CHÚA NHẬT 2 MC B

 

Anh chị em và các gia đình trẻ thân mến.

Lời Chúa vừa được công bố nếu được đọc trong bối cảnh gia đình chúng ta có thể thấy một số điều khá quen thuộc, nhưng cách giải đáp có những dị biệt ở gia đình này so với gia đình khác.

Trước hết mỗi gia đình đều có những lúc bị đòi hỏi phải đưa ra một quyết định nói được là sống còn giống như Abraham khi phải quyết định sát tế con duy nhất của mình cho Thiên Chúa. Hay như quyết định của chính Chúa Cha khi “phó thác Con vì tất cả chúng ta”, hay như Phêrô khi thưa với Chúa “Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”, một quyết định mà Tin Mừng nói “Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ”. Tôi có nghe nói trong những ngày tháng qua nhiều gia đình ở Lộc Đức, Đức Thanh rơi vào tình trạng cùng quẫn chỉ vì quyết định chơi tiền ảo trên mạng; và biết bao gia đình cả vợ cả chồng dấn sâu vào số đề đến nỗi táng gia bại sản…; đặc biệt trong những quyết định tương lai sai lầm cho con cái về gia thất, về công ăn việc làm… Thực ra chúng ta không thể tránh được phải có những quyết định dứt khoát cho một vấn đề hệ trọng cho gia đình.

Vấn đề hàm ẩn trong Lời Chúa hướng dẫn để có một quyết định đem lại hạnh phúc cho gia đình có thể thấy những yếu tố :

1.   Ý chí quyết định theo Chúa dạy : Đó là trường hợp của Abraham, cho dù phải cắt xé lòng mình khi “giơ tay lấy dao để sát tế con mình”. Vì với ông, lệnh truyền của Chúa còn quan trọng hơn những hy vọng xác thịt.

2.   Với Abraham cũng như thánh Phaolô : Quyết định phải phát xuất từ Niềm Tin chắc chắn rằng “nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta”. Thiên Chúa đã tuyển chọn, Người sẽ làm cho ta nên công chính trong cuộc sống hạnh phúc bền vững. Bởi vì như thánh Irênê từng nói “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”, và như Chúa Giêsu từng nói “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. Niềm tin đó đối với gia đình Kitô hữu cũng giống như đối với thánh Phaolô chính là vì đối với họ “sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến và hiến mạng vì” họ.

3.   Thế nhưng Niềm Tin của Abraham hay của Phaolô cũng như của 3 Tông Đồ trong bài Tin Mừng : chỉ có thể đạt tới mức độ như thế là vì một quá trình các Ngài đã đích thân nghiệm được sự đồng hành và bảo trợ của Chúa. Đó chính là lý do mà 3 Tông Đồ hôm nay được chứng kiến Chúa biến hình. Cái dấu ấn tuy còn chưa rõ ràng, đến nỗi phản ứng của Phêrô, Tin Mừng viết “không rõ mình nói gì”, nhưng dần dần qua những năm tháng sống bên Chúa, được chứng kiến và nghe Người dẫn giải, và được Người cho sát kề với cuộc thương khó và chịu chết của Người, và nhất là được Người vén bức màn che khuất mầu nhiệm tại thế của Người suốt 40 đêm ngày sau khi Người Phục Sinh. Đối với gia đình Kitô hôm nay thì tất cả mầu nhiệm Đức Tin ấy được ẩn dấu và hiện thực trong Bí Tích Thánh Thể. Vì thế cũng như gia đình Hội Thánh, gia đình Kitô hữu cũng phải xác định rằng mọi sinh hoạt phải quy về Thánh Thể, nếu như họ muốn đạt tới một Niềm Tin có thể cho họ những quyết định đem lại sự sống và sự sống dồi dào cho gia đình.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ B