GƠI Ý GIẢNG LỄ THÁNH GIA (NĂM A)

 

Về mặt Phụng vụ, Chúa nhật  liền sau lễ Giáng sinh là lễ thánh gia thất : Chúa Yêsu, Đức Maria và thánh Yuse. Sau khi mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Yêsu  Hài Đồng nơi hang đá Bêlem, và tưởng niệm màu nhiệm Nhập Thể, Hội thánh muốn chúng ta cùng hướng lòng về mái ấm Nazaret và chiêm ngắm thánh gia thất của ba Đấng . Dĩ nhiên có nhiều sự kiện liên quan đến cuộc sống và sinh hoạt của thánh gia  để chúng ta nhìn ngắm và ngẫm nghĩ, nhưng điều qun trọng hơn đáng chúng ta nêu ra, đó là chính Thiên Chúa , chính Con Thiên Chúa  nghĩ gì về đời sống gia đình và muốn con người chúng ta sống thực tại gia đình như thế nào. Chúng ta có thể trả lời ngay rằng

·         đối với  Đức Yêsu , Con Thiên Chúa nhập thể, cơ chế hôn nhân và gia đình  chính là một cơ chế đáng được tôn trọng và bảo vệ

·         thứ hai, gia đình là nơi để con người  thể hiện tình người và trở nên người

·         thứ ba, gia đình là nơi để con người cộng tác vào chương trình cứu thế của Thiên Chúa 

I. Trước hết, hôn nhân và gia đình là cơ chế đáng được tôn trọng và bảo vệ.

·         khi suy nghĩ về đời Chúa, ta thật kinh ngạc trước sự kiện là đời tại thế của Chúa chỉ kéo dài 33 hoặc 36 năm, mà Chúa đã dành trọn 30 năm để sống dưới mái nhà Nazaret với Mẹ Maria và thánh Yuse. Sự kiện ấy chứng tỏ là đối với Thiên Chúa , cơ chế hôn nhân và gia đình thật sự là một cơ chế cao đẹp. cần thiết, đáng tôn trọng, không thể coi nhẹ và bỏ qua. Từ sự kiện ấy , ta có quyền nghĩ đến quan điểm của chính Con Thiên Chúa  đối với một số điểm đang trở thành “điểm nóng” ngày nay :

·         ví dụ vấn đề ly thân, ly dị tức là vấn đề liên quan đến suy nghĩ nông cạn của nhiều người thời nay về ý nghĩa của tình yêu. Tình yêu đích thực, tự bản chất, luôn đòi có sự bền bỉ, sự dấn thân trọn đời, sự chọn nhau, yêu nhau dứt khoát, không bao giờ thay đổi. Nói cách khác, tình yêu đích thực giữa vợ chồng luôn đi đôi với ước mơ và quyết chí ăn đời ở kiếp, dù có cảnh huống tồi tệ trái ý đến đâu xảy ra, như Chúa phán “điều gì Thiên Chúa  đã phối hợp, loài người không được phân ly” vừa như để cảnh báo sự thay lòng đổi dạ có thể có của con người, vừa để quyết liệt bảo vệ cơ chế hôn nhân đến cùng.

·         ví dụ vấn đề hôn nhân đồng giới đang ngày càng  trở thành phổ biến nơi một số quốc gia. Người ta thường bênh vực sự kiện lạ đời này  nhân danh tình yêu. Theo họ, hôn nhân đòi có tình yêu, yếu tố chính để thành hôn nhân là tình yêu. Vậy hễ giữa 2 người – dù là đồng giới – nảy sinh tình yêu, thì 2 người ấy có thể thể sống với nhau như vợ chồng. Sự kiện này đi ngược với ý định Thiên Chúa  là dựng nên loài người có nam có nữ, vừa để họ yêu nhau trong sự khác biệt và bổ túc của hai giới, vừa để họ truyền sinh

·         ví dụ vấn đề nhân bản vô tính : trẻ con thành thai không cần đến sự phối hợp nam nữ, và trong cuộc sống có thể không cần đến tình thương cha mẹ, sự săn sóc và bầu khí ấm áp trong khung cảnh gia đình.

Sự chọn lựa của Con Thiên Chúa  trong việc sống thực tại gia đình đã đi ngược lại và phủ nhận những lệch lạc ấy, cũng như nhiều hiện tượng sai bậy tương tự. Từ tấm gương của Ngài, Hội thánh công giáo mạnh mẽ đề cao và bảo vệ cớ chế gia đình .

 

II. Chọn lựa của Đức Yêsu và thực tại thánh gia thất  của ba Đấng còn cho thấy gia đình chính là nơi để người  ta thể hiện tình người và trở nên người .

·         Bài sách Huấn ca và đoạn thư của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Côlôsê đề cập đến nhiều cách cư xử phải có giữa các thành viên trong gia đình.

·         theo tác giả các bài ấy, những cách cư xử tốt đẹp đều rất có giá trị và hiệu quả  về mặt đạo đức, như đền bù được tội lỗi, được sống trường thọ, được Thiên Chúa  nhậm lời khi ta cầu nguyện (bài I) hoặc làm vui lòng Thiên Chúa  và làm cho người khác trông thấy tư cách người được chọn của Thiên Chúa  (bài II)

·         nhưng dĩ nhiên những cách cư xử ấy chính là những điều kiện giúp người ta thể hiện tình người với nhau, củng cố tình yêu vợ chồng, tình máu mủ ruột thịt và làm cho các thành viên  thành người đúng nghĩa, vì là những kẻ có lòng, những kẻ nhân đạo, những kẻ biết sống và biết thể hiện đạo làm người.

 

III. Cuối cùng, nhìn ngắm thánh gia, ta còn thấy gia đình chính là nơi để người ta cộng tác với Thiên Chúa  trong việc cứu thế

·         cộng tác qua việc sống đúng các bổn phận mình, nhờ đó trở thành những tín hữu đạo hạnh, những môn đệ thi hành ý muốn của Chúa và những nhiệm vụ Chúa trao

·         cộng tác qua thái độ ngoan nguỳ vâng theo mọi sự an bài, điều khiển và đặt định của Thiên Chúa , như  ta thấy rõ nơi thái độ của thánh cả Yuse

·         cộng tác qua việc sống chết cho công cuộc của Thiên Chúa . Theo bài Tin Mừng, Đức Yêsu được giới thiệu như Mosê mới, vì Ngài cũng bị truy đuổi bách hại như Môsê thời Pharaông – vì Ngài sẽ thực hiện cuộc Xuất hành thứ hai, theo câu “Ta gọi Con Ta ra khỏi Ai cập”. Không ai bằng Ngài, Đấng trọn cuộc đời chỉ hiện hữu vì  công cuộc của Chúa Cha, trọn cuộc đời là “Nazarêô” của Chúa Cha, theo nghĩa là người ở làng quê Nazaret, nhất là người được hiến dâng cho Thiên Chúa .

xOx

Đó là 3 khía cạnh của đời sống hôn nhân  và gia đình mà ta gặp, khi chiêm ngắm thánh gia của ba Đấng. Quả thật Thiên Chúa  đã làm người, để con người nên con Thiên Chúa, thậm chí làm Thiên Chúa . Cũng thế, Đức Yêsu Con Một Thiên Chúa  đã chuẩn nhận cơ chế gia đình để biến gia đình thành thánh gia và thành hình ảnh của gia đình Ba Ngôi.

 

Xin Chúa Cứu Thế  ở với các gia đình chúng ta, chúc lành cho các vợ chồng năm nay kỷ niệm từ một năm đến 5, 60 năm hôn nhân (nhất là 5, 10, 15,20, 25 năm…) nghĩa là những người đã trải qua không ít gian khó, đã phải hy sinh biết bao, để quyết trung thành với mong muốn của Thiên Chúa  về hôn nhân và với lời thề uớc hôm thành hôn. Chúng ta , mỗi người trong tư cách và cương vị mình, cũng chiêm ngắm Ba Đấng trong thánh gia để noi theo và thể hiện cách sống và tinh thần cứu thế của Ba Đấng.

 

Lm. Antôn Trần thế Phiệt

24.12.2004


Muc Luc