THẢ DIỀU

---

                                                         

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

Chúng ta đọc : Mt 19,3-12.

 

          Đoạn Tin mừng hôm nay nói về vấn đề ly dị :”Những người Pharisêu đến gần Chúa Giêsu để thử Ngài “Thưa Thầy, có được phép rẫy vô mình vì bất cứ lý do nào không” ?

          Đây là câu hỏi hóc búa vì lúc đó tại Do thái co hai lập trường về vấn đề ly dị :

          - Lập trường của trường phái Hillel thì rộng rãi, cho phép ly dị một cách dễ dàng. Ví dụ người vợ nấu một món ăn không ngon, cũng đủ lý do để ly dị.

          - Còn lập trường của trường phái Shammai thì khắt khe hơn, chỉ chấp nhận ly dị trong rất ít trường hợp.

          Chúng ta cũng cần nhớ rằng luật pháp Do thái thời đó chỉ nhìn nhận sáng kiến của người chồng mà thôi.

          Biệt phái biết vấn đề này gay go nên đem ra gài bẫy Chúa Giêsu bằng cách dùng lối “song đao luận” , thế nào cũng bị kết án : hoặc quá rộng rãi hoặc quá hẹp.

 

          Chúa Giêsu trả lời bằng cách trích hai đoạn trong sách Sáng thế (St 1,27; 2,24). Đó chính là những lời thiết lập định chế đơn hôn và vĩnh hôn. Như thế, dứt khoát là không được ly dị, bởi vì “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

 

          Còn việc ông Moisen cho phép ly dị chỉ là thể chế loài người lập ra “vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Moisen mới cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có như thế đâu”. Điều này cho thấy rằng con người vì ích kỷ, nghĩa là đặt sự thỏa mãn của lòng mình trên hết, trên cả ý muốn của Thiên Chúa nữa, nên họ đã bất trung với Chúa, và vì vậy,  họ bất trung với nhau trong đời sống hôn nhân.

 

          Ly dị là một tai họa lớn cho gia đình và xã hội. Ly dị làm cho gia đình tan vỡ để lại bao cảnh thương tâm cho xã hội cũng như Giáo hội mà không gì có thể bù đắp được. Nói về vấn đề này, tôi nhớ ngay đến câu ca dao người ta thường nói :

 

                                      Một liều ba bảy cũng liều,

                               Cầm bằng con trẻ chơi diều đức dây.

 

II. CÂU CHUYỆN THẢ DIỀU.

 

          Nhân đọc bài Tin mừng nói về việc ly dị, tôi liên tưởng đến thú chơi diều xưa và nay, nhất là cảnh chơi diều ở miền Bắc ngày xưa.

 

          Ngày xưa, mỗi kỳ hè đi về miền quê nghỉ mát, tôi được xem thấy những con diều bay bổng trên cao với tiếng sáo vi vu êm dịu, thật là thơ mộng. Những em bé say sưa nhìn con diều của mình bay tít trên cao, cao đến độ không nhìn thấy. Thế mà cánh diều vẫn còn đó vì em bé còn cầm chiếc dây nhỏ nối với cánh diều. Tuy không thấy cánh diều nhưng em bé tin chắc rằng cánh diều vẫn còn vì vẫn còn sợi dây nối với diều. Ngày nay các em vẫn chơi diều đủ mọi kiểu dáng, đủ mầu sắc nhưng không còn tiếng sáo vi vu như ngày xưa nữa.

 

          Nhân nói về thú chơi diều, tôi có một vài ý nghĩ :

 

1.. Con diều và gió : Làm sao con diều có thể bay lên được ? Đó là nhờ sức gió. Gió đưa con diều lên, gió càng mạnh, con diều lên càng cao. Nếu gió đưa mạnh quá thì con diều bị đứt dây và sẽ rơi xuống.

 

          2. Con diều và sợi dây : Nhưng nếu chỉ có gió thôi thì con diều có thể tự cất mình lên được không ? Chắc chắn là không !  Vì nếu tung con diều lên trước gió, con diều sẽ rơi xuống. Muốn cho con diều cất lên cao, cần có điều kiện gì nữa ? Thưa, đó là sợi dây. Gió thổi con diều, sợi dây ghì lại, nhờ đó con diều mới có thể cất lên cao, và cứ ở trên cao bao lâu còn gió thổi.

 

          Có một sự bất hợp lý giữa gió và sợi dây ! Gió có tác động thổi con diều lên còn sợi dây lại ghì con diều xuống, một đàng đẩy lên, một đàng kéo xuống, nhưng chính nhở sự giằng co ấy mà con diều mới có thể cất cánh. Đây là một sự bất hợp lý nhưng là một sự bất hợp lý cần thiết

 

III. THẢ DIỀU VÀ HÔN NHÂN.

 

          Đến đây, chúng ta thử đưa ra một vài so sánh để áp dụng vào đời sống hôn nhân, hy vọng có thể rút ra được một vài chi tiết ứng dụng vào trong đời sống gia đình.

 

          1. Hôn nhân và con diều.

 

          Tình yêu là một cái gì rất ngọt ngào và cũng cay đắng, điều này chúng ta đã từng có kinh nghiệm. Hôn nhân cũng thế thôi. Vì vậy, ông J.F. Régnard nói:”Hôn nhân êm dịu nhất thì luôn là cái gông cùm”. Nhà hiền triết Socrate diễn tả tư tưởng này rất rõ ràng:”Những thanh niên đi tìm hôn nhân có khác nào những con cá đậu trước đầu lờ… Tất cả đều hăm hở mà chui vào, trong khi đó không biết bao nhiêu kẻ đang vùng vẫy một cách tuyệt vọng để thoát ra”.

 

          Biết như thế nhưng ai cũng muốn kết hôn, không muốn sống độc thân. Mặc dầu”Kẻ độc thân là một con công, đính hôn : một con sư tử, thành hôn : một con lừa” (Ngạn ngữ Tây ban nha), dù sao “Hôn nhân là một tai vạ, nhưng là một tai vạ cần thiết”(Ménandre).

 

          Khi nói tới hôn nhân, tôi liên tưởng tới con diều. Chơi diều là một thứ tiêu khiển tao nhã và có nghệ thuật, phải nâng niu làm cho con diều được vươn lên không trung để khoe hình dáng, mầu sắc nhất là được nghe những tiếng sáo vi vu phát ra từ con diều. Không ai ghét thú chơi diều. Tuy nhiên chơi diều đôi lúc cũng gặp những sự cố bất ngờ.

 

          Cũng thế, không ai ghét hôn nhân. Hôn nhân vẫn đẹp, vẫn cao quí, vẫn hấp dẫn. Không thiếu gì những người ca tụng hôn nhân bằng những hình ảnh, bằng những từ ngữ rất đẹp, rất mỹ miều. Chắc chắn cô dâu chú rể hôm nay cũng đang ngước mắt lên trời nhìn những cánh diều hôn nhân đang bay lượn làm đẹp mắt người xem, làm vui tai người nghe bằng những âm thanh ngọt ngào quyến rũ. Vâng, hãy làm cho những cánh diều hôn nhân bay lượn mãi trên không trung để làm cho cuộc đời mãi thêm đẹp đẽ hấp dẫn.

          2. Gió và tình yêu.

 

          Gió không biên cương nên lúc nào cũng là khởi đầu, mà cũng không ai thấy gió, chỉ thấy sự hiện diện của nó. Tình yêu cũng thế, tình yêu có thể gõ cửa ngõ hồn ta vào những giờ không nhất định. Có khó gì đâu một buổi chiều :

 

                                      Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

                                      Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.

                                                (Xuân Diệu)

          Tự bản tính con diều là theo gió mà bay. Trời càng rộng, gió càng lộng thì con diều lên càng cao.

          Trong hôn nhân, chúng ta có thể ví tình yêu với gió, hôn nhân với con diều. Muốn cho con diều cất lên không trung thì cần có gió. Và gió là điều kiện tối thiết, không có gió thì con diều vô phương cất cánh lên. Cũng thế, con diều hôn nhân cần có gió tình yêu. Hôn nhân cần phải có tình yêu, nếu không thi “Hôn nhân không tình yêu là ngày không có rạng

đông”(Alphonse Karr). Khi nào ngưng gió thì con diều sẽ rơi xuống, hôn nhân phải có tình yêu nâng đỡ, khi nào tình yêu hết, hôn nhân cũng kết thúc và tan vỡ:” Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé”(Hồ xuân Hương).

 

          Chúng ta phải công nhận rằng tình yêu là nền tảng của hôn nhân. Nền tảng vững thì tòa nhà vững, nền tảng yếu thì tòa nhà sụp đổ. Tình yêu là nền tảng vững chắc cho nên hôn nhân cũng vững chắc.

 

          Nếu lấy chức quyền, danh vọng, tiền của, sắc dục làm nền tảng cho hôn nhân thì chắc chắn gặp nguy hiểm vì tất cả những thứ đó rất mong manh, nay còn mai mất, vô phương cứu chữa.

          Chức quyền, danh vọng hay tiền của đâu có vững chắc ? Thời thế thay đổi, địa vị con người cũng thay đổi, nay có thể là ông lớn, mai có thể là thằng nhỏ, nhân tình thế thái đổi thay khiến người “lên voi xuống chó” là lẽ thường.

 

          Sắc dục cũng không có thể là nền tảng của hôn nhân, bởi vì nhan sắc bị hủy diệt theo thời gian, càng già càng xuống cấp  với da mồi tóc bạc, lưng còng, mắt mờ, còn hàm răng thì”chiếc rụng, chiếc gẫy chiếc lung lay”(Nguyễn Khuyến). Còn nhan sắc thì được chồng ưa thích, chiều chuộng, khi đã xuống cấp thì :

 

                                      Còn duyên anh cưới ba heo,

                                 Hết duyên, anh đánh ba hèo đuổi đi.

                                                (Ca dao)

 

          Gió phải luôn có để giữ cho con diều được đứng vững. Nếu gió mạnh quá sẽ làm cho con diều đứt dây. Ở đây chúng ta muốn đề cập đến “Tình yêu không biến giới” hay “Tình yêu không giới hạn”. Người ta hiểu lầm câu nói của thánh Augustinô :”Mức độ của tình yêu là không có mức độ nào” hay “Giới hạn của tình yêu là không có giơi hạn”.  Tình yêu không giới hạn đây không có nghĩa là yêu bừa bãi, yêu vô kỷ luật, yêu ai thì yêu, muốn yêu thế nào cũng được. Nhưng tình yêu không biên giới đây phải nhằm vào “chiều sâu” của tình yêu, nghĩa là yêu nồng nàn say đắm, yêu với tất cả con người mặc dầu phải hy sinh đau khổ như Chúc Giêsu đã nói:”Không có tình yêu nào lớn lao cho bằng tình yêu của người chết cho bạn hữu”.

          3. Sợi dây và hôn nhân.

 

          Con diều được bay lên cao không những phải nhờ sức gió mà còn phải nhờ sợi dây ràng buộc. Ngày nào nó rũ bỏ sợi dây để mà lên cao thêm (đứt dây) tức là ngày nó tự rơi xuống vực sâu. Cái dại khờ của con diều là chỉ biết gió và cứ lên mãi mà không hiểu rằng sợi dây ràng buộc lại cần thiết cho nó khỏi bị rơi xuống.

 

          Bất cứ một tổ chức nào cũng cần phải có luật lệ hay nội qui để mọi người theo đó mà xây dựng. Nếu không có luật lệ thì sẽ xẩy ra cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược, tổ chức đó không có sự hiệp nhất sẽ dẫn đến sự tan rã. Hôn nhân cũng phải có luật để nhờ đó vợ chồng xây dựng gia đình, biến gia đình thành một mái ấm yêu thương. Chúng ta còn nhớ hôn nhân công giáo có hai đặc tính, đó là ĐƠN HÔN vàØ VĨNH VIỄN, nghĩa là không chấp nhận chế độ đa thê hay đa phu, và không chấp nhận ly dị. Còn một số luật khác nhưng đây là hai luật căn bản không có thể châm chước được.

 

          Nhiều người chống đối hai luật này. Người ta cho rằng luật này có tính cách vô nhân đạo, gây khó khăn cho gia đình, làm mất hạnh phúc của người ta. Nhưng thực ra, điều luật này lại bảo đảm cho hạnh phúc gia đình, nó khiến cho người ta kiên nhẫn vượt qua mọi khó khăn để giữ vững gia đình, làm cho xã hội thêm vững chắc, vì hôn nhân gia đình là nền tảng của xã hội. Người ta cố gắng biến gia đình thành mái ấm yêu thương chứ không biến thành quán trọ. Lời Chúa vẫn luôn có giá trị :”Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp loài người không được phân ly” (Mt 19,6 ; Mc 10,9).

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 

         

 

         


Về trang Mục Lục