CÓ NẾP CÓ TẺ

+++

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA

 

          Chúng ta đọc : Ga 17,20-26

 

        Trước khi từ giã các Tông đồ để đi vào cuộc tử nạn, Chúa Giêsu đã trông thấy trước nguy cơ chia rẽ trong Hội thánh nên Ngài đã tha thiết cầu xin cho họ biết bỏ đi mọi khác biệt, mọi nguy cơ chia rẽ để cùng hiệp nhất xây dựng Hội thánh của Ngài.

 

          Không những Ngài chỉ cầu nguyện cho các Tông đồ, mà còn cho tất cả mọi người tin theo Ngài được kết hợp với nhau trong Hội thánh như các chi thể kết hợp với nhau làm nên một thân thể :”Lạy Cha, con không chỉ cầu nguyện cho  những người này, nhưng còn cho tất cả những ai  nhờ họ mà tin vào Con để tất cả nên một” (Ga 17,20).

 

          Trước mắt Chúa Giêsu cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Hội thánh toàn cầu, Ngài cũng còn cầu nguyện cách đặc biệt cho “Hội thánh tại gia”.  Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi gia đình là “Hội thánh tại gia”, mà chúng ta cũng có thể gọi là “Hội thánh bỏ túi”. Hội thánh này một phần nào cũng có những đặc tính giống như Hội thánh toàn cầu.

 

          Trong Hội thánh tại gia, tuy là một Hội thánh nhỏ bé nhưng nguy cơ chia rẽ lại rất lớn , bởi vì ngày nay gia đình đang bị khủng hoảng, có nhiều gia đình bị tan vỡ, kể cả gia đình Kitô giáo. Tình trạng ly dị ngày nay rất phổ biến, tạo thành một nguy cơ cho sự bền vững của xã hội cũng như của Giáo hội.

 

          Trong Hội thánh tại gia, vai trò chủ chốt là người chồng và người vợ.  Tuy hai người đã kết hợp với nhau thành một xương một thịt (x.Mc 10,8), nhưng vẫn còn là hai nhân vị riêng biệt có những đặc tính khác nhau, nên người ta mới nói :”Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tật” (Tục ngữ).

 

          Vì có sự khác biết nhau như về tôn giáo, về giáo dục, về phong tục địa phương, về tâm lý khác biệt giữa nam nữ… nên người ta dễ đi đến chỗ va chạm, xung khắc, đến những bất hòa ngấm ngầm hay bùng nổ.  Công việc của vợ chồng là phải khắc phục những dị biệt, biết nhịn nhục chịu đựng để từng bước đi đến chỗ hòa hợp, bởi vì không có gia đình nào mà được hoàn toàn cả :

 

                                      Thế gian được vợ mất chồng,

                                      Có đâu mà được cả ông lẫn bà.

                                               

          Người Việt nam chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này nên đã khuyên vợ chồng hãy yêu thương nhau, tôn trọng nhau, bỏ đi mọi khác biệt, bổ túc cho nhau để cùng tạo lập một gia đinh hạnh phúc.  Kinh nghiệm ấy đã được đúc kết trong một câu thành ngữ vắn gọn : “Có nếp có tẻ”.

 

II. THÀNH NGỮ “CÓ NẾP CÓ TẺ”

 

          1. Ý nghĩa thành ngữ

 

          Người dân quê Việt nam hay dùng những hình ảnh rất quen thuộc trong đời sống và đôi khi rất tầm thường để nói lên cái gì xa xôi, trừu tượng, có khi rất thâm thúy.  Những kinh nghiệm và suy tư này đã được đan dệt trong những câu ca dao tục ngữ, trong đó có câu “Có nếp có tẻ”.

 

          Ý nghĩa của thành ngữ này là trong nhà có cả con trai con gái thì mới tốt, mới đầy đủ. Mặc dầu người ta có khuynh hướng “trọng nam khinh nữ”, thậm chí người ta còn chủ trương “Nhất nam việt hữu, thập nữ viết vô”, nghĩa là trong chỉ một con trai thôi cũng là có con, còn 10 đứa con gái cũng kể là không có con, bởi vì người ta có quan niệm là :

                                      Con gái là con người ta

                             Con dâu mới thực mẹ cha mua về.

 

          Tuy thế, ngày nay trong gia đình ai cũng muốn “có nếp có tẻ” nghĩa là phải có con trai con gái thì mới tốt, mới hài hòa.

 

          2. Giải thích câu thành ngữ

 

          Ở thành phố người ta ít để ý đến vấn đề “nếp hay tẻ”, nhưng ở thôn quê thì nếp và tẻ có giá trị khác nhau, phải biết lựa chọn.

 

          Trong đời sống thực tế “nếp” được coi trọng hơn “tẻ”. Cơm tẻ là món ăn thường ngày, còn nếp thì đôi khi, vào những dịp nào mới có. Về mặt giá trị, nếp quí hơn tẻ. Đem so sánh nếp với tẻ thì chắc chắn có sự đánh giá trọng khinh, hơn kém.

 

          Gạo nếp thường để nấu xôi, làm các thứ bánh như bánh chưng, bánh tét, bánh rán, bánh dầy, bánh trôi nước, bánh ít các loại. Gạo nếp cũng được dùng để nấu rượu : rượu nếp mạnh và ngon hơn rượu tẻ, gía cả  lúc này là 35.000 đồng/lít.

 

          Còn gạo tẻ thì dùng nấu cơm thường ngày, làm bánh như bánh bèo, bánh cuốn, bánh giò, bánh đúc… Gạo tẻ cũng được dùng nấu rượu, kém rượu nếp nhưng ngon hơn rượu bắp, giá mỗi lít là 18.000 đồng.

 

          Tuy có sự phân biệt về giá trị, nhưng trên quan điểm thực tiễn của nhân dân, sự đánh giá lại không chỉ có một chiều đơn giản như vậy.  Gạo tẻ là gạo ăn thường ngày, là nhu cầu thường xuyên không thể thiếu. Gọi là tẻ đấy, là cái thường ngày đấy, nhưng ai dám nghĩ là tầm thường, nhưng rất quan trọng . Người ta thường nói :

 

                                      Cơm tẻ là mẹ ruột

                             Hay :

                                      No cơm tẻ vỏ vẻ mọi sự.

 

          Cơm tẻ bữa nào cũng ăn nhưng chưa ai chán, không biết chán; trong khi đó người ta có thể chán ngấy đối với cơm nếp.

 

          Cho nên, dù cứ cho rằng trong thực tế nếp là hơn tẻ đi thì trong thành ngữ này điều đó cũng không được nói tới. Ở đây chỉ nhấn mạnh đến sự cần thiết của cả hai, không nên thiếu một bên nào.

 

Một căn cứ rất có ý nghĩa để hiểu như vậy là trật tự của các yếu tố trong thành ngữ.  Không ai nói “Có tẻ có nếp”, mà chỉ nói “Có nếp có tẻ”.  Trật tự đó rất tế nhị, vì nó nói lên rằng : dù là có nếp rồi, nghĩa là có được thứ quý hơn rồi – so với tẻ - thì chưa được coi là đủ, vẫn cần sự có mặt của tẻ nữa.

 

          Ở thành ngữ này, cái từ nếp, tẻ chỉ có tác dụng biểu thị quan hệ khác biệt và cùng hiện diện, chứ không biểu thị quan hệ so sánh.  Cũng tức là tuy có dùng nếp – tẻ thật đấy, nhưng không phải để phân biệt đối xử “nhất bên trọng nhất bên khinh”.  Muốn được như vậy, thành ngữ đã khéo sử dụng một trật tự có dụng ý (Hoàng văn Hành, Kể chuyện, Thành ngữ, Tục ngữ, tr 159).

 

III. MỘT VÀI SUY NGHĨ NẢY SINH

 

          Bây giờ gia đình nào cũng phổ biến có 2 con.  Có gia đình chỉ độc nhất cô hay cậu, chỉ có tẻ hay chỉ có nếp, mặc dù các bậc làm cha mẹ thường mong muốn “có tẻ có nếp”.

 

          Theo luân lý thông thường xưa nay, muốn thành lập một gia đình thì phải có một nam một nữ, có nếp có tẻ.  Nhưng oái oăm thay, ngày nay, người ta lại thành lập gia đình chỉ có nam hay chỉ có nữ, chỉ có nếp hay chỉ có tẻ. Nói khác đi, người ta chủ trương hôn nhân đồng tính luyến ái, nghĩa là hai cô lấy nhau, hay hai cậu lấy nhau và  đòi quyền lợi như hôn nhân thông thường theo truyền thống.

 

          Ngày xưa ông bà cha mẹ chúng ta có bao giờ lại kết hôn theo kiểu ấy đâu ? Thật là một quái thai !  Theo truyền thống xưa nay, người chồng dứt khoát phải là đàn ông và người vợ dứt khoát phải là đàn bà.  Tư tưởng ấy đã được mô tả trong câu ca dao hài hước trong sự bói toán :

 

                                       Số cô không giầu thì nghèo

                             Ba mươi Tết có thịt heo trong nhà.

                                       Số cô có mẹ có cha

                             Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông.

                                      Số cô có vợ có chồng

                             Sinh con đầu lòng không gái thì trai.

 

          1. Trong xã hội ngày xưa

 

          Ngày xưa quan niệm về “nam nữ” cũng như “nếp tẻ” quá chênh lệch không những ở nông thôn và ngay ở thành thị, người ta vẫn còn có tư tương “nam trọng nữ khinh”, một sự kỳ thị giới tính đã có từ lâu trong xã hội nước ta cũng như bên Trung quốc, Hàn quốc và Nhật bản.

 

          Người con gái không có giá trị gì ở trong nhà, chỉ có con trai thôi cho nên người ta mới nói “Thập nữ viết vô” vì người con gái bị coi như là con của người ta khi “Xuất giá tòng phu” : lấy chồng thì phải đi theo chồng, không còn “Tại gia tòng phụ nữa”.

 

          Theo luân lý Khổng Mạnh ngày xưa thì người con gái phải có “Tứ đức, tam tòng”. Tứ đức là công, dung, ngôn hạnh, và tam tòng là tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử , nghĩa là ở nhà thì theo cha, đi lấy chồng thì theo chồng, chồng chết rồi thì theo con.

 

          Theo cách tổ chức trong gia đình ngày xưa, thì người chồng có quyền tuyệt đối trong mọi công việc, người vợ được coi như người giúp việc, hoàn toàn phải làm theo ý chồng.  Tư tưởng ấy được thể hiện trong câu tục ngữ :”Phu xướng phụ tùy” : nghĩa là người phụ nữ phải luôn luôn phục tùng chồng, khi chồng ra lệnh , thì người vợ phải làm theo, không có ý kiến.

 

                                      Truyện :  Quyền tuyệt đối của chồng

 

          Đức cha Grounard thuật lại rằng :  sau khi dựng được một túp lều tranh ở giữa một bộ lạc, ngài lên hiệu gọi người dân bản xứ đến nghe giảng giáo lý. Thính giả phần đông là đàn bà. Nhìn chung quanh, vị thừa sai rất ngạc nhiên khi thấy hầu hết các bà các cô đều mất sống mũi… Đến sau nhờ có một người lai giải thích, ngài mới biết ở đó có thói quen khi có sự bất bình trong gia đình, chồng thường hung lên, xẻo mũi, cắt môi vợ, để bà không cãi tay đôi được nữa.

 

          Lần khác, đang khi giải thích giáo lý, vị thừa sai nghe tiếng la lối om sòm từ đàng xa dội lại, rồi thấy một thiếu phụ chạy đến, sống mũi và môi còn đeo lủng lẳng ở mặt, máu me lênh láng. Tất cả những người hiện diện tỏ thái độ bình thản trước cảnh tượng thương tâm đó, vì họ đã quá quen với nghịch cảnh này.

 

          2. Trong xã hội ngày nay

 

          Ngày nay, những quan niệm lạc hậu ngày xưa về người phụ nữ đang bị đẩy lui. Không còn cảnh “phu xướng phụ tùy” nữa mà vai trò người nữ phải được nâng lên cao ngang với người nam, vợ chồng cùng hòa hợp với nhau để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Vì thế, người ta nói :

 

                                       Đàn ông dựng nhà

                                       Đàn bà xây tổ ấm.

 

          Theo kinh nghiệm, xây dựng được một ngôi nhà là một chuyện dễ nhưng biến ngôi nhà thành một mái ấm là một chuyện vô cùng khó khăn, cần phải kiên nhẫn và hy sinh rất nhiều. Nếu thực sự đã xây dựng được một mái ấm thì làm sao người ta lại ly dị nhiều như vậy !  Ai cũng thích ở trong một ngôi nhà ấm cúng cả về tinh thần lẫn vật chất, chỉ khi nào ngôi nhà trở thành một nghĩa địa hoang vắng thì người ta mới muốn rời bỏ nơi đó.

 

          Vậy nếu người ta nói :”Đàn bà xây tổ ấm” thì điều ấy chứng tỏ rằng vai trò người đàn bà trong gia đình rất quan trọng. Người ta có thể nói không sai : hạnh phúc trong gia đình nằm trong tay người đàn bà. Như vậy mới thấy vai trò người đàn bà trong gia đình cần thiết và quan trọng như thế nào.

 

          Nhưng vai trò ấy rất khó, nó đòi hỏi người đàn bà phải rất tế nhị, sáng suốt, kiên trì vượt mọi khó khăn, hy sinh không ngừng.

 

          Chính vì vậy vợ chồng nhà giáo Nguyễn viết Hùng (Đại học Văn Lang) có một ví von :”Cuộc sống hôn nhân như con tầu đang đi ngược gió, rất dễ mắc cạn, nên phải được trang bị tốt, có đủ phụ tùng máy móc để thay thế. Cái nồng cháy ban đầu của tình yêu dù dữ dội đến đâu, cũng bão hòa sau một thời gian sống chung.

 

          Ở thời trăng mật, hai người dư sức xây nên một ngôi nhà tình yêu, nhưng rồi sau đó, ngôi nhà sẽ trở nên lạnh lẽo, cũ kỹ, nếu không được xây thêm những tầng cao về sự hòa hợp, cách cư xử…  Để làm được việc đó, tôi đã hòa trộn tình bạn vào tình vợ chồng thành “tri kỷ” của nhau. “Hỗn hợp tình” đó là một liều thuốc chống lại sự tẻ nhạt, nhàm chán ( Nguyễn viết Hùng, Kiến thức gia đình, số 105, tr 20).

 

          Ngoài ra, người vợ cũng cần hiểu tâm lý người chồng, làm cho chồng cảm thấy mình quan trọng và đang hoàn chỉnh vai trò gánh vác gia đình, đó là biết lấy lòng đàn ông.

 

          Trong tạp chí Elle, Jean Duché cống hiến cho người đọc một lời xác nhận của đám mày râu dành cho chủ đề này như sau :

 

          “Hãy nói với một người đàn ông rằng anh ta là người thông minh, anh ta sẽ tin ngay tức thì, bạn khỏi cần nghi ngờ về điểm đó. Hãy nói với anh ta rằng anh ta hết sức tử tế tốt bụng, có thể thoạt đầu anh ta sẽ ngạc nhiên nhưng sau đó anh ta sẽ tỏ ra  thật sự tử tế và tốt bụng với bạn. Hãy nhìn nhận là anh ta có tài làm vui lòng bạn và anh ta sẽ làm như vậy thật.

 

          Cái mà phụ nữ còn khiến để làm đẹp lòng đàn ông (một nữ độc giả viết cho tôi như vậy), đó là nhìn nhận những gì là quí giá mà đàn ông trao tặng cho mình. Chỉ cần tỏ ra đôi chút THÁN PHỤC và BIẾT ƠN thường khi cũng đủ để khiến một người đàn ông thay lòng đổi ý hoàn toàn” (Mai Lâm dịch trong báo Sélection).

 

          Hạnh phúc gia đình, tuy lệ thuộc vào người đàn bà rất nhiều, nhưng cũng cần có sự phối hợp của hai vợ chồng.  Sự hòa hợp vợ chồng được ví như một ly nước chanh đường làm cho cuộc đời thêm tươi mát.

 

          Vấn đề được đặt ra là : Hạnh phúc hệ tại luôn luôn được thỏa mãn hay là cố gắng làm thỏa mãn người ?

 

          Cuộc sống chỉ là tương đối. Tôi không thể làm người bạn  đời trọn vẹn hạnh phúc.  Người bạn đời cũng chẳng thể cho tôi mọi ước mơ. Vì cả hai đều yếu đuối và mắc nhiều lỗi lầm, cả hai không là thiên thần mà là người,  nên tôi không thể làm thỏa mãn người được.  Không làm thỏa mãn người được cũng có nghĩa là người cũng chẳng thể làm thỏa mãn được tôi.

 

          Như thế,  hạnh phúc là cùng nhau lắng nghe tiếng hót của chim họa mi.  Cùng chịu gió lạnh của mưa. Chịu khổ của bão.  Hạnh phúc trong hôn nhân là cùng nhau góp một ước mơ. Cùng nhau gánh nỗi đau của đời.

 

          Cái chua của chanh, cái ngọt của đường làm nên ly nước mát chứ không riêng của đường, không hẳn chỉ là chanh (Nguyễn Tầm Thường).

 

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 

                            


Về trang Mục Lục