GỢI Ý GIẢNG LỄ

CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN, B

2003

 

I. Đức Yêsu, Đấng mạc khải mình là sự thật, hễ có mặt ở đâu là mang sự thật đến đó, là chiếu rọi ánh sáng của Ngài vào các cảnh huống, các hành vi nơi đó. Về phía con người, muốn biết mình đúng hay sai, cũng phải dựa vào Ngài như tiêu chuẩn, như nền tảng.

 

Vào thời Đức Yêsu, đang có một điều luật chi phối mạnh  trên người Do thái, thậm chí xác định ai là tín đồ ngoan đạo, ai là tín đồ thiếu xứng đáng : đó là điều luật liên quan đến sạch và dơ. Các luật sĩ Do thái đưa ra nhiều qui địỉnh rõ ràng và tỉ mỉ về điều luật này, và họ tự hào về uy thế của mình, khi buộc dân chúng răm rắp thi hành trong đời sống . Cụ thể là trước khi ăn, mọi người phải rửa tay hoặc phải tắm rửa nếu từ ngoài về, khi sử dụng chén bình, dồ đồng, người ta cũng phải rửa sạch trước , để tránh mọi sự ô uế, khi dùng các thực phẩm,người ta cũng phải biết thứ nào sạch, thứ nào dơ.

 

Nhân việc họ tỏ ra khó chịu và chỉ trích vài môn đệ Ngài dùng bữa mà không rửa tay trước, Đức Yêsu vạch cho họ thấy những sai lỗi của họ :

- họ chỉ là những kẻ sai lầm, vì cho rằng sự dơ bẩn ở bàn tay, ở chén dĩa, ở lọ bình, làm cho con người ra ô uế,  trong khi chính những tư tưởng xấu trong lòng mới làm cho người ta ra ô uế về mặt đạo đức

- họ cũng sai lầm vì coi điều phụ trọng hơn điều chính, khi chú ý đến sự sạch sẽ bên ngoài mà quên đi sự trong sạch của cõi lòng

- họ là những kẻ giả hình, như lời ngôn sứ Isaia, vì làm bộ thực thi thật kỹ nhiều chi tiết bên ngoài, còn lòng trí hoàn toàn xa Chúa và chẳng có một chút tình mến

- họ đã lấy ý riêng mình và những tập tục mình tự dặt ra làm hơn chính ý Chúa hay giới răn Chúa

 

Nói theo lời Oâng Môsê trong bài đọc I, họ đã đi ngược lại chính điều ông cảnh giác, vì họ đã thêm bớt vào những điều Thiên Chúa  truyên dạy qua sự trung gian của Oâng. Và như thế ta có thể hiểu : họ không phải là những kẻ đạo đức, đáng khen, trái lại đời sống của họ còn vô giá trị đối với Thiên Chúa ,vì chỉ là sự chải chuốt bộ mặt bên ngoài, chỉ là sự phô trương, sự giả vờ đạo đức trước cái nhìn của người đời, chỉ là sự tìm mình, chú không phải là đời sống vì Chúa và vì muốn thực tâm mến Chúa.

 

Vậy đối diện với Đức Yêsu, có thể nói đời sống họ như bị phơi bầy ra trước ánh sáng và sự thật, và nó sụp đổ tan tành,vì  chỉ được xây trên sự giả dối và hời hợt. Lấy lại lời ngôn sứ Isaia, Chúa đưa ra nhận định thật gay gắt về họ : Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nó sùng kính Ta cách giả dối…

 

II. Thật sự thói giả hình và đề cao ý riêng là cám dỗ thường xuyên. Chính chúng ta cũng dễ mắc vào.

Con người dễ sống khác luật Chúa vì hai lý do : một là thích coi trọng ý riêng mình, thích làm theo điều mình nghĩ ra hay đề nghị, không ưa điều Chúa hay người khác áp đặt – hai là thấy luật Chúa khó khăn nặng nề, do đó không thích chấp nhận, mà thích làm ít hơn, vì sợ phải hy sinh chịu khó.

 

Con người cũng dễ sống hời hợt bề ngoài, dễ dựa vào một số hành vi bên ngoài, vì dễ thực hiện cho xong, và sau khi thực hiện được rồi, người ta có thể cảm thấy yên ổn trong lương tâm, hoặc cảm thấy  mình đáng hoàng đạo đức vì đã chu toàn việc này việc nọ, thậm chí có thể tự đắc vênh váo khi so sánh mình với kẻ này người nọ nữa.

Thế nhưng Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay luôn thích hợp cho ta, luôn nhắc nhở ta suy nghĩ và kiểm điểm

- ta đang là những người chân thành hay giả hình, lòng ta có mến Chúa thật sự không – khi làm các việc đạo đức, như đọc kinh, cầu nguyện, dự lễ… ta làm vì lòng mến hay chỉ vì muốn kẻ khác chú ý đến ta, khen ngợi ta

- ta sẵn sàng tìm kiếm ý Chúa, muốn thực thi Luật Chúa và làm dẹp lòng Chúa, hay thích tìm ý riêng, rồi khi làm nhiều lúc làm ít, thích thì làm, không thích thì bỏ, theo sở thích riêng

- nới ta có sự nối kết giữa việc sống đạo và việc sống bác ái, như thánh Giacôbê nói hay không, hay ta chỉ thực thi cách chiếu lệ cho xong một số việc đạo đức, gọi là để tỏ lòng mến Chúa, còn đối với kẻ khác , ta ích kỷ, lạnh lùng, thậm chí bất công, dộc ác ?

 

Xin Chúa Yêsu Thánh Thể, mẫu mực về lòng mến đích thực và việc sống đạo đúng nghĩa, giúp mọi người chúng ta luôn kiểm điển chính cõi lòng mình và uốn sửa, nhất là tăng cường tình mến cho mình, vì cõi lòng là nền tảng đời sống đạo, là ngọn nguồn mang lại giá trị tốt hay xấu cho mọi hành vi bên ngoài.

 

25.08.2003

Lm. Antôn Trần thế Phiệt


Về trang Mục Lục Trở Về Trang Nhà