THỨ BA TUẦN THÁNH

22.3.05

 

Chiều hôm nay chúng ta cùng nhau suy niệm về sự hiền lành của Chúa Giêsu, cụ thể qua cách Chúa đối xử với Giuđa và Phêrô.

 

Khởi đầu bài Phúc Âm, thánh Gioan nói rằng tâm hồn Chúa Giêsu bị xao xuyến. Vì sao Chúa Giêsu xao xuyến, phải chăng vì Chúa nghĩ đến cuộc khổ nạn gần kề ? Có thể. Nhưng đúng hơn, có lẽ Chúa xao xuyến tâm hồn khi nghĩ đến tình yêu thương và lòng tin Chúa đặt nơi các môn đệ sẽ bị xúc phạm và chà đạp. Trong khung cảnh rất đầm ấm, đầy tình thầy trò của Bữa tiệc ly, cơ hội cuối cùng Chúa còn được gặp đầy đủ các môn đệ thân yêu, chúng ta hãy hình dung ra nỗi đau đớn xé lòng của Chúa Giêsu khi Chúa nói : “một người trong các con sẽ nộp Thầy”.

 

Vâng Giuđa sẽ nộp Chúa. Mà Giuđa là người Chúa đã suy nghĩ và thức suốt đêm cầu nguyện để chọn lựa. Giuđa cũng là người mà Chúa Cha đã ban cho Chúa và Chúa đã hết sức giữ gìn nhưng không được. Trong ba năm trời, Chúa đã yêu thương và dạy dỗ Giuđa như tất cả các môn đệ khác. Và Giuđa, chắc hẳn phải là một con người tháo vát, có tài, nên mới được Chúa tín nhiệm trao phó trách nhiệm quản lý để lo cho tất cả thầy trò. Nhưng bất chấp tình thương và sự tín nhiệm của Chúa và của anh em, Giuđa vẫn phản bội Chúa. Chúng ta đứng trước mầu nhiệm sự tự do của con người khi đối diện với Thiên Chúa.

 

Điều gì đã làm Giuđa thay lòng đổi dạ? Cú theo mặt chữ của các sách tin mừng, thì Giuđa đã phản Chúa vì tham lam. Nhưng có ý kiến khác lại cho rằng, Giuđa phản Chúa bởi ông ta thất vọng vì đường lối cứu thế của Chúa. Giuđa chờ đợi một Đấng cứu thế uy quyền, nghiêm trị kẻ tội lỗi và thẳng tay xua đuổi quân Rôma xâm lược; vậy mà đối với Giuđa, Chúa Giêsu quá hiền lành đối với những người có tội và lại không quan tâm gì đến công cuộc giải phóng dân tộc, nên Giuđa thất vọng. Dù Giuđa có phản Chúa vì lý do gì đi nữa thì điều chúng ta biết chắc chắn là Giuđa đã không còn tin và không còn yêu mến Chúa Giêsu nữa.

 

Dẫu biết thế, nhưng Chúa Giêsu vẫn cứ yêu thương Giuđa. Theo thánh Gioan thì không một ai trong các môn đệ hiểu chuyện gì sẽ xảy ra vì Chúa  không hề hé lộ cho bất kỳ ai biết toan tính của Giuđa. Chúa vẫn dành lại cho Giuđa con đường trở về với Chúa và với anh em. Bằng tất cả tình thương, Chúa trao cho Giuđa miếng bánh, hy vọng Giuđa sẽ chạnh lòng trước tình thương của Chúa và nghĩ lại. Nhưng tình yêu đã chết trong lòng Giuđa và lòng tin cũng chẳng còn, nên cử chỉ yêu thương của Chúa như rơi vào hoang mạc. Để hiểu tình yêu, cần phải có tình yêu. Giuđa nhận miếng bánh, rồi ra đi. Thánh Gioan nói, “Bấy giờ là đêm tối”.

Khi phản bội Chúa Giêsu, Giuđa chắc hẳn đã nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ đổi thay, sẽ tươi sáng hơn. Nhưng Giuđa đâu ngờ rằng khi đã phản lại Chúa, tất cả chỉ còn là tăm tối. Giuđa trở thành nạn nhân của chính tội lỗi của mình và bị những người mà trước kia Giuđa tưởng là cùng phe cùng phái bỏ rơi. Giuđa tuyệt vọng vì đã nghĩ đến tội lỗi của mình chứ không nghĩ đến tình thương và sự bao dung của Chúa. Giuđa không thể tha thứ cho chính mình và đã sai lầm khi lấy lòng mình mà đo lòng Chúa. Chúng ta không dám cho mình cái quyền phán xét về phận số đời đời của Giuđa, nhưng chúng ta tin rằng ngay cả khi Giuđa không còn hy vọng nơi chính mình nữa thì Chúa vẫn tiếp tục hy vọng nơi Giuđa.

 

Chúa Giêsu xao xuyến tâm hồn không chỉ vì Giuđa mà còn vì Phêrô nữa. Khác với Giuđa là người đã phản Chúa vì một động lực đầy tính toán, Phêrô đã chối Chúa vì yếu đuối. Phêrô là con người yêu Chúa thật lòng và không tính toán. Chúa tin tưởng nơi Phêrô chính vì tình yêu quảng đại đó. Nhưng Phêrô đã quá tin vào tình yêu của mình. Vì thương Phêrô, Chúa Giêsu nhắc cho Phêrô biết sự yếu đuối của ông, nhưng Phêrô không tin là mình yếu đuối và thề hứa sẽ liều mạng sống vì Chúa. Phêrô không quảng cáo cho tấm lòng của mình đâu, ông rất chân thành, ông chỉ không hiểu được rằng tuy yêu Chúa thật đấy nhưng ông còn yêu bản thân mình hơn.

 

Có lẽ suốt cả cuộc đời, sau khi đã thống hối trở về, Phêrô cũng không sao hiểu được tại sao mình lại ngã xuống sâu đến như thế. Tại sao Phêrô không bỏ chạy như các môn đệ khác để khỏi phải chối Chúa. Vì Phêrô nghĩ rằng mình can đảm hơn những người khác hay vì Phêrô yêu Chúa quá nên không đành lòng bỏ rơi Chúa. Có lẽ vì cả hai. Phêro yêu Chúa thật và Pherô can đảm thật nhưng Phêrô có ngờ đâu là nỗi sợ lại lớn hơn tình yêu và lòng can đảm của ông. Thật đau đớn cho Phêrô, vị tông đồ cả, đã chối bỏ Chúa mình không phải vì bị quan quân xét hỏi hay tra tấn, mà chỉ vì một câu nói vu vơ của một người đầy tớ gái giữ cổng! Phêrô thất đáng thương vì khi chối bỏ Chúa, Phêrô không chỉ phạm một tội lớn lao mà còn thực sự đánh mất chính phẩm giá và tư cách của mình. Đó là điều mà chúng ta không nên quên khi suy nghĩ về tội lỗi của chúng ta.

 

Thật may cho Phêrô, cho Giáo hội và cho chúng ta, vì Phêrô đã chối Chúa chỉ vì yếu đuối, vì Phêrô đã đủ khiêm tốn chấp nhận tội lỗi của mình và dám tin vào tình thương và sự tha thứ của Chúa. Phêrô không chỉ khiêm tốn với Chúa mà còn khiêm tốn với anh em nữa. Chúng ta hãy hình dung ra sau này Phêrô phải khiêm tốn đến thế nào mới có thể trở về với anh em và nhìn thẳng vào họ mà không mặc cảm. Phêrô đã thực sự khôn lớn hơn từ sau kinh nghiệm vấp ngã và nhất là kinh nghiệm về lòng tha thứ của Chúa.

 

Chúa Giêsu thật bao dung và hiền hậu khi vẫn tiếp tục tín nhiệm Phêrô, bất chấp sự vấp ngã của ông. Theo tin mừng thánh Luca (22,32) thì sau khi đã báo cho Phêrô biết trước ông sẽ chối Ngài, Chúa Giêsu húa sẽ cầu nguyện cho ông, để khi ông đã trở lại, ông sẽ củng cố anh em ông.

 

Chúa Giêsu đã sao xuyến tâm hồn khi nghĩ đến mối thâm tình của Chúa bị các môn đệ xúc phạm. Có lẽ Chúa cũng đã thoáng thấy kinh nghiệm của Giuđa và Phêrô sẽ còn lặp lại mãi trong dòng lịch sử Hội thánh.  Sự xao xuyến của Chúa có nghĩa là Chúa rất coi trọng lòng tin và tình yêu của chúng ta đối với Ngài. Nếu Chúa không màng gì đến tình yêu và lòng tin của phận cát bụi chúng ta, thì Chúa đã không xao xuyến tâm hồn vì sự phản bội của chúng ta. Vì yêu thương chúng ta và vì sẵn lòng đón nhận tình yêu của chúng ta, Chúa đã chấp nhận lệ thuộc vào chúng ta một cách nào đó. Sự thật đó thật khó tin, nhưng nếu chúng ta dám tin thì điều đó thực sự có sức làm đảo lộn cuộc đời chúng ta. Chúa đã kết ước với chúng ta và Ngài không muốn đánh mất bất kỳ ai trong chúng ta.

 

Có ai trên con đường theo Chúa mà đã không từng có lần phản bội Chúa vì ham muốn danh lợi trần gian hay vì thiếu lòng tin vào Chúa. Có ai mà đã không từng có lần vì yếu đuối, vì nỗi sợ muôn hình muôn dạng trong cuộc đời : sợ khổ, sợ khó, sợ mất mối lợi, sợ mất thú vui…mà chối bỏ như không hề biết Chúa? Chúa sẽ không bất ngờ vì tội lỗi con người đâu, chỉ có con người mới bất ngờ vì tội lỗi, vì sự tầm thường của mình thôi. Nếu chúng ta có bất ngờ vì tội tỗi của mình thì cũng hãy để cho lòng mình được ngỡ ngàng nhiều hơn vì lòng bao dung của Chúa. Ngày nào chúng ta khám phá ra rằng Chúa thực sự yêu thương và đối xử bao dung với mình, ngày đó chúng ta sẽ trở nên cứng cát hơn trong đời sống đức tin.

Muc Luc