Lễ Nửa Đêm 2018

 

Bối cảnh ngày Con Thiên Chúa làm người gắn liền với mọi biến cố cứu độ trong giòng lịch sử khiến chúng ta cần phải suy nghĩ về chính bản thân và gia đình cũng như xã hội chúng ta.

Từ Abraham cho đến Chúa Giêsu, qua thời đại các tổ phụ, các tiên tri, và ngay cả vua Đavid và dòng dõi ông, ơn cứu độ đến với mỗi cá nhân hay một gia tộc, một vương quốc đều xảy ra trong một bối cảnh được Isaia loan báo, họ như một “Dân tộc bước đi trong u tối” với những “cái ách nặng nề”, những “cái gông nằm trên vai nó” thậm chí còn là với những “chiếc áo nhuộm thắm máu đào” bởi những “kẻ áp bức”. Chính ngày Con Thiên Chúa làm người cũng là những ngày dân Israel phải sống dưới ách nô lệ của “hoàng đế Cêsarê Augustô”. Điều đáng nói và suy nghĩ là chỉ những con người đang gặp những hoàn cảnh khó khăn cách này hay cách khác : như Abraham son sẻ, như Giacob phải trốn tránh sự báo oán của anh mình là Esau, như Môsê sinh ra đã bị buông sông và cả một cuộc đời phải chống lại vua quan Ai Cập, như Giuse và Maria nghèo khó đến nỗi “ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán”. Các ngài đều phải sống trong một xã hội như Phaolô mô tả là “gian tà và những dục vọng trần tục”. Chỉ những người như thế mới được Thiên Chúa tuyển chọn và cho tham dự vào công cuộc cứu độ, và vì họ đã DÁM TIN VÀ ĐẶT CƯỢC CẢ CUỘC ĐỜI MÌNH vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Đó chẳng phải là điều an ủi và hy vọng cho các gia đình đang gặp hoàn cảnh khó khăn hay sao. Phải nói rằng Lễ Giáng Sinh là lễ dành cho các gia đình ấy trước hết.

Nhưng bối cảnh ngày Con Thiên Chúa làm người cũng nói lên một điều đau đớn và cũng là điều luôn thấy lặp đi lặp lại trong giòng lịch sử : Con Thiên Chúa và Ơn Cứu Độ “không tìm được chỗ trong hàng quán” của loài người, dù chỉ là một hàng quán tồi tàn nhất cũng không. Chúng ta đừng vội nghĩ đến những cơ chế chính trị, kinh tế, xã hội vô tôn giáo hay chống đối tôn giáo, nhưng chỉ cần nghĩ đến chính bản thân, gia đình, và các cộng đoàn kitô hữu chúng ta liệu còn mấy ai dành cho Con Thiên Chúa một chỗ trọ? Không những thế mà trong chúng ta cũng còn có những ý đồ muốn bứng chỗ của Con Thiên Chúa làm người để dành chỗ cho những tượng đài Babel thời đại. Cách giản đơn hơn cả, thử hỏi còn mấy gia đình có chỗ cho HANG ĐÁ MÙA GIÁNG SINH, trong khi họ có rất nhiều chỗ cho kho lẫm vật chất. Và như thế hôm nay Con Thiên Chúa vẫn phải sinh ra ngoài cánh đồng giá rét.

Bối cảnh ngày Giáng Sinh dù vậy vẫn không cản bước Con Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta. Isaia đã loan báo “Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết”, hay như thánh Phaolô đã rao giảng không mệt mỏi rằng “Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác”, cũng như cách đây hơn 2000 năm, trước hết là cho các trẻ mục đồng, những trẻ đã bị loại trừ khỏi mọi cộng đoàn tôn giáo và xã hội mà “Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho (họ) trong thành của Đavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”. Điều kỳ diệu là “bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa” bởi vì như Isaia đã viết chính là do “Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó”.

Vì thế, các gia đình hay cá nhân đang sống trong hoàn cảnh khó khăn hãy bắt chước các mục đồng mà “hối hả tới nơi để gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ”, đến mà xem và để “hiểu ngay lời đã báo về Hài Nhi này”, nhờ đó như các trẻ mục đồng, chúng ta sẽ có thể “tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy”, và chắc chắn chúng ta sẽ được như Phaolô đã nói “chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.”.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ C