CHÚA NHẬT 18 TN 2019

Thoạt nghe Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay, có lẽ mọi người đều thấy điều gì đó không thuận lỗ tai của mình : nào là “Ích gì cho người bởi mọi việc mình làm” nào là “đừng nghĩ đến những sự dưới đất” hay như chính Lời của Chúa Giêsu “chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”, những lời khó nghe và khó chấp nhận. Nhưng xin anh chị em hãy bình tĩnh để nghe những điều mà Lời Chúa chất vấn chúng ta :  

Trước hết tác giả sách Giảng viên hỏi chúng ta khi một người “làm việc vất vả trong sự khôn ngoan, hiểu biết và lo lắng, rồi phải để sự nghiệp lại cho người ở nhưng không” hay khi phải “Suốt ngày … đầy sự đau khổ gian truân, và ban đêm lại không được yên lòng” thì sự vất vả của họ có ý nghĩa hay “chẳng phải là hư không sao”?. Đấy chẳng là một thực tế đang xẩy ra trong mỗi gia đình và trong xã hội hôm nay. Tôi được biết nhiều hoàn cảnh gia đình ở mọi tầng lớp : giàu sang có, quyền lực có, trung lưu có, nghèo có, trong đó các bậc cha mẹ hết sức vất vả, nhưng sự nghiệp và tiền bạc họ tích lũy được đều bị những đứa con ăn không ngồi rồi tiêu tán…rơi vào hoàn cảnh vỡ nợ… biết bao cha mẹ trong chúng ta lại đã chẳng rơi vào hoàn cảnh “ban đêm không được yên lòng” trằn trọc đau khổ vì con.

Còn Chúa Giêsu cho rằng có thể chúng ta rất thành công trở thành những người phú hộ trong làng trong xóm, nhà cửa như những biệt thự nhiều tỷ, và các phương tiện sống đáng mọi người thèm khát, nhưng dù vậy Ngài hỏi chúng ta nếu “đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?”. Trong khi đó biết bao cái chết gọi là bất đắc kỳ tử. Nội mấy tháng đầu năm đã có trên 4000 người chết vì tai nạn giao thông, rồi biết bao cái chết do đột quỵ… Có lẽ chúng ta cũng trả lời thay cho họ: thì của cải để lại cho con cháu chứ cho ai. Nhưng có một câu chuyện trong lịch sử triều Hán nói rằng có một vị quan rất giàu sang quyền quý nhưng mặt lại luôn có nét ủ rũ. Ngày kia vị quan gặp một lão nông hỏi ông “Ngài đã giàu có như thế, tiền của mấy đời con cháu cũng tiêu không hết, sao ngài còn phải thở dài?”. Ông quan trả lời “Ta quan sát và đoán biết được, thế hệ sau trong gia tộc nhà ta, từ nhỏ chúng đã được hậu đãi nên từ nhỏ chúng cũng đã tùy tiện làm xằng bậy, dưỡng thành thói quen hưởng thụ. Hai đời sau này việc gì cũng không làm, chúng cảm thấy hết thảy những gì chúng đang hưởng đều là những thứ nên được. Loại nhận thức ấy, sớm hay muộn cũng dẫn đến vong bại thôi.” Vì thế dân gian thường nói “giàu không thể quá ba đời”. Vì thế mà Chúa Giêsu mới nói đời sống không được của cải bảo đảm cho đâu, và Thiên Chúa không phải là người làm quan xét hay là người chia gia tài cho mỗi người.

Vậy thì Thiên Chúa chia cho mỗi người điều gì?

Thánh Phaolô nói Thiên Chúa ban cho mỗi người “sự sống được ẩn giấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa” đó là sự sống của “người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của Đấng đã tạo thành nó”, chính là con người theo Hình Ảnh của Đức Kitô : con người sống “bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” : YÊU THƯƠNG, THA THỨ VÀ KIẾN TẠO BÌNH AN, con người trở nên TẤM BÁNH BỊ BẺ RA CHO NƯỚC THIÊN CHÚA được mở ra nơi mọi tâm hồn. Đó mới là cuộc sống đem lại vinh quang bất diệt.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên

 

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ C