CHÚA NHẬT 21 TN 2019

 

Lời Chúa chúng ta vừa nghe đòi hỏi chúng ta phải nghiệm xem ai thuộc về Dân Chúa và được chung hưởng vinh quang của Đức Kitô ?

Tiên tri Isaia báo trước rằng “Ta đã biết các việc làm và tư tưởng của chúng; Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ”, từ đó chúng ta cần hiểu rằng người thuộc về Dân Chúa là người trước tiên phải được Thiên Chúa đích thân triệu tập. Người triệu tập để “chúng sẽ đến và nhìn thấy vinh quang của Ta”. Ngày hôm nay Chúa đã kêu mời anh chị em qua bí tích Rửa Tội để anh chị em chiêm ngưỡng điều gì đang hiện diện trong Bí Tích này. Anh chị em đã được Thiên Chúa triệu tập, nhưng anh chị em dường như quên mục đích Chúa đã đưa anh chị em đến. Nào mấy ai trong chúng ta có thể nói rằng mình đã thấy gì trong Bí Tích này. Lẽ ra chúng ta phải thấy mỗi ngày biết bao người trong đó có cả chúng ta điều mà thánh Phaolô từng nói “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.” Có lẽ chúng ta cũng chì nói được như trong dụ ngôn Tin Mừng rằng “Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi” vì quả thật chúng ta vẫn nghe lời giảng dạy, vẫn tham dự các nghi thức phụng vụ chúa nhật và còn giữ bao lề luật. Nhưng dẫu vậy Chúa vẫn nói thẳng “'Ta không biết các ngươi từ đâu tới”. Lý do đơn giản chúng ta hằng ngày vẫn chưa muốn “được dìm vào trong cái chết của Người… được mai táng với Người”, là điều mà chính Chúa gọi là “cửa hẹp”.

Cửa hẹp chính là điều mà thư Do Thái nói đó là “việc Chúa sửa dạy… Chúa đánh đòn” mục đích để chúng ta được là con cái Người vì “ngay cả Người Con Một Chúa cũng không buông tha”. Cái chết của Đức Giêsu chính là LỬA TÌNH YÊU đến cùng của Chúa Cha nhằm tỏ vinh quang Người để cho nhiều người được sống. Dù là những người đã được Chúa quy tụ trong bí tích rửa tội, nhưng chúng ta luôn thường “nản chí” trước muôn vàn khó khăn của cuộc sống. Chúng ta cũng chạy đến để nài xin Lòng Thương Xót Chúa làm dấu lạ để chúng ta thoát khỏi những khó khăn cùng cực. Quả thật như Isaia đã loan báo “Ta sẽ đặt nơi chúng một dấu lạ”, nhưng Chúa Giêsu lại nói “Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy”. Dấu lạ đó đã xảy ra ngay trong chính bí tích rửa tội : đó là sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, và giờ đây vẫn còn tiếp tục xảy ra trên bàn thờ này mỗi ngày, để chúng ta được như thánh Phaolô nói “được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người.”, nhưng còn mấy ai dám tin điều cao cả đó, vì đây là “cửa hẹp”. Trong ít ngày qua người ta tung lên mạng cảnh đầy kín GĐTM khi còn cha Long và cảnh trống trơn GĐTM khi cha Long đã ra đi cũng chỉ nói lên điều ấy. Tuy rằng hôm nay thế giới có trên 2 tỷ người đã nói mình là Kitô hữu nhưng những người sẵn lòng đi vào cửa hẹp là đường Thánh Giá của Tình Yêu Chúa đang mời gọi họ, mấy ai chấp nhận dìm mình vào sự chết của Người để được sống lại trong đời sống mới của Người? Đúng như thư Do Thái nhận định “Ngày nay, hẳn ai cũng coi việc sửa dạy là nỗi buồn khổ, hơn là nguồn vui” và chẳng dám tin rằng “nó sẽ mang lại hoa quả bình an công chính cho những ai được sửa dạy”.

Cũng không thiếu các mục tử chỉ nhằm nói những lời an ủi, và dùng mọi cách hứa hẹn nhằm lôi kéo người ta, nhưng lời an ủi duy nhất lẽ ra phải nói như thư Do Thái “Hỡi con, con chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy, và đừng nản chí khi Người quở trách con” thì lại tránh né. Lời ấy là cửa hẹp thì còn mấy ai đến nghe.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho chúng ta, cho các mục tử của chúng ta được “bền chí” để “nâng đỡ những bàn tay bủn rủn và những đầu gối rụng rời” bằng chính NIỀM TIN của mình rằng “Thiên Chúa xử sự với chúng ta như con cái” Người yêu mến.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ C