GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM C

         Ít ngày sau khi báo trước về việc Ngài sẽ bị bắt, bị xử án bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại (Tin Mừng Mt nói là sau 6 ngày, Tin Mừng Mc sau 6 ngày, Tin Mừng Lc khoảng sau 8 ngày) biến cố Biến Hình đã xảy ra. Mục đích của biến cố này chắc hẳn là để an ủi các Tông đồ. Vì sau khi nghe Đức Giêsu báo về cuộc Khổ nạn, các ông đã hoang mang thắc mắc: phải chăng Thầy của mình chỉ có một quyền năng giới hạn, Thầy của mình không thể làm gì được các đối thủ là Biệt phái và hàng lãnh đạo Do Thái, nhất là các ông chỉ nghe thấy những chi tiết như Thầy của mình bị bắt, bị giết, mà không nhớ chi tiết Thầy sẽ sống lại. Đức Giêsu có ý dẫn ba Tông đồ đặc tuyển lên núi và biến hình trước mặt họ là để mạc khải tư cách thật cũng như thần tính của Ngài. Mặt Ngài bỗng đổi khác áo Ngài trở nên trắng tinh và chói lòa, những chi tiết này ám chỉ thần tính Ngài, ám chỉ rằng Ngài là người thuộc cõi trời, chứ không phải chỉ là một người thường như họ vẫn thấy hằng ngày. Bên cạnh Ngài, lại có ông Môsê và ông Êlia: ông Môsê, vị lãnh đạo ngày xưa của dân Do Thái, đại diện cho Lề luật, ông Êlia đại diện cho các ngôn sứ. Sự xuất hiện của hai ông bên cạnh Đức Giêsu gợi ý rằng Ngài là Đấng đến thực hiện những điều mà Lề luật và các ngôn sứ trong Cựu Ước báo trước. Hay nói cách khác, Đức Giêsu chính là Đấng Thiên sai đến từ Thiên Chúa, Ngài đến để thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, đó là làm ứng nghiệm mọi điều đã có trong Lề Luật và trong các lời báo trước của các ngôn sứ Cựu ước. Cuối cùng, khi chỉ còn một mình Ngài với ba Tông đồ, có tiếng của Đức Chúa Cha giới thiệu đây là Con Ta yêu dấu hãy vâng nghe lời Người. Chắc chắn những điều đó có sức làm yên lòng ba Tông đồ đang có mặt tại chỗ bên cạnh Đức Giêsu cũng như tất cả nhóm Tông đồ và những người có thiện cảm với Đức Giêsu.

         Có thể nói biến cố Biến hình này đã cho các Tông đồ biết con đường Đức Giêsu sắp đi là phải qua đau khổ mới đạt tới vinh quang Phục Sinh. Biến cố này còn khích lệ các tông đồ bằng một khía cạnh khác, khía cạnh của tình yêu hay tình mến. Thế mà đa số chúng ta đều biết trong tình yêu (tình yêu của hai người nam nữ, hay tình thương của các người mẹ đối với con cái của mình) thường có cái lạ đời hoặc cái nghịch lý là chính trong khi chịu cực nhọc, thậm chí phải hy sinh, chính khi phải đau khổ vì đối tượng mình thương mến, lại là khi người ta cảm thấy hạnh phúc, đến nỗi người ta quên hẳn những cực nhọc đau đớn, mà chỉ thấy niềm vui và hạnh phúc trong lòng. Nếu các Tông đồ đẩy xa suy nghĩ của mình thêm, các Ngài cũng có thể hiểu ra tâm tình sâu kín trong lòng Đức Giêsu: tuy Ngài biết mình ít lâu nữa sẽ đi vào cuộc Khổ nạn, tuy về phần xác thịt, Ngài đau đớn vì những chia lìa, những ớn sợ mình sắp phải trải qua, nhưng lòng Ngài không hề mải may cay đắng bật mãn, mà sâu xa ra, tâm hồn Ngài đang thực sự vui mừng sung sướng, vì được làm đẹp lòng Cha, vì được tỏ rõ tình mến và lòng hiếu thảo trọn vẹn của Ngài đối với cha của Ngài.

         Cũng như những người mẹ thức đêm thức hôm vất vả vì một đứa con nhỏ, hoặc phải hy sinh vì những đứa con đã khôn lớn, lúc nào cũng  không đau khổ cực lòng, trái lại luôn cảm thấy hạnh phúc, vì bao nhiêu vất vả hy sinh và từ bỏ của mình.

 Cũng thế trường hợp ông Tổ của dân Do Thái là Apbraham, khi được Thiên Chúa mời gọi đi theo người để trở nên Tổ phụ một đoàn dân đông như sao trên trời, và nhận lấy một vùng đất mênh mông làm sở hữu, và để được Thiên Chúa đưa vào giao ước của Người, ông đã sẵn sàng đáp lại tiếng Thiên Chúa và cảm thấy an vui, sẵn sàng phó thác đời mình một cách tuyệt đối cho Thiên Chúa, mặc dù ông phải chấp nhận việc phải rời bỏ thành ua là quê cha đất tổ của mình và phải giả từ một cuộc sống đang êm đềm, yên ẩm.

Vậy bước vào Mùa Chay Thánh, chúng ta xin Chúa giúp ta vững vàng trong Đức Tin, trung thành với giao ước mình đã ký kết với Thiên Chúa ngày lãnh bí tích Thánh tẩy, giúp mình sống theo gương thánh Phaolô và những người đạo đức trong Hội Thánh, chứ không mãi mê với những giá trị trần tục, không lấy cái bụng, tức là sự hưởng thụ làm Chúa của mình. Nhất là chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta lòng tín thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa như Apbraham ngày xưa, và lòng chí hiếu đối với Thiên Chúa như Đức Giêsu, Chúa của chúng ta.

         Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C