LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Anh chị em và các bạn trẻ thân mến,

Lời Chúa trong Thánh Lễ Đức Mẹ Mân Côi có thể nói là một trình bày tuy vắn gọn nhưng cũng rất đầy đủ về đời sống hôn nhân và gia đình.

Trước hết theo cách nhìn của Thánh Phaolô thì mọi hôn nhân và gia đình đều sinh ra và sống “dưới chế độ Lề Luật” dù đó là gia đình Con Thiên Chúa.  dưới chế độ Lề Luật” là cách nói riêng của Thánh Tông Đồ muốn diễn tả một cuộc sống mang mọi hậu quả của tội lỗi. Những hậu qủa giam hãm con người trong những đam mê trần thế chống lại Thiên Chúa và SỰ SỐNG VĨNH CỬU. Chúng ta vẫn có thể cảm nghiệm thực tế này ngay trong các gia đình của chúng ta hôm nay qua từng suy nghĩ, dự tính và kế hoạch cho gia đình. Chỗ đứng của Thiên Chúa thật mong manh trong các gia đình chúng ta, khi cơm áo, gạo tiền hầu như cuốn hút mọi suy nghĩ và toan tính. Tuy nhiên chúng ta cũng cần nghe lời Thánh Tông Đồ nói rằng chính cuộc sống “dưới chế độ Lề Luật” ấy là để “cứu chuộc những người ở dưới chế độ Lề Luật” nếu như mọi thành viên gia đình được “Thiên Chúa …sai Thần Trí của Con Ngài vào tâm hồn chúng ta, kêu lên rằng: “Abba”” như mọi thành viên của gia đình Con Thiên Chúa làm người.

Thực sự ngay từ gia đình Nguyên Tổ đã là gia đình “đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng”, và như Giáo Hội luôn khẳng định, dù sau tội nguyên tổ, thì cơ chế gia đình được chúc phúc, được Thiên Chúa ở cùng vẫn không bị tội lỗi phá hủy.

Chính vì thế mà để giải thoát gia đình nhân loại khỏi sự giam hãm của tội, Thiên Chúa đã phải can thiệp khi ở mỗi thời kỳ Ngài kêu gọi một gia đình tổ phụ dành cho Ơn Nghĩa của Ngài chỗ đứng trung tâm trong cuộc sống. Và như thánh Phaolô đã nói vào thời gian viên mãn Thiên Chúa đã chọn Người Nữ Nazareth là Maria để hình thành Gia Đình theo ý định của Ngài. Và Lời chào của sứ thần Gabriel khi gặp Mẹ đã truyền tải ý nghĩa thực sự của Ân Sủng và mục đích của Ân Sủng. Đức Maria mặc dù biết mình được Ân Sủng bao bọc, nhưng như Tin Mừng viết “Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.” Phải sau khi đối thoại với Sứ Thần Mẹ mới hiểu được mọi ân sủng Mẹ có là để đón nhận Con Thiên Chúa làm người hầu cứu độ và thiết lập Gia Đình bền vững của Thiên Chúa ở trần gian. Gia đình có Thiên Chúa cai trị đời đời để mở ra Triều Đại Nước Thiên Chúa đến vô tận.

Cũng trong nhận thức ấy, sách Công Vụ Tông Đồ đã trình bày hình ảnh đầu tiên của Gia Đình Con Thiên Chúa mới được khai sinh : “Và khi đã trở vào thành, các ông lên lầu gác, nơi Phêrô và Gioan, Giacôbê và Anrê, Philípphê và Tôma, Batôlômêô và Mátthêu, Giacôbê con ông Anphê và Simon Giêlôtê, và Giuđa con ông Giacôbê, trú ngụ. Mọi người đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ, và Bà Maria Mẹ Chúa Giêsu với các anh em Người.”. Gia đình này vẫn còn phải ở trần gian, và đang bị lung lạc, sợ hãi vì cái chết của Chúa. Họ phải cầu nguyện cùng Đức Mẹ để xác tín Ân Sủng và sự Thiên Chúa vẫn ở cùng họ trong Đức Giêsu đã sống lại. Và đó là điều Hội Thánh sẽ còn phải tiếp tục để có thể tồn tại cho đến tận thế mà hoàn thành sứ vụ đem ơn cứu độ đến cho mọi gia đình trần gian.

Kinh Mân Côi vì thế có một tầm mức quan trọng trong đời sống gia đình Hội Thánh. Vì kinh này giúp Gia Đình Hội Thánh gắn bó với mầu nhiệm của Đức Giêsu cách khắn khít hơn nhờ và theo cách đón nhận và sống của Đức Mẹ trong những mầu nhiệm ấy. Và lịch sử chứng minh rằng nhờ kinh Mân Côi Giáo Hội đã vượt qua những thử thách lớn lao.

Vì thế các bạn trẻ thân mến, hãy đón nhận và sống kinh Mân Côi trong hôn nhân và gia đình để là gia đình thừa kế mọi Ân Sủng của Gia Đình Con Thiên Chúa.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hưu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ A