GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM C

    Người Do Thái luôn nhớ đến biến cố Xuất Hành ngày xưa và họ coi đó là dấu lạ hàng đầu trong lịch sử của Dân tộc họ. Từ đó về sau, mỗi lần có một nhân vật lạ xuất hiện, họ thường chờ nơi nhân vật đó một dấu lạ để so sánh nhân vật đó với ông Môsê, vị lãnh đạo ngày xưa của họ. Bởi đó, một hôm, khi Đức Giêsu đang giảng dạy, một người thuộc nhóm Biệt Phái tiến đến, đòi Ngài một dấu lạ. Theo Tin Mừng Matthêu (26,1), Đức Giêsu cho biết chẳng có dấu lạ nào ngoài dấu lạ Giona. Còn theo Tin Mừng Maccô và Tin Mừng Luca, hôm đó Ngài không thực hiện một dấu lạ nào cho họ. Sở dĩ thế, vì chính Ngài đang là dấu lạ cho thế hệ của họ rồi: họ hãy nhìn vào các phép lạ, hãy nghe những lời rao giảng của Ngài thì viết. Giống như ngôn sứ Giona ngày xưa, sau ba ngày nằm trong bụng cá, lại được cá nhả lên bờ để đi rao giảng cho dân thành Ninivê, kêu gọi ăn năn sám hối, để khỏi bị tru diệt, chính Ngài cũng sẽ nằm trong lòng đất và sẽ sống lại.

Sở dĩ Đức Giêsu không cho người thời Ngài một dấu lạ nào

+ trước hết, vì chính sự xuất hiện và đời sống của Ngài đã là một dấu lạ cho họ rồi. Cũng như ngôn sứ Giona đi khắp thành Ninivê, rao giảng sự sám hối, Đức Giêsu cũng đi từ miền này đến miền kia, loan báo Nước Trời đã đến và mời gọi người ta sám hối. Rồi cũng như Giona nằm trong bụng cá ba ngày ba đêm, rồi được cá nhả lên bờ, Đức Giêsu cũng sẽ nằm trong lòng đất và sẽ sống lại ngày thứ ba.

+ thứ hai, vì chính Ngài sắp thực hiện một dấu lạ vĩ đại, đó là chính Ngài Phục Sinh từ cõi chết. Cuộc Phục Sinh của Ngài còn lớn hơn cuộc giải phóng Dân Do Thái khỏi Babilon. Bởi vì giải phóng khỏi Babilon chỉ mới là cứu người Do Thái khỏi một đế quốc trần gian, đưa vào một đời sống mới, tự do và hạnh phúc thật, nhưng chỉ kéo dài một số năm, cho đến khi người ta qua đời. Cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu cũng vĩ đại hơn cuộc xuất hành khỏi Ai Cập ngày xưa, vì trong biến cố đó, Thiên Chúa chỉ mới giải cứu một nhóm dân ít ỏi, đưa vào sa mạc, dẫn về Đất Hứa, nhưng cuộc sống được giải phóng đó cũng không tồn tại lâu, vì cũng bị giới hạn bởi cái chết. Trong khi đó, khi phục sinh từ cõi chết, là Đức Giêsu tấn công vào chính quyền lực và vương quốc của ma quỷ, giải thoát chẳng những một nhóm người, mà toàn cả nhân loại, khỏi sự tội và sự chết trong tay ma quỷ, đưa nhân loại vào một đời sống kéo dài vô tận trong Nước Trời.

Cuộc Phục Sinh này của Đức Giêsu là biến cố vượt xa mọi biến cố trước và làm lu mờ mọi biến cố khác, như cuộc xuất hành khỏi ai cập hoặc cuộc giải phóng khỏi Babilon mà ta vừa nói đến. Cuộc Phục Sinh thật thích hợp với lời Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Isaia mời gọi: các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm những việc thuở trước. Đừng tiếc rẻ vì không còn được thấy cảnh binh đội Ai Cập bị chết trong Biển Đỏ, xác người và xác ngựa nổi lềnh bềnh trôi giạt vào bờ. Đừng tiếc rẻ vì chẳng bao giờ còn thấy cảnh một đoàn người đông đúc oai hùng ra khỏi Babilon, tiến về quê cũ, trong sự oai hùng, trong niềm hân hoan như trong một giấc mơ và trong niềmtự hào trước mặt những dân tộc khác đang nhìn họ.

+ và cuối cùng Đức Giêsu không cho một dấu lạ như họ xin, bởi vì sau cuộc Phục Sinh, Ngài sẽ còn thực hiện rất nhiều dấu lạ trong suốt giòng lịch sử nhân loại, qua việc thay đổi lòng người, xoay chiều đời sống nhiều cá nhân, ví dụ thánh Phaolô tông đồ và người phụ nữ ngoại tình.

Thánh Phaolô có thể nói không khác gì một sa mạc cằn cỗi, không một giọt nước, không một bụi cây, theo nghĩa là tâm hồn Ngài đầy tội lỗi, không có tâm tình hướng lên Thiên Chúa. Do lối sống bất chính, bịt mắt trước việc Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Giêsu Phục Sinh, thậm chí còn hăng say bắt bớ các tín hữu của Đấng Phục Sinh, thánh Phaolô đúng là một sa mạc khô cằn. Thế nhưng, bằng sự thay đổi lạ lùng mà Thiên Chúa thực hiện nơi Ngài, kể từ biến cố Ngài ngã ngựa trên đường Đa mát, thánh nhân đã trở thành một con người mới, coi mọi sự như rác, coi quá khứ của mình như vô bổ, để chỉ còn biết Đức Giêsu, chỉ còn hãnh diện vì được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và thông phần cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Người.

Cùng với dấu lạ Phaolô: Thiên Chúa còn thực hiện muôn vàn dấu lạ khác, tức là làm xuất  hiện những con người yếu đuối tội lỗi, nhưng biết thành tâm hoán cải, trở về với Người và nên con người mới. Bài Tin Mừng nói đến cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ ngoại tình mà đám đông dẫn đến với Ngài, chờ Ngài xét xử theo luật Môsê. Hôm đó, Đức Giêsu mời gọi họ nhìn vào chính tâm hồn và đời sống cá nhân của mình, khiến họ tự cảm thấy xấu hổ, vì thấy mình không tốt lành hơn chị phụ nữ và họ lẳng lặng bỏ đi. Cuối cùng, chỉ còn người phụ nữ và Đức Giêsu. Có Người nhìn ra đây là sự đối diện giữa sự khốn cùng do tội lỗi và sự xót thương. Chúng ta không biết sau khi được Đức Giêsu chạnh thương và không lên án, người phụ nữ này ra về có từ bỏ con đường tội lỗi và trở nên một con người đạo đức hay không. Chỉ biết rằng nếu người ấy thực tâm sám hối thì đó lại là một dấu lạ nữa mà Đức Giêsu thực hiện.

Chúng ta sắp đi đến Tuần Thánh, đó là tuần Thiên Chúa Thực hiện cuộc vượt qua mới. Xin Chúa giúp mọi người chúng ta biết trở về với Người. Để trở thành kẻ có mặt trong đoàn người hân hoan bước ra khỏi cảnh lưu đầy là tội lỗi và sự chết, hiên ngang tiến về miền đất của Sự Sống, an bình hạnh phúc, và để trở thành những dấu lạ của Thiên Chúa giữa nhân loại hôm nay.

Lm. Antôn Trần Thế Phiệt DCCT

 

 

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ C