GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT 2  PHỤC SINH, NĂM B

Antôn Trần thế Phiệt, DCCT

 

Lời Chúa hôm nay cung cấp cho ta rất nhiều chi tiết thuuộc Mầu Nhiệm Phục Sinh. Có thể nói ba bài Kinh thánh mà chúng ta vừa nghe là cả một tổng hợp những dữ kiện căn bản giúp hiểu biết về mầu nhiệm Phục sinh , về niểm tin của các Tông đồ, cũng như hiệu quả của mầu nhiệm Phục sinh .

 

I. Trước hết, về chính Đức Yêsu, Đấng Phục sinh, bài Tin Mừng cung cấp các chi tiết sau đây :

+ Ngài vào trong phòng của các Tông đồ một cách tự nhiên, dù các cửa phòng đóng kín và Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn. Điều này chứng tỏ thân xác Phục sinh  của Ngài không còn bị giới hạn bởi không gian nữa và thân xác ấy vẫn là thân xác khi trước, nghĩa là chính Ngàiđã sống lại thật sự, chứ không phải là ma hiện hoặc một người nào khác

+ Rồi Ngài chúc bình an cho các Tông đồ : việc chúc bình an này có nghĩa là Ngài đã tha thứ cho những bất trung của họ trong cuộc Thương khó, Ngài đã thực hiện việc cứu chuộc, hoà giải con người với Thiên Chúa , và từ nay Ngài hiện diện ở đâu là mang phúc lành bình an tới đó cho những ai đón nhận Ngài

+ Ngài sai các Tông đồ lên đường, cho nối tiếp chính sứ mạng cứu thế của Ngài, như Ngài đã nhận từ Chúa Cha trước kia

+ Ngài ban Chúa Thánh Thần, để khai trương cuộc Tạo dựng mới và để các Tông đồ nhận quyền tha tội

+ Ngài hiện ra với các Tông đồ  vào 2 ngày thứ nhất trong tuần, như ám chỉ Ngàiưu tiên chọn các ngày ấy, cũng là các ngày Chúa nhật trong đạo hiện nay, làm thời điểm tỏ mình và gặp gỡ. Hay nói cách khác, Ngài ám chỉ giá trị lớn lao của các ngày Chúa Nhật và mời gọi ta quí chuộng cácthánh lễ Chúa nhật, nơi Ngài đến gạp ta và mạc khải nhiều điều .

 

II. Bài Tin Mừng cũng giúp ta biết về niềm tin của thế hệ đầu tiên  đối với mầu nhiệm Phục sinh,  cách riêng qua thánh Tôma mà chúng ta thường cho là người cứng tin. Thật ra trường hợp của thánh Tôma rất ý nghĩa : nó nói lên sự tôn trọng và ân cần của Chúa, vừa đáp ứng mong ứoc và yêu cầu của một môn đệ, vừa củng cố sự chắc thực cho niềm tin Phục sinh , vì dã lo liệu cho tất cả 11 Tông đồ được trông thấy Ngài và cùng đạt tới niềm tin vững vàng.  Đặc biệt nó là bằng chứng cho các thế hệ sau thấy đức tin của các Tông đồ là một đức tin nghiêm túc, có kiểm chứng, có cơ sở, chứ không dễ dãi, mù quáng, kiểu ảo giác tập thể, cả một nhóm đông trông gà hoá quốc hoặc mê tín và bịa đặt. Trái lại thánh Tôma cũng như các Tông đồ khác đều đã trải qua suy nghĩ “không thể có việc Thầy Phục sinh “ cho đến việc tin sự kiện Phục sinh là có thật, thậm chí đến mức tuyên xưng Thầy thật là Đức  Kitô và là Thiên Chúa. Trường hợp của thánh Tôma còn làm nổi bật tính cách cá nhân hay đích thân của đức tin Phục sinh nữa : không một Tông đồ nào dã tin Chúa sống lại chỉ do a dua theo các Tông đồ khác, tin đại đi vì thấy các Tông đồ  khác đã tin như thế. Không, mỗi Tông đồ đều đã có đức tin cá nhân, chính từng vị một đã đích thân tin, không dựa dẫm, không a dua theo kẻ khác một cách thụ động. Thánh Tôma đòi cho mình được trông thấy Chúa tận mắt. Người đã được Thầy nhậm lời và Người dã tin do từ chính sự gặp gỡ và nhận chân của mình.

 

III. Về hiệu quả của mầu nhiệm Phục sinh : nhờ được Chúa Cha phục sinh và được đầy tràn Thánh Thần, Đấng Phuc sinh đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ , dã chia sẻ sứ mạng cứu thế của Ngài cho họ, đã đổi thay thân phận của họ : biến họ nên những con người mới, có nếp sống bác ái, chan hoà tình huynh đệ, gầy tạo cộng đoàn thành một đại gia đình đầm ấm – làm cho họ trở thành những kẻ chiến thắng thế gian, vừa do thông phần chiến thắng của Đức  Kitô , vừa do họ là người của Thiên Chúa, sinh bởi Thiên Chúa, sống theo giới răn của Người , đi ngược với tinh thần thế gian là ích kỷ, vun quén cho tư lợi.

 

Vậy suy niệm về 3 bài kinh thánh, ta như có cả một bản tổng hợp khá đầy đủ về Mầu nhiệm Phục sinh . Giờ đây, sau khi nghe Lời Chúa và đang lúc Đức  Kitô Phục sinh có mặt cách thiêng liêng giữa chúng ta , chúng ta có thể nghĩ đến 3 điều cũng như cầu xin cho mình được 3 ơn :

 

n       một là xin cho mình có được một đức tin đich thân như thánh Tôma ngày trước, bởi vì nhiều khi chúng ta chỉ mới có một đức tin lờ mờ  hời hợt. Dĩ nhiên là trong lãnh vực đức tin, cũng như nhiều lãnh vực khác của đời sống , tuyệt đối không tin lời chứng của những anh chị em khác cũng không đúng, vì có biết bao điều ta phải nhờ đến họ, họ có thể gặp Chúa trước ta, có thể khám phá hơn ta, có thể chia sẻ nhiều điều soi sáng thêm cho ta. Nhưng tuyệt đối không có phần cá nhân cũng không đúng : ta sẽ dễ có đức tin thụ động,lơ mơ. Mỗi người cần có ý thức về điều mình tin, về lý do khiến mình tin, cũng như song song với việc diễn tả đức tin chung với mọi anh chị em khác , cần diễn tả đức tin mình bằng lời lẽ, tâm tình, hành vi riêng, khiến đức tin mình có giá trị, chứ không chỉ là một đức tin a dua, phỏng theo, và mình làm vui lòng Chúa, khi diễn tả được với Ngài phần độc đáo thiết thân của mình. Đôi khi, lối sống đạo của người công giáo chúng ta còn nặng tính cách tập thể : chúng ta đọc kinh chung với nhau, chúng ta cùng tham dự các lễ nghi trong đạo, nhưng một cách thụ động. Đa số không có những hiểu biết sâu xa về giáo lý, không có những xác tín vững chắc của bản thân, không tự mình cầu nguyện riêng, gặp gỡ Chúa riêng, tâm sự với Chúa riêng. Vậy ơn đầu tiên ta xin cho mình hôm nay là tin nhận Chúa bằng một đức tin đích thân, có ý thức hơn.

 

n       ơn thứ hai ta xin là biết thể hiện đức tin ra trong cuộc sống, bằng cách trở thành những con người mới, có nếp sống được đức tin điều khiển. Vì đi tới được một đức tin vững vàng, có hiểu biết, có xác tín, có tính cách cá nhân, vẫn chưa quí  chưa cần cho bằng đạt tới một đức tin đổi thay cõi lòng và cách cư xử hằng ngày của ta. Đó mới thực sự là có niềm tin Phục sinh, là tin Đức  Kitô đã sống lại, và thực sự là hửong và thể hiện hiệu quả của mầu nhiệm Phục sinh. Đó cũng mới thực sự là có đủ điều kiện để trở thành những chứng nhân, những nhà truyền giáo và những kẻ chiến thắng thế gian.

 

n       Và cuối cùng, nhân năm thánh hoá gia đình, ta xin cho bậc phụ huynh ý thức bổn phận rất quan trọng của mình, đó là chính mình trở nên những kẻ có đức tin trước, tin nhận Chúa Phục sinh trước và diễn tả niềm tin đó của mình trong cuộc sống hằng ngày. Chỉ khi đó họ mới truyền đạt đức tin cho con cái mình được. Tất cả lối sống của họ và mỗi một hành vi của họ đều được con cái quan sát như những mẫu gương trước mắt chúng. Một hành vi có đức tin sẽ là một lời làm chứng về đức tin cho con cái. Một cách ứng xử theo đức tin, và vì mến Chúa Phục sinh sẽ là một bài giáo lý vừa dễ hiểu vừa thuyết phục đối với con cái. Ngược lại, con cái không hề thấy cha mẹ tỏ ra đã tin mầu nhiệm Chúa sống lại, không hề thấy cha mẹ tin có đời sau, tin có Nước Trời không hề thấy cha mẹ mộ mến ngày Chúa nhật, cũng sẽ là những người con chỉ có một đức tin lơ mơ và nông cạn, dễ biến mất theo cám dỗ của thế gian. Cha mẹ chắc chắn sẽ là người phải chịu trách nhiệm rất nặng nề về tình trạng đáng tiếc đó.

 

22,23/04/2003   


Về trang Mục Lục Trở Về Trang Nhà