CHÚA NHẬT 14 TN 2018

Anh chị em và các gia đình trẻ thân mến,

Khi sai Ezekiel đến với con cái Israel, Thiên Chúa báo trước ông sẽ gặp một “dân nổi loạn phản nghịch” và “những con cái dầy mặt cứng lòng”. Còn khi về quê hương Nazareth, Chúa Giêsu vào giảng trong hội đường, tuy  nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người” nhưng Tin Mừng viết “họ vấp phạm vì Người” khi đặt vấn đề giáo lý ấy từ đâu khi Người chỉ là con ông Giuse thợ mộc và bà Maria thôn nữ. Hai câu chuyện thực xảy ra cách nhau nhiều trăm năm cho thấy nó là chuyện của mọi gia đình, mọi xã hội ở mọi thời : những chuyện “chống đối, cãi cọ, xúc phạm” là một thực tế.

Lời Chúa chúng ta vừa nghe vừa phân tích nguyên do, vừa đề nghị cho các gia đình phương thế tái lập sự bình an :

1.   Về nguyên do đó là “chúng và cha ông chúng vi phạm giao ước của Ta cho đến ngày nay”. Sự thật là như thế, nhưng con người chúng ta ở mọi nơi, mọi thời hầu như chẳng bao giờ cho rằng mình vi phạm giao ước. Nói đúng hơn không mấy ai ý thức vai trò của Giao Ước trong cuộc sống. Người ta chỉ căn cứ trên cái tình, cái lý của mình như là tiêu chí phân định đúng sai. Thay vì như thánh vịnh đáp ca nói “mắt chúng tôi cũng nhìn vào Chúa, là Thiên Chúa của chúng tôi” thì mắt chúng ta chỉ nhìn vào cái lý, cái tình của xác thịt để chê cười, miệt thị bản thân hay tha nhân.

2.   Chỉ khi nhìn vào Chúa khi đó giống như Phaolô mới thấy nơi chính mình có “cái dằm đâm vào thịt …, và một thần sứ của Satan”, có nghĩa là nơi bản thân chỉ có “những sự yếu hèn”. Điều đó cho thấy cái tình, cái lý của xác thịt không thể là nền tảng cho cách sống và ứng xử. Cũng giống như những người đương thời với Ezekiel những cái tình cái lý của xác thịt chỉ làm cho họ “dầy mặt cứng lòng” trở nên “bọn phản loạn”, và cũng như người thành Nazareth khi dừng lại ở cái lý cái tình xác thịt “Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” thì trở thành những kẻ “vấp phạm vì Người”.

3.   Khi nhìn vào Chúa với lòng khiêm tốn mới có thể thấy được điều Phaolô

thấy Ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối”, để luôn khẳng định “hôm nay tôi có là gì thì tất cả đều là hồng ân”. Biết được và xác tín như thế, thay vì  chống đối, cãi cọ, xúc phạm”, chúng ta biết tìm ra HỒNG ÂN Chúa nơi bản thân và nơi anh chị em mình. Muốn thế như Tin Mừng viết phải có “lòng tin” nơi Đức Kitô, như Phaolô nói “để sức mạnh của Đức Kitô ngự trong” mỗi người và đó là sức mạnh duy nhất có thể chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền thể xác cũng như tinh thần. Tin có nghĩa cụ thể là tin những Lời Đức Kitô, cũng chính là Lời Chúa Cha, nói sẽ được nên trọn nơi mỗi con người. Một số lời quan trọng Đức Kitô đã nói phải trở nên cách sống và ứng xử của chúng ta trong gia đình cũng như ngoài xã hội : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” và “Thầy gọi anh em là bạn hữu” “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Cách sống và ứng xử như thế loại trừ mọi “chống đối, cãi cọ, xúc phạm” và kiến tạo một gia đình, một xã hội Bình An và Thịnh Vượng.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ B