BÍ TÍCH THÁNH THỂ LÀ MẦU NHIỆM TÌNH YÊU

Anh chị em thân mến, khi chúng ta cử hành Thánh Lễ (Bí Tích Thánh Thể) là chúng ta cử hành MẦU NHIỆM TÌNH YÊU SÂU THẲM NHẤT CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ CHÚA CHÚNG TA. Vì vậy, trong khung cảnh lắng đọng và vô cùng thánh thiện của Thánh Lễ Tiệc Ly chiều hôm nay, chúng ta hãy dành ra ít phút để cùng nhau suy gẫm về mầu nhiệm cao cả mà Chúa Giêsu Chúa chúng ta đã cử hành năm xưa với ba khía cạnh gắn chặt với nhau:

1.        Cử hành Bí tích Thánh Thể là cử hành mầu nhiệm tình yêu vượt qua của Chúa.

2.        Cử hành Bí tích Thánh Thể là cử hành mầu nhiệm tình yêu tự hiến của Chúa.

3.        Cử hành Bí tích Thánh Thể là cử hành mầu nhiệm hiệp thông trong tình yêu của Chúa.

 

Trước hết, Cử hành Bí tích Thánh Thể là cử hành mầu nhiệm tình yêu vượt qua của Chúa.

Khi nói đến Mầu nhiệm vượt qua, Kinh Thánh Cựu Ước cho chúng ta biết, trong đêm vượt qua của Dân Dothái (biến cố dân Dothái được Thiên Chúa cứu thoát khỏi ách nô lệ Aicập), Thiên Thần đã vượt qua cửa nhà của những người có bôi máu chiên vượt qua, và việc vượt qua như vậy là dấu chỉ Thiên Chúa tha phạt cho những người có ăn chiên vượt qua. Đó là một sự kiện mà lời Kinh Thánh dạy phải tưởng niệm, phải nhắc lại cho Dân Chúa hằng năm.

Còn khía cạnh thứ hai mà mầu nhiệm vượt qua còn nói tới đó là việc dân Chúa vượt qua biển đỏ mà đi vào đất hứa. Thiên Chúa đã dùng quyền năng của Ngài mà cứu thoát đoàn dân mà Ngài đã cho thoát khỏi ách nô lệ Aicập. Thiên Chúa đã dẫn đưa họ đi giữa lòng biển khô cạn…

Nhưng quan trọng hơn là điều nói tới trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là cử hành việc Chúa Giêsu rời bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha. Chúa Giêsu Vượt qua khỏi thế gian này mà về cùng Thiên Chúa. Nói cách khác, đó là việc cử hành sự chếtsự sống lại của Chúa. Chúa chết, là Chúa ra đi. Việc Chúa ra đi đó là để đi về cùng Thiên Chúa là Cha của Ngài, là cội nguồn của lịch sử và là mục đích cuối cùng của lịch sử vũ trụ và nhân loại. Ngài về cùng Thiên Chúa là để Ngài dọn đường cho chúng ta, để rồi hằng ngày khi chúng ta cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu, là mỗi lần chúng ta chuẩn bị gần hơn nữa cho việc vượt qua một cách trọn vẹn của mỗi người, để cùng với Chúa Giêsu về với Thiên Chúa là Cha.

Khi nói đến mầu nhiệm vượt qua, thì điều hết sức quan trọng cần nhấn mạnh đó là tình yêu vượt qua. Tình yêu trong chính lòng của Chúa Kitô Vượt Qua. Thánh Thần Vượt qua. Chính nhờ Thần Khí đó mà Chúa Giêsu vượt qua thế gian này mà về cùng Thiên Chúa. Chúa đã chết và Chúa đã trỗi dậy để Chúa về cùng Thiên Chúa là Cha của Ngài. Và khi nói đến tình yêu vượt qua và Thánh Thần vượt qua, muốn ứng dụng cho đời sống của chúng ta đó là: chúng ta cần có tình yêu vượt qua và Thánh Thần vượt qua của Chúa Giêsu, để chúng ta vượt qua được con người cũ của chúng ta, chúng ta mới vượt qua được cái thế gian ở trong lòng chúng ta. Có thể nói việc vượt qua chính mình là điều rất nặng nề và rất khó khăn để mà vượt qua. Nếu không có Thánh Thần của Chúa Giêsu vượt qua giúp sức, thì làm thế nào chúng ta có thể vượt qua với Chúa được.

Vì vậy, mỗi ngày chúng ta cử hành mầu nhiệm vượt qua là chúng ta cùng vượt qua với Chúa Giêsu “cùng chết với Chúa và cùng sống lại với Ngài”

 

Thứ đến, Cử hành Bí tích Thánh Thể là cử hành mầu nhiệm tình yêu tự hiến của Chúa.

Khi chúng ta cử hành Thánh Thể là cử hành tình yêu tự hiến, như Lời Chúa trong Tin Mừng Gioan nói đến “GIỜ VƯỢT QUA” của Chúa Giêsu “Chúa Giêsu yêu thương các môn đệ còn ở thế gian và Ngài yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1), và chính vì yêu thương họ đến cùng, cho nên Ngài sẵn sàng tự hiến sự sống của mình cho họ. Và trong thư 1 Corintô tường thuật việc Chúa Giêsu lập Bí Tích thánh thể “Hãy nhận lấy mà ăn, vì này là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (1Cr 11, 23-24). Trước khi tự hiến vì anh em, thì mầu nhiệm tự hiến này có một chiều cao đó là tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Thiên Chúa Cha. Ngài tự hiến mình cho Thiên Chúa Cha. Cho nên Bí tích Thánh Thể là hy tế là như vậy, Chúa Giêsu vì yêu thương Chúa Cha cho đến cùng, cho nên Ngài sẵn sành hiến dâng mạng sống mình cho Thiên Chúa và cho chúng ta, Ngài chết để cho chúng ta được sống. Ngài trở thành lương thực, trở thành của ăn “hãy cầm lấy mà ăn”. Ngài tự hiến mình cho chúng ta.

Vậy, Khi suy nghĩ đến điều này, ta cũng suy nghĩ đến tình yêu tự hiến trong lòng của Chúa, nhờ Thần Khí hằng có mà Ngài tự hiến mình làm lễ hy sinh vô tỳ tích cho chúng ta, thì chúng ta cũng cần phải có Thần Khí hằng có này, để ta có thể dâng hiến chính cuộc đời của mình cho Thiên Chúa và cho anh em mình được. Bằng không thì vô phương, không cách nào làm cho chúng ta có thể dâng mạng sống mình, và không cách nào chúng ta có thể hiến tặng mạng sống mình cho người khác được.

Cuối cùng, Cử hành Bí tích Thánh Thể là cử hành mầu nhiệm hiệp thông trong tình yêu của Chúa.

Chúa Giêsu vượt qua thế gian để trở về với Chúa Cha cũng là để nên một với Chúa Cha. Chúa Giêsu dâng hiến mạng sống mình cho Chúa Cha và ban sự sống mình cho chúng ta, cũng là để nên một với Chúa Cha và nên một với chúng ta, cho nên sự thông phần rất là quan trọng. Đặc biệt khi nói tới Bí Tích Thánh thể thì chúng ta nói tới “chén cứu độ” nhưng đồng thời cũng là chén hiệp thông, nơi đó chúng ta được nên một nhờ chia sẻ chén của Chúa Giêsu mà được nên một với Ngài, và đồng thời cũng được nên một với Chúa Cha trên trời. Chúng ta được hiệp thông với nhau và hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa. Hiệp thông với nhau trong lòng Ba Ngôi Thiên Chúa. Cho nên sự hiệp thông là hết sức là quan trọng. Có thể nói sự hiệp thông là cội nguồn và là mục đích cuối cùng. Chính sự hiệp thông trong tình yêu Ba Ngôi là cội nguồn của tình yêu cứu độ. Và chính tình yêu Ba Ngôi cũng là quê hương cuối cùng, nơi chúng ta được hiệp thông với nhau cách trọn vẹn và được hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Để diễn tả điều đó, Chúa Giêsu thực hiện một cử chỉ rất đơn giản đó là cử chỉ rửa chân cho các môn đệ. Cử chỉ rửa chân bao hàm một khía cạnh phục vụ. Chúa Giêsu hạ mình để phục vụ, để trở thành tôi tớ. Thế nhưng đôi khi chính khía cạnh phục vụ này lại làm cho chúng ta ái ngại. Trước hết, chúng ta giống như Phêrô, chúng ta sợ Chúa rửa chân cho chúng ta, để rồi chúng ta lại phải bắt chước Chúa. Vậy Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay mời gọi chúng ta đừng có sợ để cho Chúa phục vụ mình. Chúa sẵn sàng phục vụ chúng ta. Chúa phục vụ Hội Thánh. Chúa phục vụ nhân loại “Thầy đến không phải là được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Kế đến, nếu mà chúng ta không sợ Chúa phục vụ chúng ta thì chúng ta cũng sẵn sàng phục vụ tha nhân như việc thông phần vào sự phục vụ của Chúa “nếu con không để Thầy rửa chân cho con thì con sẽ không được thông phần với Thầy”.

Giờ đây, khi hiệp thông với hiến tế tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu trên bàn thờ này, xin cho mỗi người chúng ta được đi sâu hơn nữa vào tình yêu sâu thẳm nhất của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, ngõ hầu chúng ta được gia tăng thêm sức mạnh và nghị lực cho việc sống và thực thi điều Chúa muốn “các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”(Ga 13,15).

 

Linh mục Giuse Phạm Sơn Lâm

Nhà thờ Chúa Kitô Vua, Lộc Phát, Bảo Lộc.

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ C