sự cầu nguyện và năng chịu các phép Bí tích. Lúc đó, hạnh phúc nằm sẽ ở trong tầm tay bạn.

 

          Dầu sao đi nữa, chúng ta phải theo nguyên tắc này :”Per crucem ad lucem” : qua thập giá tiến tới vinh quang vì lửa thử vàng gian nan thử đức, không ai có thể ngồi mát ăn bát vàng...

 

                                      Truyện vui minh hoạ

          Người kia chết, linh hồn được lên thiên đàng. Khi đến cửa thiên đàng, gặp thánh Phêrô đang gác cửa. Ngài chặn lại hỏi :

          - Anh đã qua lửa luyện ngục chưa ?

          Anh ta đáp lại :

          - Thưa chưa. Nhưng con là người đã có vợ !

          Thánh Phêrô cười bảo :

          - Thôi được, vào đi.

 

                                                                   Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                   Giáo xứ Kim phát

                                                                   Đà lạt

                            


Về trang Mục Lục