RẮN GIÀ RẮN LỘT

-------

I. CHÚNG TA ĐỌC LỜI CHÚA.

 

          Trích : Mt 11,25-3o.

                     2Cr 5,1.6-10.

 

          Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe làm cho chúng ta tin tưởng, đầy phấn khởi và được yên ủi trước cái chết của người thân yêu ra đi về đời sau.

 

          Chúng ta biết rằng cuộc sống của con người trên trần gian này rất vắn vỏi, nó như bông hoa sớm nở chiều tàn, như một cơn gió thoảng qua, không có gì là vĩnh viễn. Chúng ta cũng có thể coi cuộc sống ở trần gian này là một cuộc hành trình đi về quê trời. Không có cuộc hành trình nào mà không phải vất vả, không có một lữ khách nào mà chỉ ngồi chơi xơi nước bên vệ đường mà không nỗ lực phấn đấu để tới đích.  Cuộc hành trình nào cũng có khởi đầu và kết thúc.  Chúng ta có thể ví cuộc đời chúng ta như một cuộc hành trình có ba giai đoạn :

 

                             SINH ra là lên đường,

                             SỐNG là chiến đấu, khắc phục,

                             CHẾT là tới quê hương.

 

          Hôm nay chúng ta được Chúa nói với chúng ta một cách êm ái dịu dàng :”Hỡi những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bổ dưỡng” (Mt 11,26).

Ngày kết thúc cuộc hành trình ở trần gian này  là ngày chúng ta được Chúa cho nghỉ ngơi bồi dưỡng sau bao nhiều vất vả khó nhọc

 

          Thánh Phaolô, trong thư gửi cho tín hữu Côrintô, cũng hé mở cho chúng ta biết : “Nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng nên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra”(2Cr 5,1)  Chúng ta chỉ có thể tới được ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời khi chúng ta kết thúc cuộc hành trình ở dưới đất này. Ngày kết thúc cuộc hành trình chính là ngày chúng ta ra đi khỏi thế gian này.  Như vậy chết là một điều kiện cần thiết để về quê trời, chết mang niềm hy vọng , yên ủi và phảng phất một niềm phấn khởi.

 

II. MỌI NGƯỜI ĐỀU PHẢI CHẾT.

 

          Cả hai ngành khoa học có từ lâu, liên quan tới sự sống con người. Đó là y học và dược học. Cả hai đều nhận con rắn là biểu hiệu. Con rắn cuốn trên chiếc gậy là biểu hiệu của ngành y, và con rắn cuốn trên chiếc ly có chân, đầu hướng vào miệng ly, là biểu hiệu của ngành dược. Sở dĩ cả hai ngành quan trọng này, nhận con rắn là biểu hiệu, vì người xưa, cả đông lẫn tây phương, đều coi con rắn là tượng trưng cho sức mạnh. Người ta còn lầm tưởng con rắn là loài bất tử, do hiện tượng lột xác của nó. Cả đông lẫn tây đều truyền nhau câu truyện cổ tích, về sự bất tử của con rắn.

 

                             Truyện : rắn già rắn lột.

          Thuở trời đất vừa được dựng nên, Tạo hoá muốn cho loài người đuợc bất tử, bằng cách lột xác, còn loài rắn thì tới già phải chết. Tạo Hoá liền sai sứ giả là vị Thiên lôi xuống trần nói ý định đó cho loài người : Tạo Hóa truyền Thiên lôi, khi gặp con người thì nói mệnh lệnh này (Một mệnh lệnh có phép mầu) :

                   “Người già,người lột. Rắn già chạy tuột vô săng”.

          Thiên lôi xuống trần, vừa đi vừa lẩm nhẩm mệnh lệnh của Trời, nhưng vì Thiên lôi lơ đãng, đọc đi đọc lại thế nào, mà khi xuống trần vừa gặp con người thiên lôi lại đọc :”Rắn già rắn lột. Người già chạy tuột vô săng”.

          Vì thế mà con rắn được lột xác, còn con người sinh ra, lớn lên, già, chết, rồi phải đi vào săng, đem chôn.

                   (Đỗ đình Tiệm, Lương thực hằng ngày, tr 722)

 

          Khi còn nhỏ, nghe câu chuyện cổ tích trên, chúng ta phàn nàn, nuối tiếc vì tính lơ đãng của ông Thiên lôi mà con rắn đã dành được quyền lột xác, còn con người khi già phải chết, chứ không được lột xác.

 

          Nhưng tiếc thế nào thì tiếc, mỗi người chúng ta đều phải chết, đây không phải là sự tình cờ hay ngẫu nhiên mà là một án lệnh.

 

          Mở sách Sáng thế ra, ta thấy ghi lại : Sau khi Ađam Evà phạm tội ăn trái cấm, Thiên Chúa đã ra án phạt cho ông bà. Đây là án lệnh của Chúa phán với Adam :”Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà ta đã truyền cho ngươi rằng :”Ngươi đừng ăn nó, nên đất đã bị nguyền rủa vì ngươi ; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn bởi đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi,  ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất”(St 3,17-19).  Trở về với bụi đất là chết chứ còn gì ?

 

          Chúa Giêsu xuống thế làm người chuộc tội cho loài người, Ngài đã xóa tội Ađam để đem chúng ta lại làm con Thiên Chúa.  Chúng ta sinh ra đều mang tội tổ tông, nhưng nhờ Bí tích Thánh tẩy, chúng ta được tha tội đó và tội riêng của mình.  Tuy đã được tha tội tổ tông nhưng hậu quả của tội vẫn còn và hậu quả sau cùng là phải chết (x. St 3,19).

 

          Kinh thánh cũng làm chứng về điều này. Chúng ta hãy đọc vài câu Thánh vịnh để xác tín về điều đó :

          * Tv 48,9-10 : Mạng sống người dù giá cao mấy nữa thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời. Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải đến ngày tận số.

          * Tv 38,5-6 : Lạy Chúa, xin dạy cho con biết : đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế.

          * Tv 38, 7a : Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho một vài gang tấc, kiếp sống này, Chúa kể bằng không. Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở, thấp thoáng trên đường tựa bóng câu.

 

          Từ xưa đến nay có hàng tỉ tỉ người đã sống trên mặt đất này mà nay còn ai đâu. Cả những bậc anh hùng cái thế, cả những vĩ nhân lừng danh ngày nay cũng chẳng còn ai, nếu người ta có nhắc tới là nhắc tới theo sử sách.  Có những người sống thọ đến mức nào nay cũng chẳng còn như ông Ađam sống tới 930 tuổi, ông Noe sống 950 tuổi, ông Mathusalem 969 tuổi, ông Bành Tổ của Trung hoa sống 800 tuổi.

 

III. CHẾT RỒI SẼ RA SAO ?

 

          Chết là một sự kiện, một biến cố quan trọng của cuộc đời nhưng cái nhìn về sự chết thì khác nhau : có người cho rằng chết là hết, có người cho  r ằng chết mà vẫn còn ; có người cho rằng chết là một thất bại, là đi vào ngõ cụt đâm ra bi quan ; có người cho rằng chết là một khởi điểm mở ra một chân trời mới đầy lạc quan.

 

          1. Một số người vô tín.

 

          Những người vô tín không tin có đời sau, không có thiên đàng hoả ngục để thưởng phạt. Đối với những người này, chết là hết, là tuyệt vọng.

 

          Karl Marx, ông tổ thuyết Mác-xít vô thần, trong một lá thư gửi cho người bạn của ông là Lassanler đã viết :

“Cái chết của đứa con trai tôi đã làm cho tôi đảo điên. Lúc nào tôi cũng cảm thấy như cái chết ấy mới xẩy ra ngày hôm qua thôi. Còn vợ tôi thì hoàn toàn ngã gục vì biến cố này”.

 

          Ai trong chúng ta cũng cảm thông được nỗi đau đớn tột cùng này của ông tổ thuyết Mác-xít vô thần.  Cái chết là một mất mát mà không gì có thể lấp đầy được. Sự mất mát ấy lại càng khủng khiếp hơn khi con người không còn một niềm hy vọng nào vào cuộc sống mai hậu. Chối bỏ sự sống mai hậu cũng có nghĩa là tự đọa đầy mình  vào một nỗi tuyệt vọng khủng khiếp nhất.

                   (D. Wahrheit, Phép lạ trong đời, tr 257)

 

          2. Những người có đức tin.

 

          Những ai có đức tin thì đều công nhận rằng có đời sau, có thiên đàng hỏa ngục để thưởng phạt và linh hồn thì bất tử. Do đó, chết không phải là mất, là hủy hoại mà là một sự chuyển đổi :”Sự sống thay đổi chớ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian này bị hủy diệt tiêu tan thì lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời” (Kinh Tiền tụng lễ An táng).

 

          Ông Trang Tử, một nhà hiền triết Trung hoa, xuất hiện trước Chúa Giêsu, cũng có một cái nhìn rất lạc quan về sự chết, khi ông nói :

“Người ta chết là trở về với Tạo Hóa, cũng như người đi ra ngoài mà trở về nhà, thế mà ta còn theo đuổi nghêu ngao khóc lóc thì chính ta chẳng hóa ra không biết mệnh trời à ? Cho nên ta không khóc lại còn hát nữa”.

 

            Hoài nam Tử cũng có một ý nghĩ như Trang Tử khi ông nói :”Sinh ký tử qui” : sống là sống gửi sống nhờ, chết mới là về.  Tư tưởng này giống như của thánh Phaolô tông đồ khi viết thư gửi cho tín hữu Côrintô (x. 2Cr 5,1.6-10).

 

          Ông Wolfany Goethe, một thi sĩ kiêm triết gia Đức ,  còn nói một cách ví von hơn nữa :”Con người chết là một vì sao lặn để mọc huy hoàng hơn ở một bán cầu khác”.

          Với con mắt đức tin, chúng ta thấy chết không phải là đi vào hư vô, đi vào ngõ cụt, là tuyệt vọng, nhưng chết chính là phương tiện để chúng ta được về kết hợp với Chúa trên quê trời, như  thánh Phaolô nói :”Quê hương chúng ta ở trên trời và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21).

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục