LỄ HIỂN LINH

Trong thánh lễ này chúng ta nghe được lời mời gọi “Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi.”. Ai là Giêrusalem? Chắc chắn đó là Dân Thiên Chúa đã tuyển chọn ngay từ khởi đầu của Lịch Sử Cứu Độ với các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacob. Nhưng đặc biệt là lời trực tiếp mời gọi dòng tộc vua Đavid, dòng tộc đã xây dựng Giêrusalem trở thành kinh đô. Thế nhưng Giêrusalem đã nhiều lần rơi vào thảm cảnh “tối tăm đang bao bọc” và “u minh phủ kín” toàn đất nước và trong mỗi gia đình.

Nhưng tối tăm và u minh đó là gì ? Câu chuyện trong Tin Mừng giúp chúng ta có câu trả lời. Khi 3 vị đạo sỹ từ đông phương tìm đến Giêrusalem và hỏi vua Hêrôđê “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu?” Tin Mừng viết “vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua”. Họ bối rối vì họ không biết tới điều các tiên tri đã chép “Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”. Tâm trí họ chỉ có một suy nghĩ bằng mọi giá phải bảo vệ những gì họ đang có : của cải, địa vị, chức quyền. Với cách suy nghĩ như thế của họ, họ không thể đến với Đấng Cứu Độ, do đó các đạo sỹ được mộng báo  đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình”. Và chúng ta biết sau đó Hêrôđê đã ra lệnh tàn sát hết các con trẻ dưới 2 tuổi ở Belem. Đó chính là tối tăm và u minh đang phủ kín mọi trí lòng. Có lẽ u minh và tối tăm ấy vẫn phủ kín các gia đình chúng ta hôm nay.

Và sự sáng của Giêrusalem là gì?

Tiên tri Isaia khẳng định đó là “vinh quang của Chúa đã bừng dậy”. Sự sáng của Dân Chúa không xuất phát từ chính bản thân họ, nhưng đến từ Thiên Chúa. Và bài Tin Mừng cho thấy Thiên Chúa đã đòi hỏi con người phải biết suy tư và khám phá ra những dấu chỉ vinh quang Người đã hiển hiện chung quanh cuộc sống của họ : từ ngôi sao lạ, đến những con người và “những kho tàng bể khơi tuôn đến… nguồn phú túc của chư dân sẽ tới” và “ngôi sao của Người ở Đông phương”nên “Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông.”.

Nhưng những dấu chỉ từ các tạo vật chỉ có ý nghĩa cho những con người luôn tìm kiếm, luôn “điều tra cẩn thận”, và chấp nhận bỏ lại đàng sau tất cả để lên đường như 3 vị đạo sỹ, như Đức Maria và thánh Giuse để “đến triều bái Người”. Những con người mà thánh Phao lô nói “nhờ Tin Mừng… được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô”. Chúng ta và gia đình chúng ta là “kẻ nghèo khó” ư, là “người bất hạnh không ai giúp đỡ” ư, là “kẻ yếu đuối và người thiếu thốn” ư, chính Đức Giêsu mới là vua, là hoàng tử sẽ giải thoát, sẽ cứu thoát.

Anh chị em cách riêng các bạn trẻ thân mến.

Qua Thánh lễ này chúng ta đã thấy cái gì là tối tăm, là u minh của hôn nhân và gia đình chính là điều chúng ta lại thường hết sức tìm kiếm đó là “của cải, địa vị, chức quyền”. Trong khi sự sáng của hôn nhân và gia đình là Đức Giêsu lại đã và đang bừng dậy trong chính sự nghèo khó của một người tôi tớ hiền lành và khiêm nhường và thí mạng sống mình để yêu thương và phục vụ. Và chúng ta chỉ có thể đón nhận được sự sáng này khi chúng ta biết bỏ lại đàng sau tất cả những đảm bảo trần tục để dấn thân lên đường dưới sự hướng dẫn của các dấu chỉ mà qua đó Thiên Chúa không ngừng bày tỏ vinh quang Người.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên

  

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ A