GỢI Ý GIẢNG LỄ GIÁNG SINH

2005

 

I. LỄ ĐÊM

 

Khi vừa nghe bài Tin Mừng này, vừa liếc nhìn vào hang đá, chắc chắn nhiều người trong Đạo công giáo đều lập tức nhớ ngay một sự kiện quá quen thuộc đối với mình, lập tức gặp lại và sống lại cả một truyền thống lâu đời của Đạo. Sự kiện đó là : vào thời hoàng đế Augustô của đế quốc Rôma, cách đây 2000 năm, thánh Yuse và Đức Maria cùng mọi người trong đế quốc ấy , phải trở về quê quán mình, đăng ký nhân khẩu, nhưng do lượng người quá đông, hai ông bà không tìm được nơi trú ngụ, phải ra cánh đồng Bêlem, tìm đến một hang dành cho súc vật trú đêm, và Đức Maria đã sinh con ờ đó, phải đặt Hài Nhi mới sinh trong một cái máng đựng cỏ cho súc vật. Đó là một sự kiện dễ hiểu (vì các quán trọ ở Bêlem hôm ấy chật ních người, không còn chỗ, và có lẽ vì người ta thấy hai ông bà thuộc hạng nghèo khó, nên không chịu tiếp).

Đó cũng là một sự kiện có ý nghĩa tượng trưng, báo trước về cả cuộc sống sau này của Đức Yêsu : không quán trọ nào tiếp nhận báo trước sự kiện dân Israel sau này không tiếp nhận Đức Yêsu – việc Ngài chào đời trong cảnh ngèo khó báo trước cả cuộc đời nghèo khó, sống và rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó – việc Ngài chào đời giữa đêm khuya tượng trưng cho việc Ngài đến giữa thân phận đen tối của con người.

Nhưng hơn thế nữa, bài Tin Mừng và các bài đọc ta vừa nghe còn gợi đến những ý nghĩa rất sâu sắc

1.   Trước hết, Ngôi Lời trở thành người phàm, nghĩa là Thiên Chúa  không nói ra một lời giống như lời nói của con người , lời nói vô hình, vang lên bên tai, rồi tan biến, nhưng phán ra Lời trở thành phàm nhân, nên một với ta, hoà mình với ta và sẽ còn dấn thân đến cùng vì ta

2.   Rồi Ngôi Lời trở thành phàm nhân, nghĩa là từ nay một phàm nhân là chính Lời Thiên Chúa , từ nay chính Đức Yêsu sẽ là tất cả những gì Thiên Chúa  muốn nói với loài người , bởi vì như một số tác giả suy tư, Thiên Chúa  chỉ có một lời để nói, đó là Yêsu Kitô, Thiên Chúa  chỉ có một việc để làm, đó là Yêsu Kitô. Từ nay, mỗi một lời nói của Đức Yêsu sẽ là một lời nói của chính Thiên Chúa , và không chỉ lời Đức Yêsu nói mới là Lời Thiên Chúa , nhưng tất cả đời sống Đức Yêsu là Lời Thiên Chúa , từng việc Đức Yêsu làm, từng thái độ Đức Yêsu tỏ ta đều là Lời Thiên Chúa  ngỏ với loài người

3.   Và Lời Thiên Chúa  nói nơi Đức Yêsu là lời gì ? Đó sẽ là và chỉ là lời yêu thương, lời cứu độ, đó sẽ là và chỉ là Tin Mừng cho kiếp người chúng ta : nơi Đức Yêsu, Ngôi Lời làm người, Thiên Chúa  sẽ thổ lộ tất cả tâm sự sâu kín của Người, tâm sự đó là từ đời đời Thiên Chúa  chỉ sống để yêu thương chúng ta – nơi Đức Yêsu, Thiên Chúa  sẽ mạc khải tất cả cõi lòng của Người , đó là chỉ muốn chúng ta được hạnh phúc, đời đời hạnh phúc – nơi Đức Yêsu, Thiên Chúa  muốn công bố một Tin Mừng vĩ đại : đó là Người làm mọi sự để yêu thương ta, để cứu độ ta, để làm cho đời ta thành sáng tươi và phúc lạc. Điều Người làm cho ta chính là giải phóng ta khỏi quyền lực ma quỷ và sự chết, một việc còn vĩ đại và đáng mừng hơn gấp bội so với cuộc giải phóng dân Israel xưa khỏi những kẻ thù áp bức họ và ném những  chiếc giày lính lộp cộp, những áo choàng đẫm máu của chúng vào lửa. Việc Thiên Chúa  thay đổi số phận cho ta đáng vui và lạ lùng, khác nào đổi đêm đen Bêlem thành ngày rực sáng.

 

Vì thế,đêm nay người công giáo không chỉ nhìn vào hang đá và nhìn lên các đèn ngôi sao cho vui mắt, người công giáo cũng không chỉ sống lại một truyền thống có từ xa xưa, đã ăn sâu vào tâm thức, suy tư và đức tin mình, mà còn nhìn vào hang đá, đến quỳ trước hang đá, để chiêm ngắm Ngôi Lời là Con Một của Thiên Chúa , để lắng nghe sứ điệp từ Ngôi Lời đã trở thành người phàm và cư ngụ giữa nhân loại, để tràn trề hy vọng và hân hoan, vì  Con Thiên Chúa mà biêu tượng là Hài Nhi trong hang đá đây chính là bằng chứng tình yêu bằng xương bằng thịt của Thiên Chúa , chính là Tin Mừng vĩ đại, là Lời tâm sự, lời công bố đáng nghe nhất, đáng đón nhận nhất, bởi thực sự chỉ có Lời Yêsu mà Thiên Chúa  nói ra, mà Thiên Chúa  ban cho nhân loại, mới sâu xa thay đổi số phận con người, làm cho  thân phận ta đời đời sáng tươi và phúc lạc.

 

II. LỄ RẠNG ĐÔNG

 

1.   Trong lễ đêm, chúng ta nhìn vào hang đá, ngẫm nghĩ về sự chào đời của Chúa. về tư cách và cương vị của Chúa. Còn trong lễ sáng nay, đối chiếu mình với tình thương hải hà của Chúa, chúng ta nhìn vào chính mình, đi vào chiều sâu của điều mình nhận được từ màu nhiệm Nhập Thể. ôn lại diễm phúc của mình, niềm vui và tâm tình tạ ơn của mình

2.   Trong ánh sáng của màu nhiệm Nhập Thể, của tình thương chiếu cố của Thiên Chúa  đối với phận người , chúng ta ý thức mình là những con người nghèo hèn : những mục đồng xưa tượng trưng cho chính chúng ta – bản thân ta, nói như thánh Phaolô, dâu có làm được gì công chính để kể công với Chúa, để bắt Chúa phải yêu thương ta, ta được làm Kitô hữu, được biết Chúa chỉ là do lòng từ bi  lân tuất của Chúa. Người đã đi bước trước trong việc cứu độ ta và ban tràn đầy Thánh Thần cho ta, cũng như xưa, Người đã đi bước trước trong việc tha thứ cho Dân Chọn và cứu họ khỏi cảnh lưu đầy Babilon (bài đọc I)

3.   Và càng thấm thía về diễm phúc mình được, ta càng được mời gọi chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng cho những anh chị em chưa được biết Chúa : như các mục đồng được gặp Hài Nhi, chúng ta là những kẻ đã được gặp Chúa, được nghe nhiều về Tin Mừng của Chúa. Đến' lượt mình, ta lại ra đi như những sứ giả của Ngôi Lời nhập thể, để công bố cho muôn người biết về tình thương của Thiên Chúa , về vị trí tối thượng của Đức Kitô, Đấng cứu độ duy nhất.

4.   Trong năm sống Lời Chúa nay, hơn bao giờ hết, chúng ta nhìn vào gương Mẹ Maria, để suy đi nghĩ lại trong lòng, nghĩa là nghiền ngẫm dào sâu mọi Lời Kinh thánh mình nghe hay đọc – chúng ta cũng chuyên cần hơn mọi khi trong việc học hỏi Lời Chúa, tìm hiểu giáo lý, để gia tăng hành trang trên bước đường loan báo Tin Mừng cứu độ. Đó chính là cách mừng lễ Giáng sinh thiết thực nhất, là cách sống tinh thần Năm sống Lời Chúa tích cực nhất.

 

III. LỄ BAN NGÀY

 

Phụng vụ lễ này nói về địa vị tối cao của Đức Yêsu :

        - Ngài là Ngôi Lời hằng ở bên Thiên Chúa 

        - Ngài tác thành mọi sự

        - Ngài có sự sống và Ngài là sự sáng

        - Ngài mạc khải đầu đủ về Thiên Chúa  và cao vượt hơn cả các thiên thần

Ngài đến trần gian là một Tin Mừng vĩ đại

        - Isaia và Yoan làm chứng

        - mọi người cần biết, tin, đón nhận

Nhưng nhiều người lại khước từ, xót xa nhất là chính những người nhà của Ngài không muốn đón nhận Ngài. Họ dại khờ, để mất dịp may và diễm phúc.

 

Ngày nay, bao người quanh ta đang còn khước từ. Đau xót nhất là chính người công giáo đang khước từ : qua đức tin sa sút, nếp sống xoàng xĩnh. Họ giống những chi61c đèn tắt ngúm, không soi sáng được cho ai nữa, không cón làm chứng gì về Chúa nữa.

 

Lm. Antôn Trần thế Phiệt. 2005.


Về trang Mục Lục Trở Về Trang Nhà