CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN 2017

Anh chị em và các bạn trẻ thân mến.

Sau khi từ cõi chết sống lại Chúa Giêsu hiện đến với các môn đệ và nói “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” sau đó Ngài thổi hơi trên các ông và phán “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Qua đó chúng ta thấy có một liên hệ mật thiết giữa Bình An của Chúa với Lời Sai đi, và còn liên hệ với Thánh Thần và Sự Hòa Giải, dường như tất cả chỉ là một.

1.   Bình an Chúa Phục Sinh ban cho môn đệ chắc chắn như Ngài nói khi còn tại thế “không như thế gian ban tặng”. Bình an của Đấng Phục Sinh chính là Thánh Thần ngự trị trong lòng môn đệ, Ngài là tác nhân nối kết mọi người trong Tình Yêu. Điều đó trong tường thuật của Sách Công Vụ các Tông Đồ vừa mô tả : 17 nhóm người thuộc các miền, các dân có tiếng nói khác nhau, giờ đây họ đều hiểu các tông đồ nói gì, vì không phải các ông nói, mà là Thánh Thần trong các ông nói, và chính Thánh Thần làm cho người ta nghe và hiểu. Thánh Thần trở nên giây liên đới gần gũi và huynh đệ giữa những con người khác biệt. Thánh Thần chính là sự Bình An giữa người với người. Nhưng như Gioan đã viết Thánh Thần được tuôn đổ từ cạnh sườn Đức Giêsu trên Thánh Giá trong Nước và Máu. Sự Bình An mà Chúa trao ban cho môn đệ là sự Bình An của mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Người.

2.   Tha tội (sự hòa giải) đó là công việc của Chúa Thánh Thần trong lòng tín hữu mà người môn đệ được tham dự vào quyền năng và sứ vụ của Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu ủy thác. Và đó cũng là sứ vụ của môn đệ khi được Chúa Giêsu sai vào thế gian. Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu và Tình Yêu của Chúa Cha. Chúa Cha khi sai Con của Người vào thế gian trong quyền năng của Chúa Thánh Thần theo Thánh Phaolô là để “trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do”.

3.   Hôn nhân và gia đình của con người dù là kẻ tin hay không tin đều mong muốn và nỗ lực để có được sự bình an và hòa giải. Thế nhưng phần lớn lại dựa trên những yếu tố mà thánh vịnh đáp ca gọi là “chỗ tro bụi của mình”, những thứ mà người ta thường nói “vợ đẹp, con khôn, nhà lầu, xe hơi”. Cho dù kinh nghiệm của cha ông nói rằng “thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn”, nhưng để có sự đồng thuận ấy, người ta thường nại tới ưu quyền của người chồng, hay ngày nay người ta nại tới quyền bình đẳng của người nữ… thật giống như người Do Thái xưa đã muốn xây tháp Babel như là biểu tượng của sự đồng thuận của dân tộc. Kết quả là càng nương tựa vào “chỗ tro bụi của mình”, loài người càng bị phân tán và bất đồng ngôn ngữ. “chỗ tro bụi của mình” hôm nay đã không còn là tro bụi được hơi thở Thánh Thần làm cho sống như thưở ban đầu, mà càng ngày càng bị tội lỗi nhấn chìm vào bóng tối sự chết. Hoàn cảnh sống của hôn nhân và gia đình ngày nay luôn tràn ngập những bất hòa và đầy nguy cơ tan vỡ đều có cái nguyên nhân “tháp Babel” nơi lòng trí con người. Hôn nhân và gia đình chỉ có thể Bình An khi để Thánh Thần như Thánh Vịnh đáp ca nói để “Ngài canh tân bộ mặt”, nghĩa là để Ngài “thanh tẩy để làm nên một thân thể”.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ A