KIỀNG BA CHÂN

+++

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : Mt 28,16-19.

 

          Từ trước tới nay, Chúa Giêsu nói rất nhiều về Chúa Cha, và chỉ cuối đời Ngài mới nói nhiều về Chúa Thánh Thần. Ngài mạc khải từ từ trong Phúc âm cho đến ngày Ngài giã biệt các Tông đồ ra đi.  Ngài nói :”Mọi quyền năng trên trời dưới đất đều được trao cho Thầy. Vậy các con hãy đi rao giảng cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy cho họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,16-19).

 

          Hôm nay Chúa Giêsu chính thức mạc khải cho chúng ta một điều hết sức quan trọng và vĩ đại, đó là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.

 

          Đây là một mầu nhiệm lớn lao và sâu thẳm, trí khôn không thể hiểu, trí tưởng tượng không thể hình dung ra. Chúng ta tin vì chính Chúa Giêsu đã mạc khải và Ngài xuống thế gian  cũng nói cho chúng ta biết rằng ;”Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai  tin ở Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời”.

 

          Chúng ta chỉ biết Thiên Chúa là một trong bản thể, nhưng là Ba trong Ngôi vị riêng biệt : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Chúa Cha là Đấng tạo thành trời đất hữu hình và vô hình; Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, vì loài người chúng ta, và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế; Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, là Đấng ban sự sống, được phụng thờ và tôn vinh  với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.  Đó là điều chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính.

 

          Hằng ngày mỗi khi cầu nguyện hay làm việc gì, chúng ta đều làm dấu Thánh giá để tuyên xưng và tôn vinh Chúa Ba Ngôi. Khi suy tưởng về Chúa Ba Ngôi, chúng ta thấy Ba Ngôi cùng cộng tác điều hành vũ trụ trong sự thống nhất và chúng ta có cảm tưởng các Ngài sống trong một gia đình, và chúng ta cũng được ở trong gia đình Thiên Chúa.

 

          Hôm nay hai anh chị  cử hành lễ nghi Hôn phối để chính thức thiết lập một gia đinh công giáo. Gia đình công giáo luôn có đặc tính vững bền, chứ không phải tạm thời, nghĩa là có tính cách vững bền, không có ly dị. Nhân dịp này tôi muốn anh chị hay bắt chước đời sống của Chúa Ba Ngôi đễ làm cho gia đinh luôn vững chắc, không gì có thể lay chuyển nổi.  Khi nói đến tính cách vững bền của gia đình, tôi liên tương đến cái “Kiềng ba chân”, như trong câu ca dao tục ngữ dưới đây :

 

                                                Dù ai nói ngả nói nghiêng

                                          Thì ta vẫn vững  như kiềng ba chân.

 

II. TẢN MẠN VỀ CÁI KIỀNG.

 

          Giới trẻ thời nay rất khó hiểu câu tục ngữ này, vì thời nay đời sống văn minh hơn, nhiều tiện nghi hơn, đã có bếp ga, bếp điện rồi không mấy người còn dùng kiềng để thổi nấu nữa.

 

          Muốn dễ hiểu hơn, chúng ta phải trở về đời sống nông thôn miền Bắc cách  đây 50,60 năm thì mới hiểu được cái kiềng như thế nào.

 

          Ngày xưa, kinh tế còn yếu kém, người dân quê phải nấu cơm bằn rơm, rạ, lá cây hay củi.  Muốn nấu cơm, người ta đúc ba “hòn đầu rau” bằng đất, hơi cong cong, xếp cho ba đầu chụm vào nhau để có thể bắc nồi niêu lên trên, rồi đun rơm củi vào. Vì ba hòn đầu rau riêng rẻ nên người ta có thể xê dịch : dịch ra hay dịch vào tùy nồi niêu to hay nhỏ.

 

          Bao giờ cũng phải có ba hòn đầu rau thì mời có thể bắc nồi niêu lên được, không bao giờ dùng hai hoặc bốn. Vì vậy dân gian mới có câu :

 

                                      Thế gian một vợ một chồng

                                  Chẳng như vua bếp hai ông một bà.

 

          Những nhà khá giả hơn không dùng hòn đầu rau mà dùng kiềng để đun bếp.  Kiềng có 3 chân bằng sắt được nối kết với nhau bằng một vòng sắt bên trên để làm cái bệ đỡ nồi niêu, rồi đem rơm củi vào đun như thường.

 

          So sánh việc dùng ba hòn đầu rau và cái kiềng thì dùng kiềng tiện lợi hơn nhiều. Nếu dùng hòn đầu rau thì không vững chắc vì một đàng hòn đầu rau dễ bị vỡ, đang khác có thể chuyển dịch : gặp nồi to thì xê dịch rộng ra, gặp nồi nhỏ thì dịch gọn vào, nhiều lúc sơ ý nồi niêu có thể bị sụp đổ.

 

          Nếu dùng kiềng ba chân thì vững chắc, nồi niêu không bị sụp đổ vì chân kiềng không di chuyển được, gặp nồi to hay nồi nhỏ cũng thế. Các bà nội trợ  miền quê đều muốn có một cái kiềng để nấu bếp vì nó gọn gàng và vững chắc.

 

III. GIA ĐÌNH VÀ CÁI KIỀNG.

 

          Khi trai gái thương yêu nhau, người ta muốn kết hợp với nhau để thành lập một mái ấm gia đình.  Ngạn ngữ Pháp có câu :”Gia đình là nền tảng xây dựng xã hội”. Đức Giáo hoang Gioan Phaolô II cũng chủ trương như thế trong tông huấn Familiaris Consortio.  Nền tảng vững chắc thì ngôi nhà mới vững được, mà nền tảng là tình yêu mà vợ chồng xây dựng trên đó.

 

          Khi nói về gia đình, người ta thường hiểu phải có ba thành phần, đó là người cha, người mẹ và con cái, giống như ba chân của một cái kiềng. Ba thành phần ấy  tạo thành một gia đình, nhưng chưa có thể là mái âm. Muốn thành mái ấm mỗi thành viên trong đó phải chu toàn trách nhiễm của mình.

 

          1. Người cha trong gia đình.

 

          Người ta nói :”Kim chỉ phải có đầu”.  Như thế người cha phải là gia trưởng.  Gia trưởng, theo nghĩa tích cực là người chỉ đạo, hướng dẫn con thuyền gia đình lướt qua mọi giông tố, mọi phong ba  để cập bến bình an và hạnh phúc. Theo luật quốc tê, thuyền trưởng không được rời tầu thuyền trước người khác cuối cùng. Cũng vậy, gia trưởng không được “ngã tay chèo” dù bất kỳ ở trong tình thế nào. Đó mới là người chồng, người cha đầy trách nhiệm. chứ không ích kỷ tìm bình an cho riêng mình.

 

          Gia trưởng phải là người gương mẫu bởi vì đầu không xuôi thì đuôi không lọt được, đầu tầu mà không chuyển thì các toa tầu đứng yên một chỗ. Người Việt nam còn nói thêm :”Nhà dột từ nóc”, nếu nóc nhà mà dột thì cả nhà đều bị dột .

          Người Tây phương cũng có câu tục ngữ :”Piscis e capite vivit et a capite faetet” (Cá sống tự đầu và cá thối cũng tự đầu). Đây là kinh nghiệm của Tây phương, nhưng người Việt chúng ta cũng chẳng thiếu kinh nghiệm đó, nhất là các bà nội trợ khi đi chợ mua cá.

 

          Thánh Phaolô viết :”Người chồng là đầu người vợ”(Ep 5,23). Thánh nhân cũng biết đầu thì rất hay và cũng rất dở theo kiểu nói của Tây phương “Cá thối tự đầu”, nên ngài còn điểm thêm mấy chữ khác nữa vào câu nói trên : Người chồng là đầu người vợ “như Chúa Giêsu là đầu Hội thánh”. Do đó, ta có thể kết luận :”Người chồng là đầu sống của người vợ”, nghĩa là làm cho người vợ sống, chứ không làm cho nó hư đi, như cá thối tự đầu vậy.

 

          Người chồng là người đầu điều khiển gia đình, nếu đầu đã thối thì điều khiển làm sao ? Chính thầy Hêli không biêt dạy con (vì không có mẹ ?) mà con hư đi nên Chúa phạt.

 

          2. Người mẹ trong gia đình.

 

          Người ta nói :”Đàn ông dựng nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Lập được một gia đình là một chuyện dễ, còn biến gia đình thành một tổ ấm là một việc khó, mà công việc đó  người ta gán cho đàn bà bởi vì “đàn bà xây tổ ấm”. Như vậy, hạnh phúc gia đình liên hệ phần lớn đến đàn bà.

 

Ông Joseph de Maistre đã nói :”Công lao của người đàn bà là tề gia nội trợ, làm thế nào cho chồng con được vui sướng”.  Vì thế, người vợ là một nội tướng rất quan trọng, lo sắp xếp mọi công việc trong gia đình :”Nếu anh tìm thấy một gia đình hạnh phúc, anh nên tin rằng ở đó có một người đàn bà biết quên mình” (René Bazin).

         

          Người vợ cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của chồng. Có người nói rằng : Không có thành công nào của chồng mà không có bóng dáng của người vợ.  Vì vậy bà vợ phải biết khích lệ chồng trước những nản chí do thất bại trong công việc làm ăn của chồng. Ông Nixon, tổng thống nước Mỹ, sau lần thất cử tranh chức tổng thống, đã thoái chí, nhất quyết bỏ đường chính trị, nhưng nhờ người vợ khích lệ, mà ông đã lấy được tự tin, và đã trở thành tổng thống nước Mỹ.

 

          Ngoài ra, bà cũng phải lưu ý đến việc giáo dục con cái vì gia đình là trường học đầu tiên của đứa trẻ mà người mẹ là cô giáo đầu tiên  dạy cho đứa trẻ những bài học đầu tiên về nhân bản và tôn giáo.

 

          3. Con cái trong gia đinh.

 

          Người ta nói : “Con có cha mẹ đẻ, chẳng ai ở lỗ nẻ chui lên”. Câu tục ngữ có ý nói : con cái phải nhớ công sinh thành của cha mẹ, nhất là của người mẹ chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm.

 

          Đã là con thì phải có hiếu với cha mẹ. Hiếu thảo là phải yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi còn sống và đã qua đời. Hiếu đây không phải chỉ là một tâm tinh, nhưng người ta đã nâng chữ “hiếu” lên thành một đạo, mà người con phải chu toàn :

 

                                      Một lòng thờ mẹ kính cha

                                Chon trọn chứ hiếu mới là “đạo con”.

 

          Cha mẹ bao giờ cũng muốn cho con cái trở nên đứa con ngoan hiền, phải được giáo dục tốt, nhưng ngày nay giới trẻ vin vào câu tục ngữ :”Con hơn cha là nhà có phúc” để rồi coi thường cha mẹ,

không muốn cho cha mẹ dạy dỗ nữa, nói chung là không muốn vâng lời cha mẹ nữa.

 

          Nhưng sự hiểu biết của giới trẻ còn rất hạn hẹp, rất nông cạn, chưa hiểu câu tục ngữ này :”Bảy mươi chưa đui chưa què, chớ khoe mình lành”, nghĩa là chớ chủ quan tự phụ, còn phút chót cũng có thể gặp rủi ro, không nói mạnh được.

 

          Người ta còn nói :

                                                Khôn đâu đến trẻ,

                                                Khỏe đâu đến già.

 

          Vì thế, giới trẻ phải học thuộc lòng câu tục ngữ này :”Bảy mươi còn học bảy mươi mốt” nghĩa là luôn khiên tốn học hỏi người hơn mình.  Chắc chắn cha mẹ có nhiều kinh nghiệm trường đời hơn con cái, cho nên cũng cần được cha mẹ dạy dỗ chỉ bảo thêm.

 

Truyện : Phượng hoàng dạy con.

          Phượng hoàng là một loài chim thích trú ẩn trên đồi núi cao.

          Cặp mắt nó có sức mạnh phi thường, dù ánh sáng mặt trời chói lọi chừng nào, cứ nhìn chăm chăm chẳng nhíu mắt.

          Loại chim này xây tổ trong những kẽ đá nằm trên chót núi, mục đích tập luyện con nó sống vừa kín đáo, vừa cao thượng.

          Ngày đêm tận tụy chăm nom săn sóc đàn chim con, triệt để bảo vệ con lúc bị thù địch tấn công, hãm hại, phá phách.

 

          Thánh Giêrônimô nói : giống phượng hoàng này có thuật dạy con thật gắt gao : khi mặc trời mọc lên sáng chiếu, nó để con nó nằm trên đôi cánh, chăm chăm ngó mặt trời, nhìn thẳng vào ánh sáng. Con nào nhắm mày nhíu mặt thì bị bỏ rơi xuống, kể như không phải là con.

 

          Vì các lẽ đó, phượng hoàng được gọi là vua các loài chim.

          Các nhà chuyên môn về giáo dục thường lấy mẩu chuyện phượng hoàng để tượng trưng người mẹ biết bảo tồn nền giáo dục cho con cái.

 

Như ở trên chúng ta đã nói “Kiềng ba chân” biểu tượng cho sự vững chắc. Nếu trong gia đình, mọi thành phần ý thức về vai trò của mình mà làm tròn trách nhiệm của mình thì gia đình ấy vững chắc. Nếu một thành phần nào thiếu trách nhiệm của mình trong việc xây dựng gia đinh thì chiếc kiềng chỉ còn có hai chân, thậm chí còn một chân thì gia đình làm sao đứng vững được, sẽ bị sụp đổ, đó là gia đình xèo xóe tối ngay :

 

                                      Nhà kia lỗi đạo con khinh bố

                                      Mụ nọ chanh chua vợ chửi  chồng.

 

          Gia đình Thánh gia với ba thành phần : Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse đã trở thành tấm gương sang chói cho các gia đình noi theo, trong đó mỗi thanh phần đã làm tròn trách nhiệm của mình một cách tuyệt hảo.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục