HÒA HỢP

***

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : Mt 28,16-19.

 

          Qua đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe, thánh Matthêu ghi lại cho chúng ta việc Đức Giêsu, sau khi sống lại, đã hiện ra với mười một Tông đồ ở nơi đã được chỉ định trước, để trao sứ mạng Tin mừng và rửa tội cho muôn dân nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

          Chúa Giêsu nói với các ông:”Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy”. Đây là nền tảng cho việc rao giảng mà các ông lãnh nhận. Các Tông đồ không làm những việc tầm thường, nhưng thi hành một công việc phát xuất từ quyền năng Chúa Kitô. Câu này cũng có giá trị  tương đương với câu Chúa Giêsu đã nói  khi Ngài hiện ra ở nhà Tiệc ly:”Cũng như Cha Thầy đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”(Ga 20,21).

 

          Thi hành sứ mạng Chúa trao, các Tông đồ đi rao giảng Tin mừng, tức là thâu tập các môn đệ từ muôn dân. Dạy dỗ cho họ những điều cần thiết và rửa tội cho họ “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Rửa tội nhân danh Ba ngôi Thiên Chúa có nghĩa là được thánh hiến để thuộc trọn về Ba Ngôi. Vì vậy việc Chúa Giêsu truyền làm phép rửa tội là điều kiện cần thiết để nên môn đệ của Chúa Kitô.

          Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm lớn nhất trong đạo, cho đến muôn đời không ai có thể hiểu được. Chúng ta chỉ biết cúi đầu tỏ lòng cung kính và tỏ lòng yêu mến Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống người Kitô hữu.

 

          Khi nói đến mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta liên tưởng đến đời sống cộng đồng. Thiên Chúa Ba Ngôi là một cộng đồng nguyên thủy hòa hơp yêu thương. Thiên Chúa Cha yêu thương đã sinh ra Chúa Con, và trong tình yêu thương của Chúa Cha và Chúa Con đã làm phát sinh ra Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi cộng tác với nhau mật thiết : Chúa Cha dựng nên trời đất vạn vật, Chúa Con xuống thế làm người chịu chết chuộc tội cho thiên hạ, Chúa Thánh Thần thánh hóa Giáo hội và các tín hữu (Kinh Tin kính). Cả Ba Ngôi cùng sinh hoạt để yêu thương và giúp đỡ con người.

 

Cộng đồng Ba Ngôi nguyên thủy phải là kiểu mẫu cho cộng đồng Kitô hữu đầu tiên. Sách Công vụ tông đồ còn ghi lại cảnh sống hòa hợp yêu thương của họ khiến cho dân ngoại ngạc nhiên và thèm muốn. Mọi người sống trong yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thông cảm với nhau, chia vui sẻ buồn với nhau. Có người bán cả gia tài của mình đem dâng cho các Tông đồ để cùng chia sẻ cho người nghèo khó để không ai bị túng đói. Sống trong cảnh đó mọi người phải ca tụng :

 

                                      Xinh thay là cảnh anh em,

                             Cùng nhau vui sống dịu êm một nhà.

                                                 (Tv 132,1)

 

          Gia đình cũng là cộng đồng căn bản và phải mô phỏng mô hình cộng đồng nguyên thủy của Chúa Ba Ngôi. Công đồng Vatican 2 xác định”Gia đình là nền tảng của xã hội (MV). Gia đình là các nhân tố cấu thành xã hội. Nếu mỗi gia đình biết sống hòa hợp với nhau thì xã hội sẽ có sự hài hòa êm thắm, không bị xáo trộn bới những xung khắc trái ngược.

 

II. NÓI VỀ SỰ HÒA HỢP.

 

          1. Hòa hợp là gì ?

 

          Theo tự điển Đào duy Anh thì “Hòa hợp là cùng hòa thuận không cạnh tranh xung đột”. Hay chúng ta cũng có thể nói: hòa hợp là biến các yếu tố khác biệt thành một cái gì dung hợp nhau, không còn sự dị biệt đối kháng.

 

          Ta có thể đưa ra một ví dụ cụ thể : trong một ly nước chanh đường, ta có chanh chua, đường ngọt. Theo nguyên tắc thì chua và ngọt là hai chất đối kháng nhau, nhưng nếu cho cả hai chất hòa lại với nhau thì lại thành một ly nước chanh ngon, bổ dưỡng và giải khát. Nếu ta cho thêm vào một cục nước đá, một chút muối cho đậm đà, một chút dầu chuối cho thơm thì sẽ trở thành một ly nước chanh tuyệt vời. Nghe đến cũng phải chảy nước miếng.

 

          2. Hòa hợp và hợp nhau.

 

          Theo nhà tâm lý học Nguyễn đình Xuân, ta cần phân biệt “hợp nhau” với “hòa hợp nhau” Đó là hai khái niệm riêng biệt. Hợp nhau là thích nhau (ví dụ : người hiền lành thì thích và hợp với người hiền lành). Trong khi đó “hòa hợp nhau” là chấp nhận nhau để hòa nhập với nhau, bù trừ cho nhau, nên có thể người hiền lành lại chấp nhận cưới một người có tính nóng nảy. Hai người sống với nhau ít khi nổi xung, bởi vì người hay nóng luôn luôn được tính hiền lành của người kia làm nguội đi các cơn thịnh nộ vô lý…

          (Nguễn đình Xuân, Tâm lý học Tình yêu gia đình, 1993, tr 112)

 

          3. Hòa hợp và hy sinh.

 

          Muốn có sự hòa hợp thì cần phải có sự từ bỏ. Đã muốn hòa hợp thì không có tranh chấp thắng bại, bên thắng bên thua, mà phải cố gắng đi đến chỗ dung hòa. Từ bỏ thì phải nhịn nhục, mà nhịn nhục cũng là một hy sinh lớn. Có hy sinh mới có sự hòa hợp.

 

                                      Truyện : Ngọc trai.

          Chúng ta có biết con ngọc trai không ? Ngọc trai đã phải chịu đựng đau đớn biết bao nhiêu  khi có những hạt cát rơi vào. Nhưng rồi mặc cho nỗi đau dầy vò, ngọc trai vẫn can trường bọc lấy những hạt cát để từng ngày tạo nên những viện ngọc tuyệt với.

          Ngọc trai là loài động vật có hai mảnh vỏ. Một đôi vợ chồng cũng như con ngọc trai vậy. Người vợ và người chồng như hai mảnh vỏ ngọc trai gắn kết với nhau để rồi một ngày tạo ra một viên ngọc trai quí.

          Khi có vật lạ rơi vào bên trong, nếu hai mảnh vỏ trai chỉ làm điều đơn giản là đẩy nó ra bên ngoài, hoặc tách rời ra và không phối hợp với nhau sẽ không bao giờ có những viên ngọc trai quí báu.

          Đầu tiên, chúng phải biết chấp nhận những điều khó chịu như những hạt cát, và rồi tận dụng những hạt cát đó để tạo ra một cái gì đó tuyệt vời hơn.

          Cuộc sống hôn nhân cũng thế.

          Muốn có sự hòa hợp cũng cần có thử thách. Phải qua thử thách mới có sự thành công vì không ai có thể chỉ “ngồi mát ăn bát vàng” được. Thành công phải được mua bằng gian khổ.

 

          Thiên Chúa quan phòng dường như qui định rằng : tình yêu vợ chồng đích thực chỉ có thể được khám phá và lớn lên qua những thử thách và khó khăn trong cuộc sống.       

 

          Chúng ta có thể so sánh tình yêu vợ chồng với cây nho : càng đâm rễ sâu trong vùng đất có nhiều sỏi đá, cây nho càng sản xuất rượu ngon. Chúng ta cũng có thể so sánh tình yêu vợ chồng với một thân cây mà rễ nó đâm sâu dưới đất đá thì tình yêu đó sẽ đứng vững trước sóng gió không làm nó bị bật gốc.

 

          4. Hòa hợp và hòa giải.

 

          Trong Tám mối phúc thật, Chúa Giêsu phán:”Phúc cho ai có tinh thần hiếu hòa, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Người hiếu hòa là người không ưa chiến tranh, và sở dĩ có chiến tranh là vì có tranh chấp. Nếu không giải quyết được tranh chấp thì chiến tranh sẽ xẩy ra. Trong một cộng đoàn không bao giờ thiếu vắng những tranh chấp vì “bá nhân bá tính”, ai cũng muốn làm theo ý mình chỉ vì tính tự ái. Muốn giải quyết được tranh chấp cần có sự hòa giải. Hòa giải là giải quyết sự việc theo cách hòa bình. Giải quyết vấn đề khó khăn để hai bên được hòa thuận, không còn xung khắc nữa.

 

          Trong đời sống gia đình, gia đình không thể nào tránh được xung khắc, mâu thuẫn. Chính vì thế mới có sự tranh chấp. Vợ chồng phải vượt qua sự tranh chấp để đi đến Hòa thuận. Người ta thường nói :”Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Mọi việc lớn việc nhỏ, việc gì rồi cũng qua và gia đình hòa thuận sẽ đem lại hạnh phúc.

 

                                       Truyện : Vợ chồng hòa giải.

          Ngày xưa người Roma xem định chế hôn nhân là điều quan trọng cho sinh hoạt chính trị, xã hội. Do đó, họ rất quan tâm đến việc bảo toàn gia đình.

          Khi hai vợ chồng bất hòa và như vậy có thể gây nguy hại cho đời sống gia đình, người ta khuyên họ đến trình giện Nữ thần Hòa giải. Nghi thức diễn ra trước nữ thần rất đơn giản : mỗi người có thể trình bầy lý lẽ, phơi bầy những bất công mà mình phải gánh chịu trong đời sống gia đình.

          Nghi thức đòi hỏi hai người không được nói một lúc, hễ ai ngắt lời người kia hoặc cả hai đều nói một lúc thì điều đó được coi như một phạm thánh.

          Nghi thức này có thể mang lại những kết quả phi thường : sau khi trình bầy lý lẽ, rủa xả thậm tệ người phối ngẫu, bác bỏ mọi lời buộc tội, hai vợ chồng thường làm hòa với nhau trước mặt vị thần.

          Những người thời xưa đã có kinh nghiệm nhiều về đời sống gia đình. Hạnh phúc không phải tự nhiên mà có. Không ai có thể đem hạnh phúc đến cho chúng ta. Mỗi người phải tạo ra hạnh phúc, vì thế, hạnh phúc phải được vợ chồng trả bằng giá đắt :

 

                    Vợ chồng là nghĩa tào khang,

          Chồng HÒA vợ THUẬN nhà thường yên vui,

                 Sinh con mới ra thân người

          Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no.

 

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục