BẠN ĐƯỜNG

***

I. TRÊN ĐƯỜNG ĐI EMMAU.

 

          Chúng ta đọc : Lc 24,13-35.

 

          Câu chuyện hai môn đệ đi làng Emmau trong bài Tin mừng hôm nay chỉ được một mình Luca kể lại, để thấy rằng Đức Giêsu muốn hướng dẫn các môn đệ đã vì cớ vấp phạm của thập giá mà mất niềm tin thì nhờ Kinh Thánh và việc bẻ bánh mà củng cố niềm tin vào Đức Giêsu Kitô Phục sinh.

          Sau khi Đức Giêsu chịu chết, đến ngày thứ ba, các môn đệ tỏ ra hoang mang, buồn rầu, chán nản, không còn gì bảo đảm cho tương lai nữa, vì thế có ông muốn bỏ về quê cũ là làng Emmau : một ông tên là Cléophas và một ông nữa là một môn đệ nào đó. Hai ông bàn luận với nhau về cái chết của Đức Giêsu. Các ông không thể hiểu được ý nghĩa cái chết của Ngài vì mầu nhiệm đó còn che mắt các ông. Chỉ nhờ Kinh Thánh các ông mới có thể hiểu được.

 

          Đức Giêsu hiện ra đồng hành với các ông với tư cách là một khách bộ hành. Ngài bắt chuyện với các ông :

          - Các ông có chuyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy ?

          Mộât người tên là Cléophas trả lời :

          - Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những việc vừa xẩy ra trong thành mấy ngày nay.

          Đức Giêsu làm ra vẻ ngạc nhiên hỏi :

          - Việc gì thế ?

          Các ông cho biết là các ông thất vọng về ông Giêsu Nazareth.  Oâng là một tiên tri có uy quyền mà người ta đã giết chết mà nay đã ba ngày rồi mà không có tin tức gì cả. Chỉ có mấy phụ nữ đến thăm mồ mà không thấy xác Ngài và được thiên thần cho biết là Ngài đang sống. Mấy đồng nghiệp của chúng tôi cũng thấy như vậy, còn họ thì không gặp Ngài.

Lúc bấy giờ, Ngài mới dùng Kinh Thánh mà giải nghĩa cho các ông :”Đấng Kitô phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang”.

 

          Như vậy, bài tường thuật này muốn nói rằng : Chúa Giêsu Phục sinh vẫn đang sống. Ngài ở kề bên chúng ta. Ngài vẫn ĐỒNG HÀNH với chúng ta trong cuộc sống.

 

II. NHỮNG BẠN ĐỒNG HÀNH.

 

          1. Trên đời cần có bạn.

 

          Sách Giảng viên khẳng định rằng đời cần có bạn bè, trách sự cô đơn, cô độc :”Khốn cho kẻ chỉ có một mình, khi ngã xuống nó sẽ không có ai nâng” (Gv 4,10). Bất kỳ ai cũng có lúc ngã. Thánh Phaolô cũng nói :”Ai đang đứng, ý tứ kẻo ngã” và tục ngữ Việt nam cũng nói :”Khỏe như voi không coi cũng ngã”. Vì thế, trong cuộc đời phải có “Chị ngã em nâng”.

 

          Đôi khi người ta cũng cần ở một mình, bởi vì linh hồn đòi hỏi sự cô tịch, để giữ được tính cách cá nhân của nó. Nhưng chúng ta không thể sống cô đơn được. Trong thực tế, trong cuộc sống chúng ta cần đến người khác để nâng đỡ, xác nhận, khích lệ, đồng hành với chúng ta. Họ nuôi dưỡng và hỗ trợ chúng ta theo hàng trăm cách thức khác nhau.

 

          Ngày nay, con người được giáo dục theo chủ nghĩa cá nhân, hậu quả là người ta cảm thấy đời sống cộng đồng là khó khăn. Trong thế giới hiện nay, có quá nhiều nỗi cô đơn. Nhiều người đang kêu gào một người bạn, một người đồng hành, theo nghĩa thuộc về nhau (McCarthy).

 

          2. Từ ngữ “Bạn đồng hành”.

 

          Từ ngữ “Bạn Đồng hành” phát xuất từ tiếng La tinh : CUM, nghĩa là cùng với, và PANIS, nghĩa là  bánh. Như vậy, hiểu theo từng chữ, “Bạn đồng hành” nghĩa là một người nào đó mà chúng ta chia sẻ bánh. Không phải bất cứ ai bạn cũng mời vào nhà uống trà. Đó là một người có quan hệ với bạn. Và mối quan hệ này được đào sâu thêm, nhờ việc chia sẻ đồ ăn và thức uống với nhau. Như vậy, từ ngữ “Bạn đồng hành” hay “Bạn đường” càng thích hợp cho đời sống vợ chồng,  hai người cùng chia sẻ với nhau cả đời sống vật chất lẫn tinh thần.

 

          3. Tình bạn cần thiết.

 

          Người đời cần có bạn bè để chia vui sẻ buồn, để nâng đỡ nhau khi gặp khó khăn trắc trở, nên người ta mới kết nghĩa vườn đào như tình kết giao giữa tay ba Lưu Bị – Trương Phi – Quan vân Trường trong Tam quốc chí. Họ đã uống máu ăn thề, coi nhau như anh em ruột thịt, thề sống chết có nhau; như mối tình keo sơn giũa Jonathan và Đavít trong Thánh Kinh. Trong văn chương Việt nam, ai mà không biết tình bạn kết giao giữ Lưu Bình và Dương Lễ !

 

III. BẠN ĐƯỜNG VÀ HẠNH PHÚC.

 

          1. Hạnh phúc là mục tiêu của con người.

 

          Mục đích cuộc sống con người là đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc là đối tượng của mọi cuộc tìm kiếm. Hạnh phúc thì có đấy, nhưng con đường dẫn tới hạnh phúc thì nhiều vô kể, ai thích đường nào thì theo đường nấy. Do đó, Tây phương có  câu ngạn ngữ :”Tous les chemins conduisent à Rome” : tất cả mọi con đường đều dẫn tới Rôma. Nhưng vấn đề được đặt ra ở đây là con đường nào ? Mỗi người phải chọn cho mình một con đường thích hợp.

 

          2. Con đường dẫn tới hạnh phúc.

 

          a) Con đường độc thân.

 

          Có người chọn con đường độc thân để tiến tới hạnh phúc. Họ có thể sống ở ngoài đời hay sống trong đời tu trì. Những người sống độc thân trong đời sống tu trì là những người có một cái nhìn siêu nhiên cao quí : có Chúa là có tất cả, mà Chúa là hạnh phúc, thì khi tìm đến Chúa là tìm đến hạnh phúc. Phải chăng lời nói của đại thi hào Nguyễn Du trong “Đoạn trường tân thanh” đã mô tả được cái nhìn sâu sắc đó :

 

                                 Tu là cõi phúc, tình là giây oan.

 

          b) Con đường hôn nhân.

 

          Tuyệt đại đa số con người trong thế giới này chọn chung một con đường dẫn tới hạnh phúc : con đường hôn nhân. Hôn nhân là con đường. Con đường này có thể dẫn tới hạnh phúc nhưng cũng có thểâ dẫn tới bất hạnh :”Hôn nhân là con đường đưa ta tới thiên đàng hay địa ngục” (Honoré de Balzac). Ta cũng có thể nói : Hôn nhân là một cuộc hành trình tiến tới hạnh phúc. Không phải kết hôn là có hạnh phúc ngay mà chỉ là bước khởi đầu của cuộc hành trình đi tới hạnh phúc, bởi vì hạnh phúc không phải là cái gì tiền chế đã có sẵn, mà mỗi người phải tạo ra bằng nỗ lực của mình. Cuộc hành trình còn kéo dài, còn nhiều gian khổ, còn nhiêu gian lao thử thách. Trong cuộc hành trình này con người muốn có bạn đường cho khỏi bị lẻ loi như Kinh thánh nói :”Vae soli” (Gv 4,10).

 

          Muốn có bạn đường thì phải KẾT BẠN.

 

          Ta nói anh A đi kết bạn, cô B đã kết bạn, có nghĩa là anh A đã lấy vợ, cô B đã có chồng, đã có gia đình. Khi đã kết bạn với nhau thì người ta sẽ trở nên BẠN TÌNH – BẠN ĐƯỜNG – BẠN ĐỜI – BẠN NỐI KHỐ. Vì thế, vợ chồng đã trở nên bạn tình, bạn đời và bạn đường với nhau. Nếu hỏi anh ấy có khỏe không ? chị sẽ trả lời BẠN TÔI  khỏe lắm thay vì tiếng Nhà tôi hay Chồng tôi. Chữ BẠN đây đã trở nên bạn tình, bạn nối khố rồi.

 

          Tuy là bạn nhưng vẫn có những gì riêng tư, không thể có sự đồng nhất được, chỉ hy vọng có sự hòa hợp.  Như vậy trong cuộc hành trình đi tìm kiếm hạnh phúc, không thiếu gì những vật cản đường, nó làm cho cuộc sống trở nên nặng nề, khó chịu như Alexandre Dumas fils đã nói :”Sợi dây xích của hôn nhân quá nặng nề đến nỗi phải hai người, có khi ba để mang lấy”.

 

          Tuy gian lao có nhiều, đau khổ cũng cũng không thiếu, con người có thể vượt qua được như nhà chí sĩ Nguyễn bá Học đã nói:”Đường đi khó không khó vì ngăn sống cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”. Trước những khó khăn trong đời sống gia đình, vợ chồng cần có sự nhịn nhục chịu đựng, càng nhịn nhục gia đình càng hạnh phúc. Nhịn nhục có nhiều cái lợi. Đừng coi nhịn nhục là hèn nhất, trái lại phải coi là một hành vi anh hùng :”Nhịn mày tốt tao, làm sao mà thiệt”.

 

                                      Truyện vui : Ai quyết định ?

          Một anh chàng mới lấy vợ đến hỏi một ông đã có lễ vàng lễ bạc với vợ :

          - Thưa ông, vì sao ông bà sống hạnh phúc với nhau tuyệt vời như vậy ?

          Ôâng già trả lời :

          - Chẳng giấu gì cậu : khi việc gì mà cả hai người nhất trí thì tôi quyết định. Còn việc gì không nhất trí thì người quyết định là… bạn tôi.

 

                                               

                                                                             Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                             Giáo xứ Kim phát

                                                                             Đà lạt

         


Về trang Mục Lục