CHÚA NHẬT 28 TN 2018

 

Anh chị em và các gia đình trẻ thân mến,

Cha ông chúng ta có câu tục ngữ “khôn sống, mống chết” và cũng có câu “Trăm năm sống với người đần. Không bằng một lúc sống gần người khôn.” Tựu trung đều dạy ta phải biết sống khôn và gần gũi với người khôn. Trong lịch sử văn học của mọi quốc gia đều có rất nhiều sách để dạy người ta về những “TÚI KHÔN” của tiền nhân. Nhưng lịch sử đời sống xã hội của mọi dân nước dường như đều chứng minh “những túi khôn ấy đều không giúp được cho con người có cuộc sống yên ổn và hạnh phúc. Từng thế hệ, từng triều đại đã bị chính “cái khôn” chôn vùi trong hoang tàn và máu.

Theo Kinh Thánh hôm nay chúng ta vừa nghe công bố thì “khôn ngoan” không đến từ trí óc hay kinh nghiệm của con người :

1.   Sách Khôn Ngoan đã nhìn thấy sự khôn ngoan chỉ có nơi Thiên Chúa và hơn nữa còn là chính Thiên Chúa. Vì thế sách mới có thể nói “tôi cầu khẩn được thần trí khôn ngoan đến cùng tôi” và vì thế  Tôi lấy sự khôn ngoan làm hơn vương quốc và ngai vàng”. Giàu sang, vàng bạc, sức khỏe, sắc đẹp không có gì sánh được với “sự khôn ngoan”.

2.   Truyền thống Tân Ước qua thánh Tông Đồ Gioan và Phaolô luôn khẳng định Ngôi Lời là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, một Ngôi Vị Thiên Chúa, từ đời đời vẫn ở nơi Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Vì thế trong bài đọc thư Do Thái mới viết “lời Thiên Chúa là lời hằng sống” mà “không một tạo vật nào ẩn khuất được” trước Lời Hằng Sống.

3.   Bài Tin Mừng cho thấy sự khôn ngoan thật chính là “đến theo Ta”, vì Người “là đường, là sự thật và là sự sống”. Nhưng khi đến với Chúa Giêsu ngoài việc tuân giữ các giới răn còn phải “đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó”. Bởi vì chính Người cũng đã từ bỏ ngay cả địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, để mang lấy một xác phàm, một thân nô lệ chỉ vì muốn yêu thương những thân phận nghèo hèn, nhỏ bé. Một con người như thế chắc chắn không thuộc “túi khôn” loài người. Vì thế cũng như người thanh niên trong Tin Mừng, chúng ta hầu như “sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi”, không đi theo Chúa Giêsu. Để có thể đi theo Chúa Giêsu là việc hầu như “đối với loài người thì không thể được” nhưng “không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.

4.   Do đó chúng ta cần cầu xin sớm được no phỉ ân tình của Chúa” được nhìn thấy sự nghiệp của Chúa”và nhất là được “biết đếm ngày giờ” của mình, nhờ đó mà “luyện được lòng trí khôn ngoan”. Lời cầu nguyện còn cần đi đôi với việc để Lời Thiên Chúa “phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn”, vì Lời Thiên Chúa là “sự sáng ... không hề tắt” đem đến cho chúng ta “mọi sự tốt lành”, và cho ta nên “đoan chính không kể xiết”. Tất nhiên cũng như các môn đệ vẫn còn nghi ngại, chúng ta cũng thế khi thưa với Chúa “Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chỉ khi chúng ta thấy và cảm nghiệm được Thiên Chúa “là nhân lành” qua các sự nghiệp Chúa làm cho chúng ta, như đã làm cho các môn đệ “được gấp trăm ở đời này”, khi đó chúng ta mới có thể toàn tâm, toàn ý đi theo Chúa như các ông sau ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống bởi lòng nhân lành của Chúa.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ B