CHÚA NHẬT 29 TN 2020

"Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa", Lời Chúa muốn nói gì đây? Cái gì là của Caesar và cái gì là của Thiên Chúa trong tất cả những gì chúng ta đang có?

Bối cảnh câu chuyện trong bài Tin Mừng không đơn giản như chúng ta nghĩ. Bởi vì trong tâm tư của người biệt phái thì không có gì họ đang có là của Caesar : đất nước họ và mọi của cải là của cha ông họ và những công lao vất vả của họ. Caesar chỉ là người đến bóc lột họ, chiếm đóng và bắt cả dân tộc họ thành nô lệ. Tuy nhiên đồng tiền có hình Caesar thực tế lại là của Caesar, và Caesar dùng đồng tiền của ông như phương tiện thống trị họ.

Họ quên câu chuyện trong Isaia, Thiên Chúa đã “kén chọn và đã gọi đích danh”, đã “cầm tay hữu” một ông vua ngoại đạo “không nhận biết” Chúa là Cyrô, vua Babilon, đến cai trị họ. Nên sự hiện diện của Caesar cũng như của Cyrô là trong kế hoạch nhiệm mầu của Chúa nhằm cho họ sám hối và nhận biết “ngoài Ta ra, không có Thiên Chúa nào nữa... Ta là Chúa, và chẳng có chúa nào khác”.

Có lẽ đối với chúng ta không có gì trong những cái chúng ta có quan trọng hơn NHÂN PHẨM LÀ NGƯỜI của chúng ta. Nhân Phẩm đó bao gồm THÂN XÁC, mà chúng ta có cái QUYỀN LÀM CHỦ, và LINH HỒN, mà chúng ta có cái QUYỀN TỰ DO. Và chúng ta luôn khẳng định không ai có quyền xâm phạm hay can thiệp THÂN XÁC và LINH HỒN của chúng ta.

Nhưng chúng ta lại quên điều mà Thánh Phaolô đã viết “lòng tin, ... lòng bác ái, ... lòng trông cậy” mà TIN MỪNG đã loan báo rằng chúng ta là “những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, ...được Chúa tuyển chọn” trong Đức Giêsu Kitô.

Những điều mà người biệt phái đã quên hay chúng ta cũng đã quên chính là những “cái gì của Thiên Chúa” nơi THÂN XÁC cũng như nơi LINH HỒN chúng ta. THÂN XÁC, LINH HỒN, và cả VŨ TRỤ đều là QUYỀN THẾ VÀ VINH QUANG Thiên Chúa, và “mọi chúa tể” dù là chính con người chúng ta hay chư dân chỉ đều “là hư ảo”.

Chân phước Carlo Acutis mới được vinh thăng ngày 10 tháng 10 vừa qua dù mới chỉ 15 tuổi có một tuổi thơ ấu thật đáng kinh ngạc “Chỉ mới bốn tuổi, hằng ngày khi được mẹ cho đi dạo, Carlo thường nài nỉ mẹ dắt cậu vào nhà thờ để thăm Chúa Giêsu và hôn tượng chịu nạn. Cậu thường hái hoa và đặt dưới chân tượng Đức Mẹ trong khuôn viên giáo xứ. Ba mẹ rất ngạc nhiên trước lòng sùng kính của cậu con trai mình, bởi vì từ lâu họ đã không còn thực hành đời sống Kitô hữu nữa. Khi ấy, được đánh động bởi lòng sốt mến của cậu bé, mẹ Carlo đã quyết định quay lại với đời sống đức tin và trở thành một giáo lý viên. Khi mới lên sáu, Carlo thường theo mẹ đến các lớp giáo lý của bà. Mọi người trong lớp rất cảm mến tâm hồn vui tươi và quảng đại của cậu. Họ nói với mẹ cậu rằng, Carlo quả là một người đặc biệt; chắc chắn Thiên Chúa phải có một kế hoạch quan trọng cho cậu bé. Linh mục chánh xứ, sau khi gặp gỡ Carlo, đã quyết định cho cậu chịu rước lễ lần đầu khi cậu vừa tròn bảy tuổi. Từ đó trở đi, Carlo thường xuyên tham dự thánh lễ và cầu nguyện hằng ngày với chuỗi mân côi.... Cậu chia sẻ rằng, bản thân luôn cố gắng sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúa Giê-su là ưu tiên hàng đầu của cậu, và nhờ đó, cậu có một tâm hồn trong sáng và đầy yêu thương... Cậu tin rằng nếu mọi người ý thức sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, cùng những ơn huệ cao quý mà họ lãnh nhận từ đó, cuộc sống của họ rồi sẽ được biến đổi. ...Cậu từng nói : gần gũi với Chúa Giê-su, đó là kế hoạch của đời tôi.” Và trên giường bệnh, cậu đã chia sẻ với mẹ “Mẹ ơi ! Con muốn rời khỏi bệnh viện này nhưng con biết mình sẽ không làm được như vậy khi con còn đang sống đây. Mẹ thấy không, dầu sao con cũng đang ở với Chúa. Con được chết trong hạnh phúc bởi vì con đã không lãng phí đời mình, lãng phí thời gian vào những điều không đẹp lòng Chúa.” Chân phước đã khẳng định và đã sống NIỀM TIN rằng “CHÚA LÀ GIA NGHIỆP ĐỜI CON”.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ A